* TS. TÔ VĂN TRƯỜNG
Công luận vừa qua, xôn xao chuyện Đà Nẵng dọa kiện Bộ Tài Nguyên & Môi trường về quy trình vận hành liên hồ chứa A Vương, Đắk Mi 4 và sông Tranh 2 trên lưu vực sông Vu Gia- Thu Bồn, đặc biệt là vấn đề xả nước của thủy điện Đắk Mi 4.
Chia sẻ, cảm thông với Đà Nẵng vì nếu không có ý kiến sớm người ta ký rồi thì thành ra “mất bò mới lo làm chuồng” nhưng đây mới chỉ là dự thảo mà Bộ TNMT là cơ quan tham mưu và nếu có kiện thì phải chờ kiện người ký quyết định ban hành là Thủ tướng. Tuy vậy, Bộ TNMT cũng phải làm tròn trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước, không được đùn đẩy đá “quả bóng” lên Thủ tướng. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường gặp cụm từ " theo quy trình" bản thân nó đã hàm chứa bao quy định thành văn và bất thành văn, thậm chí chỉ là chỉ đạo của một vài " yếu nhân" nào đó. Xã hội cần một sự minh bạch và công khai giải trình trách nhiệm với những "theo đúng quy trình " này.
Chúng ta đã hội nhập thì hãy theo những quy trình mà thế giới văn minh đang tuân thủ nghiêm túc và hãy bỏ dần những quy trình mang đậm nét " lệ làng" đi. Xét cho đến cùng thì cái mà chúng ta thiếu chính là yếu tố thể chế hay " quy trình xây dựng và thực hiện các quy trình " là một dạng tiêu chuẩn ISO xã hội.
Đối với lĩnh vực kỹ thuật, việc xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa liên quan đến bài toán lũ lụt và hạn hán để tránh hậu quả “nhân tai” chồng lên thiên tai thì cũng phải tuân theo yêu cầu nói trên.
Xuất xứ
Khi tiến hành xây dựng các công trình thủy điện , Bộ Công thương phải dựa trên quy hoạch và trên cơ sở đã tham vấn xin ý kiến các bộ ngành và địa phương liên quan. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc xây dựng Quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông, Bộ TNMT đã chủ trì xây dựng Quy trình vận hành liên hồ chứa các hồ A Vương, Đắk Mi 4 và Sông Tranh 2 trong mùa lũ hàng năm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1880/QĐ-TTg ngày 13 tháng 10 năm 2010.
Trên cơ sở kế thừa và đã có điều chỉnh một số nội dung quy định vận hành liên hồ chứa các hồ A Vương, Đắk Mi 4 và Sông Tranh 2 trong mùa lũ hàng năm và kết quả xây dựng các nội dung vận hành các hồ chứa trong mùa cạn, Bộ TNMT đã biên tập thành dự thảo Quy trình vận hành liên hồ chứa các hồ A Vương, Đắk Mi 4 và Sông Tranh 2 (bao gồm cả mùa lũ và mùa cạn) trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn.
Quan điểm của hai phía
Bộ TNMT dựa trên phân tích liệt tài liệu về tổng lượng dòng chảy mùa cạn thuộc lưu vực Vu Gia - Thu Bồn từ năm 1978 – 2011, khi tiến hành lập quy trình vận hành đã nghiên cứu, phân tích các đặc điểm cụ thể của lưu vực, cân nhắc ưu tiên nhiệm vụ bảo đảm cấp nước cho hạ du trên nhiệm vụ phát điện. Tổng lượng nước trên sông Vu Gia đến Ái Nghĩa không chỉ có hồ Đắk Mi 4 mà còn có hồ A Vương, sông Côn 2 và trong tương lai còn có hồ Sông Bung 4, 5, 6 trên dòng sông Bung. Trong khi tổng lượng nước đến hồ Đắk Mi 4 chỉ chiếm khoảng 26,5 % so với tổng lượng nước sông Vu Gia đến Ái Nghĩa.
Theo đề xuất trong quy trình vận hành mực nước thấp nhất cần được duy trì thường xuyên tại Trạm Thủy văn Ái Nghĩa là 2,53 m, và với mực nước khống chế này thì thủy điện Đắk Mi 4 bị thiệt hại do xả nước về sông Vu Gia trong mùa cạn dao động từ khoảng 55 triệu KWh (chiếm 6,6% so với tổng sản lượng điện hằng năm) đến tối đa khoảng 144,6 triệu KWh (chiếm 17,3%), tương ứng khoảng 55 tỉ đến 145 tỉ đồng vv...
Đà Nẵng là nơi nằm ở hạ du, chịu nhiều tác động của các công trình thủy điện phía thượng lưu nên phản ứng của Đà Nẵng là điều dễ hiểu. Việc khống chế mực nước tại Ái Nghĩa ở mức 2,53 m có nghĩa là gần như Đắk Mi 4 sẽ không xả trả nước lại cho sông Vu Gia , ngoại trừ 5 m3/s để duy trì dòng chảy trên đoạn sông “chết” từ Đắk Mi 4 đến Bến Giằng (tỉnh Quảng Nam). Điều này là ngược với ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Đắk Mi 4 phải trả lại nước sông Vu Gia 25 m3/s vv…
Lỗ hổng
Bức xúc của Đà Nẵng là chính đáng nhưng có thể chưa được đầu tư nghiên cứu sâu nên những lập luận, lý lẽ đưa ra vẫn còn nhiều hạn chế. Về khía cạnh chuyên môn, chúng tôi nhận thấy có một số mặt tồn tại như sau:
Thứ tự xây dựng các công trình thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia Thu Bồn chưa tôn trọng quy hoạch sử dụng tổng hợp nguồn nước của lưu vực sông, trên cơ sở phân tích khách quan yêu cầu sử dụng nước của các ngành và khả năng có thể đáp ứng được đến đâu? Dựa vào quy hoạch sử dụng tổng hợp nguồn nước của lưu vực sông, các ngành mới làm quy hoạch nước cho ngành mình, nhưng lâu nay, ở ta do yếu kém của quy hoạch lưu vực sông nên vẫn “mạnh ai, lấy làm” sử dụng nước riêng cho ngành mình, hậu quả xẩy ra có những lợi ích cục bộ, tranh chấp cũng không có gì lạ!
Việc chuyển nước lưu vực là một vấn đề hết sức phức tạp, trước đây ít được coi trọng cho đến khi có luật tài nguyên nước. Tuy nhiên, mặc dù đã có luật tài nguyên nước nhưng khi đồng ý cho phép thủy điện Đắk Mi 4 được xây dựng các nhà quản lý vẫn chưa quan tâm đến 40 km hạ lưu thủy điện Đắk Mi 4 bị cạn kiệt, không đáp ứng được yêu cầu của dòng chảy tối thiểu.
Việc phân lưu về sông Thu Bồn qua sông Quảng Huế, trước đây chỉ khoảng hơn 20% lượng nước sông Vu Gia vào mùa kiệt nhưng nay, sau một số biến đổi lòng dẫn do lũ lụt, đặc biệt là sau khi nạo vét sông Quảng Huế (Viện Khoa học Thủy lợi VN thực hiện năm 2008) lượng nước chuyển qua Quảng Huế khoảng 40% (tùy theo cao độ mực nước) đã gây ảnh hưởng đến hạ du sông Vu Gia.
Trong quy trình vận hành liên hồ chứa có nêu 3 trường hợp (i) Khi mực nước tại trạm thủy văn Ái Nghĩa nhỏ hơn 2,53m là giá trị mực nước trung bình 1 tháng nhỏ nhất (ii) Khi mực nước tại trạm thủy văn Ái Nghĩa trong khoảng từ 2,53 đến 2,67 m và (iii) Khi mực nước tại trạm thủy văn Ái Nghĩa lớn hơn 2,67 m (giá trị mực nước trung bình 3 tháng nhỏ nhất), chủ hồ căn cứ vào mực nước hồ và lưu lượng đến hồ để quyết định vận hành xả về sông Vu Gia.
Lập luận lấy “ giá trị mực nước trung bình 1 tháng nhỏ nhất “ tại Ái Nghĩa làm mục tiêu vận hành của chuỗi 33 năm từ năm 1976 đến 2008 để cấp nước là không chính xác cả về lý thuyết lẫn thực tế.
Trong giải trình của Bộ TNMT có nêu “Tổng lượng nước yêu cầu phục vụ cho các ngành kinh tế, sinh hoạt, dịch vụ, môi trường… trong mùa cạn ở lưu vực Vu Gia - Thu Bồn trong khoảng 2.132 triệu m3. Với quy định như dự thảo Quy trình, qua tính toán việc vận hành các hồ chứa đã đảm bảo nhu cầu dùng nước cho hạ du sông Vu Gia ngay cả trong những năm ít nước trong mùa cạn 1990, 2005 có tần suất xấp xỉ 85%. Xin lưu ý mức bảo đảm 85% là thấp, hiện nay cấp nước cho nông nghiệp đã là 85%, cho dân sinh, cho công nghiệp và môi trường phải bảo đảm cao hơn.
Cần xem xét bổ sung các chỉ tiêu khống chế về lưu lượng, bên cạnh chỉ tiêu mực nước. Vì trên thực tế cho thấy vào mùa kiệt nguồn nước của nhà máy nước Cầu Đỏ những năm gần đây thường xuyên bị nhiễm mặn, một phần cũng là do dòng chảy trên sông không đủ để đẩy mặn. Việc này càng khẳng định vấn đề không thể chỉ sử dụng tiêu chí mực nước để đảm bảo cấp nước cho vùng hạ du sông Vu Gia được, đặc biệt là những năm gần đây địa hình lòng sông cũng có nhiều thay đổi. Vấn đề này cần phải được nghiên cứu kỹ hơn và có luận cứ khoa học rõ ràng hơn.
Quy trình vận hành cần phải được phản biện kỹ hơn nữa để tránh sai sót. Đặc biệt cần phải tính toán mô phỏng dòng chảy trên toàn bộ hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn với các kịch bản các công trình thượng nguồn được vận hành theo Quy trình bằng những mô hình toán hiện đại để phát hiện ra những khiếm khuyết của Quy trình trước khi đưa vào áp dụng. Và điều này hoàn toàn nằm trong quyền chủ động của tất cả các bên liên quan vv...
Kiện ai?
Bộ TNMT có chức năng nhiệm vụ quản lý tài nguyên nước nhưng thiếu nguồn nhân lực chuyên sâu, do hầu hết vẫn ở ngành thủy lợi thuộc Bộ Nông nghiệp & PTNT nên công tác quy hoạch lưu vực sông luôn đi sau quy hoạch các ngành dùng nước. Đó là hậu quả của “bài toán ngược” trong công tác tổ chức.
Khi con người tác động vào tự nhiên bao giờ cũng có được và mất, do đó phải làm sao cho cái được là lớn nhất, cái mất là ít nhất và có chính sách, cơ chế và biện pháp bù lỗ cho những nơi bị thiệt hại. Bộ TNMT cần cập nhật các tài liệu cơ bản mới về kinh tế xã hội kể cả vận hành trạm bơm An Trạch, xác định rủi ro hạ du bao gồm cả lũ lụt và hạn hán, trên cơ sở đó, mới xem xét lợi ích tổng hợp để lựa chọn mức độ rủi ro chấp nhận được. Từ đó, mới xây dựng chế độ vận hành các hồ chứa, trong đó không chỉ quy định các quy trình vận hành cơ bản mà còn là các ứng xử trong các hoàn cảnh cụ thể của cả hệ thống công trình.
Trong cuộc họp báo ngày 24/2, thứ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định sẽ làm tốt nhất để không bao giờ có kiện cáo, nhưng lại đá quả bóng lên trên “Thủ tướng là người quyết định chứ không phải Bộ Tài nguyên và Môi trường"!? Quy trình vận hành liên hồ chứa mới ở dạng dự thảo, cần phải lắng nghe, thảo luận ý kiến trái chiều của các bên liên quan. Nếu không có tiếng nói chung, Đà Nẵng có quyền báo cáo thẳng lên Thủ tướng, hay gọi là “phản kháng” cũng được. Còn nếu Đà Nẵng muốn kiện thì phải chờ kiện người sẽ phê duyệt quyết định tức là …Thủ tướng !
TVT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét