Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2014

Bộ trưởng mắng và… bị mắng?


              * TÔ VĂN TRƯỜNG
Công luận vỗ tay hoan nghênh khi ông “mắng mỏ” người này, người khác bởi vì ông là con người của hành động. Nhưng rồi công luận cũng hỏi ông đã bị ai… mắng chưa?
So với thế giới, giao thông nước ta quá nhiều cái nhất, đắt nhất. Chất lượng kém nhất, lâu nhất (thời gian giải phóng mặt bằng). Tham nhũng, thất thoát với những vụ án nổi tiếng cả thế giới (Vinashin, Vinaline , PMU18 vv…) và tai nạn giao thông mỗi năm làm chết khoảng 12 nghìn người.  Và lâu nay, người ta đang rất quan tâm đến lĩnh vực này, vì có ông Bộ trưởng hay… mắng nhất!
Đã bị ai… mắng chưa?
Ông "nhúng" vào tất cả lĩnh vực, từ anh chậm tiến độ, thi công không đảm bảo chất lượng, làm ăn bê bối (đoạn QL1 mở rộng Hà Nam-Thanh Hóa) đến anh đi chơi golf , nay lại là anh nhà thầu Keangnam (Hàn Quốc) gói thầu A4 cao tốc Nội Bài – Lào Cai vv…
Kể ra, ông mắng thế cũng phải và nói chung công luận vỗ tay hoan nghênh khi ông “mắng mỏ” người này, người khác bởi vì ông là con người của hành động. Nhưng rồi công luận cũng hỏi ông đã bị ai… mắng chưa? Bởi ông là người đứng đầu cái ngành hay bị công luận than phiền nhiều nhất, tất ông phải liên đới chịu trách nhiệm chứ?
Khách quan mà nói việc Bộ trưởng mắng nhà thầu được ví như “tiếng còi” cần thiết. Người nước ngoài mới đến nước ta thường ngạc nhiên thấy người Việt Nam tham gia giao thông khi tắc đường thường bấm còi inh ỏi, hay cãi nhau om xòm để tìm cách giành đường, chen lấn, vượt ẩu, đôi khi bất chấp cả luật lệ giao thông. Có những tiếng còi có ý “xin đường”, có những tiếng còi mang nghĩa “nạt nộ”!
Cuộc sống vốn đã quá ô nhiễm và bức bách, người ta dị ứng với các tiếng còi nạt nộ, quát mắng, hách dịch, bức hiếp, áp đặt, chụp mũ, chết chóc và trói buộc. Người dân mong sao tiếng còi của Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng giống như người công  an nhằm điều khiển giao thông hay chặn đứng các tay quái xế phóng nhanh, vượt ẩu, đè người chết vv…
Lỗ hổng và sự thay đổi 
Mắng người lại ngẫm đến ta!
Trong lĩnh vực GTVT, cần đi sâu phân tích bản chất của sự việc chính là “lỗ hổng”mà giữa quy định của Việt Nam và quốc tế vẫn có độ vênh lớn (lỗi này thuộc về trách nhiệm của Bộ Kế hoạch  & Đầu tư). Thông thường, nhà thầu nhận tiền ứng trước thường là 10%, có khi đến 15%, giá trị hợp đồng. Mục đích là để nhà thầu có tiền huy động nhân viên, mua vật liệu, thuê máy móc thiết bị vv…
Nhưng thường, công ty mẹ nhận luôn phần này ở "chính quốc" của họ xem như đó là lợi nhuận công ty. Rồi để cho công ty con  ở VN hoặc công ty đối tác VN tự bơi phải lo thi công trước để rồi nhận chi trả sau theo tiến độ hoàn thành. Công ty con nào không có năng lực tài chính thì khó hoàn thành được. Vì các nhà cung cấp vật liệu, cho thuê thiết bị biết rõ tình hình từng anh yếu kém mà không cho thiếu chịu, bắt phải “tiền trao cháo múc”! Tình trạng này cũng xảy ra với các Tổng công ty của VN và công ty con của họ.
Cũng có nhà thầu, chính vì tỉ lệ lợi nhuận kém (sau khi đã chi tiêu nhiều khoản "vô hình" không thể ghi vào sổ kế toán) bèn o ép nhà thầu phụ. Đến phiên nhà thầu phụ o ép công nhân, bắt họ làm việc dài ngày mà không trả lương. Tình trạng này khá phổ biến ở VN.
Trong khi nhẽ ra, là chủ đầu tư họ phải tính toán tỉ lệ thi công của các nhà thầu phụ rồi trả tiền ứng trước trực tiếp cho từng nhà thầu phụ theo tỉ lệ khối lượng. Việc này thì FIDIC (theo quy định của quốc tế) cho phép, có PMU (phía VN) đồng ý nhưng kho bạc không chịu mà PMU không làm gì được. Rồi cũng khó mà thuyết phục kho bạc cho chi trả tạm theo tinh thần FIDIC có thể cho nhà thầu nợ một số chứng từ, trong khi kho bạc đòi phải có chứng từ, từ A đến Z thì mới giải ngân!
Lại trở về chuyện "vũ như cẩn": Quy định VN và thông lệ quốc tế cho đến giờ vẫn chưa hòa hợp được. Chủ đầu tư phải kiểm soát các tài khoản của các nhà thầu chính lẫn phụ để đảm bảo họ chi tiêu đúng mục đích, không lấy tiền ứng trước đi trả nợ! Nhưng có nhiều lấn cấn về quan hệ các bên hoặc quan hệ với cơ quan chủ quản trung ương mà chủ đầu tư ngại có biện pháp quyết liệt!
Vì nhà thầu muốn chạy theo lợi nhuận, họ nhắm hạng mục nào ngon ăn thì bỏ giá khá, hạng mục nào khó xơi thì hạ giá thấp rẻ mạt, cộng lại thì giá bỏ thầu thấp, họ trúng thầu. Sau đó, họ chỉ hoàn tất hạng mục ngon ăn mà thu lợi nhuận, bỏ rơi hạng mục khó xơi, với vô vàn lý do mà một phần cũng do lỗi của chủ đầu tư, như chậm tiến độ bàn giao mặt bằng.
Cũng vì quan hệ "hữu hảo" của nhà thầu ngoại hoặc "con cưng", "sân sau" của nhà thầu nội mà chủ đầu tư không dám có biện pháp gì  vv...Cho nên hành động quyết liệt của Bộ trưởng Bộ GTVT cần được coi là biểu hiện tích cực để làm cơ sở đề xuất thay đổi “lỗi hệ thống”!  
Ở các nước, Bộ trưởng không nhất thiết phải là người am hiểu chuyên môn sâu của tất cả các lĩnh vực trong ngành, mà là người có tầm nhìn, có năng lực điều hành, biết dùng người giỏi kể cả người giỏi hơn mình.
Hy vọng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nước ta cũng là người như thế!
TVT
---------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét