* MINH DIỆN
( Kỳ 1)
* 16 NĂM TRƯỚC
Cơn bão từ ngoài biển Đông tràn vào chuyển thnh áp thấp nhiêt đới gây ra những trận mưa dai dẳng suốt không ngớt hạt. Con sông Lâu hiền lành bỗng trở nên hung dữ . Đê quai vỡ, dòng nước xoáy vào bến Kiếm húc đổ cây gạo cổ thụ, cuốn phăng những bụi chuối, bụi dứa dại , thầu dầu hai bờ sông, tràn lên cánh đồng chiều, dìm những căn nhà ngoài đê chỉ còn nửa mái nhô lên mặt nước.
Mấy ngày liền mưa mới tạnh. Nước rút. Cánh đồng chiều từ màu vàng rực rỡ đã biến thành mầu xám đen ảm đạm. Hàng trăm mẫu lúa đỏ đuôi nằm rạp xuống bùn. Thế là mất trắng một vụ lúa mùa mà nửa tháng trước ai cũng bảo là sẽ bội thu.
Giữa lúc giáp hạt, nhiều nhà đứt bữa mà hợp tác xã vẫn ráo riết thu nợ . Tiếng loa phóng thanh mở hết cỡ réo họ tên từng người thiếu thóc nghĩa vụ từ sáng sớm. Rồi những tổ thu nợ, có công an , dân quan đi kèm mang súng ống, gậy gộc ập vào từng nhà. Bọn người trẻ được trả công hậu hĩ, lại nhân danh làm nhiệm vụ xung kích, hung hăng như kẻ cướp, sục xạo từ xó bếp đến phòng ngủ của những người thiếu nợ. Không có thóc thì thu tài sản khác. Từ chiếc xe đạp cọc cạch, chiếc phích, chiếc chậu rửa mặt đến chiếc bát nhang trên bàn thờ tổ tiên. Từ con trâu, con bò, con lợn đến con gà con chó. Tiếng quát tháo dọa nạt, tiếng van xin của người già, tiếng khóc hoảng hốt của trẻ con, tiếng lợn kêu, chó sủa nháo nhác.
Tôi về thăm quê bắt gặp cảnh ấy cảm thấy rùng mình. Mảnh đất làng quê vốn hiền lành, tươi sáng giờ như chìm trong bóng đêm và như sắp bùng nổ.
Tôi đến nhà Thận, người bạn cùng xóm , hỏi:
- Sao họ ép dân thế ?
Thận bảo:
- Chiến dịch tận thu đấy!
- Những khoản nợ gì mà nhiều thế?
Thấn bấm đốt ngón tay :
- Nợ thuế nông nghiệp, nợ thuế thổ cư, thuế vườn, thuế ao, nợ quỹ an ninh quốc phòng, quỹ an ninh nhân dân, nợ phí bảo vệ đồng ruộng, phí bảo vệ thực vật, phí thủy lợi, phí dịch vụ khoa học kỹ thuật, phí dịch vụ hợp tác xã, phí trường, phí đường, phí điện,phí trạm xá, phí dân công xa, phí bào trợ người cao tuồi, phí bảo trợ trẻ em, phí môi trường,phí phát thanh, phí vệ sinh nông thôn...
Tôi ngắt lời Thận:
-Tại sao đã phí thủy lợi lại còn phí xây dựng thủy lợi, đã phí chống bão lụt lại thêm phí phòng chống thiên tai?
-Thế mới khiếp! Thân nói- Có mảnh ảnh đất 5% bằng bàn tay, đã nộp thuế nông nghiệp lại phải nộp phí ruộng phần trăm. Một củ khoai hạt lúa cõng trên mình hơn hai chục thứ thuế, phí!
Tôi nói:
-Thảo nào xã viên nợ như chúa chổm?
Thận nhếch mép cười mỉa mai:
-Nợ vì nhiều đầy tớ quá! Xã ta có 1.500 hộ gần 6.000 khẩu, mà 450 đầy tớ . Đầy tớ đông như châu chấu. Đầy tớ hành dân như hành con, vắt dân như vắt chanh bỏ vỏ. Hạt thóc mồ hôi nước mắt mình làm ra, đến mùa gặt chưa kịp cúng tổ tiên bát cơm mới,đã phải nộp phí nuôi đầy tớ. Không tự nguyện nộp chúng đến tận nhà thu. Thậm chí lấy ngay lúa tươi ngoài đồng. Giờ lúa ngoài đồng chưa kịp gặt , bị thiên tai cướp mất , vào nhà thu tài sản . Tất cả đếu quy ra thóc. Đừng hòng thoát. Bố mẹ chết con phải trả thay. Làng ta nhiều người bỏ vào Đắc Lắc, Bình Dương, Kiên Giang trốn nợ bị bị cắm nhà . Muốn ra nước ngoài làm osin phài trà hết nợ mới được chứng hồ sơ.
Tôi buột miệng :
- Đổi mới chục năm rồi vẫn khổ thế?
Thận nói:
- Người nông dân vẫn phải bám vào mảnh đất , mà một hạt thóc cõng mất chục thứ phí như vậy sao không mạt? Bây giờ đất lại bị cắt xén làm khu công nghiệp, khu chế xuất , bọn cường hào mới nổi lên chiếm đất , vơ vét của cài, ức hiếp dân nhiều hơn .
Thận hút điếu thuốc lào, mắt tư lự nhìn đám khói đen vừa nhà ra, rồi bỗng trút sự bực dọc lên tôi , như chính tôi là người gây ra sự nghèo đói bất công ở làng này:
- Ông hãy lên cái khu công nghiệp đầu huyện xem có bao nhiêu người nông dân được công ăn việc làm? Ông thử ngó vào cái sân ten nít xem có thằng nông dân nào trong đó không? Công nghiệp hóa đấy! Thiên đường đấy! Nhưng đếch phải của nông dân. Dân chủ, công bằng, văn minh ... Bao nhiêu từ ngữ hay ho nhà văn nhà báo các ông tô vẽ đều láo toét hết. Chốn làng quê chúng tôi vẫn mông muội như thời phong kiến. Ông biết không, vì tin báo chí, dân làng này làm đơn tố cáo tham nhũng. Đơn gửi lên huyện, lên tỉnh , tỉnh, huyện lại trả về xã. Chả khác gì chỉ điểm ,nối giáo cho giặc! Chúng ra mặt thách thức ,trả thù . Bí thư đảng ủy nói : “Phải chấm dứt khiếu nại tố cáo vượt cấp”. Chủ tịch sắn tay áo bảo : “Dần bỏ mẹ những thằng đầu têu!” Hắn nói là làm . Cứ điểm mặt từng người mà dần cho tới số. Phá lúa non ngoài đồng. Gà lợn trong chuồng lăn đùng ra chết. Bờ ao bị khoét cho cá chạy hết . Cho đàn em giả đầu gấu chém người. Đợt tận thu nợ này cũng nhằm vào những người ký đơn tố cáo tham nhũng trước tiên để trả thù, để dằn mặt người khác. Đàng viên, cán bộ nào còn đứng về phía dân bị cô lập, và cũng bị hành hung. Giữa cuộc họp tay Thủ chủ tịch vác ghế phang phó chủ tịch Thức tóe máu đầu...
Thận hơn tôi ba tuổi, nhập ngụ trước ba năm, vào đàng năm 1965, từng làm cán bộ đại đội , tiểu đoàn ở chiến trường miền Đông Nam bộ thời đánh Mỹ, sau giải phóng đi học bổ túc sỹ quan trung cao hai năm về làm trung đoàn phó. Có lẽ Thận sẽ lên tướng nếu trong trận Khánh Khê 1980 không bị thương gãy mấy rẻ xương sườn . Vì bị thương, năm 1982 Thận nghỉ hưu , hàm trung tá. Bấy giờ tuổi 39 trung tá là còn rất trẻ. Về quê Thận được bầu vào đảng ủy, làm công tác kiểm tra. Chất lý tưởng vẫn đỏ rực. Còn nhớ năm 1983, tôi về thăm quê , đến nhà Thận chơi, trong lúc nói chuyện , tôi khen Sài Gòn trước giải phóng giàu đẹp, sống trật tự nề nếp và phê phán chính sách cải tạo công thương nghiệp miền Nam, bị Thận lên lớp một hồi. Thận kết tội tôi ăn phải kẹo bọc đường, tư sản, có tư tưởng hữu khuynh...
Hai năm sau, trên đường ra Bắc ,tôi tình cờ gặp Thận trên chuyến tàu Thống Nhất. Thận mặc bộ quân phục nhàu , đội chiếc mũ cối , khoác ba lô con cóc đang chen lên tàu. Tôi gọi, Thận giật mình quay lại, nhưng rồi quay mặt đi chỗ khác. Tôi chạy tới kéo áo Thận:
- Anh Thận , không nhận ra tôi à?
Bất đắc dĩ Thận phải vào ngồi cùng toa với tôi. Sau đó tôi hiểu vì sao Thận muốn tránh mặt. Thận nói:
- Không tham gia công tác nữa, bỏ luôn sinh hoạt đảng rồi!
Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Bị kỷ luật à?
- Không! Thận lắc đầu - Tự bỏ vì thất vọng !
Trong toa tàu chật chội trên đường ra Bắc hôm ấy, Thận đã tâm sự với tôi những điều khiến anh nghỉ công tác, bỏ sinh hoạt đảng. Thận bảo nhìn cảnh vợ con nheo nhóc không cầm lòng được. Cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Vợ Thận có lần sút chết vì nhường hết cơm cho chồng con, mình ăn ngọn sắn luộc bị say. Thận nói:
- Vợ chồng tôi phải mặc chung mấy bộ quân phục cũ dành tiêu chuẩn 4 mét vải cho các con. Chúng nó đang tuổi lớn và cần có chiếc quần chiếc áo lành đi học... Rời quân ngũ về với đời thường mình mới sáng mắt ra, nhìn rõ mặt trái của cái chế độ bao năm mình cứ ngỡ tốt đẹp.
Giữa thời bao cấpThận xoay sở làm nuôi vợ và ba đứa con, trong đó có một đứa bị di chứng chất độc da cam. Thận lên tận Thái Nguyên, Phú Thọ mua vài kí chè búp, măng khô nhét ba lô nhảy tàu vào Nam, đến những nơi đóng quân thời chiến tranh bán kiếm lời, mua ít gạo mang ra Bắc. Nhiều lần bị quản lý thị trường vồ mất sạch cả vốn lẫn lời.
Thận nói :
- Hơn hai mươi năm cầm súng đánh thắng đế quốc to, giờ thua thằng nhân viên quản lý thị trường vắt mũi chưa sạch! Có lần định rút súng bắn vào mặt nó một phát, nhưng cố kìm lại được.
Ngày ấy, Thận nín nhịn, nói năng chừng mực. Bây giờ Thận khác. Từ cử chỉ đến lời nói đều quyết liệt. Thận bảo : “ Không thể nhịn được nữa, phải thẳng thắn, rạch ròi, thiện ác không lẫn lộn!”
Thận già đi nhiều. Người gầy trơ xương, mặt vêu vao,da đen đúa. Nhưng đôi mắt vẫn sáng. Thần thái toát ra đôi mắt.
Chúng ngồi nói chuyện miên man, hết chuyện cũ sang chuyện mới, vừa nói chuyện vừa nhâm nhi chén rượu xuông ở sân nhà Thận, nhìn dòng sông Lâu và sau lũ
Xã tôi có ba thôn. Thôn Hạ, thôn Trung, thôn Thượng. Con sông Lâu chảy qua ba thôn gắn bó với chúng tôi bao nhiêu kỷ niêm thời thơ ấu. Năm gian nhà này bố Thận làm từ trước cách mạng thàng Tám 1945, kèo cột toàn bằng gỗ xoan, sân lát gạch Bát Tràng. Hồi cải cách ruộng đất ông bị quy địa chủ, nhà bị tịch thu, chia quả thực cho một cố nông. Khi sửa sai ông xuống trung nông ,nhà chia mất rồi không đòi lại được. Nhưng chẳng bao lâu lão Vối cố nông được chia nhà gỡ hết cửa chính cửa sổ, nạy cả gạch sân bán lấy tiền uống rượu,chỉ còn cái xác nhà không . Lão Vối tìm bố Thận gạ bán lại cái xác nhà ấy. Bố Thận mua sửa lại như cũ. Mấy năm sau ông chết, dặn lại các con : “Của cải không do mình làm ra thì không giữ được, có cho cũng đừng lấy!”
Chiều xuống chậm , những bóng râm đuổi nhau trên cánh đồng trước mặt. Tiếng ếch kêu ộp oạp, tiếng ễnh ương ôm ôm và tiếng côn trùng miên man . Tôi cảm thấy lễnh loãng , xa xăm trên chính mảnh đất mình đã sinh ra và lớn lên.
Thận hỏi tôi:
- Còn nhớ sự tích Vua Ba Vành không?
- Láng máng thôi!
Thận chỉ tay ra cánh đồng trước mặt:
- Ngày xưa cánh đồng này là nơi Ba Vành điểm binh . Ông đào đất làm đấu đong quân. Một ngũ 20 quân, một cơ hai trăm quân. Bến Kiếm là nơi quân sỹ mài gươm trước khi ra trận...
Thận nhấp ngụm rượu và đọc câu ca dao làng tôi ai cũng thuôc:
Trên trời có ông sao tua,
Ở làng Minh Giám có vua Ba Vành!
Cụ Phan Bá Vành nhà nghèo, cha mất sớm, phải mò cua bắt ốc kiếm ăn, có sức khỏe hơn người và tính tình khẳng khái. Năm Bính Tuất đã lãnh đạo nông dân nổi dậy chống lại chính sách hà khắc của triều đình. Đội quân nông dân của Phan Bá Vành hoạt động khắp vùng châu thổ sông Hồng , trong đó có quê tôi. Ngày ấy một viên quan triều đình gọi quê Phan Bá Vành là đất dữ , ông đã trả lời: “ Đất là người, lành hay dữ đều do sự cai quản cả!”
Ruỹnh từ ngoài đường lò dò đi vào, một tay cầm cây nhị, một tay chống nạng . Ruỹnh nói với Thận:
- Em vừa hát bên Thái Ấp về !
Thận hỏi:
- Hầu bóng à?
Ruỹnh đáp:
- Hát xẩm!
- Bên đó thế nào?
- Cũng một gầm trời cả!
Ruỹnh nhập ngũ năm 1972, là lính của Thận. Trận Khánh Khê 1979, trung đội Ruỹnh hy sinh gần hết, Ruỹnh cụt chân trái. Ra quân về quê, không lấy vợ, tham gia nhóm hát chầu văn phục vụ hầu bóng ở Bát Hải Động Đình . Ngày ấy thỉnh thoảng mới có một giá đồng , chầu lén lút. Bây giờ cửa Thánh đã biến thành chỗ kinh doanh hái ra tiền của chính quyền. Ba ngôi cửa Thánh khói hương nghi ngút suốt ngày đêm, không nghỉ ngày nào. Toàn dân thành thị từ Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định kéo nhau về cầu danh, cầu lợi, giải oan giải hạn. Có người hầu liên tục 36 giá đồng, hết văn quan đến võ quan, hết ông Hoàng Mười đến bà Chúa Đại Ngàn. Ngựa , voi , hình nhân chật đất. Ban quản lý bán chỗ lên đồng, chỗ viết sớ, chỗ xin sâm, coi bìa tây... Ngày trước có một tổ hát văn của Ruỹnh, giờ cả chục tổ. Có tổ toàn nghệ sỹ chuyên nghiệp. Phải mua từng xuất hát. Cũng cạnh tranh, kèn cựa, dằn mặt nhau mới kiếm được tí lộc rơi, lộc vãi. Ruỹnh chán cảnh ấy, thường bỏ đi lang thang hát xẩm. Bố mẹ chết hết rồi, không vợ con, thân một mình, tối đâu là nhà , ngã đâu là giường, cóc cần. Nhìn Ruỹnh cũng gầy ốm,mặt vêu vao như Thận. Về làng lần này nhìn mặt dân làng đều hao hao như nhau. Những khuôn mặt nghèo dinh dưỡng , giàu uẩn khúc.
Quê tôi đã có một thời hừng hực các phong trào. Cánh đồng năm tấn , mười tấn. Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người, dồn hết sức người sức cùa cho tiền tuyến. Nhịn đói gánh thóc nhập kho miệng vẫn cười. Con chưa đến tuổi động viên ra mặt trận. Nhận giấy báo tử chồng con không rơi nước mắt, vì niềm kiêu hãnh trên tuyến đầu đánh Mỹ! Thắng giặc Mỹ sẽ có tất cà! Chủ nghĩa xã hội sẽ là thiên đường! Dân làng tôi nhẹ dạ cả tin và ưa phỉnh nịnh. Được một tý quyền lợi là hoan hỉ mang ơn huệ. Mấy năm đầu đổi mới, bỏ chế độ tem phiếu, bỏ ngăn sông cấm chợ, cuộc sống khấm khá hơn một tí , đã tưởng săp đổi đời . Rốt cục chả khác gì đàn kiến vớ được xác con chuồn chuồn! Bao nhiêu miếng ngon, miếng béo bở bọn quan tham ăn hết .
Vợ Thận bưng lên mâm cơm, có đĩa tép kho mặn, bát canh rau dút và đĩa cà pháo, cười nói với chúng tôi:
- Mời bác với chú ăn cơm! Uống rượu xuông xót ruột chết.
Tôi nhìn vào xoong cơm biết ngay đã lựa hết khoai độn ra để lại cơm rặt, vỏ khoai vẫn bán vào những hạt cơm . Tôi nói:
- Bỏ khoai ra đây người lớn ăn, dành cơm cho trẻ con!
Vợ Thìn cười gượng:
- Mời bác với chú ăn cơm với nhà em, các cháu ăn rồi!
Ruỹnh ầng ậng nước mắt:
- Chị đừng nói dối em!
Thận xúc cơm vào bát cho tôi và Ruỹnh. Tôi và Ruỹnh cầm bát cơm đổ lại vào xoong, múc muổng canh húp , miệng đắng ngắt không nuốt nổi.
Bóng tối sẫm mặt sân. Trời xám xịt loằng ngoăng những tia chớp sáng lóe. Mưa bão vẫn chực chờ đâu đó.
Bỗng tiếng xe ba gác lộc cộc, tiếng chân bước rầm rập trên đường. Chúng tôi đứng lên nhìn, thấy một tổ thu nợ vào nhà ông Khánh. Thận nói:
-Đến lượt thằng Khả rồi. Tội nghiệp cụ Khánh đang hấp hối!
Chúng tôi kéo nhau sang nhà ông Khánh. Ngôi nhà mái bằng hai gian mới làm phần thô , trống huếch trống hoác. Đó là kết quả của mấy năm đầu đổi mới, được cởi trói... Nhưng cởi ra rồi lại buộc vào như không! Giờ thì số phận ngôi nhà cũng như số phận con ngưới. Ông Khánh bị ung thư phổi, bệnh viện trả về chờ chết, nằm trên chiếc chõng tre rên khừ khừ yếu ớt.
Thằng Quản, người cùng xóm, tổ trưởng thu nợ, nói với Khà, con trai ông Khánh:
-Nhà anh thiếu 20 kg thóc thủy lợi, 50 kg thóc đường, 20 kg thóc dân công xa, 30 kg thóc bảo an ninh quốc phòng, tổng cộng 120 kg.
Anh Khả nói:
-Tôi chỉ có năm sào ruộng chiều, lúa mới đỏ đuôi thì bị ngập. Bố tôi đang ốm nặng, xin cho khất.
Quản nói trống không:
-Khất khiếc nói với trên, chúng tôi chỉ thi hành lệnh.
-Lệnh cũng chịu !
-Định chày bửa chắc?
-Tôi nói thật!
Quản đập tay vào cỗ quan tài kê cạnh chiếc chõng ông Khanh nằm, vẫn nói trống không, bằng cái giọng xấc xược của một thằng đẩu đưởng xó chơ:
-Thóc dấu trong này mà cãi cố!
Mọi người nghi ngờ nhìn Khà. Chả lẽ anh ta dấu thóc trong quan tải ?
Khả nói:
-Thóc trong đó không phải của tôi !
Thằng Quản cười gằn:
-Của chùa chắc?
Bà Khánh đang ngồi vuốt ngực cho ông Khánh,đứng dậy nói với Quản:
-Anh Quản ạ! Trong ấy có hai tạ thóc của tôi để dành làm ma cho ông Khánh đấy. Tôi đã chả kể chuyện với bu anh là gì?
Quản cười gằn:
-Thóc của Khả hay của bà biết đâu mà lần? Thiếu nợ mà chiếc quan tài gỗ nghiến?
-Khốn nạn, tôi ngần này tuổi đầu mà nói dối hay sao? Chiếc quan tài này là của thằng Khải nhà tôi, mua từ năm 1980 kia. Năm ấy nó đóng quân ở đồn biên phòng Lạng Sơn. Nó bảo trên này có gỗ tốt, con sẽ mua tặng bố mẹ mỗi người một cỗ áo. Nhưng chưa đủ tiền nên con mua trước một cỗ, sang năm con sẽ mua thêm cỗ nữa. Nó chưa kịp mua thì hy sinh. Cả làng ngày ấy làm lễ truy điệu con tôi . Bằng Tổ Quốc ghi công của nó treo trên tường kia. Tiền tuất của nó tôi mua hai tạ thóc để dành. Đến mùa thì đổi hạt, không dám ăn...
Thằng Quàn ngắt lời bà Khánh:
-Đừng lải nhải ! Chúng tôi đang làm nhiêm vụ thu hồi nợ đọng chứ không phải đến nghe kể công.
Quản và ba thanh niên sấn vào mở nắp quan tài xúc tóc. Bà Khánh quỳ xuống chắp hai tay vái :
-Tôi lạy các anh ! Làm thế có tội với người chết đấy!
Hai mắt Khả như hai hòn than tóe lửa. Khả sấn tới đấm một phát như trời giáng vào mặt thằng Quản và gầm lên:
-Địt mẹ thằng khốn nạn! Tao dạy mày một bài học!
Bà Khánh ôm chặt lấy Khả:
-Con ơi! Nghe bu , đừng đánh nó.
Thận và tôi kéo Khả ra. Thằng Quản hét ba thằng thanh niên kia xúc hết thóc trong quan tài đổ lên xe ba gác kéo đi. Ông Khánh ho một cơn, ứa máu ra miệng và tắt thở.
Bà Khánh ôm mặt khóc:
-Ông ơi có hai tạ thóc để dành làm ma cho ông nó cướp mất rồi, giờ lấy gì làm ma cho ông?
Khả vùng vẫy, la thét như con thú bị thương, tôi Thận và Ruỹnh cố giữ Khà, sợ Khà liều. Những tia chớp vẫn ngùng ngoàng trên nền trời xám xít.
M.D
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét