Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

MỘT THỜI ĐÃ SỐNG - Kỳ 3

* MINH DIỆN
III - TRÒ CŨ BẮT THẦY
              Thầy Quỳnh bị bắt vảo thứ sáu, một buổi chiều cuối thu. Công an huyện xuống thực hiện lệnh bắt khẩn cấp.
             Chỉ có một ông già 86 tuổi mà huy động hai, ba chục cán bộ chiến sỹ công an, xe pháo, súng ống  rầm rộ như đánh giặc. Toàn bộ lực lượng dân quân xã  cũng được huy động vào cuộc bắt bớ. Công  an  vây kín nhà thầy  giáo.  Khắp các ngả đường trong xã đều bị chốt chặn.  Đầu ngõ một số cựu chiến binh và cán bộ hưu   như Thận, Khả, Ruỹnh, Chiến, Hải  bị khóa chặt. Không khí sôi sục, dồn nén ngột ngạt.
 Trong cuộc họp đảng ủy mở rộng , mặc dù Thức và Tuấn, chủ tịch hội cựu chiến binh bỏ về,  bí thư đảng ủy Vũ Bá Kiến và chủ tịch Lưu Hữu Khiết vẫn lấy biểu quyết.  Và 100%  đã  nhất  trí đề nghị xử lý hình sự thầy giáo Quỳnh.
                         =>> Một thời...> Kỳ 1 ; > Kỳ 2 
                Biểu quyết xong, mọi người đánh chén thịt chó no nê. Chủ tịch hội phụ nứ nói với bí thư đàng ủy:
                - Tôi hỏi thật anh Kiến nhé! Sao anh thù thầy Quỳnh dai thế?
           Bá Kiến ung cạn ly rượu và nói:
              - Hn đã bôi đen lý lch tôi! Không thì tôi làm Bí thư huyn y lâu ri! - Bá Kiến cười nham him.
               Và cũng ngay sau bữa thịt chó mực, văn bản được gửi lên huyện. Bí  thư  Nguyễn Lập đọc xong hỏi chủ tịch huyện Lê Hữu Liêm:
                 - Tại sao lại bắt thầy giáo Quỳnh?
                 Lê Hữu Liêm nói:
                 - Đánh rắn phải đánh dập đầu! Không bắt giáo Quỳnh thì không dẹp được bọn cựu chiến binh bất mãn.
                - Nhưng ông ấy già quá, mà liệu có phải...?
                - Rắn càng già nọc càng độc!
              Dù Nguyễn Lập tỏ ra băn khoăn, nhưng vốn là một cán bộ lãnh đạo sách vở, xa thực tế, kém bản lĩnh nên bị Lê Hữu Liêm ép, phải  miễn cưỡng gật.  Thế  trưởng công an  ra quyết định khởi tố vụ án và ký lệnh  bắt  khẩn cấp thầy giáo Quỳnh  không thông qua Viện kiển sát nhân dân.  Khi quyền lực đã rơi vào tay   những kẻ  vô lương tâm  như Lê Hữu Liêm,  thì luật pháp  là tấm lưới  chụp xuống đầu người lương thiện.
              Ngôi nhà của thầy giáo Quỳnh ở gốc đa Cầu Đá . Đó là ngôi nhà của bà Hiền để lại. Ngày xưa tường đất, mái tranh, sau này thầy Quỳnh  xây tường gạch và lợp ngói . Ngôi nhà  nhỏ bé như cái chuồng nuôi chim bồ câu xinh xắn , soi bóng  xuống dòng sông Lâu . Nhà  thầy Quỳnh từ trước đến nay hầu như chả bao giờ khép cửa .  Người làng qua lại  ghé vào thăm thầy, nghe thầy nói chuyện đông tây kim cổ .  Cũng là  để  xem thầy có khỏe không.  Nhiều người  sợ thầy cảm cúm bất thường, hoặc nói dại, lỡ  chết bất đắc kỳ tử thì khồ thân thày.  Gần chín chục tuổi rồi ,thầy  không có  vợ  con, không họ hàng  thân thích , ở nơi đất khách quê người.   Làng tôi không phải nơi chôn rau cắt rốn của thầy , tổ tiên thầy không ở đây, nhưng cả cuộc đời thầy đã gắn bó với mảnh đất  này. Thầy đã dạy bao nhiêu  học trò trong làng. Hết lớp này đến lớp khác. Nhiều học trò của thầy đã hy sinh trên  các mặt trận từ  Nam chí Bắc . Có người đã làm nên sự nghiệp, trở thành kỹ sư, tiến sỹ,  tướng tá trong quân đội và cán bộ lãnh đạo chính quyền . Có người giàu, người nghèo,  người thong dong  nhàn nhã , người phải chịu số phận long đong   phiêu dạt bốn phương . Thầy  hầu  như  không nhớ   tên tuổi học trò.  Thầy  như người chở  đò  qua sông , nhớ sao được  tên lữ khách? Tôi không biết có bao học  trò  còn  nhớ đến thầy?  Có học trò nào đã trả  ơn thầy?  Nhưng  có  học trò lại hãm hại thẩy...
                   Công an bọc  kín  nhả thầy Quỳnh. Trưởng công an xã Vũ Bá Đạo hô hét , tả xung hữu đột. Khuôn mặt sần xùi như hòn gạch nung già lửa của Đạo đỏ ké lên , mồ hôi chảy ròng ròng dù chiều cuối thu se lạnh.  Nhưng  không ngăn được người làng.  Mảnh sân con chật ních người. Bà con đùn đẩy công an, dân quân  ào vào trong nhà .
                  Bí thư đảng ủy Vũ Bá Kiến, chủ tịch xã Lê Hữu Kiết lúc đầu còn dấu mặt , sau thấy tình hình căng thẳng phải nhảy ra trực tiếp chỉ đạo cuộc bắt bớ.
                Tôi len vào căn nhà nhỏ xíu của thầy Quỳnh.  Kiến thấy tôi , bảo:
                -Nhà báo thấy chưa! Dân chủ quá chớn !
                Tôi không bắt chuyện với Bá kiến, vào  đứng cạnh thầy Quỳnh.
                  Thầy Quỳnh mặc áo sơ mi trắng, quần tây màu lợt, áo bỏ trong quần .  Thầy Quỳnh bao giờ cũng ăn mặc chỉnh tề như vậy.  Trong căn nhà nhỏ bé của thầy rất gọn gàng ngăn nắp. Giữa  nhà kê chiếc bàn thờ bà Hiền, cạnh cửa sổ kê chiếc  giường một của thầy,  sát vách kê giá sách. Có lẽ  tài sản quý  nhất trong nhà thầy Quỳnh  là mấy trăm quyển sách trên  giá .  Có những quyển sách gáy mạ vàng bằng tiếng Pháp xuất bản từ thế kỷ 19.
                 Thầy Quỳnh ngồi trên chiếc ghế cạnh cái bàn viết .  Khuôn mặt thầy  vẫn  trầm tĩnh,   ưu tư.  Mái tóc  bạc như cước, xác xơ trên cái trán rộng  đã bị thời gian cày những rãnh sâu.
               -Công dân Nguyễn Trúc Quỳnh đứng dậy nghe lệnh!
               Viên thượng úy công an còn rất trẻ, nghiên giọng ra lệnh.
                Thầy Quỳnh bình thản  đứng lên.  Viên thượng úy công an đọc lệnh bắt xong, hỏi thầy Quỳnh:
               -Ông có ý kiến  gì không?
               Thầy Quỳnh nói:
               -Tôi gần chín chục tuổi rồi, các anh muốn làm gì thì làm. Chỉ xin  nhớ một điều  là trên thế gian này chẳng  có bất kỳ bức tường nào không bị gió lùa!
              Một người dân đứng ngoài sân quát to:
              -Thầy Quỳnh không có tội! Không được bắt người lương thiện!
              Tiếng hô bỗng nổi lên:
              -Đả đảo  bắt người vô tội!
              Có tiếng kêu to:
              -Anh em ơi không được để chúng nó bắt thầy Quỳnh!
              Hàng chục người hô theo và ào ạt xô vào trong nhà. Công an, dân quân  kết thành hàng rào chặn lại . Cuộc giằng xé  dữ dội. Thầy Quỳnh  lên tiếng. Thầy bình nói với mọi người, giọng vẫn ấm như giàng bài:
              -Xin mọi người đừng cản trở nhà chức trách. Kẻo lại bị khép tội chống người thi hành công vụ. Cây ngay không sợ chết đứng! Mọi người bình tĩnh , tôi không sao đâu!
             Trong đám đông , tôi nghe tiếng nói của Thận:
             -Thầy nhầm rồi! Chúng nó đang muốn đào tận gốc cây ngay đấy!
             Và tiếng Ruỹnh :
              -Thời buổi cái ác làm chủ mà  còn tin cây ngay không sợ chết đứng thì lạc hậu mất rồi !
             Bá Kiến nói với tôi:
              -Đấy , anh  xem,  chúng nó  phả  ra toàn  mùi phản động!  Cậy có tý công lao  giờ  bất mãn, chống đảng ra mặt!
              Mặt Bá Kiến đỏ bừng , hai má  phùng ra, hơi thở táp  vào mặt tôi  nóng  hồi. Tôi nhìn  mắt Bá Kiến , đọc thấy sự hằn học, căm thù đang bốc lên ngùn ngụt. Tôi cảm thấy đôi mắt Bá Kiến như có màu máu lợt.
                Công an dồn  tất cà sách trên giá của thầy Quỳnh vào chiếc bao tải vứt lên xe.  Thầy Quỳnh không giữ được bình tĩnh khi nhìn những quyển sách quý bị hành hạ.  Hai con mắt sâu hoáy như hai cái vực mà người ta đã tát cạn hết nước cùa thầy nhìn đau đáu vào những quyển sách.  Tôi cảm thấy nỗi đau xót dội lên tận đáy lòng.
                Công an còng hai tay thầy Quỳnh đưa ra cái xe chở tội phạm bịt bùng. Hai sỹ quan kè hai bên nách thầy.  Trưởng công an xã Vũ Bá Đạo cùng hơn chục  người mở đường phía trước. Phía sau  năm sáu  công an  cản đường. Thầy Quỳnh bước đi lảo đảo. Thân hình thầy như một cây khô đầy mấu mắt liêu xiêu  giữa cơn lốc xoáy.
             Chiếc xe chở thầy Quỳnh đi ngang qua trường học. Bỗng có tiếng hô:
             -Bà con ơi vào lôi con Hà ra xử tội!  Chính nó vu khống thầy Quỳnh.
              Hàng chục người ùa vào cổng trường. Giữa giờ ra chơi, học sinh  ngơ ngác không hiểu chuyện gì.
              Cô giáo Thu Hà đang  cười nói với một nam giáo viên ở hành lang , rất vô tư, không hề để ý đến chuyện bắt bớ đang diễn ra. Từ khi chép lá đơn tố cáo thầy Quỳnh, cô không hề suy nghĩ  về  hậu quả việc mình làm . Càng không nghĩ đến số phận người thầy giáo già, từng dạy bố mình.   Đối với cô, được vào đảng , được làm bí thư đoàn trường là bảo đảm tương lai vững chắc cho bản thân mình . Vì quyền lợi đó cô  đã  làm một việc bất nhân do một  kẻ nhân danh đảng như Bá Kiến  sai khiến.
            -Nó kia kìa!
            -Lôi con đĩ ra đây!
            Cô giáo Thu Hà thấy đoàn người lao về phía mình vùng  chạy, nhưng không kịp. Cô bị kéo ra giữa sân trường. Chiếc áo dài màu thiên thanh mỏng manh bị xé  rách toạc trước ngực. Cô lấy tay ôm chặt lấy chỗ áo bị xé, đôi mắt trống rỗng nhìn đám đông. Đám đông phẫn nộ trút lên kẻ vu khống những lời mạt sát:
           -Mày đã  nhìn  thầy Quỳnh bị bắt chưa?
           -Đồ con đĩ! Đồ nói điêu!
           -Vả vào miệng  nó!
            Cô giáo Thu Hà ngồi thụp xuống khóc nức nở. Có lẽ cô khóc  vì xấu hổ , vì hoảng sợ chứ không phải vì đã ân hận. Một cô gái mới ngoài hai mươi tuổi đã toan tính đoạt lấy  danh vọng bằng  dối trá không dễ ân hận. Thực lòng tôi muốn để cho cô ta thấm thía, nhưng   Thận, Ruỹnh đã rẽ đám đông bước  vào . Thận nói:
           -Thôi tha cho cô ấy! Cô ấy cũng chỉ là nạn nhân !
             Mọi người nghe lời Thận, giãn ra.  Cô giáo Thu Hà chạy vào lớp đóng sầm cửa lại.
            Giữa lúc đó bí thư đảng ủy Kiến và chủ tich Khiết ngồi trên chiếc xe Toyota  đi tới.  Tôi tưởng Kiến  đến can thiệp giúp cô giáo Thu Hà, nhưng không , chiếc xe chạy vút qua cổng trường . Hình như  Kiến đã quên lời hứa với cô giáo trẻ rồi.
              Người xưa nói theo đóm ăn tàn có ngày  bỏng lưỡi. Thu Hà đã  phải trả  giá và sẽ còn phải trả giá đắt rất .  Hồi  cải cách ruộng đất, làng tôi có  cô gái tố oan cho người hàng xóm là địa chủ cưỡng  hiếp mình.  Sau này cứ ra khỏi nhà  là cô phải kéo sụp vành nón  che kín mặt. Và hễ thấy đám đông là lẩn đi chỗ khác. Ở làng quê đó là hình phạt nặng nề nhất.
             Cuộc bắt thầy Quỳnh rất nhanh.  Nếu không khẩn trương dân   làng Trung, làng Thượng sẽ kéo đến.  Khi chiếc xe chở thầy Quynh chạy xa,  dân làng vẫn đứng nhìn theo, bàn tán xôn xao. Hải chửi:
            -Đúng là bọn khốn nạn!  Mẹ tiên sư chúng nó!  Biết thế thì bố mày không cầm súng chiến đầu suốt 20 năm!
             Hải nhập ngũ năm 1966, chiến đấu ở chiến trường Bình Trị Thiên liên tục đến ngày giải phóng miền Nam rồi sang Campuchia đánh Pôn pốt ,  1986 mới nghỉ hưu, quân hàm thiếu tá.  Hải tâm sự: “ Cuộc đời người lính chỉ dạy mình một điểu đơn giản là hướng mũi súng về phia trước  nhả đạn vào kẻ thù, không hề dạy mình phía sau có những kẻ bắn lén, đâm lén.  Hết chiến tranh, trả súng quay về đời thường , chả thèm  nghĩ đến công lao  công liếc gì.   Bằng khen không treo, huân chương không đeo. Người lính giã từ vũ khí chỉ lo kiếm miếng ăn  hàng ngày đã hết thời gian rồi.
               Những thằng chưa ngửi mùi thuốc súng nhảy lên làm bố thiên hạ ! Chúng  tham  lam,  ăn hết phần dân, bị vạch mặt  lại quay ra  vu khống cho những thằng lính từng đổ máu vì chế độ này là công thần, là bất mãn, rồi quy kết phàn động, thế thì ông bảo  có bố láo không?  Ông đi nhiều chắc  biết,  xứ người, người ta khát vọng cao xa . Nào xe hơi nhà lầu, nào du lịch vòng quanh thế giới, nào chinh phục vũ trụ.  Dân làng mình chỉ khát vọng miếng ăn vào miệng mà hơn nửa thế kỷ rồi vẫn chưa đủ no.  Tài năng đâu, trí tuệ , bản lĩnh đâu? Lời thề vì dân vì nước đâu? Tôi cũng như Thận, bỏ sinh hoạt đảng  . Vì họp hành mãi  chán. Học nghị quyết mãi  nhảm.  Nói rất hay nhưng làm  rất dở .  Thành nói láo! Chống tham nhũng miệng, bụng ních đầy!   Đê to tổ mối lớn!   Mình còn chút liêm xỉ không muốn trơ mặt ra với dân. Dân chửi rát mặt lắm rồi , ông ạ!”
                Tôi và Hải lững thững đi trên bờ đê, nhìn cánh đồng xa tắp . Tôi có cảm giác chân trời  rất gần và như thấp xuống. Tôi bỗng nhớ ngày xưa cánh đồng chân đê  dành để deo  mạ.  Những ruộng mạ bừa  kỹ,  trang  phẳng lì như sân. Hạt thóc ngâm ba sôi hai lạnh nảy mần,  deo xuống ruộng. Mạ mọc lên xanh rì. Chờ mạ già mới nhổ, bó từng đon , xén bớt ngọn rồi đem cấy. “ Mạ già ruộng ngấu chẳng thua bạn điền!” Nhổ mạ xong, cây rau  khúc mọc  sen lẫn cỏ chỉ. Một mầu xanh mát mắt.  Chúng tôi  thà trâu  đánh khăng và hái rau  khúc về  cho mẹ làm nhân bánh  khúc.  Từng đàn chim di đá xà xuống bắt cào cào và ăn rau tầm khúc giọi nhau ríu rít.
              Tuổi thơ cùa chúng tôi gắn với dòng sông Lâu, với  bờ đê , ruộng mạ, đồng lúa, với những cánh diều mềm mại như cánh bướm chao trên nền trời xanh.
              Tôi nhớ khi học hết cấp một, chuẩn bị lên cấp hai ,  thầy Quỳnh  dẫn cà lớp xuống chiếc thuyền đậu ở bến Kiếm.  Chiếc  thuyền dương buồm  xuôi dòng sông Lâu .   Cánh buồm  với  cánh  diều  chao  trên mặt nước,  dưới ráng  chiều mầu mỡ gà vàng rực.  Tôi hỏi thầy Quỳnh: “ Nơi tận cùng của  dòng sông Lâu là đâu hả thầy?” “Là biển!? “Nơi tận cùng của biển?” “ Là ước mơ !”
              Thầy Quỳnh  đã thổi vào chúng tôi tình yêu quê hương và  khát vọng sống như vậy đấy.  Tình yêu  và  khát vọng  như cánh diều, như  dòng  sông  bay bổng mãi và chày mãi trong tâm hồn chúng tôi.  Chúng tôi từ biệt  xóm   làng , mang theo tình yên và khát vọng,  mang theo   hình bóng thầy Quỳnh  vào cuộc chiến đấu.
              Hết chiến tranh người lính quay về làng với khát vọng xây dựng   quê hương giàu đẹp.
               Nhưng  làng xóm vẫn nghèo  xơ xác. Lớp người lầm lũi cày cấy  trên những thửa ruộng  tập thể  mỗi ngày công  vài lạng thóc đã  chết dần chết mòn gần hết rồi.   Khi nhắm mắt họ mang theo ước mơ thoát khỏi  cảnh sáng nghe tiếng kẻng tập trung ra đồng, chiều ngồi đầu  bờ  bình công chấm điểm, có khi lườm nguýt nhau, thậm chí  chửi bới nhau chỉ vì hơn kém vài phẩy,  mà giá trị chỉ một  chũm cau thóc. Mơ thoát  cái cảnh lội xuống sông quơ từng bó rong rêu, ra đồng chiều  nhổ từng gánh gốc cỏ  bỏ vào chuồng lợn , nhảy vào dùng chân mình thay chân lợn dẫm đạp thành phân chuồng,  để đồi lấy mươi cân tóc lép.  Mơ thoát khỏi  phải  cất dấu tờ phiếu vải ,phiều đường, phiếu thịt, phiếu nước mắm... vì đó là cuộc sống của cả nhả.  Mất  phiếu vải thì ở truồng. Mất  phiếu thịt thì ngày tết  treo niêu. Có lẽ gầm trời này không đâu duy trì được cuộc sống khổ nhục một cách bền bỉ như vậy?
               Mấy năm vừa qua thực hiện khoán 10,  khoán 100, rồi bãi bỏ ngăn sông cấm chợ. Dễ thở hơn một tý.  Nhưng  sợi dây này vừa cởi ra thì sợi dây khác trói lại.  Người dân quê tôi rất xiêng năng, cũng  thông minh, nhưng cái đơn giản nhất là tự định đoạt cuộc sống của mình thì không làm được.   Cứ cắm đầu đi theo con đường người khác vạch cho. Bảo thủ , cả tin kinh khủng . Đã tin  là bất di bất dịch. Thần thánh hóa đức tin.   Giữa một thế giới  thay đổi ồ ạt , xô dạt  mọi thói quen vốn có, mọi lề phép , làm đảo lộn mọi giá trị truyền thống, giữa thời buổi  lừa đảo, phản  bội  công khai, những lớp mặt nạ đã rách toạc  phơi bày khuôn mặt quỷ dữ,  mà dân làng tôi vẫn  tôn thờ như bậc thánh thần!
               Thầy  Quỳnh  đã dạy học  hơn 40 năm.  Thầy không vào đảng , không làm hiệu trưởng, hiệu phó hay bất kỳ chức vụ gì, mặc dù từng được mời gọi.
Thầy làm thế để cố giữ nhân cách của mình. Con người dù lương thiện đến đâu, sa  vào chốn quan trường cũng khó giữ nhân cách. Thầy chỉ làm một giáo viên tiểu học, một viên chức thấp nhất trong ngành giáo dục nhưng nhân cách của thầy sáng chói.
               Vậy mà hôm nay  thầy Quỳnh bị bắt! Thầy có sáng tác bài đồng dao không?  Mà nếu thầy sáng tác thì sao?  Những việc trong bài đồng dao là sự thật. Thầy nói lên sự thật lại có tội ? Công khai ngôn luận  là  quyền tối thiểu của con người,  trong Bản Tuyên ngôn độc lập  Chủ tich Hồ Chí Minh đã long trọng tuyên bố  với thế giới như vậy,  trong Hiến pháp cũng thừa nhận. Thế mà bắt thầy.  Kẻ chủ mưu bắt thầy lại chính là một học trò, được thầy dạy về  tôn sư trọng đạo, về sự trung thực, về lòng yêu nước .  Đau quá phải không thầy !   Tôi nghĩ miên man.  Nước mắt tôi tự nhiên ứa ra.
                  Chia tay Hải tôi sang thôn Trung, định  vào nhà Chiến. Hoàng hôn đã phủ xuống con đường thôn gập gềnh.  Sương loang trên bờ  tre hai bên đường. Bỗng  tiếng phanh xe đạp đánh kít làm tôi giật mình. Ôi , Bá Kiến!
            Kiến xuống xe kéo tay tôi:
            -Anh vào em chơi! Về cả tháng rồi mà không cho  thằng em biết là thế nào? Này , em xem gia phả rồi!  Truy nguyên ra,  anh là anh họ em  đấy. Bà nội anh chả họ Vũ là gì ?
            Tôi không có cách nào từ chối , đành  theo Vũ Bá Kiến vào nhà . “Mình lại  lại có vinh dự làm người bà con với bí thư đảng ủy xã?
           Nhà  Bá Kiến ở giữa thôn Trung.  Ngôi nhà đúc năm gian khang trang, sân vườn rộng có nhiều cây kiểng.
          - Cơ ngơi ác thật! Tôi nói.
          Bá Kiến cười khìn khịt, cay cú:
          - Không bằng góc nhà thằng Khiết!
          - Mưu mô như ông mà thua ?
          Bá Kiến nói :
          - Mưu mô không bằng thần thế! Anh nó  chủ tịch huyện, thông gia công an tỉnh. Em đơn thương độc mã anh ạ!
          Tôi cười:
           - Một nửa cán bộ xã là họ Vũ rồi còn gì?
           Kiến cầm cây chổi lông gà phủi bụi trên bàn thờ. Toàn đồ đồng bóng lọng. Kiến không chủ ý quét bụi mà để khoe cái bàn thờ . Tôi ngạc nhiên nhìn bức chân dung truyền thần  một cụ già mặt mũi phương phi,mặc áo véc, ngực đầy huân chương.
            Bá Kiến khoe:
            - Bố tôi đấy!
            Tôi đâu có lạ ông cụ Ngọ , bố Kiến . Ngày xưa ông quanh năm đánh  dậm ở sông Lâu. Ông cởi trần, đóng khố, đầu đội mê nón , người gầy ốm quắt queo, đen như  đít nồi, mặt  choắt như ngón tay .  Cả đời ông không có bộ quần áo lành , lấy đâu  áo véc? Ông chỉ đánh dậm chứ có tham gia cách mạng  cách miếc, hay đi bộ đội đâu mà đeo huân chương?  Tôi cảm thấy thương ông lão đánh dậm. Thằng con bất hiếu  thông thờ bố mà thờ một hình nhân!
            Kiến hỏi tôi, kiểu thăm dò:
           - Anh về lần này thấy  quê hương thế nào?
           - Đói và căng thẳng. Hệt như một thùng thuốc súng !
           - Vâng căng thật!- Bá Kiến nói- Nhưng nay mai sẽ đâu vào đấy, anh yên tâm. Nhốt giáo Quỳnh như rắn mất đầu!
            Tôi cố nén xúc động nói với Bá Kiến:
            - Bắt thầy Quỳnh là quá tàn nhẫn! Thầy là người ...
            Bá kiến cướp lời tôi:
            - Là gì cũng bắt. Là bố tôi mà chống đảng tôi cũng bắt!
            Bá Kiến nói và cười gằn, mắt nhìn tôi như muốn nói, anh coi chừng!...
M.D 
                         (Còn nữa)

   

--------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét