Thứ Năm, 20 tháng 3, 2014

Putin - một Sa Hoàng mới


Lời người dịch:Vladimir Fedorovski là một nhà ngoại giao Liên Xô. Trong những năm 70, ông phụ tá Brejnev trong những cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo Ả Rập. Từ năm 1985 đến 1990 ông được cử làm cố vấn về ngoại giao cho Gorbatchev trong thời gian perestroika và glasnost. 
Năm 1990, bất đồng với chính sách tiền hậu bất nhất của Gorbatchev, ông bỏ ngoại giao, làm phát ngôn viên cho ” Phong trào Cải tổ Dân chủ “, chống lại cuộc đảo chính Cộng sản năm 1991. Năm 1995 ông lấy quốc tịch Pháp và trở thành một nhà văn viết tiếng Pháp xuất bản nhiều sách nhất ở Pháp. Sách ông được dịch ra 28 thứ tiếng. Ông mới xuất bản cuốn ” Chuyện những Sa hoàng “. Trong cuốn này ông giải mã những bí mật của các vị vua chúa nước Nga thần thánh, bắt đầu từ Ivan người Khủng khiếp (Ivan le Terrible) đến Pie Đại đế, Catơrin đệ Nhị, Nicola đệ Nhị và người cuối cùng là Putin được ông coi là một Sa hoàng mới, người muốn làm sống lại nước Nga hùng cường. Trong cuốn sách này, ông Fedorovski phân tích và chứng minh những động lực bí ẩn của vị chủ nhân điện Cẩm Linh để kết luận là với vị sa hoàng mới này, nhiều bất ngờ đang chờ đợi người Tây phương.
Ngày 28 tháng Hai vừa rồi, cuộc gặp gỡ giữa François Hollande và Putin được diễn ra trong một bầu không khí băng giá : vị tổng thống Nga không nhượng bộ một chút nào về sự hỗ trợ của ông đối với chế độ Syri và không một hợp đồng thương mại nào được ký kết. Chuyện đó có gì là lạ khi mà nước Nga vẫn là nguồn cung cấp vũ khí chính cho Bachar el-Assad và cái chuyện lố bịch Depardieu (Lnd: một diễn viên điện ảnh danh tiếng Pháp được Putin trọng vọng và cho lấy quốc tịch Nga) vẫn là hàn thử biểu đo lường chính xác nhất nhiệt độ tâm lý giữa 2 vị tổng thống này ? Lại đúng vào năm 2013 kỷ niệm 400 năm triều đại Nga hoàng Romanov, 
Mốt Cu thời đại mới chả mong chờ gì những thiện ý đến từ Pari : Putin chả coi ra cái quái gì những lo nghĩ nhân đạo của các người thuộc đảng Xã hội Pháp. Còn những thỏa ước về kinh tế giữa 2 nước : nếu trước những năm 2000, Putin còn có mục đích làm sao cho nước Nga lấy lại được chỗ của mình trên bàn cờ quốc tế bằng cách đổi  dầu khí lấy kỹ thuật Tây phương, từ đó đến giờ, Putin trở nên cứng rắn hơn khi suy luận là : “Chúng ta đã cố gắng nghĩ đến lợi lộc Tây phương trong sự đổi chác, nhưng chúng ta đã không được trả lại bằng một trân trọng nào và, đặc biệt là, hệ thống khiên chống tên lửa nhằm chúng ta vẫn được bảo tồn. Vì vậy chúng ta nên coi sự hợp tác chiến lược với Tây phương là hoàn toàn vô tích sự.”
Trong bối cảnh châu Âu suy nhược, Putin không thấy có một đối tác nào chắc chắn hơn là Đức, đồng thời Putin cũng thấy tốt hơn là nên cùng Trung Quốc xây dựng một thế giới khác. Để đạt được mục đích đó, Putin thấy nên lợi dụng lại những đồng minh cũ của Liên Xô hay, ít nhất là, chơi lại lá bài một vài nước Hồi giáo, một phần cũng để ngăn những nước này có những đường lối chính trị chống Nga quá triệt để. Nhưng đó cũng lại chính là những tham số có thể đưa tới hai cái sai lầm : Con đường chính trị mới này sẽ làm Nga và Tây phương xa cách nhau thêm, nhất là từ trước tới nay Tây phương vẫn chả bao giờ coi Nga là đồng minh cả. Tây phương sẽ vẫn tiếp tục đánh giá thấp mối hiểm nguy đến từ sự tan vỡ lớn lao có tính cách lịch sử giữa 2 phái Hồi giáo Shiít và Sunít đang thành hình trong thế giới Hồi giáo.
 Đó cũng là một định đề được vị chủ nhân điện Cẩm Linh đặt ra trên nền tảng của kinh nghiệm 13 năm nắm quyền hành tuyệt đối, trên cá tính của mình, trên con đường sự nghiệp của mình, trên sự suy nghĩ về lịch sử của mình. Sự suy nghĩ này được Putin coi là cốt lõi của mọi hành động chính trị tiếp diễn.
Ai chính thật là Putin ?
Cảm tưởng tức thời của tôi vào đầu những năm 1990, khi tôi có dịp quan sát Putin trong một buổi gặp riêng ở Saint-Petersbourg, Putin là người muôn mặt, hay nói đúng hơn, Putin giấu mặt trong nhiều mặt nạ theo truyền thống Byzantin của các vua chúa Nga. Cặp mắt, có khi lờ lững, có khi linh động, cặp lông mày cau lại hay cặp môi mấp máy một cách thiếu kiên nhẫn chứng tỏ một ý chí sắt đá, nhưng cũng nhiều khi lượn lẹo, trơn tuột, khó bắt nắm được. Putin đã tập chơi nhiều vai trò, tuyệt vời trong nghệ thuật đánh lạc hướng. Nhưng có một cái bất di bất dịch :  Putin không phải là một người chịu sống hạnh phúc trong an phận.
Giống như Nicola II ngày xưa, Putin có cái tài là làm những người đối thoại tưởng mình cũng thuộc về phe họ – Putin như một tấm gương mọi người soi vào đều thấy bóng mình – Putin khi cần cũng có thể bắt chước điệu bộ của người mình đối thoại, lấy lại cử chỉ, cách cử động  chân tay, cách nói năng của họ. Kỹ thuật này, được hoàn thiện trong những năm học tập dưới mái trường KGB, đã khiến Putin có thể nhập hình hài mình trong mọi khuôn, hòa mình với mọi chính kiến, chế ngự đủ mọi màu sắc chính trị, đi nước đôi một cách dễ dàng, cáng đáng cùng một lúc, không bao giờ thành vấn đề, cả quá khứ của Liên Xô lẫn lịch sử của đế quốc Sa hoàng : Putin vừa là người quốc gia, vừa là người quốc tế, vừa là người tiến bộ, vừa là người trọng quá khứ, vừa là người theo chủ nghĩa kinh tế nhà nước, vừa là người theo kinh tế phóng khoáng. Putin biến sự khẳng định của mình thành một luận chứng trên hết mọi luận chứng khi quả quyết là dưới sự cầm quyền của mình, nước Nga đã trở thành một nước “giàu mạnh và được tôn trọng “. 
Cá tính hai mặt đã in sâu vào Putin từ khi còn trẻ. Sinh ngày 7 tháng 10 năm 1952 ở Leningrad, con một người thợ gương mẫu, cháu một người làm bếp cho Lênin, Putin là một học sinh xuất sắc nhưng ít giao thiệp với bạn bè, rất giỏi Nhu đạo, kín đáo nhưng đầy ý chí, tuy mơ mộng trở thành một gián điệp phục vụ KGB, nhưng cũng có một đam mê đặt biệt làm bộc lộ một bình diện khác của con người : Putin, sinh trong một thành phố còn mang đầy dấu ấn Nga Hoàng, bị quyến rũ bởi cái nơi chốn ảo thuật này với những ngôi nhà màu đất son, màu hồng, màu xanh da trời, xanh lá cây hay màu xám, với phối cảnh những lâu đài, những nhà thờ rộng lớn mênh mông, những con kênh như giải ngân hà và những đêm trắng mặt trời không ngủ.
 Khi còn ở nhà trường,  Putin đã có ý dò hỏi tìm mọi cách để được chấp nhận vào các cơ quan mật vụ nhưng người ta nói nên ghi tên học luật trước và chỉ đến năm 1975, sau khi tốt nghiệp đại học, Putin mới được KGB tuyển lựa vì là một trong số những sinh viên xuất sắc nhất. Trong thời gian phục vụ KGB, Putin đã giữ một kỷ niệm quá tốt đẹp và cho KGB là tinh túy của đất nước, bảo vệ quyền lợi tối cao của đất nước.
Nằm trong chương trình đào tạo của KGB là : làm sao luôn luôn giữ được bình tĩnh, quán thông nghệ thuật che giấu và dàn cảnh, biết nói 2, 3 giọng điệu khác nhau. Những điệp viên KGB có văn hóa chính trị riêng, có tiếng lóng riêng, và ngay cách pha trò cũng được mã hóa để chỉ cười với nhau. Đó là cả một cấu trúc tinh thần, cả một trạng thái tâm lí đã bị khắc sâu dấu ấn của một nền văn hóa mật vụ, trong đó cái gọi là dân chủ không bao giờ được kể đến. Một điệp viên đã nói rõ ràng : ” Đối với chúng tôi, không nơi nào trên trái đất có dân chủ. Chỗ nào cũng chỉ là trò giật dây. Chỉ có giật nhiều hay giật ít..”.(Theo BinViet.com )
----------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét