Không hề lạ khi Luật Đấu thầu vừa được đưa ra thảo luận tại Quốc hội lại giống như Quy chế đấu thầu thuốc chữa bệnh. Dù không ai nói ra, nhưng cái tâm thế - qua những phát biểu - thì những ám ảnh từ vaccine Quinvaxem, từ Cát tường… là rất rõ ràng.
Có nhiều chi tiết đã được công bố công khai:
Nào là có tới 1.143 loại thuốc do BHYT chi trả, nhưng từ trước tới nay không ai kiểm soát và không biết giá thuốc cao hay thấp.
Rồi thì “thuốc trúng thầu vào bệnh viện cao hơn 2-3 lần so với giá thị trường”. Nếu cần phải có một ví dụ, thì chẳng hạn như trường hợp thuốc Spoxin - do chính Bộ Y tế phát hiện, tại BV Việt Đức: Giá kê khai 2.500 đồng, trong khi giá nhà thuốc bệnh viện mua là 14.000 đồng. Hay thuốc Azilide giá kê khai chưa đến 3.000 đồng, nhưng giá nhà thuốc mua là 12.500 đồng.
Và quan trọng nhất, giá đấu thầu cao gấp 2-3 hay 10 lần, nhưng vẫn đúng.
Thực tế giá thuốc đang cho thấy một logic rất rõ ràng: Nếu thuốc qua đấu thầu mà đắt gấp 2-3 lần thị trường thì việc gì phải đấu thầu, phải xây dựng luật. Vấn đề, vì thế, chưa chắc đã phải là luật quy định như thế nào, mà luật có khe hở gì và đang được thực hiện như thế nào.
Thuốc - thực ra cũng là một mặt hàng và đã nói đến hàng hóa thì then chốt là yếu tố minh bạch.
Trong chính ngày QH thảo luận về Luật Đấu thầu, hội thảo trước đối thoại về phòng, chống tham nhũng lần thứ 12, Thanh tra Chính phủ đóng dấu xác nhận một loại hình tham nhũng mới mang cái tên mỹ miều là “hoa hồng”, là “gửi giá”.
Lỗi tại hoa hồng!
Nhớ hồi đầu tháng 9, trong buổi đấu thầu thuốc, bên cạnh 65 nhà thầu, bên cạnh đại diện BHYT, lãnh đạo BV Việt Đức đã làm một việc chưa từng có là mời đại diện báo chí đến dự. Bữa đó, thay vì đấu giá chọn thuốc rẻ nhất như hướng dẫn trong thông tư 01 hiện hành, BV Việt Đức đặt ra hai tiêu chí để chấm thầu: Chất lượng tốt và giá cả phù hợp.
Có lẽ, ám ảnh trước những trường hợp thuốc đến mức thái quá như ở Hải Phòng: Có loại kháng sinh tiêm nguồn gốc Trung Quốc chỉ 8.900 đồng/lọ đã khiến họ đưa ra tiêu chí này để tránh tình trạng thuốc giá rẻ chất lượng thấp.
Điều ít nhất có thể nhìn thấy là sau đó người dân - đặc biệt là các bệnh nhân - đã nhìn thấy hai chữ “công khai”, “minh bạch” trên báo chí.
Một việc chưa từng có tiền lệ, nhưng đáng trở thành một tiền lệ cho những cuộc đấu thầu giá thuốc. Bởi chừng nào người dân còn chưa được thực hiện quyền mặc cả, chừng nào ''hoa hồng'' vẫn tồn tại như một thứ lệ bất thành văn sau những “hợp đồng gầm bàn”, chừng nào các cuộc thầu vẫn u u minh minh thì chừng đó, nghịch lý thuốc qua đấu thầu có giá cao gấp 2-3 lần thuốc thị trường vẫn sẽ còn tồn tại - như nó đã từng tồn tại suốt 15 năm qua.
Hôm qua, trước nghị trường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các Vấn đề xã hội của QH Nguyễn Văn Tiên có lẽ không vô tình khi nhắc rằng: “Bộ Y tế chưa từng kêu ca về giá thuốc”. Có lẽ, Bộ Y tế nên bắt đầu sự minh bạch bằng việc - thay mặt những người dân - kêu ca về giá thuốc! (LĐO)
----------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét