Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

NẾU KHÔNG CÒN… “ THẦN TƯỢNG ” ?

                    
     * BÙI VĂN NAM SƠN 
- Cát Khuê - TT : Thưa ông, ông có quan tâm đến hiện tượng suy tôn thần tượng của giới trẻ Việt những năm gần đây không ạ ? (Suy tôn thần tượng ngôi sao Hàn Quốc, thần tượng Ngô Bảo Châu và thần tượng ai đó giàu có hay nổi tiếng…)
- Bùi Văn Nam Sơn – BVNS: “ Suy tôn thần tượng ” – với tất cả sự đa dạng của nó – không chỉ có ở giới trẻ Việt Nam và không chỉ có ở… giới trẻ ! Ở đâu cũng có và nơi mọi lứa tuổi. Đó là một nhu cầu tâm lý, một hiện tượng xã hội phổ biến, vừa thú vị vừa quan trọng, cần được chia sẻ, tìm hiểu và tìm cách tiếp cận cho phù hợp. Như nhiều người khác, tôi cũng có… thần tượng và ước mong được tự do trong “ không gian lý tưởng ” ấy của riêng mình.
TT :  Dưới góc nhìn triết học, thì thần tượng thường mang những đặc tính gì mà đám đông (không kể trẻ già) lại hay mê mệt đến mức… cuồng si, thưa ông ?
BVNS :  “ Người trong mộng ” thì thời nào cũng có, nhưng “ thần tượng ” (idol) mà ta bàn ở đây dường như ra đời cùng với nền giải trí được công nghệ hoá, và, ngày nay, được toàn cầu hoá. “ Idol ” bắt nguồn từ chữ Hy Lạp “ eidolon ”, là hình ảnh đã trở thành biểu tượng để được tôn thờ, như thế, dù “ hiện đại ” đến đâu, ta vẫn thấy rõ ý nghĩa tín ngưỡng cổ xưa của từ này. Từ chỗ thần thoại hoá một tính cách đến thần tượng hoá một “ ngôi sao ” chỉ là sự tiếp tục trong hình thức khác. Jean-Luc Marion, trong The Idol and Distance (Thần tượng và Khoảng cách), có nhận xét rất hay : “ Tôi phải gọi tình yêu này là tình yêu của tôi, vì lẽ nó ắt không lôi cuốn tôi như thần tượng, nếu, trước hết, nó không mang lại cho tôi hình ảnh về chính mình, như một tấm gương vô hình. Tình yêu không thể không kết thúc như là yêu chính mình, trong hình ảnh của một sự tự - thần tượng hoá ”. Trước tiên, ta “ thần tượng hoá ” đồ vật hữu hình (túi xách, xe hơi, nhà lầu…), gọi là “ bái vật hàng hoá ”, sau đó là thần tượng hoá những ham muốn, ý tưởng, lý tưởng, đức tin, hệ tư tưởng vốn là gốc rễ của loại trước, và sau cùng, là đi tìm những giây phút “ thăng hoa ” cho chính mình, vượt ra khỏi khuôn khổ nhàm chán của đời thường, tự đo mình bằng những thước đo khác, cao hơn.
- TT :   Sự ngưỡng mộ ở mức suy tôn, theo ông dừng ở mức độ nào (từ cả hai phía) thì sẽ nhiều yếu tố tích cực và đến mức độ nào thì cần phải báo động sự tiêu cực về mặt trí và đức ?
- BVNS : Trừ những trường hợp cá biệt, tiếc rằng ngày nay mức độ này thường không do hai phía định đoạt cho bằng do tác động của các cơ quan truyền thông, giải trí và tổ chức sự kiện với nhiều kỹ thuật tinh vi. Ranh giới giữa tích cực và tiêu cực, thậm chí giữa hợp pháp và không hợp pháp cũng rất khó phân định. Không có gì thay thế được sự trải nghiệm của bản thân và nền tảng văn hoá cố hữu của mỗi người.
- TT :  Lý giải cách nào khi người ta sẵn lòng bỏ chẳng hạn 100 đồng cho thần tượng của họ trong khi chính họ sẽ không dám tiêu 100 đồng ấy cho bản thân mình hoặc chưa bao giờ họ dành số tiền ấy cho người thân ? Trong phạm vi của sự ảnh hưởng, những người được suy tôn có quyền năng với đám đông của họ, nhưng còn pháp luật thì sao, có ngoại lệ không ạ ?
- BVNS :  Sử dụng cho bản thân là tiêu dùng. Dành cho người thân là biếu tặng. Còn cho “ thần tượng ” là… hiến dâng ! Một sự kiện luôn có nhiều tầng ý nghĩa, và hiến dâng là kích thước khác hẳn với tiêu dùng và biếu tặng, không thể so sánh và đánh giá đơn giản. Nhưng, lạm dụng việc ấy lại là chuyện của luật pháp : người nhận phải khai báo và đóng thuế… thật nặng, không có ngoại lệ !
- TT :  Nhìn vào sự náo loạn của “ đám đông ” khi đến với thần tượng, có phải đó là hệ quả của sự lệch chuẩn trong nhiều khía cạnh sống hiện tại không, thưa ông ?
- BVNS : Thế nào là “ chuẩn ” để biết có sự lệch chuẩn ? Một xã hội nghiêm trang, khắc nghị, đơn điệu, không có “ náo loạn ” là chuẩn ? Một nghiên cứu trong lĩnh vực sư phạm truyền thông cho biết thêm những lý do của những thần tượng tuổi “ teens ”: sự “ náo loạn ” thường phản ánh những tệ trạng xã hội, với cảm giác bất an và không vừa lòng. Thậm chí nó là hậu quả của những trải nghiệm đau khổ hay chấn thương từ cả hai phía. Có người ngưỡng mộ tài năng và sức sáng tạo của “ thần tượng ”. Có người lấy cảm hứng từ đó để “ phản ứng ” với phụ huynh và tiến một bước đến sự tự trị. Số khác cảm nhận rằng những lời nói, ca từ có ý nghĩa xã hội quan trọng nào đó và thích hợp với mình. Số khác xem cộng đồng “ fans ” là chỗ dựa tinh thần và mối dây xã hội mà họ không tìm được ở chỗ khác. Nói ngắn, đối với “ fans ” trẻ tuổi, có nhiều khả năng để sử dụng “ thần tượng ” theo hướng tích cực và chưa đủ bằng chứng cho thấy việc này nhất thiết sẽ dẫn đến hành vi phá hoại và tự huỷ.
- TT :  Và có lỗi không, khi truyền thông bằng nhiều cách khác nhau đã đưa đến với công chúng những hình ảnh hoặc quá lung linh hoặc vô cùng méo mó để thần tượng cùng nỗi cuồng si cứ trồi sụt như giá… chứng khoán, thưa ông ?
- BVNS :  Nhìn lại lịch sử, quả thật truyền thông giữ vai trò rất lớn, nếu không nói là quyết định trong lĩnh vực này. Ở phương Tây, thời kỳ hoàng kim của “ thần tượng ” là những năm 1980 thế kỷ trước với ảnh hưởng rộng khắp của máy truyền hình. Nhưng thời ấy, không thể trở thành “ thần tượng ” nếu không có cơ quan truyền thông đứng đàng sau “ đạo diễn ”, biến những thần tượng nhân tạo thành những “ cỗ máy làm tiền ”. Từ những năm 1990, người xem bắt đầu nhàm chán, và bản thân những “ thần tượng ” hàng đầu cũng muốn trở thành nghệ sĩ đích thực hơn là “ thần tượng ”. Ngày nay, internet dần thế chỗ cho TV, rất thuận tiện cho việc trở thành “ thần tượng ” với phí tổn thấp, và nhiều người có thể xây dựng một nhóm những kẻ ái mộ, nhỏ nhưng vững chắc. Ta bước vào thời kỳ của số đông những “ thần tượng ”, số đông những “ fan club ”, song hành với tiến trình đa dạng hoá của sở thích và dân chủ hoá xã hội. Hệ thống truyền thông nói chung, công nghệ giải trí nói riêng, vận hành theo quy luật riêng của nó, khó có thể rao giảng đạo đức ở đây. Chính những phương tiện truyền thông khác, cách thức truyền thông khác, tự chúng, sẽ dần thay thế và điều chỉnh.
- TT :  Lời khuyên nào từ quan điểm triết học cho những người trót bị/được vào hào quang thần tượng, những ứng xử tối thiểu để họ không rơi vào cảnh ném ra ánh sáng, những sơn son thếp vàng không còn che nổi pho tượng đất ?
- BVNS : Triết học, theo chỗ tôi hiểu, thường tiết kiệm lời khuyên ! Nó chỉ phân tích và soi sáng vấn đề để con người tự quyết định lấy. “ Bị ném ra ánh sáng ” là giá phải trả cho sự trưởng thành. Triết học không muốn làm điều gì khác hơn ! Nhưng, đó nên là một tiến trình tự nhiên, phù hợp với tâm sinh lý của từng lứa tuổi. Đừng để xảy ra bi kịch thương tâm như mới đây ở Trung Quốc. Ông bố, Chu Khải, trong cơn nóng giận, giết chết cô con gái, Tiểu Nam, 13 tuổi vì cô suốt ngày say cuồng nhóm nhạc EXO của Hàn Quốc và hỗn láo với cha mẹ. Ông ân hận, tự sát nhưng không chết và đang bị khởi tố !
Lỗi tại ai ? Cô bé 13 tuổi làm gì có tội, thậm chí chưa biết tội là gì ! Ban nhạc EXO ? Thật vô lý khi quy lỗi cho họ. Vậy, nếu ông bố bình tâm nghĩ rằng : ở tuổi 13, cô bé biết mơ mộng, biết “ hiến dâng ”, thì ở lứa tuổi khác, nhất là khi trưởng thành, cô sẽ càng biết hiến dâng cho những điều khác nữa.
Có người còn xét việc thần tượng hoá những hiện tượng phi - vật chất trên bình diện xã hội. Vấn đề sẽ là : ta không còn thần tượng hoá như thế nào, mà cùng nhau thần tượng hoá cái gì ? Trong quyển Idols of Our Times (Những thần tượng của thời đại chúng ta), Bob Goudzwaard cho rằng sự giàu có, an ninh, cách mạng và chủ nghĩa dân tộc là “ những lý tưởng của thời đại chúng ta ”. Nhưng đó là vào năm 1984. Vào năm 2014, những “ thần tượng ” ấy có thay đổi ? Ta có những thần tượng xã hội “ mới ” ? Dân chủ ? Đoàn kết ? Bình đẳng ? Nhân quyền và dân quyền ? Quyển Political Visions and Illusions (Những viễn kiến và ảo tưởng chính trị) của David Koyzis bàn khá sâu về những câu hỏi ấy. Đồng thời nảy sinh nhiều câu hỏi khác : những thần tượng xã hội có “ khác ” với thần tượng cá nhân ? Hay thần tượng xã hội chỉ là sự mở rộng thần tượng cá nhân ? Hay chúng không thể là những thần tượng cá nhân ? v.v…
Trở lại với câu hỏi của chúng ta. Hiếm có ai là… “ fan cuồng ” như Bùi Giáng qua hai câu sau đây :
Bây giờ tôi dại tôi điên
Chắp tay tôi lạy một miền Hà Thanh !
Nhưng chắc không ai nghĩ Bùi Giáng “ dại và điên ” thật sự bởi giọng hát Hà Thanh như bởi một “ miền ” ái mộ !
Ta chỉ thấy đời vui hơn và đẹp hơn ! “ Trưởng thành ” – như nói trên đây – không phải là dửng dưng, vô tình, khô héo như hoang mạc.
- TT : Là một người nghệ sĩ, nhất là đã trở thành thần tượng của nhiều người, thì có hay không trách nhiệm của họ với danh tiếng, với nghề nghiệp, những thứ đã mang lại cho họ hào quang, thưa ông ? Danh tiếng như phù hoa nhưng có thể đi theo suốt cuộc đời, ứng xử sao, cách nào để hình ảnh ấy không “ phản bội ” tình yêu, sự si mê của công chúng ?
- BVNS : “ Nghệ sĩ ” có trước hay “ thần tượng ” có trước ? Thông thường, sự nghiệp sáng tạo làm nên người nghệ sĩ. Danh tiếng và “ trở thành thần tượng ” đến sau như là kết quả tự nhiên. Nhưng, từ khi có “ công nghệ ” tuyên truyền và quảng cáo, trình tự thường bị đảo ngược ! Điều này góp phần gây nên ảo tưởng cho cả “ thần tượng ” lẫn người ái mộ. “ Thần tượng ” sa đoạ thành “ ngẫu tượng ” của sự tự huyễn hoặc cho phía bên này và mê muội cho phía bên kia. “ Ngẫu tượng ” là sản phẩm được dựng lên, đã không tự chủ, thì làm sao có ý thức trách nhiệm ? “ Không phải cái gì lấp lánh cũng là vàng ”. Người nghệ sĩ đích thực, với mỹ cảm thiên phú, ý thức điều này hơn ai hết. Họ sống cho cái đẹp, hơn là muốn “ cái đẹp ” phục vụ cho mình. Như có nói ở trên, sau sự sụp đổ của nhiều “ thần tượng ” ở các nước (vướng vào ma tuý, lừa đảo, tội phạm…), nhiều thần tượng hàng đầu khác trong làng giải trí chọn trở lại làm người nghệ sĩ.

Cát Khuê (thực hiện)/TTO
-------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét