Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

NGUY CƠ VỠ TRẬN TÀI CHÍNH

         
   *  Ts. TÔ VĂN TRƯỜNG
        Nhiều tập đoàn kinh tế phá nát nền kinh tế, chỉ  chăm bẵm vào việc chi tiền xây dựng các công trình thiếu chất lượng, không hiệu quả, thất thoát, cho nên kích cầu sẽ chỉ đưa đến kích… tham nhũng. Cho nên không xử lý tham nhũng và xử lý tập đoàn “ăn hại” thì kinh tế Việt Nam sẽ không có tiền đồ.Có thể nói chưa bao giờ chúng ta lại phải nghe đến từ "vỡ" nhiều như những ngày nay. Do ành hưởng của siêu bão số 10 nên suốt dải đất miền Trung nghèo khó đã xảy ra liên tiếp những vụ vỡ đê sông, đê biển, đập tràn và cả vỡ đập thuỷ điện.
Từ tỉnh biên giới Lạng Sơn đến tỉnh đồng bằng Thái Bình, từ vùng núi Thái Nguyên đến đô thành Hà Nội rúng động bởi những vụ vỡ hụi, vỡ tín dụng đen hàng chục, hàng trăm tỷ đồng. Rồi những vụ vỡ nợ làm tiêu tán hàng ngàn tỷ đồng của biết bao doanh nghiệp, của nhiều "đại gia"!
Nhưng có một thứ được cảnh báo có nguy cơ cũng dễ " vỡ", mà hậu quả kéo theo sẽ vô cùng nặng nề, có thể bằng nhiều siêu bão cộng lại, đó là " vỡ trận tài chính"!
Mâu thuẫn và nghịch lý
Một số thông tin trên công luận nhận định nền kinh tế bắt đầu có dấu hiệu phục hồi biểu hiện rõ nhất qua con số tạo thêm nhiều công ăn việc làm mới. Trái lại, tại Hội thảo mùa Thu của Ủy ban kinh tế Quốc hội (26-27/9/2013) ở Huế nhận định chung là nền kinh tế đang rất xấu với nguy cơ “vỡ trận tài chính” trong năm 2014 và  triển vọng trung hạn 2013-2015 cũng không mấy sáng sủa vì việc tái cấu trúc kinh tế chưa được  triển khai bằng hành động.
Có ý kiến cho rằng  kinh tế Việt Nam đang  mò đáy, và tê liệt vì các doanh nghiệp thi nhau  phá sản hay đóng cửa từ 2011. Nạn thất nghiệp gia tăng vũ bão (tỷ lệ thất nghiệp được một số giới cho là trên 10% thay vì con số chính thức là 2%) gây ra các tệ nạn xã hội đáng báo động. Và chính sách tín dụng trong cả nước hoàn toàn nghẽn mạch- một phần vì doanh nghiệp không đủ sức hấp thụ và phần lớn vì ngân hàng không muốn cho vay (với thanh khoản yếu do nợ xấu gây ra). 
Ngoài số thống kê về thất nghiệp, có nhiều nghi ngại trong hội thảo, ngay cả về các con số GDP chính xác của các tỉnh thành và cả nước để dùng trong phân tích chính sách hay nghiên cứu. Về nhu cầu chính sách trong ngắn hạn, có 02 luồng ý kiến.
Thứ nhất là kích cầu từ đầu tư công, bằng cách nới mức độ bội chi ngân sách. Và thứ hai là “kiên trì” ổn định kinh tế vĩ mô. Việc “kích cầu”, qua đầu tư công thiếu hiệu quả, có thể nhất thời làm tăng GDP nhưng không bền vững và chỉ nhằm đạt “thành tích” ngắn hạn. Một vòng xoáy lạm phát – suy trầm e là sẽ lại tiếp diễn trong năm 2014 như đã xảy ra các năm trước đây. Hơn nữa trong lúc các tỉnh thành lớn đều hụt thu nội địa thì việc nâng trần bội chi ngân sách quốc gia (lên 5,3% cho năm tới) để đáp ứng việc giải quyết tăng GDP ngắn hạn là một việc không nên làm trong lúc này. 
Kích cầu
J.M. Keynes đưa ra lý thuyết kích cầu khi người ta hoàn toàn mất tin tưởng vào nền kinh tế, thất nghiệp rất cao (đỉnh là 25%) và kéo dài cao hơn 15% trong hơn 15 năm, giảm  phát (deflation)  từ năm 1929-1945. Đó là kết quả của việc hệ thống ngân hàng tài chính đổ vỡ vì cho vay quá trớn, đầu cơ chứ không phải đầu tư vào thị trường chứng khoán. 
Như thế là vì lúc đó kinh tế Mỹ có thừa sức sản xuất cao hơn với máy móc hiện có, ngay cả nông nghiệp cũng thế,  nhưng không ai dám làm, thất nghiệp cao thì không có tiền mua cho nên bị đói. Keynes hô hào, và đã được Tổng thống Roosevelt ủng hộ bằng cách tăng chi tiêu xây đường xá, cầu cống để người ta có việc làm. Sau đó,  là sản xuất cho chiến tranh thế giới thứ hai đã lôi nước Mỹ thoát ra khỏi khủng hoảng. 
Kích cầu thì cần tiền để chi. Thường thì giới kinh tế cho rằng ngưỡng thiếu hụt ngân sách ở mức 3% được coi là nghiêm trọng, cần thay chính sách. Việt Nam đã vượt ngưỡng này nhiều năm. Còn nay, Chính phủ lại đòi tăng lên đến 5,3%. Đây là  lần đầu tiên Chính phủ chính thức đặt vấn đề này, bởi vì lâu nay Chính phủ vẫn chi vượt mức  do Quốc hội quyết thì có sao đâu? Thực tế này đã xảy ra hàng năm, tỷ lệ chi ngân sách vượt mức Quốc hội quyết đã rất cao và còn đang tăng, từ 31% lên 42% trong khoảng thời gian 2007-2011.
Nếu thiếu tiền chi mà Chính phủ ra thị trường bán trái  phiếu cho dân và dùng tiền đó để chi tiêu thì ít có vấn đề. Nhưng ở Việt Nam thường có lệnh, cho Ngân hàng Nhà nước mua trái phiếu (tức là in tiền) do đó mà đẩy mạnh lạm phát. Lý do lượng tiền tăng quá mức là ở đó. In tiền kích cầu đáng lẽ phải đưa đến “trọng cung” để tạo ra sản  phẩm. 
Trọng cung
Lý thuyết về “trọng cung” do hai nhà kinh tế Friedrich Hayek và Milton Friedman xây dựng theo nguyên tắc tính hiệu quả của thị trường tự do và gần như không chấp nhận bất kỳ sự can thiệp nào của nhà nước vào nền kinh tế thị trường.
“Trọng cung” thì phải giảm thuế và thay đổi các chướng ngại kiểm soát để doanh nghiệp tăng sản xuất. Như thế, “trọng cung” cũng thường đưa đến thiếu hụt ngân sách. Các chính sách “trọng cung” ở nhiều nước tuy có kết quả nhưng hiệu quả thấp vì chính sách này thường mang tính dài hạn.
“Cung” phải hiều theo nhiều nghĩa, là khả năng sản xuất (khả năng cung), tức là có đầy đủ yếu tố sản xuất như nhà máy, nguyên liệu và lao động. Khả năng “cầu”: Sử dụng những yếu tố sản xuất có sẵn. Trong trường hợp “cung” không được sử dụng hết khả năng, tức là thừa, thì kích cầu mới có tác động, mà chỉ có tác động trong ngắn hạn vì nó giúp dùng hết “cung” có sẵn. Khi nền kinh tế trở lại bình thường, thì không thể kích cầu để phát triển kinh tế.
Giải pháp ở đâu?
Muốn đưa  ra giải pháp đúng, trước hết  phải nắm được thực trạng. Mặc dù phương pháp và các con sô thống kê còn nhiều bất cập nhưng dễ nhận thấy là tình trạng chi tiêu ngân sách quá đà, nhiều tập đoàn kinh tế hoạt động không hiệu quả, nợ công, nợ xấu ở mức báo động.
Tổng số nợ là lớn, trong đó có nợ xấu. Nếu nợ xấu tập trung chính vào ngân hàng quốc doanh (vì cho quốc doanh vay) không biết bao nhiêu nhưng họ có thể tự dàn xếp một cách từ từ với nhau bởi vì không thể phá sản nhau. Trong trường hợp đó, kinh tế không thể phát triển vì ngân hàng không dám cho vay như trước. Do đó, kinh tế dù chưa suy sụp ngay nhưng sẽ èo uột trong nhiều năm, không thể tạo ra niềm tin, nhất là đẩy mạnh đầu tư nước ngoài.
Người dân nhận thấy những bất cập trong chủ trương chính sách vẫn cứ bám lấy kinh tế Nhà nước là chủ đạo, đất đai là sở hữu toàn dân. Nhiều tập đoàn kinh tế phá nát nền kinh tế, chỉ  chăm bẵm vào việc chi tiền xây dựng các công trình thiếu chất lượng, không hiệu quả, thất thoát, cho nên kích cầu sẽ chỉ đưa đến kích… tham nhũng. Cho nên không xử lý tham nhũng và xử lý tập đoàn “ăn hại” thì kinh tế Việt Nam sẽ không có tiền đồ.
Một trong những minh hoạ mà  nhiều người thấy nhưng ngại không muốn nêu ra là chi cho bộ máy hành chính, bộ máy Đảng song hành là quá lớn và không hiệu quả. Rõ ràng là các tập đoàn và doanh nghiệp Nhà nước đóng vai trò “sân sau” phục vụ bộ máy chính trị rất cồng kềnh hiện nay. Ta mới nói về tham nhũng ở một số cá nhân ở nơi này,  nơi kia mà chưa thấy sở dĩ tham nhũng cá nhân chỉ là hiện tượng " ăn theo" của tham nhũng mang tính thể chế nhằm nuôi dưỡng bộ máy cồng kềnh kém hiệu quả nêu trên.
Trong tình hình đó việc kích cầu chẳng khác nào cho con bệnh ung thư uống thuốc bổ để khối u phát triển nhanh hơn! Động lực để cải cách thể chế chính trị cho phù hợp với hạ tầng kinh tế hiện nay là rất yếu… Bởi vì ngay từ đầu công cuộc Đổi mới, những nhà hoạch định chính sách chắc chỉ mới suy nghĩ đến lớp lang "chính sách kinh tế mới NEP của Lê Nin" mà chưa có khái niệm gì về một thành phần quan trọng góp phần khắc chế những hậu hoạ của chính sách này, đó là thúc đẩy xã hội dân sự và cải cách thể chế chính trị.
Các học thuyết, mô hình kinh tế chỉ có thể cung cấp cho chúng ta những bài học  kinh nghiệm để từ đó vận dụng vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Đồng thời cần lưu ý là vận dụng các quy luật kinh tế vào điều kiện nước ta phải xuất phát từ lợi ích của người dân chứ không phải chỉ từ lợi ích của các nhà đầu tư.
Cần rà soát các bất động sản, các “quốc doanh” làm ăn thua lỗ triền miên, cái nào đáng chết, không cứu, giành mọi nguồn lực còn lại và thuận lợi cho những sản phẩm đáng sống, sản phẩm mới. Qua phẫu thuật, vứt đi cái "hoại thư" như thế và qua nuôi các sản phẩm "sống" được và tìm cách có thêm sản phẩm mới để tái cấu trúc kinh tế, nghĩa là tái cấu trúc kinh tế phải bắt đầu bằng phẫu thuật cái "hoại thư".
Quyết xóa hẳn “mafia” để chuyển sang kinh tế thị trường thực sự. Mafia lớn nhất  chính là nhóm lợi ích bất chính. Thế giới gọi những nhóm lợi ích này là thế lực trục lợi (Rent- seeking), và nó sẽ đẩy xã hội chúng ta đến vực thẳm trong tương lai gần.
Tăng cường luật pháp, tăng cường công khai minh bạch, tiết kiệm (nhất thiết phải thắt lưng buộc bụng ở tầm quốc gia). Có những biện pháp an sinh dành cho những tầng lớp dân  nghèo dễ bị tổn thương nhất để có cái đệm an toàn cho xã hội trong khi thực hiện tất cả những biên pháp trên.
Nhất thiết phải  cải cách thể chế chính trị để có khả năng thực hiện các  biện pháp nói trên. Trước hết, là xây dưng một Hiến pháp mới cho ngon lành đúng với một quốc gia có kinh tế thị trường - Nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự. 
Vĩ thanh
Tổng thu ngân sách Nhà nước giảm 30% từ năm 2000 đã xuống mức thấp nhất chưa từng có 22,8%  GDP vào năm 2012  (nguồn WB).  Do thu chi ngân sách mất cân đối trong năm 2013, dự kiến sẽ hụt thu khoảng 21.000 tỷ đồng so với dự toán, nên đến năm 2015, bội chi ngân sách kể cả trái phiếu Chính phủ khó đạt chỉ tiêu dưới 4,5% GDP.
Ở Việt Nam không thừa cung. Trong khi đó, cầu  quá nhiều vì có tiền do việc in tiền và nạn tham nhũng từ việc thất thoát, lãng phí của đầu tư công. Nếu mà tiếp tục “kích cầu”, vì tất cả cơ chế vẫn như cũ, nó sẽ tích tụ thêm các khuyết tật thì không những không thể ra khỏi “hố đen”, mà cũng không đơn thuần chỉ là nguy cơ vỡ trận tài chính! Bởi vì ông cha ta đã đúc kết rất chính xác “gieo nhân nào gặt quả nấy”!  .
T,V,T
 
--------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét