Thứ Hai, 17 tháng 3, 2014

UKRAINE – Toan tính của PUTIN


Nga có Chính phủ và Quốc hội, có các ban bệ và Hội đồng An ninh quốc gia. Nhưng tất cả các quyết định chính của Nga đều do một người đưa ra, Vladimir Putin. Ông ngồi trên trục quyền lực do ông tạo ra. Hiện nay, ông là người quyết định Nga sẽ hành động như thế nào.
Đó là lý do tại sao việc phân tích về nước Nga, tìm hiểu xem Nga suy nghĩ và có kế hoạch gì có thể là chuyện khó khăn. Chúng ta phải tự đặt mình vào vị trí của ông Putin. Vậy ông Vladimir Putin đang nghĩ gì về Ukraine? Điều gì ảnh hưởng tới các bước đi ngoại giao của ông? Đâu là mục tiêu của ông.
Bị phương Tây lừa
Điều làm Vladimir Putin nổi điên là cảm giác ông đang bị lừa dối. Chúng ta đã thấy điều đó với Libya vào năm 2011. Khi đó, người ta thuyết phục được Nga không phủ quyết nghị quyết của Hội đồng Bảo an về vùng cấm bay để bảo vệ thường dân. Nhưng hành động quân sự của NATO đã dẫn tới thay đổi chế độ và cái chết của Đại tá Muammar Gaddafi, đi xa hơn nhiều so với dự tính của Nga. Điều đó giải thích tại sao Nga nhanh chóng phủ quyết các nghị quyết về Syria. Trong vấn đề liên quan tới Ukrainecũng vậy, Tổng thống Putin cảm thấy phương Tây đã lừa ông. Tháng 2/2014, ông cử đặc phái viên tới Kievđể tham gia đàm phán về thỏa thuận giữa Tổng thống Viktor Yanukovych và phe đối lập. Thỏa thuận đó do Đức, Pháp và Ba Lan làm trung gian, đề cập tới bầu cử sớm, cải cách hiến pháp và thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc. Đại diện của Kremlin không ký vào thỏa thuận nhưng Nga có vẻ đã chấp nhận nó như giải pháp tốt nhất trong tình huống xấu. Nhưng đó là những lời lẽ trên giấy. Chưa đầy 24 giờ sau, ông Yanukovych đã bị quốc hội truất quyền và bổ nhiệm tân tổng thống lâm thời từ phe đối lập. Tốc độ của các diễn biến đã khiến Nga hoàn toàn ngạc nhiên.

Các âm mưu của phương Tây chống lại Nga?
Theo Putin, ông đang sống trong thế giới mà các nước phương Tây ngày đêm lập mưu để gây bất ổn cho Nga và cá nhân ông. Ông vẫn nhớ Cách mạng Hoa Hồng ở Gruzia năm 2003, Cách mạng Cam ở Kiev vào năm 2004. Nga nghi ngờ phương Tây đạo diễn cả hai vụ trên. Gần đây, Điện Kremlin tố cáo phương Tây tài trợ và tiếp nhiệt cho các cuộc biểu tình trên đường phố phản đối Moskva. Nhiều tháng qua, Nga đã tố cáo Mỹ và EU can thiệp vào Ukraine để chiếm ưu thế địa chính trị. Ngày 4/3, Tổng thống Putin nói: “Việc ông Viktor Yanukovych từ chối ký thỏa thuận liên kết với EU cuối năm 2013 đơn giản đã được dùng làm cớ để ủng hộ các lực lượng đối lập trong cuộc tranh giành quyền lực… Đây không phải là lần đầu tiên các đối tác phương Tây của chúng tôi làm điều này ở Ukraine”.
Sau đó là vấn đề NATO. Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Kommersant, ông Vladimir Putin nhắc lại chuyện liên minh trên từng hứa với Liên Xô sẽ không mở rộng quá ranh giới hiện nay. Ông Putin kết luận:
“Họ lừa chúng ta theo cách thô thiển nhất”. Liệu việc xuất hiện chính phủ thân phương Tây ở Kiev có nghĩa là Ukrainesẽ gia nhập NATO trong tương lai? Nga sẽ xem đó là mối đe dọa trực tiếp cho an ninh quốc gia của họ.
Liệu có thể làm gì…
Tại phương Tây, sự can thiệp của Nga vào Crimea đã bị đả kích là “sự xâm lược tàn bạo”. Theo cách nghĩ của ông Putin, đó là sự đạo đức giả. Ông luôn tận dụng mọi cơ hội để nhắc thế giới về sự can thiệp của Mỹ ở Iraq, LibyaAfghanistan. Trong bài diễn văn tại Hội nghị An ninh Munich năm 2007, ông Putin đả kích điều ông xem là “thế giới đơn cực”, một thế giới trong đó Mỹ là ông chủ duy nhất, ông kiên quyết bảo vệ điều Nga xem là lợi ích chính đáng của Nga trên thế giới, dù ở Syria hay gần hơn, ở Ukraine. Với nhiều nước châu Âu dựa vào nguồn nhập khẩu nhiên liệu từ Nga và có lợi từ buôn bán với họ, Điện Kremlin tính toán rằng các đối thủ ở phương Tây sẽ không làm sứt mẻ đáng kể quan hệ với Nga. Tổng thống Putin nói rằng ông không muốn có chiến tranh với nhân dân Ukraine. Ông nói sự can thiệp của Nga là hành động “nhân đạo” để bảo vệ người dân ở đó khỏi “tình trạng hỗn loạn”. Nhưng lợi ích quốc gia của Nga là tối thượng với ông, để đảm bảo rằng chính phủ mới ở Kiev không thể đẩy Hạm đội Biển Đen khỏi Crimea và các nhà lãnh đạo mới của Ukraine phải cân nhắc kỹ trước khi bỏ Nga đi theo phương Tây.

***
Sự can thiệp của quân đội Nga trên lãnh thổ Ukraine và sự mất kiểm soát đối với khu vực Crimea đã gây hoang mang cho chính quyền lâm thời tại Kiev, trong khi phương Tây bằng mọi cách tìm kiếm một giải pháp khả thi cho cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Chưa biết cuộc đấu địa chính trị giữa Nga và phương Tây có kết cục ra sao, nhưng dường như đòn quân sự mà Moskva định giáng cho Ukraine có hàm chứa ý đồ tạo sức ép chuẩn bị cho các cuộc thương lượng với Kiev và phương Tây.
Trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine có thể kéo dài, báo Le Monde ngày 6/3 đã tổ chức diễn đàn thảo luận các vấn đề xung quanh cuộc xung đột này và quan điểm được mất của các bên liên quan, nội dung như sau:
+ Mục tiêu thực sự của Putin là gì? Thôn tính Crimea, miền Đông Ukrainehay gây sức ép và mặc cả với EU?
- Ở giai đoạn hiện nay, hành động của Moskva là nhằm tạo ra một vật thế chấp có lợi cho Nga. Thực tế, Nga đã thất bại trong ván bài chính trị với phương Tây khi Yanukovych bị lật đổ và các phần tử bài Nga giành được chính quyền tại Kiev. Moskva muốn tạo một tương quan lực lượng mới trên phương diện quân sự, mà mục đích chắc chắn là tạo điểm tựa cho các cuộc thương lượng với phương Tây. Rõ ràng là Nga có điều kiện để thực hiện mục tiêu này, bởi số người mang sắc tộc Nga chiếm hơn hai phần ba dân số Crimea, trong khi người Tarta nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ chỉ chiếm khoảng 15%, phần còn lại là các thiểu số Ukraine, Do Thái, Hy Lạp…
Đối với các địa phương phía Namvà phía Đông Ukraine, xu hướng ly khai thực ra không phải là đa số. Người dân các khu vực nằm trên trục Odessa-Kharkov vẫn tự nhận thức là người Ukraine cho dù đa số sử dụng tiếng Nga. Họ thực sự không theo chủ nghĩa ly khai ở Crimea, nhưng có điều đa số không thừa nhận các lực lượng chính trị đã giành chính quyền tại Kiev vừa qua. Đáng nói là các vùng này chiếm một nửa diện tích Ukrainevà là nơi tập trung phần lớn tiềm năng kinh tế của Ukraine.
+ Việc mất Crimea có quá quan trọng với Ukraine hay không?
- Đối với mọi quốc gia độc lập, việc mất đi một phần lãnh thổ không bao giờ là điều bình thường, cho dù phần đất này có diện tích như thế nào. Nhận định này còn đúng hơn với trường hợp của Ukraine, bởi đây là một quốc gia mong manh với các đường biên giới mới được vạch định. Cần nhớ rằng Ukrainemới chỉ giành độc lập năm 1991. Đối với cả Ukrainelẫn Nga, Crimea luôn là một chốt chặn chiến lược có khả năng kiểm soát chặt chẽ đường vào Biển Đen. Với riêng Ukraine, việc mất Crimeasẽ là một tổn thất cực kỳ đáng ngại về chính trị hơn là khía cạnh kinh tế.
+ Vậy Crimea có đủ phương tiện để tồn tại trên lãnh thổ Ukrainekhông khi chỉ có sự viện trợ của Nga?
- Đây thực sự là một vấn đề. Cần nhớ rằng Crimea là một bán đảo có đường tiếp cận cực hẹp và dễ kiểm soát, hơn nữa lại lệ thuộc vào các nguồn cung ứng điện và nước từ phần còn lại của Ukraine. Một trong những vấn đề quan trọng được thảo luận giữa các quan chức Nga và Crimeachính là nguồn cung cấp năng lượng trực tiếp từ lãnh thổ Nga. Ngoài ra, cần phải có sự liên tục về lãnh thổ. Để khắc phục, Moskva đã lên kế hoạch thực hiện một dự án cũ, đó là xây dựng một cây cầu nối liền Crimeavới Nga. Tất nhiên, cần có thời gian để hoàn thành dự án này, nhưng điều quan trọng là tín hiệu đã được phát đi.
+ Để biện minh cho một chiến dịch can thiệp tiềm tàng, Moskva đã nhiều lần nhấn mạnh các nguy cơ đe dọa sự an toàn của các cộng đồng Nga tại Ukraine. Điều này có thực sự đúng?
- Cần phải rõ ràng về lập luận này. Tại Crimea, chưa hề có những va chạm nhằm vào các công dân Nga hoặc những người dân sử dụng tiếng Nga để có thể biện minh cho một hành động can thiệp quân sự. Ngược lại, rõ ràng sự xuất hiện của một số phần tử cực đoan (như đảng Svoboda) trong chính quyền lâm thời Kievlà một ranh giới đỏ đối với Moskva.
+ Vậy đó chỉ là một đòn sức mạnh của Putin mà mục đích duy nhất là mở rộng lãnh thổ và bảo vệ căn cứ quân sự Nga ở Sevastopol?
- Đúng là một đòn sức mạnh quân sự. Đó chưa phải là chiến tranh bởi chưa có tiếng súng nổ từ hai phía. Nhưng đúng hơn, đó là tín hiệu gửi đến các nước phương Tây, một tín hiệu từ chối sự thay đổi chế độ bằng bạo lực ở Kiev và cũng không chấp nhận một Ukraine mới ngả theo EU và NATO. Điều mà Putin muốn là một cuộc thương lượng lớn với phương Tây về Ukraine. Lịch sử bảo rằng kiểu ngoại giao này, với việc lấy một vùng lãnh thổ làm vật cược, phù hợp với đặc tính của thế kỷ 19 hơn là thế kỷ 21.
+ Các đe dọa trừng phạt, nhất là việc trục xuất Nga khỏi G8, liệu có khiến Moskva lùi bước? Và tiếp đó, các nước phương Tây sẽ nói với Moskva như thế nào?
- Đối với G8, thật sự không khó hiểu khi hội nghị thượng đỉnh dự kiến tổ chức tại Sochivào tháng 6 không diễn ra. Nhưng một số thành viên, đặc biệt là Đức, không muốn loại Nga ra khỏi nhóm cường quốc kinh tế này. Có thể nghi ngờ các đe dọa trục xuất Nga khỏi G8 sẽ khiến Tổng thống Putin động lòng. Cũng phải xem lại các đe dọa trừng phạt kinh tế mà Liên minh châu Âu liên tiếp nhắc tới những ngày qua. Cấm vận kinh tế chắc chắn là con dao hai lưỡi, bởi nó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp châu Âu đang đầu tư tại Nga. Chẳng hạn, Nga là thị trường xuất khẩu ngoài EU lớn thứ ba của Pháp.
+ Liệu châu Âu có thể bỏ qua nguồn cung cấp khí đốt từ Nga? Nếu có thì đến bao giờ?
- Chắc chắn là không thể, ngay cả khi Nga không thể bỏ qua các thu nhập có được từ việc xuất khẩu loại năng lượng này sang EU. Không thể nói phụ thuộc một vế mà phải nói tới sự phụ thuộc lẫn nhau về chủ đề này.
+ Trong nội bộ EU đang có sự chia rẽ giữa các thành viên ủng hộ một biện pháp đáp trả cứng rắn đối với Nga và các thành viên khác muốn tìm cách hòa dịu quan hệ với Nga?
- Từ khi EU mở rộng biên giới sang các nước Trung và Đông Âu năm 2004, quả thực dư luận đã được chứng kiến những bất đồng đôi khi rất gay gắt giữa “châu Âu mới” và “châu Âu cũ” trong việc hoạch định chính sách đối với Nga. Và kể từ khi Vacsava và Moskva bình thường hóa quan hệ năm 2010, các bất hòa này có xu hướng giảm đi nhiều. Nhưng nguy cơ hiện nay là sự xuất hiện trở lại vết rạn nứt giữa các thành viên ủng hộ một đường lối cứng rắn đối với Nga, đặc biệt là các nước từng có kình địch với Nga trong vấn đề Ukraine, và một số nước ủng hộ cách tiếp cận hiện thực hơn. Nhìn chung, những tiếng nói hợp lý, nhất là của Đức, có vẻ dễ được chấp nhận hơn trong hoàn cảnh hiện nay.
+ Có thể hiểu lý do Nga muốn giữ Crimea, nhưng tại sao Moskva lại muốn can thiệp về quân sự? Một cuộc thương lượng hữu hảo với Kiev có thể cho phép giữ được mục tiêu này mà không gây ra các tổn thất về chính trị và kinh tế như Nga sẽ phải hứng chịu. Đây là sai lầm hay một điểm yếu thực sự của Tổng thống Putin?
- Ai cũng biết rằng Moskva không coi chính quyền lâm thời tại Kiev là hợp pháp, vì vậy không thể có chuyện thương lượng với Ukrainetrong giai đoạn hiện nay. Hơn nữa, Moskva cũng biết chắc rằng mục tiêu chiến lược của chính quyền này là đoạn tuyệt quan hệ với Nga, vì vậy sẽ chấm dứt Hiệp định Kharkov ký năm 2010 về sự đồn trú của Hạm đội Biển Đen. Các thỏa thuận này cho phép Nga kéo dài sự đồn trú của Hạm đội Biển Đen ở căn cứ Sevastopolvà nhờ đó ở Crimea đến năm 2042.
+ Công luận Nga có quan điểm như thế nào về khủng hoảng Ukraine?
- Hiện chưa có cuộc thăm dò ý kiến nào, vì vậy không thể phỏng đoán dựa vào cảm tính hoặc kinh nghiệm chủ nghĩa. Đại đa số người Nga coi Crimea luôn là một phần của nước Nga và việc sáp nhập vùng đất này vào Ukraine trước đây là một sai lầm. Nhưng không vì vậy mà nói rằng phần lớn người Nga ủng hộ một cuộc chiến tranh thực sự với Ukraine, nơi mà phần lớn vẫn nhìn nhận là một bộ phận của “cơ thể Nga”.
+ Putin sẽ phải đối mặt với những nguy cơ chính trị nội bộ nào khi theo đuổi chính sách hung hăng, đặc biệt trước phe đối lập ủng hộ dân chủ và giới tinh hoa kinh tế vốn có nhiều lợi ích bị mất nếu Nga bị cô lập?
- Không có bất cứ nguy cơ chính trị nội bộ nào ở giai đoạn hiện nay. Ngược lại, nguy cơ to lớn về kinh tế mới là điều đáng nhắc đến đối với Nga. Nên biết rằng bất chấp các sóng gió, Ukraine vẫn là đối tác thương mại đứng thứ 5 của Nga; các ngân hàng và doanh nghiệp Nga đã đặt 35 tỷ USD ở Ukraine và vì vậy, Nga sẽ mất nhiều hơn các nước EU và Mỹ nếu như kinh tế Ukraine sụp đổ. Điều này sẽ hé mở các chủ đề thương lượng với Nga. Nói cách khác, đòn sức mạnh của Nga tại Crimea không phải là một sự chấm dứt mà nằm trong ý đồ về một cuộc mặc cả lớn của Putin về vấn đề Ukraine.
Khủng hoảng Ukraine, kéo dài từ giữa tháng 11/2013, còn lâu mới kết thúc và vì vậy sẽ kéo theo nhiều hệ lụy. Chúng ta đã được thấy hàng , loạt cuộc biểu tình tại các khu vực ở miền Đông Ukraine và các chính quyền địa phương bị cướp phá bởi những người biểu tình thân Nga, giống như những gì đã diễn ra tại miền Đông và miền Bắc nhằm vào chính quyền của Yanukovych hồi tháng Giêng.
Nguy cơ chính đối với Nga cũng như các nước phương Tây là phải chứng kiến Ukraine sụp đổ về kinh tế và trở nên không kiểm soát nổi về mặt chính trị. Không có nước nào có lợi ích từ một kịch bản như vậy, và các cuộc đàm phán tất yếu diễn ra chắc chắn phải nhằm vào các chủ đề này.
+ Một người quyền lực như Putin, như cách đánh giá của người Nga, có thể chấp nhận mất Ukraine mà không có gì đổi lại không?
- Putin hay bất cứ nhà lãnh đạo nào khác của nước Nga cũng đều không thể hình dung ra việc mất Ukraine. Điều này nếu xảy ra sẽ có ý nghĩa như thế nào? Nga sẽ mất vai trò chiến lược vượt trội, nói cách khác Ukraine sẽ thêm sức nặng cho phạm vi ảnh hưởng của NATO và EU. Trên thực tế, Ukraine là nơi tập trung của các lợi ích chính trị-quân sự, kinh tế và đặc biệt là các bản sắc mạnh mẽ đối với Nga. Việc EU đánh giá thấp thực tế này cũng là một trong những nhân tố giải thích cho khủng hoảng Ukraine kể từ tháng 11. Không có bất kỳ niềm tin nào từ Putin đối với các nước phương Tây, nhất là việc không tôn trọng các thỏa thuận giải quyết khủng hoảng được ký kết tại Kiev.
Putin muốn đòi hỏi điều gì? ông có thể yêu cầu các nước châu Ãu, đặc biệt là Đức, gây sức ép để chính phủ lâm thời tại Kiev gạt các phần tử cực đoan nhất ra khỏi nội bộ của mình. Nhưng chính các vấn đề kinh tế, tài chính có thể sẽ giúp nối lại đối thoại khi mà cả EU lẫn Nga đều không có lợi ích gi khi phải chứng kiến một hố đen cạnh đường biên giới của mình.
+ Vladimir Putin liệu có tạo cơ hội thuận lợi để phương Tây làm giảm ảnh hưởng của Nga?
- Đó là một nguy cơ. Ở đây có một nguy cơ chính trị rõ ràng về hình ảnh và danh tiếng. Trên thực tế có nhiều người ở phương Tây chờ đợi một điều như vậy. Nhưng cho đến nay, Putin vẫn khá làm chủ tình hình bởi tại Crimea vẫn chưa để xảy ra tiếng súng nổ. Kinh nghiệm cũng cho thấy rằng các cuộc khủng hoảng đều trôi qua cùng với thời gian. Chẳng hạn, chúng ta có thể gợi lại sự quên lãng tương đối về hành động can thiệp quân sự của Nga tại Gruzia năm 2008 hoặc trước đó là các cuộc xâm lược của phương Tây tại Kosovo và Iraq năm 2003.

***
(Đài RFI 11/3): Kịch bản chia cắt đất nước Ukraineđang ngày càng trở nên rõ nét với sự hỗ trợ của một bộ phận người. Ukraine thân Nga, những người đang muốn quay lại núp bóng Moskva. Kịch bản trên đang được cụ thể hoá ở Crimea và sẽ được sáng rõ hơn sau cuộc trưng cầu dân ý tại nước Cộng hoà tự trị Crimea vào ngày 16/3. Ý đồ ly khai của Crimea đã được Moskva cũng như cá nhân Tổng thống Vladimir Putin đón nhận hồ hởi trước sự bất lực của Kievcũng như phương Tây.
RFI phỏng vấn ông Pierre Lorrain, nhà báo, nhà văn Pháp và là một chuyên gia về Nga:
+ Điều gì đang diễn ra trong đầu ông Vladimir Putin? Hành động và lập trường của Tổng thống Nga về Ukrainetrong những ngày qua có phản ánh những gì ông ta đang toan tính?
- Quả thực là rất khó có thể đặt mình vào vị trí của Vladimir Putin, do ông ta rất có nghệ thuật trong việc gây bất ngờ cho những người đối mặt ông. Đơn giản là bởi vì người ta có cảm giác như ông ta là người suy tính xa hơn một chút so với điểm chung của các nhà chính trị trên thế giới hiện nay. Những gì đang diễn ra tại Ukraine, đặc biệt là tại Crimea, đã được ông ta suy tính chín muồi từ lâu nay rồi.
Thực tế là ông Putin đã lên gân rất mạnh. Việc Nga đe doạ can thiệp quân sự vào Ukraine, kiểm soát toàn bộ vùng Crimea với sự ủng hộ và hợp tác của chính quyền địa phương, đã đặt phương Tây trước một sự bất trắc khó xử. Người ta không biết hành động thế nào trước sự việc đó bởi vì ngày nay người ta không thể tự nhiên phản ứng.
Nói tóm lại, điều mà ông Putin muốn thì đã rõ ràng từ lâu, đó là vùng Crimea ít nhất phải độc lập với Kiev. Nếu còn ở lại trong lòng Ukraine thì Crimea, theo quy định năm 1992, vẫn được hưởng quyền tự trị rộng rãi. Đây là điều tối thiểu. Tiếp đó là khả năng Crimea trở thành một nước Cộng hoà độc lập như kiểu Kosovo. Tình hình hiện nay gần giống như vậy. Đó là dân gốc Nga rất đông và việc vùng đất này nằm trong một nước là điều ông ta không muốn lắm. Khả năng thứ ba là sáp nhập, tức là Crimeađề nghị được sáp nhập vào nước Nga và Nga đã chấp nhận.
+ Có phải Vladimir Putin đang theo đuổi đường lối “nước Nga hùng cường” ?
- Không phải trong lôgích của một nước Nga hùng cường, nhưng là của một nước Nga biết bảo vệ lợi ích của mình và có khả năng làm được việc đó. Trong khi phương Tây bảo vệ các lợi ích của họ theo cách tương tự ở các khu vực như người ta vẫn gọi là sân sau của họ, mặc cho sự phản đối của Moskva. Phương Tây cũng gần như đạt được những gì họ muốn. Người ta đã thấy điều đó ở Libya, ở Iraq. Cách đây hơn 20 năm, người ta cũng đã thấy điều đó ở Panama. Khi ấy, Mỹ, bằng sức mạnh quân sự đã bảo vệ quyền được đi qua con kênh Panama trước sự chống đối của nhà độc tài Noriega. Nhưng những gì phương Tây được phép làm thì dường như lại là điều cấm đối với Nga. Và thế là Vladimir Putin nói thẳng ra rằng: “Không, chúng ta cũng có quyền bảo vệ các lợi ích của chúng ta”.
+ Điều gì đã khiến chiến lược của Putin thoát ra khỏi ngoài tầm các nước phương Tây?
- Đơn giản là bởi vì đối mặt với Putin, chúng ta, các nước phương Tây, không đưa ra được cách thức của một chính sách nhất quán. Thật phi lý, chẳng hạn như việc bắt đầu đàm phán một kế hoạch thoát ra khỏi khủng hoảng ở Kiev. Chính các bộ trưởng của châu Âu, nhất là Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, đã bảo lãnh kế hoạch thoát ra khỏi khủng hoảng hôm 21/2 vừa rồi. Kế hoạch này đã bị phe đối lập, dù đã kí hôm 22/2, bỏ rơi. Thế rồi cũng chính chúng ta lại nói: “Không có gì nghiêm trọng cả, cho qua”. Không, không thể cho qua được trong những điều kiện như thế bởi vì như vậy ta sẽ tự động dấn vào một cuộc khủng hoảng quốc tế.
+ Dường như Vladimir Putin đang tiến hành một chính sách tồi tệ nhưng điều đó cũng không làm ông ta sợ?
- Không phải là một chính sách tồi tệ. Ông đưa ra những phương tiện để hoàn thành điều mà ông ta coi là kế hoạch hay sứ mệnh của mình. Nhưng đó là phương tiện, tức là ông ta lên gân thách đố mạnh đến mức mà chúng ta không thể theo. Chúng ta không có khả năng để theo, bởi vì chúng ta không sẵn sàng để triển khai hàng chục sư đoàn dọc biên giới Ukraine nhằm ngăn chặn những đe dọa có thể. Hơn nữa, khi nhìn các phản ứng của các chính khách châu Âu, người ta thấy họ đều chia sẻ với nhau phân tích rằng ta có thể dựa vào sự kiện tại Kiev vì đơn giản là chính phủ lâm thời ở Kiev có thể thoả mãn nguyện vọng của một số phong trào hay đảng phái, hay thậm chí cả phương Tây, thế nhưng chính phủ đó lại không thoả mãn được nguyện vọng của một số khác. Chúng ta đang ở trong một tình hình rất phức tạp và Putin là người diễn giải tình hình đó một cách rất đơn giản và tận dụng được nhiều nhất ở tình hình đó.
+ Vladimir Putin như vậy là đã vượt lên trước các nước phương Tây trong vụ việc này. Liệu các biện pháp trừng phạt được các nước phương Tây thông báo có thể chặn được bước tiến của Putin trong hồ sơ này?
- Rất khó. Chẳng hạn như Canadađã trục xuất các quân nhân Nga đang theo học trong các trường quân sự Canada. Ngay lập tức Nga tuyên bố hợp đồng sản xuất chung với hãng chế tạo máy bay ném bom Canada sẽ có thể bị xem xét lại. Tất cả mọi người trong thế giới hiện nay đều dựa vào nhau. Người ta không thể đưa ra biện pháp trừng phạt mà lại không phải chịu hậu quả. Đặc biệt là ở châu Âu, chúng ta lệ thuộc rất nhiều vào khí đốt của Nga, cho dù vẫn có một số người không thực sự tính đến thực tế này. Với Đức, Nga là một khách hàng chủ chốt cũng như với Pháp trong một số lĩnh vực.

***
Tạp chí “Foreign Affairs” cho rằng sự can thiệp bằng quân sự của Nga vào lãnh thổ Ukraine là thách thức lớn nhất đối với trật tự châu Âu trong nửa thập kỷ trở lại đây. Đây là cuộc xung đột giữa một cường quốc hạt nhân và một đất nước có diện tích chỉ bằng Pháp, giữa một chế độ chuyên quyền với một chính phủ cách mạng. Sự can dự của Nga vào Ukraine đã làm dấy lên câu hỏi xung quanh những đảm bảo về an ninh mà phương Tây đã cam kết với Ukraine khi nước này từ bỏ vũ khí hạt nhân vào năm 1994.Không nên hiểu việc đưa quân Nga vào Ukraine như một động thái chớp thời cơ, mà đó là một nỗ lực nhằm chống lại phương Tây cả về chính trị, văn hóa lẫn quân sự. Nga sử dụng đến lực lượng quân sự bởi họ muốn thay đổi cuộc chơi, chứ không phải vì họ không có sự lựa chọn nào khác. Thật ra, Nga có rất nhiều cách để gia tăng sức ép đối với Kiev, trong đó có việc sử dụng Hạm đội Biển Đen của mình tại Sevastopol; tăng giá nhiên liệu; yêu cầu Ukraine trả các khoản nợ; kích động tâm lí chống Ukraine trong cộng đồng người Nga tại nước này. Các quan chức cấp cao của Mỹ đã nhận định rằng cuộc khủng hoảng tại Ukraine không thể được giải quyết nếu thiếu vắng Nga, và các nhà lãnh đạo châu Âu đã bày tỏ sự không hài lòng của mình trước đạo luật mà chính phủ chuyển tiếp tại Ukraine thông qua ngay sau khi mới thành lập, qua đó bãi bỏ việc công nhận tiếng Nga. Tóm lại, việc sử dụng lực lượng quân sự là không cần thiết.
Việc Nga can thiệp quân sự vào Ukraine cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm: Ukraine là một đất nước rộng lớn, và người dân nước này vẫn đang hừng hực khí thế cách mạng, và sẵn sàng đấu tranh vì tinh thần yêu nước. Sự can thiệp của Moskva sẽ làm bùng phát chủ nghĩa bài Nga tại Ukraine, thậm chí sẽ đẩy nước này xích lại gần hơn với Liên minh châu Âu (EU) và Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO). Can thiệp quân sự vào Ukraine cũng sẽ tạo ra một thảm họa nhân đạo bên trong nước Nga. Theo các nguồn tin từ Nga, khoảng 700.000 người Ukraineđã chạy sang Nga trong vòng 2 tháng qua. Một cuộc chiến tranh tại Ukraine có thể sẽ đẩy con số này tăng lên gấp 3 lần. Bên cạnh đó, quyết định của Nga cũng có thể sẽ làm cho họ càng bị cô lập hơn về chính trị và kinh tế, khiến nền kinh tế Nga bị đình trệ. Theo ước tính, thiệt hại trực tiếp mà Nga phải gánh chịu nếu tiến hành chiến tranh tại Ukrainecó thể lên đến 60 tỉ USD (khoảng 3% GDP của Nga).
Có thể lấy sự tức giận để lí giải cho quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin khi mà ông đã phải chịu 2 thất bại tại Ukraine: lần thứ nhất là cuộc Cách mạng Cam năm 2004 dẫn đến việc liên minh thân phương Tây do bà Yulia Tymoshenko đứng đầu lên nắm quyền, và lần thứ hai là các cuộc biểu tình gần đây khiến Tổng thống Viktor Yanukovych, một chính trị gia thân Nga bị lật đổ. Nga đã đặt cược rất nhiều vào ông Yanukovych nhằm phục vụ cho các lợi ích của mình. Thí dụ, Nga đã gây sức ép để ông Yanukovych từ chối ký hiệp định liên kết với EU, và đây chính là một trong những nguyên nhân làm bùng nổ các cuộc biểu tình tại Ukraine. Nga cũng đã cho Ukrainevay khoảng 15 tỉ USD, qua đó làm gia tăng sự lệ thuộc của nước này vào Moskva. Nhưng trên thực tế, chính ông Putin đã rơi vào thế bị động. Khi ông Yanukovych bị mất quyền lực một cách rất bất ngờ và nhanh chóng, ông Putin đã mất đi đối tác chiến lược của mình. Các động thái leo thang của Nga chính là một phần trong nỗ lực khắc phục các thất bại trong chính sách đối với Ukraine của họ.
Tại thời điểm này, Nga đang muốn chính quyền mới tại Kiev phải ra đi. Bằng những sức ép như can thiệp quân sự và kích động sự sợ hãi của cộng đồng nói tiếng Nga tại miền Nam và Đông Ukraine, rất có thể ông Putin sẽ đạt được mục đích của mình. Mục tiêu chiến lược của Nga hiện nay không phải là giành được Crimea như nhiều người vẫn nghĩ, mà là tạo ra một cuộc khủng hoảng tại Ukraine, đưa đất nước này trở thành một Nhà nước liên bang, với một trung tâm quyền lực lỏng lẻo, trong khi phần phía Đông đất nước sẽ thân với Nga trong khi phần phía Tây lại xích lại gần Ba Lan và EU.
Nhiều người cho rằng phương Tây, và đặc biệt là Mỹ, có thể sử dụng các biện pháp trừng phạt, cấm vận nhằm ngăn chặn Nga. Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng ông Putin hiện nay đã khác xa so với năm 2004, và thậm chí là năm 2008. Ông đang có tham vọng đưa nước Nga trở lại thời kì trước năm 1914, khi đó Nga có một chế độ chuyên chế nhưng vẫn được chấp nhận, và Nga có thể trở thành một phần của châu Âu nhưng vẫn bảo vệ được những giá trị văn hóa và truyền thống của mình. Nói cách khác, những gì mà ông Putin đang triển khai tại Crimea khác xa so với cuộc chiến Gruzia hồi năm 2008. Khi đó, Nga sử dụng vũ lực để tạo ra giới hạn đỏ nhằm ngăn không cho phương Tây đi quá xa. Còn tại Crimea, Moskva đã chứng tỏ họ sẵn sàng vượt qua các giới hạn đỏ của phương Tây, nhằm thách thức tính pháp lý cũng như cấu trúc của trật tự được lập ra kể từ sau Chiến tranh Lạnh tại châu Âu. Bước đi của ông Putin thật sự là một thách thức. Liệu Mỹ sẽ vẫn sẵn sàng đảm bảo an ninh cho các nền dân chủ tại châu Âu, hay họ sẽ làm ngơ và xoay trục sang châu Á? Liệu Đức có đủ sức mạnh để đương đầu với Nga, một nước vốn không mặn mà lắm với việc trở thành một thành viên của châu Âu?
Cho dù câu trả lời là thế nào đi nữa thì cũng cần nhận thấy một điều rằng rất khó để cản bước ông Putin. Ông đã gạt bỏ luật chơi của phương Tây; ông không sợ bị rơi vào tình thế cô lập về chính trị, mà thậm chí còn rất sẵn sàng chào đón nó; ông không lo ngại về việc đóng cửa biên giới. Dường như chính sách đối ngoại của ông Putin là một sự phủ nhận đối với các giá trị của phương Tây, đồng thời tạo ra một đường ranh giới rõ ràng giữa Nga và châu Âu. Với ông Putin, Crimea dường như chỉ là sự khởi đầu. (BBC/BS)
-----------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét