Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

"Tiếng nói" E. MAIL - 65

On Friday, 25 October 2013, 5:40, Viet vu quang <viet.vuquang@gmail.com> wrote:
Xin góp ý cùng với bác Đặng Hùng Võ để nhúm thêm một tý hy vọng là may ra có một thay đổi nho nhỏ chứ không lẽ đảng và nhà nước VN ta chỉ biết nói "không". 
Tôi nghĩ bác Võ muốn dùng chữ "quyền sử dụng" thay cho "quyền sở hữu" và hy vọng người ta hiểu khác đi cho dân nhờ. Quyền sử dụng là gì và khác với quyền sở hữu ở chỗ nào thì không thấy bác đả động tới.  Nhưng tôi nghĩ là không bây giời thì mai sau việc chấp nhận đa sở hữu về đất trong đó có sở hữu tư nhân là chuyện đương nhiên. Nếu làm sớm thì dân đỡ khổ và nhà nước và đảng đỡ bị khinh ghét. Thực chất trong lịch sử ngoài đất thuộc nhà nước/vua chúa, đất đai hầu hết là thuộc tư nhân (tư nhân hay tập thể) nhưng bị nhà nước cưởng đoạt sau cách mạng. Ngoài ra, tôi cũng không thể hiểu được tại sao nhà nước này chấp nhận sở hữu tư nhân về mọi phương tiện sản xuất có lợi cho người giầu nhưng lại chống việc giao sở hữu tư nhân lại cho dân chúng, phần lớn thuộc nông dân nghèo,  là người chủ thực sự của chúng.
Về "quyền sử dụng"
Khi tôi thuê nhà thì tôi có "quyền sử dụng" căn nhà mà tôi thuê theo đúng hợp đồng đã ký với chủ nhà. Vậy khi tôi được "quyền sử dụng" mảnh đất mà nhà nước giao cho thì tôi cũng chỉ được sử dụng theo đúng hợp đồng mà tôi ký với nhà nước. Cũng như hợp đồng thuê nhà, hợp đồng sử dụng đất có "thời hạn", và chỉ được dùng vào những mục đích ghi trong hợp đồng. Thí dụ có thể cho người khác thuê lại, v.v.  Giá thuê là tùy giá trị kinh tế mà mảnh đất/căn nhà trong thời gian còn lại trong hợp đồng đem đến.  Người có quyền sử dụng mảnh đất không  phải là chủ sở hữu mảnh đất. Họ có thể sở hữu một vài quyền trong "quyền sử dụng" như cho người khác thuê lại nếu được ghi trong hợp đồng như đã nói. 
Cho nên khi Hiến pháp viết đất là sở hữu toàn dân thì đó là phiếm chỉ vì đó chỉ là sở hữu của nhà nước, không có sự có mặt của toàn dân về mặt pháp lý ở đây, chỉ có nhà nước làm quyết định (mà toàn dân chẳng có quyền gì). Cơ bản nếu hiểu đúng, thì "quyền sử dụng" đất chỉ là hợp đồng nhà nước cho dân thuê đất,  và trong thời gian  hợp đồng (dù 10,20,50,100 năm) người dân có quyền sử dụng theo hợp đồng, sau đó phải trả lại.
Quyền sở hữu như thế rất khác quyền sử dụng. Quyền sở hữu có một số quyền sau: Quyền kiểm soát (control) việc sử dụng, quyền cấm người khác xâm phạm, quyền được hưởng mọi lợi ích kinh tế và phi kinh tế mà nó mang lại,  quyền chuyển sở hữu (bán, cho không)  cho người khác. Các quyền này ở bất cứ nước nào cũng bị hạn chế bởi luật pháp quy hoạch (đất nông nghiệp không được đem xây nhà cho thuê chẳng hạn), lợi ích công, v.v..
Nếu muốn tránh việc nhà nước tùy tiện lấy lại hợp đồng thì dân chúng phải có quyền sở hữu tư nhân. Nhà nước  hoàn toàn có quyền lấy đất vì lợi ích chung theo luật được gọi ở nhiều nước là eminent domain.
Về việc trưng dụng đất phục vụ lợi ích chung
Phần này tôi đã viết góp ý với các bác trên vneconomy
http://vneconomy.vn/2013101805547900P0C17/ca-the-gioi-chi-moi-viet-nam-dung-chu-thu-hoi-dat.htm
5. Đối với đất tư nhân, luật các nước đều cho phép nhà nước có quyền trưng dụng vì mục đích công ích, kể cả nhằm mục đích phát triển kinh tế chung. Luật này được gọi là eminent domain. Giá mua là do nhà nước và người bị thu hồi đồng ý với nhau. Nếu không đạt được sự đồng thuận thì nhà nước vẫn có quyền mua, nhưng cá nhân được quyền đưa vấn đề ra tòa án để yêu cầu xử lý dựa trên hai điểm: a) có thực sự là vì lợi ích chung không và b) giá đền bù có hợp lý không, dựa vào đánh giá của chuyên gia đã có quá trình và kinh nghiệm đánh giá tài sản mà hai bên đưa ra. Quan tòa sẽ là người quyết định cuối cùng. Do đó cần có luật về eminent domain. Tuy nhiên cái khó ở VN là dù có luật, cũng không thể có công lý nếu tòa án không độc lập. Dù sao nều quá trình này được chấp nhận thì vẫn là bước tiến so với tình hình hiện nay. Ở đây, có hai điểm cũng cần làm rõ: giá trưng mua hợp lý là gì và lợi ích chung là gì.
6. Giá trưng mua hợp lý không chỉ là giá thị trường với cách hiểu mơ hồ hiện nay. Thí dụ như nhà nước muốn mua phần đất đang dùng làm chỗ đậu xe cho khu thương mại của tôi thì cái giá nhà nước phải trả không phải là cái giá đất bình quân trên thị trường gần đó, mà là giá tính theo giá trị thu nhập mất đi do ít khách hơn vì không còn chỗ đậu xe cho khách hàng như trước, cái mà các nhà kinh tế gọi là opportunity costs tức là chi phí hay lợi ích cơ hội. Hay một thửa đất đang chỉ được phép làm nông nghiệp bị bắt bán để toàn khu vực được chuyển sang đất kinh doanh hay nhà ở thì giá đất hợp lý không phải là giá đất nông nghiệp nữa mà là giá đất sau khi chuyển đổi mục đích. Đấy là dựa vào luật eminent domain của nhiều bang ở Mỹ hiện nay. 
7. Lợi ích chung là gì? Tất nhiên khi dùng để mở rộng đường xá, xây hạ tầng mà mọi người được sử dụng thì đó là vì lợi ích chung. Lợi ích chung cũng liên quan đến mục đích phát triển kinh tế, nhằm phục vụ cả khu vực chứ không nhằm vào một hai nhà tư bản nào đó. Ở thành phố New York trên khu vực đường 42, trung tâm thành phố, trước đây 30 năm là khu đèn đỏ đĩ điểm rất mất an ninh nên ảnh hưởng đến các hoạt động kịch nghệ và du khách và các hoạt động khác. Để phát triển khu vực, chính phủ đã dùng luật eminent domain để bắt các chủ nhà khu vực phải bán lại. Sau đó chính phủ bán đấu giá lại cho các nhà tư sản đập đi làm lại và chỉ để lại nhưng tòa nhà được coi là có giá trị kiến trúc hoặc lịch sử.
8. Cho nên việc chấp nhận sở hữu tư nhân không cản trở mục đích phát triển kinh tế nói chung như nhiều nhà lý luận ở Việt Nam đang dùng để chống việc chấp nhận nhiều hình thức sở hữu đất đai.
Việt
--------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét