* PIERRE BOURDIEU
(Nguyễn Duy Bình - dịch)
(tiếp theo - Kỳ 3 - hết)
... Chương trình đó có ý xem các chính sách của các quốc gia (liên quan đến việc bảo tồn đặc trưng văn hóa dân tộc và qua đó nhằm cản trở công nghiệp văn hóa xuyên quốc gia) là những “trở ngại cho kinh tế”. Làm sao mà không thấy rằng hậu quả của chương trình này chính là cấm phần lớn các quốc gia, đặc biệt là các nước ít tiềm năng kinh tế và văn hóa, được quyền hy vọng phát triển theo đặc thù dân tộc và đặc thù địa phương và bảo đảm sự đa dạng văn hóa cũng như sự đa dạng trong các lĩnh vực khác? Nhất là chương trình đó lại buộc các biện pháp quốc gia, các quy định nội bộ, các khoản trợ cấp cho các cơ quan, thể chế v.v… phải tuân theo những bản án của một tổ chức đang cố đáp ứng những đòi hỏi của các thế lực kinh tế xuyên quốc gia bằng một chuẩn mực toàn cầu.
Sự tai ác của chính sách này thể hiện trong một hậu quả kép: trước hết, chính sách này được bảo vệ chống lại giới phê bình và sự phản đối của công chúng bằng cách giữ bí mật cho những người đẻ ra nó, sau nữa, nó có rất nhiều hệ lụy, đôi khi có mong muốn, mà những người phải chịu những hệ lụy đó không thấy vào thời điểm chính sách được thực thi. Những hệ lụy này chỉ xuất hiện khá chậm, thành thử các nạn nhân không thể tố cáo chính sách đó ngay tức thì (chẳng hạn như tất cả các chính sách giảm giá trong lĩnh vực y tế).Pierre Bourdieu (*) |
Đó là một chính sách biết cách sử dụng các nguồn lực tri thức vào lợi ích kinh tế nhờ vào sức mạnh của đồng tiền, ví dụ như Think Tanks, viện chính sách tập hợp các nhà tư tưởng và các nhà nghiên cứu đương chức, các nhà báo và các chuyên gia quan hệ công chúng. Chính sách đó hẳn phải gây nên sự cự tuyệt của tất cả các văn nghệ sĩ và các học giả vốn gắn bó với công việc nghiên cứu độc lập. Nhưng bản thân những người này đang là những nạn nhân được chỉ định.
Ngoài việc không phải lúc nào họ cũng nhận thức và hiểu biết các cơ chế và hành động đang tập trung phá hủy thế giới mà chính cuộc sống của họ đang có liên quan; vì luôn thiết tha một cách chính đáng sự độc lập, tự trị, nhất là về mặt chính trị, họ không được chuẩn bị tốt để dấn thân trên chính trường, dù chỉ để bảo vệ sự độc lập, tự chủ của mình. Sẵn sàng cùng hành động vì các sự nghiệp toàn cầu mà hệ hình của chúng mãi là hành động của Zola ủng hộ Dreyfus nhưng họ lại không sẵn sàng cho lắm trong việc dấn thân vào những hoạt động mà họ thấy dường như mang tính nghiệp đoàn chủ nghĩa ích kỷ vì những hoạt động này chỉ có một đối tượng chủ yếu, đó là việc bảo vệ quyền lợi đặc thù của họ. Như vậy là chúng ta quên rằng, bằng cách bảo vệ những quyền lợi liên quan trực tiếp nhất đến cuộc sống của bản thân họ (bằng những hành động như những hành động của các nhà điện ảnh Pháp chống lại AMI- Hiệp định đa phương về đầu tư), họ góp phần bảo vệ các giá trị mang tính phổ quát nhất, những giá trị mà qua họ đang bị trực tiếp đe dọa.
Những hoạt động kiểu này vừa hiếm vừa khó: việc huy động giới chính khách vào những sự nghiệp vượt qua giới hạn của những quyền lợi nghiệp đoàn của một loại hình xã hội đặc thù, tài xế xe tải, y tá, nhân viên ngân hàng hay các nhà điện ảnh luôn đòi hỏi rất nhiều công sức và thời gian, đôi khi yêu cầu cả tinh thần dũng cảm nữa. Những “mục tiêu” của việc huy động giới chính khách thì cực kỳ trừu tượng và rất xa rời thực tế của công dân, kể cả những người có học: các công ty đa quốc gia lớn với những hội đồng quản trị quốc tế, những tổ chức quốc tế lớn, OMC, FMI và ngân hàng thế giới và những chi nhánh với những tên viết tắt phức tạp và đôi khi không thể đọc được, và tất cả các thực tế tương ứng, các ban và ủy ban gồm những nhà kỹ thuật cầm quyền không được bầu và công chúng quảng đại ít biết đến, tất cả tạo thành một chính phủ quốc tế vô hình mà nhiều người không nhận biết và quyền lực của nó thậm chí chi phối các chính phủ quốc gia. Kiểu Big Brother (truyền hình thực tế) này được trang bị tất cả các tập tin được kết nối với nhau về tất cả các thể chế kinh tế và văn hóa. Nó có công năng, hiệu suất, nó quyết định chúng ta ăn gì, không ăn gì, đọc hay không đọc, xem hay không xem phim hay ti vi, và cứ như thế, trong khi các nhà tư tưởng sáng suốt nhất vẫn còn tin rằng những gì đang diễn ra hiện nay là sự tiếp nối những tư biện kinh viện về các dự án Quốc gia toàn cầu theo tư tưởng của các triết gia thế kỷ 18.
Bằng quyền lực gần như tuyệt đối, một thứ quyền lực chi phối các tập đoàn truyền thông lớn, có nghĩa là chi phối toàn bộ các công cụ sản xuất và phát hành các sản phẩm văn hóa, những ông chủ thế giới mới đang hướng đến việc thâu tóm tất cả các quyền lực kinh tế, văn hóa và biểu trưng…
Đó là những quyền lực mà trong phần lớn các xã hội luôn mang tính riêng biệt, thậm chí đối lập, và như vậy, họ có khả năng áp đặt trên quy mô lớn thế giới quan của họ cho phù hợp với quyền lợi của mình. Mặc dù không phải là những nhà sản xuất trực tiếp và cách thể hiện của chúng được bộc lộ trong những thông cáo không phải là độc đáo nhất, tinh tế nhất của các nhà quản lý, các tập đoàn truyền thông lớn đang đóng góp một phần quyết định vào việc lưu hành gần như trên toàn thế giới một tín điều (doxa) vừa tràn lan vừa vòng vo về một chủ nghĩa tự do mới mà có lẽ phải phân tích chi tiết cái biện pháp tu từ: ‘những con quỷ logic’ như những nhận định chuẩn (ví dụ như: “kinh tế đang toàn cầu hóa, cần phải toàn cầu hóa nền kinh tế của chúng ta”; “mọi thứ thay đổi rất nhanh, chúng ta cần phải thay đổi”), những “suy luận” thô lỗ, vừa kiên quyết vừa lạm dụng (“Sở dĩ chủ nghĩa tư bản thắng thế khắp nơi là bởi vì nó được ghi sâu trong bản chất của con người”), những luận đề không thể pha gian (“Bằng cách tạo ra sự giàu có, chúng ta tạo ra công ăn việc làm”, “Quá nhiều thuế sẽ giết chết thuế”), cách nói mà, đối với những người hiểu biết nhất.
Có thể tham khảo biểu đồ nổi tiếng của Laffer, một nhà kinh tế học khác tên là Roger Guesnerie đã chứng minh rằng biểu đồ này không thể chứng minh…), những thực tế hiển nhiên, không thể tranh cãi, đến nỗi chính việc tranh cãi về những thực tế này dường như đang là vấn đề đáng tranh cãi (“Nhà nước bảo hộ và sự bảo đảm công ăn việc làm đã thuộc về quá khứ” và “làm sao còn có thể bảo vệ nguyên lý dịch vụ công”), những ngộ biện đôi khi méo mó (kiểu: “Nhiều thị trường hơn là nhiều công bằng hơn”, “chủ nghĩa bình quân xô đẩy hàng nghìn người đến sự nghèo khó”, những uyển ngữ kỹ thuật cầm quyền (nói “tái cơ cấu các doanh nghiệp” thay vì nói sa thải) và biết bao nhiêu khái niệm và cách nói sáo rỗng, gần như không rõ nghĩa, bị tầm thường hóa và bị bào mòn vì nói lâu thành quen, những khái niệm, cách nói vận hành như những câu thần chú, được nhai đi nhai lại vì giá trị thần chú của chúng (“phi điều tiết”, “thất nghiệp tự nguyện”, “tự do trao đổi”, “tự do lưu thông vốn”, “tính cạnh tranh”, “tính sáng tạo”, “cách mạng công nghệ”, “tăng trưởng kinh tế”, “khắc phục lạm phát”, “giảm nợ công”, “giảm giá thành lao động”, “giảm chi tiêu xã hội”). Bị áp đặt bởi hậu quả của sự phát triển liên tục, tín điều (doxa) này rốt cuộc được thể hiện với sức mạnh tiềm ẩn của một điều gì đó hiển nhiên. Ai mà định loại bỏ khái niệm này thì không thể, ngay trong trường sản xuất sản phẩm văn hóa, trông cậy vào giới báo chí vốn liên kết chặt chẽ với các nhà sản xuất và các sản phẩm hướng đến sự thỏa mãn nhu cầu của công chúng đông đảo nhất (nói thế không phải không có những ngoại lệ), cũng không thể trông cậy vào các “trí thức truyền thông đại chúng”. Những trí thức này luôn quan tâm đến thành quả vật chất, cuộc sống của họ phụ thuộc vào nhu cầu thị trường.
Trong một số trường hợp hy hữu và cũng đặc biệt đầy ý nghĩa, họ có thể bán trên thị trường kinh doanh những sản phẩm bắt chước, mô phỏng các tác phẩm thời kỳ tiên phong mà các tác phẩm tiên phong thì luôn chống lại thị trường đó. Điều này có nghĩa, vị thế của các nhà sản xuất sản phẩm văn hóa độc lập nhất, bởi lẽ càng ngày càng mất đi phương tiện sản xuất và đặc biệt là phương tiện lưu hành, có lẽ chưa bao giờ bị đe dọa đến mức như vậy, chưa bao giờ yếu như vậy nhưng cũng chưa bao giờ hiếm có, hữu ích, quý báu như vậy.
Kỳ lạ ở chỗ, những nhà sản xuất “trong sạch” nhất, phi lợi nhuận nhất, “hình thức” nhất” thường đi tiên phong trong cuộc chiến bảo vệ các giá trị cao quý nhất của nhân loại. Bằng cách bảo vệ tính đặc thù của mình, họ bảo vệ những giá trị phổ quát nhất.
Những cơ may sống sót của văn hóa
Sau một thế kỉ hăng hái dấn thân hay buộc phải dấn thân vào những vấn đề chính trị-xã hội của đất nuớc, một số đông nhà văn và trí thức Việt nam ngày nay, nhất là ở thế hệ trẻ, dường như có khuynh hướng chia tay với tinh thần dấn thân một thuở, đề cao một ý thức nghệ thuật và chuyên môn được coi là thuần túy, tránh mọi hình thức can thiệp trực tiếp vào các vấn đề thời sự bị coi là nhất thời. Chúng tôi xin giới thiệu những tiếng nói nổi bật của các trí thức, học giả và nhà văn quốc tế, những người không dừng lại ở vị trí chuyên môn xuất sắc với công chúng hẹp của mình, mà dấn thân trong ý nghĩa đẹp nhất của từ này vào những lĩnh vực chính trị, văn hoá và xã hội nóng bỏng: nữ nhà văn Ấn Độ Arundhati Roy, nhà văn và học giả Mỹ gốc Palestin vừa quá cố Edward W. Said, nhà xã hội học Pháp đã mất Pierre Bourdieu, nhà ngôn ngữ học Mỹ Noam Chomsky, nhà thơ Đức Hans Magnus Enzensberger...
talawas
Những tác phẩm lớn chỉ có thể được sinh ra bởi những người sáng tạo chúng đã biết tách mình khỏi cái lô-gích của lợi nhuận thuần túy. Dưới đây là những suy nghĩ về quyền lực của thị trường và các phương tiện thông tin đại chúng, về sự kháng cự của văn hóa. Pierre Bourdieu là nhà xã hội học sáng giá nhất của Pháp. Từ năm 1981 ông là giáo sư tại Collège de France. Trong những ấn bản nổi tiếng nhất của ông, La Distinction (1979, Sự khác biệt) và La misère du monde (1993, Nỗi khốn khổ của thế giới), Bourdieu đã phê phán gay gắt chủ nghĩa tân tự do.
Liệu ngày nay và trong bao lâu nữa, người ta còn có thể nói về các hoạt động văn hóa và về văn hóa nói chung? Tôi có cảm tưởng rằng cái lô-gích về sự đồng gia tăng tốc độ và lợi nhuận, nhắm tới lợi nhuận cao nhất trong thời gian ngắn nhất - như chỉ số truyền hình (l'audimat de la télévision), số lượng sách báo bán ra, số lượng khán giả của những bộ phim mới xuất xưởng - không dung hòa được với khái niệm văn hoá. Nói như Ernst H. Gombrich [1] , nếu các "điều kiện sinh thái nghệ thuật" bị phá huỷ thì nghệ thuật và văn hóa cũng mau chóng nối gót theo chúng.
Tôi nghĩ về những gì đã xảy ra với nền điện ảnh Ý, từng là một trong những nền điện ảnh sáng giá nhất thế giới, nay chỉ sống sót nhờ vào một nhúm các nhà làm phim, nghĩ về nền điện ảnh Đức hay Đông Âu. Hay là về cơn khủng hoảng kéo dài của phim nghệ thuật (film d'auteur), thể loại phim đã bị biến mất khỏi thị trường, cũng như về số phận của những kênh radio văn hóa đang dần bị giải thể nhân danh tính hiện đại, nhân danh chỉ số truyền hình và một hiệp ước bí ẩn với thế giới của các phương tiện thông tin đại chúng.
Quyền năng của các nhà phân phối lớn
Nhưng người ta sẽ không thực sự hiểu việc hạ cấp văn hóa xuống thành hàng hóa thương mại có nghĩa gì khi mà họ không hề nghĩ tới các quy luật trong quá trình hình thành của các sản phẩm văn hoá - những quy luật phổ biến trong các ngành nghệ thuật tạo hình, trong văn học và điện ảnh mà chúng ta đều nhìn nhận. Những tác phẩm nghệ thuật được trưng bày trong các bảo tàng, những sáng tác văn học nay đã trở thành kinh điển, những bộ phim nay được lưu giữ trong các kho tư liệu, tất cả là kết quả của lao động tập thể trong các môi trường xã hội, chúng phát triển dần dần bằng ý thức tách mình ra khỏi những quy tắc thường nhật và lô-gích của lợi nhuận.
Một ví dụ khác sẽ làm sáng tỏ hơn: nhờ các hợp đồng được giữ lại, người ta biết được rằng một hoạ sĩ quattrocento [2] đã phải đấu tranh với chủ đặt hàng của mình để tác phẩm của anh ta không bị đối xử như một món hàng, không bị định giá theo kích thước và giá màu; anh ta phải đấu tranh vì quyền được kí tên vào tác phẩm, vì quyền được đối xử như một tác giả, các quyền này gần đây được gọi là "quyền tác giả" (chính Beethoven cũng đã phải tranh đấu vì điều này); anh ta phải đấu tranh vì tính duy nhất, vì giá trị của tác phẩm - cùng với các nhà phê bình, các nhà viết tiểu sử và một lịch sử nghệ thuật ra đời muộn màng - để khẳng định mình là nhà nghệ sĩ, là "người sáng tạo".
Tất thảy những điều đó đang bị đe dọa, trong thời buổi mà các tác phẩm nghệ thuật chỉ còn được xem như hàng hóa. Các cuộc đấu tranh hiện nay của các nhà làm phim vì quyền final cut và chống lại yêu sách của các nhà sản xuất về quyết định cuối cùng cũng giống như sự phản kháng của các họa sĩ quattrocento. Đã cần tới gần năm trăm năm để có được quyền tự do lựa chọn màu sắc, quyền được vẽ như thế nào và cuối cùng là quyền được tự do lựa chọn đối tượng - và làm nó hoàn toàn biến mất như trong nghệ thuật trừu tượng, gây bực mình cho các ông chủ với thị hiếu tầm thường. Cũng như vậy, cần phải có một môi trường xã hội cho sự phát triển của phim nghệ thuật: những phòng nhỏ giới thiệu phim, những rạp chiếu các bộ phim "kinh điển" mà đối tượng lui tới nhiều nhất là sinh viên, những câu lạc bộ điện ảnh được "hâm nóng" bởi các học giả cuồng nhiệt và các nhà phê bình tầm cỡ như trong Cahiers du Cinéma, sau rốt, các nhà làm phim cũng nâng cao nghiệp vụ bằng cách xem đi xem lại những bộ phim mà họ sẽ bình luận sau đó trong Cahiers. Cần cả một môi trường xã hội đặc thù mà ở đó một rạp chiếu phim nhất định có thể được nhìn nhận và chứng tỏ giá trị của nó.
Những môi trường xã hội đó ngày nay bị trấn áp bởi điện ảnh thương mại và quyền năng của các nhà cung cấp dịch vụ lớn. Nhà sản xuất nào cũng phải đương đầu với các nhà cung cấp dịch vụ này, trừ phi anh ta cũng đồng thời là một nhà cung cấp. Sau một quá trình dài phát triển, nay họ đang ở trong một cuộc thoái biến, một sự thụt lùi, trở lại tình trạng trước đây: tác phẩm trở thành hàng hóa, tác giả trở thành những tay thợ khai thác triệt để các khả năng kĩ thuật, trượt theo các kỹ xảo, phó thác vào một ngôi sao ăn khách, tất thảy cực kỳ đắt đỏ nhằm gây sốc hoặc thỏa mãn những mong đợi tức thời của khán giả (mà người ta thường sắp đặt với sự trợ giúp của các kĩ thuật viên và các chuyên gia marketing).
Làm gì?
Việc tái du nhập quyền năng "thương mại" vào môi trường nghệ thuật - môi trường đã từng lớn mạnh từ từ và đối lập với sự thương mại hóa - có nghĩa là đẩy những sáng tạo tuyệt vời nhất của con người, nghệ thuật, văn học và ngay cả khoa học vào vòng nguy ngập. Tôi không nghĩ rằng có ai đó lại mong muốn điều này. Bởi thế tôi nhớ lại công thức nổi tiếng của Platon là "không ai thực sự muốn xấu". Nếu quả thực các thế lực công nghệ liên kết với các thế lực kinh tế vì lợi nhuận và cạnh tranh đang đe dọa văn hóa thì người ta có thể làm gì để chống lại xu hướng này? Chúng ta có thể làm gì để ủng hộ những người có tầm nhìn xa, như các hoạ sĩ ấn tượng, để lao động vì một thị trường tương lai?
Tôi rất muốn thuyết phục bạn rằng việc chạy theo lợi nhuận tối đa và tức thời là không cần thiết, không cần phải tuân thủ lô-gích của nhu cầu đại chúng, khi mà nó liên quan đến những bức tranh, những cuốn sách hoặc những bộ phim. Nếu cuộc chạy đua vì lợi nhuận cao nhất đồng nghĩa với việc cố đạt cho được số lượng công chúng lớn nhất thì sẽ có nguy cơ đánh mất nhóm công chúng hiện có - một nhóm công chúng hạn chế trong số những người đọc nhiều, thường xuyên lui tới các bảo tàng, nhà hát, rạp chiếu phim - mà không thể giành thêm được nhóm công chúng khác về lâu dài.
Thế giới thu nhỏ của các nhà sản xuất
Khi người ta biết rằng, chí ít là ở các nước phát triển, thời gian và quy mô đào tạo trong nhà trường cũng như trình độ học vấn nói chung đều tiếp tục tăng, vì thế mọi hoạt động thực tiễn dựa trên nền tảng đó đều còn giá trị, thì người ta cũng có thể tưởng đến một chính sách đầu tư kinh tế cho các nhà sản xuất văn hóa và các sản phẩm văn hoá với những "đặc trưng chất lượng" cần thiết, ít nhất là một chính sách trung hạn, thậm chí là dài hạn.
Bởi thế, vấn đề cũng không phải là sự lựa chọn giữa "toàn cầu hóa" - tức là tuân thủ các quy luật kinh doanh và quyền lực của thương mại, những thứ luôn là kẻ thù của văn hóa ở khắp mọi nơi - và sự bảo vệ văn hoá quốc gia hay một hình thái nào đó của chủ nghĩa văn hóa dân tộc hoặc văn hóa khu vực.
Sự vô vị của "toàn cầu hóa" thương mại - quần bò, coca-cola, soap opera - hay những bộ phim thương mại lớn với kỹ xảo đặc biệt và cả cái "world fiction" hiện diện khắp nơi đối nghịch với các tác phẩm văn học nghệ thuật và điện ảnh (mà thủ đô của chúng trong mọi trường hợp đều không phải là nơi trú ẩn của một truyền thống quốc gia về tinh thần thế giới trong nghệ thuật, ngay cả Paris từ lâu đã từng là một nơi như thế và có thể còn như thế nữa, cũng tương tự như London và New York). Bởi tất cả những người như Joyce, Faulkner, Kafka, Beckett hay Gombrowicz, những người Ailen, Mĩ, Tiệp Khắc hay Ba Lan đều tồn tại và ghi dấu ấn ở Paris, cũng như rất nhiều nhà làm phim cùng thời như Kaurismaki, Manuel de Oliveira, Satiajit-Ray, Kieslowski, Woody Allen, Kiarostämi và rất nhiều người khác nữa, họ hẳn sẽ không được là họ như bây giờ nếu không có một tinh thần quốc tế về văn học, nghệ thuật và điện ảnh mà trung tâm hoạt động của nó là Paris. Hiển nhiên bởi ở đó, vì những nguyên nhân thuần túy lịch sử, đã hình thành một thế giới thu nhỏ của các nhà sản xuất và người tiếp nhận, những yếu tố thiết yếu cho sự tồn tại và phát triển lâu dài của nó.
Sự kháng cự của văn hóa
Tôi nhắc lại rằng phải cần nhiều thế kỉ mới sản sinh được những nhà sản xuất có khả năng nhìn được các thị trường tương lai. Sẽ rất sai lầm, như ngày nay người ta thường mắc phải, là đặt ra vấn đề đối lập giữa "toàn cầu hoá" (mà người ta thường đặt nó bên cạnh quyền lực thương mại và kinh tế, hay cạnh sự tiến bộ và hiện đại) với một chủ nghĩa quốc gia đi liền với những hình thức bảo toàn bản sắc văn hóa cổ hủ. Thực ra đây là cuộc đấu tranh giữa quyền lực thương mại - cái luôn có tham vọng mở rộng ra toàn thế giới những lợi ích kinh tế đặc thù của những kẻ nắm giữ chúng - và sự kháng cự của văn hoá dựa trên việc bảo vệ những giá trị phổ quát của các thành tựu văn hóa được sản sinh bởi tinh thần quốc tế của những người sáng tạo ra chúng.
Người ta kể rằng trong giao tiếp với người đặt hàng lớn của mình là giáo hoàng Jules II, Michel-Ange đã ít tuân thủ các nghi thức tới mức giáo hoàng luôn phải tìm cách ngồi vào ghế thật nhanh, tránh việc Michel-Ange ngồi sớm hơn ông ta. Ngày nay, điều chính yếu là tiếp tục truyền thống đã được Michel-Ange khơi mở, truyền thống giữ khoảng cách với quyền lực, nhất là với các thế lực mới ngày nay đang hiện hình trong sự cấu kết giữa tiền bạc và các phương tiện thông tin đại chúng.
P.B.D
--------------
(*) - Pierre Bourdieu (1930-2002) là nhà xã hội học, nhà nhân học và triết học nổi tiếng người Pháp, sinh tại Denguin, thuộc hạt Béarn miền nam nước Pháp, gần rặng núi Pyrénées phía Ðại Tây Dương. Xuất thân từ trường Ecole Normale Supérieure - Cao Ðẳng Sư Phạm của Pháp, thạc sĩ triết học, Pierre Bourdieu được bầu vào giảng đàn Xã hội học tại Collège de France từ năm 1985.-----------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét