Đây là vụ bê bối lớn nhất của ngành Đường sắt Việt Nam trong nhiều năm |
Liên quan đến cáo buộc nhận hối lộ nhằm vào lãnh đạo của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, đến nay đã có bốn quan chức bị đình chỉ chức vụ để phục vụ cho quá trình điều tra xác minh.
Trước đó, nhật báo Yomiuri Shimbun của Nhật đưa tin chủ tịch Công ty tư vấn Giao thông (JTC) của Nhật thừa nhận đã hối lộ cho ‘một quan chức cấp cao trong Ban quản lý dự án của Việt Nam’ số tiền 80 triệu yên, tức gần 800.000 đô la Mỹ, để nhận được hợp đồng tư vấn nhưng không nêu rõ danh tính vị này.‘Không nhận hối lộ’
Ngay sau đó, phía Việt Nam đã có phản ứng: Tổng Công ty Đường sắt đã đình chỉ chức vụ ông Nguyễn Văn Hiếu, giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt, trong vòng 15 ngày vào chiều ngày 23/3 để điều tra.
Hai quan chức đường sắt khác vừa bị tam ngưng chức trong 10 ngày là các ông Ngô Anh Tảo, vốn chịu trách nhiệm lãnh đạo Ban quản lý các dự án đường sắt và ông Trần Quốc Đông, người từng đứng đầu Ban này.
Cả hai ông Tảo và Đông hiện đều là phó tổng giám đốc của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Cả ba quan chức bị tạm đình chỉ chức vụ này sẽ phải giải trình các trách nhiệm liên quan đến việc điều hành các dự án đường sắt có sử dụng vốn ODA của Nhật để làm rõ việc có nhận hối lộ hay không.
Cục Đường sắt Việt Nam cũng tạm dừng chức vụ Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt trong 15 ngày đối với ông Trần Văn Lục để giải trình vụ nghi vấn nhận hối lộ 16 tỷ đồng.
Thứ trưởng Trần Ngọc Đông đang tìm cách trấn an người Nhật |
Trước khi được bổ nhiệm làm Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt của Cục Đường sắt Việt Nam, ông Lục đã giữ chức vụ Giám đốc Ban Quản lý các dự án đường sắt thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hiếu, vị trưởng Ban đương nhiệm, trong cuộc họp khẩn của ngành đường sắt vào chiều Chủ nhật ngày 23/3, đã khẳng định ông ‘không nhận tiền của nhà thầu Nhật’.
Ngoài ra, một vị cựu lãnh đạo khác tại Ban này là ông Trần Văn Lục cũng lên tiếng phủ nhận việc nhận hối lộ.
Phản ứng quyết liệt
Các nhà chức trách Việt Nam đang thể hiện phản ứng quyết liệt và khẩn trương sau khi cáo buộc hối lộ xuất hiện trên báo chí Nhật.
Nhật hiện là nhà tài trợ ODA, tức viện trợ phát triển chính thức lớn nhất cho Việt Nam, và luôn yêu cầu Chính phủ Việt Nam phải minh bạch trong việc sử dụng nguồn vốn này.
Ông Đinh La Thăng, bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải, đơn vị chủ quản của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, đã họp với lãnh đạo công ty này trong chiều Chủ nhật ngày 23/3 để tìm hướng giải quyết.
Ông Thăng được báo chí dẫn lời đánh giá vụ việc này là ‘rất nghiêm trọng’.
“Nếu phát hiện cán bộ tham nhũng, tiêu cực như báo Nhật đã thông tin, sẽ xử lý nghiêm minh, bất kể người đó là ai,” ông Thăng được dẫn lời nói.
Trong ngày 24/3, Bộ Giao thông-Vận tải đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, Ban Nội chính Trung ương, Bộ Ngoại giao và Thanh tra Chính phủ, theo báo chí trong nước.
Ngay trong sáng ngày 24/3, Thứ trưởng Giao thông-Vận tải Nguyễn Ngọc Đông đã có buổi làm việc với Đại sứ quán Nhật Bản và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) để trấn an phía Nhật về ‘thái độ kiên quyết, nghiêm túc, cũng như tinh thần hợp tác cao nhất’ của phía Việt Nam trong vấn đề chống tham nhũng.
Trong khi đó, Bộ Giao thông-Vận tải đã ra lệnh thanh tra các dự án có nhà thầu JTC tham gia, trong đó có tuyến đường sắt trên cao Ngọc Hồi – Yên Viên ở thủ đô Hà Nội.
Ngoài ra, Bộ trưởng Thăng cũng chỉ đạo thanh tra toàn diện các dự án có sử dụng vốn ODA khác thuộc phạm vi của Bộ.(BBC)
---------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét