Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2013

ĐÀNG SAU “CÙNG PHỒN VINH" CỦA LÝ KHĂC CƯỜNG


* Tướng NGUYỄN TRỌNG VĨNH 
            Đáp lễ chuyến thăm TQ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tháng 6 năm nay, Thủ tướng TQ Lý Khắc Cường thăm Việt Nam trong hai ngày 14, 15 tháng 10 năm 2013, ngay trong ngày Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Ông Thủ tướng TQ thật có tài dùng lời lẽ hoa mỹ nhằm thuyết phục và áp đặt đối với đối tác. Lại vẫn là “kiên trì tình hữu nghị theo phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt”. Nhưng có bao giờ phía TQ thực hiện đâu. Ngược với hữu nghị, lâu nay TQ liên tục hoành hành bá đạo ở biển Đông và từng bước xâm lấn chủ quyền của Việt Nam. Rồi ông lại nói “đưa quan hệ lên tầm cao chiến lược, trong anh có tôi, trong tôi có anh cùng phồn vinh”. Có thật thế không? Hay thực tiễn chứng minh điều ngược lại: Viện trợ Việt Nam trong chống Mỹ, TQ từng muốn ta “đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng” miễn là có khu đệm làm phên dậu an toàn phía Nam cho TQ giống như Triều Tiên phía Đông Bắc. Trong hai cuộc kháng chiến của Việt Nam, những nhà lãnh đạo TQ đều “đi đêm” với các đối tác phương Tây hạn chế thắng lợi của ta, giữ ta trong tình trạng yếu kém để dễ bề khống chế. Tháng 2/1979, lãnh đạo TQ xua quân giết hại dân và tàn phá triệt để các tỉnh biên giới Việt Nam là cùng giúp “phồn vinh” ư? Từ hơn chục năm lại đây TQ xuất siêu sang ta mỗi năm hàng 10 tỷ đô la, tung hàng hóa giá rẻ tràn ngập thị trường Việt Nam bóp nghẹt hàng hóa của ta, cho thương lái vào, nào là mua vét chè nguyên liệu, đặt mua khoai lang tím rồi bỏ, đặt mua dừa non rồi bỏ cho khô héo, mua rễ hồ tiêu giá cao làm cho mất mùa, gây khốn khó cho đồng bào miền Nam. Gần đây mua vét tôm với giá cao làm cho các nhà xuất khẩu tôm Việt Nam điêu đứng vì thiếu nguyên liệu. Đấy là những hành động mà ông Thủ tướng Lý nói là “giúp nhau để cùng phồn vinh” đấy ư?!

            Thủ tướng Lý Khắc Cường đề xuất thành lập 3 nhóm công tác chung, trong đó có nhóm công tác tham vấn cùng khai thác trên biển, đồng thời đẩy nhanh nhóm công tác ngoài cửa vịnh Bắc bộ, hòng thực hiện chủ trương mà ông Đặng Tiểu Bình đã nêu ra trước đây “chủ quyền về ta, gác tranh chấp "cùng khai thác” (nhưng Thủ tướng Lý tạm giấu đoạn “chủ quyền về ta”).
            Lãnh hải, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam được công ước LHQ về luật biển 1982 xác nhận. Phía TQ chỉ bám lấy cái lưỡi bò do chính quyền Tưởng Giới Thạch tự vẽ trước đây, bao trùm 75% biển Đông, bất hợp pháp không được quốc tế thừa nhận mà to mồm tuyên bố chủ quyền. Thực tế thì TQ có gì đâu mà tranh chấp chỉ là do lòng tham bành chướng mà TQ muốn ăn cướp chủ quyền của năm nước Đông Nam Á cũng như đã đánh cướp quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
            Đọc trong tuyên bố chung thì chỉ có câu “Hai bên đồng ý thành lập nhóm công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển…”. Nhưng báo chí TQ lại đăng tin như là Thủ tướng Lý Khắc Cường đã đạt được sự nhất trí của Việt Nam cùng khai thác trên biển, coi đó là bước đột phá thành công của Thủ tướng họ.
            Ông Thủ tướng Lý cũng nhắc lại những điểm đã ghi trong bản tuyên bố chung do TQ khởi thảo trong chuyến thăm của Chủ tịch Trương Tấn Sang, chủ yếu lợi cho TQ.
            Vài tuần gần đây, hai nhà lãnh đạo TQ phân nhau đi thăm nhiều nước ASEAN. Ngoài vấn đề tăng cường giao lưu kinh tế, còn có ý đồ tranh thủ họ trong vấn đề biển Đông nhằm cô lập Philippines và cả Việt Nam. Nhưng khi thăm Việt Nam thì ông Thủ tướng Lý lại khôn khéo biểu thị coi trọng đối tác, lời lẽ “rất hữu nghị thân thiện, trong anh có tôi, trong tôi có anh, giúp nhau cùng phát triển cùng phồn vinh”.
            Có phải TQ thật lòng như vậy không?
            Theo hiểu biết của tôi trước kia cũng như tôi thể hội được trong 13 năm làm Đại sứ ở Bắc Kinh: Những nhà cầm quyền TQ thường nói một đường làm một nẻo. Bành chướng bá quyền là bản chất của họ. Họ đã và đương thực hiện bành chướng “cứng” và bành chướng “mềm” ở châu Á và châu Phi. Nhưng họ luôn mồm tuyên bố là “không xưng bá”. Trên thực tế họ ra sức phát triển lực lượng vũ trang to lớn, hùng mạnh nhằm bá chủ châu Á và tham vọng vượt qua Mỹ tiến lên bá chủ toàn cầu. Từ thực tiễn người ta đã rút ra câu kết luận: “Chớ vội tin lời người lãnh đạo TQ nói, hãy xem việc họ làm”.
N.T.V
-----------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét