* HẢI BĂNG
Theo báo cáo của CBRE, thị trường mặt bằng bán lẻ đang rơi vào vòng suy thoái khi diện tích được thuê giảm, giá thuê cũng giảm theo. Tuy nhiên, có vẻ chỉ doanh nghiệp nội mới đang gặp khó khăn, khi một loạt nhà đầu tư ngoại như Aeon Mall, McDonald's, Dukin' Donuts, Super Sport, Dairy Queen… đều tích cực săn lùng các địa điểm đẹp cho chiến lược bành trướng của mình.
Chuyên gia kinh tế Tim Harford đã chỉ ra rằng người ta uống cà phê Starbucks nhiều không phải vì nó bổ béo hơn, thơm ngon hơn đối thủ cạnh tranh, cũng chẳng phải vì có đội ngũ tiếp viên mỹ miều hơn người khác, mà chỉ đơn giản, Starbucks luôn đặt cửa hàng ở những vị trí tiện lợi nhất, đông người qua lại nhất, gửi/đỗ xe thoáng đãng nhất. Mà chẳng có ai lại đi hy sinh thời gian ít ỏi của mình chỉ để lòng vòng kiếm một quán nằm trong góc khuất chẳng có vẻ gì là tiện lợi cả. Điều đó lại càng đúng ở Việt Thị trường BĐS nhìn chung có thể trầm lắng, song ở các vị trí đắc địa, đặc biệt ở các vị trí góc ngã tư, nơi có ưu thế “hai mặt tiền”, có giá thuê vẫn thường cao hơn cửa hàng mặt phố thông thường từ 20-50%, mà hầu như không bao giờ thấy một tòa nhà nào “tắt đèn” im ỉm. Cứ thương hiệu này đóng cửa tại địa điểm nào đó thì ngay sau đó sẽ lại có thương hiệu khác thay thế. Cách đây 3 năm, “cà phê kiểu Úc” Gloria Jean’s Coffees mở cửa hàng tại mặt tiền của nhà hàng Brodard trên đường Đồng Khởi (quận 1) nhưng nay đã thuộc về Sony. Tương tự, tại bùng binh Điện Biên Phủ, một cửa hàng của cà phê Trung Nguyên bị thế chỗ bởi thương hiệu thức ăn nhanh Popeyes Chicken. Đối diện sang chính là cửa hàng đầu tiên mà McDonald’s mở ở Việt Nam . Rất mau chóng sau đó, cửa hàng thứ hai cũng chiếm ngay vị trí “vàng” tại khu “mũi tàu” Trần Hưng Đạo - Phạm Ngũ Lão (quận 1) - địa điểm mà cả Lotteria, KFC hay Burger King đều thèm muốn. Cuối năm 2013 vừa qua, thị trường lại thêm phần nhộn nhịp khi một số trung tâm thương mại mới khai trương, chẳng hạn như tòa nhà Parkson Cantavil Premier tại quận 2, với ba khách thuê chủ chốt là Big C, Lotte Cinema và California Wow.
Không khó lý giải vì sao Cushman & Wakefield nhận định từ nay đến cuối năm 2015, chỉ riêng thị trường Hà Nội cũng sẽ đón nhận thêm 1,5 triệu m2 mặt bằng bán lẻ. Dù nền kinh tế ảm đạm khiến các thương hiệu trong nước tỏ ra mệt mỏi, và đành “ngậm ngùi” tìm đến vùng ven hay chuyển tới một góc khuất trong trung tâm thương mại, nhưng vẫn còn các thương hiệu nước ngoài vốn đã có lợi thế về vốn, nay lại bớt đối thủ cạnh tranh, càng tranh thủ dịp này chiếm các vị trí đắc địa. Theo CBRE, các nhà bán lẻ như Aeon Mall, McDonald's, Dukin' Donuts, Super Sport, Dairy Queen đang tích cực tìm kiếm mặt bằng để mở rộng hoặc xây dựng cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM.
Ông Marc Townsend - Giám đốc điều hành CBRE Vietnam - cho rằng lộ trình đã cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) sẽ góp phần khuyến khích nhà bán lẻ nước ngoài tham gia thị trường, và dự báo ngành hàng ăn uống và siêu thị vốn không bị ảnh hưởng bởi chu kỳ kinh tế, được xem là vị cứu tinh của cho các trung tâm thương mại thoát khỏi tình cảnh sa sút. Trong năm vừa qua, thống kê của CBRE cho thấy, chiếm tới 48,7% là nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ của các dịch vụ ăn uống, gần tương đương với nhu cầu thuê của tất cả các lĩnh vực khác cộng lại. Sau đó là siêu thị và cửa hàng tiện ích với 10,1%. Theo số liệu khảo sát của Kantar Worldpanel, tổng mức chi tiêu cho ăn uống bao gồm các nhóm hàng tiêu thụ nhanh, thực phẩm tươi, ăn uống bên ngoài chiếm tới gần 1/3 tổng mức chi tiêu của thị dân Việt Nam . Chính vì vậy, các chủ đầu tư luôn dành từ 20 - 30% diện tích sàn trung tâm thương mại chỉ riêng cho nhóm kinh doanh ăn uống. Và những cái tên như McDonald’s, bất chấp bài học nhãn tiền từ Starbucks “chỉ sốt những ngày đầu”, vẫn có cơ sở để tự tin tuyên bố sẽ phát triển khoảng 100 cửa hàng trong 10 năm tới (trung bình 10 cửa hàng/năm).
Lời tuyên cáo của đại gia đồ ăn nhanh từ Mỹ được xem là sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến mới cho lĩnh vực thức ăn nhanh trong cuộc săn lùng mặt bằng đẹp. Điều đó có nghĩa là, giá thuê mặt bằng tại các vị trí “vàng” không những đứng bên lề cuộc khủng hoảng, mà thậm chí còn có thể bị đẩy lên một ngưỡng cao hơn. Sau này, các thương hiệu nội địa rất khó có cơ quay trở lại những vị trí đắc địa này. Trong khi đó, những chiếc bánh humburger hay cốc cà phê Starbucks đứng trước nguy cơ phải gánh chi phí thuê mặt bằng quá lớn, lại càng thêm phần đắt đỏ. Nhưng khi người Việt Nam vẫn còn coi quán ăn nhanh hay quán cà phê không phải chỉ là nơi tạt qua, mà là nơi để “tự sướng”, để tâm sự, để tổ chức sinh nhật hay kỷ niệm một dịp gì đó trong năm, thì cũng chẳng mấy người mảy may để ý đến tiền của mình đang dần chui vào túi các đại gia ngoại, và phần lớn, nó chẳng đi vào ngân sách hay đóng góp khiến một con đường nào trở nên phẳng phiu hơn cả.
H.B /SM
----------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét