Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2013

CÓ "HẬU CHỦ NGHĨA XÃ HỘI" CHĂNG ? - Kỳ 4

 
 ALAN CHARLES KORS
(tiếp theo - Kỳ 4)
… Thực tế còn rành rành ra đó. Ở bất kỳ nơi nào mà chủ nghĩa xã hội thực sự có cơ hội và phương tiện để kế hoạch hoá xã hội, ngõ hầu theo đuổi một cách hữu hiệu ước mơ tiêu diệt tư sản, xoá bỏ bất bình đẳng kinh tế, và loại bỏ phương thức phân phối vốn và tài sản theo thị trường tự do, hậu quả luôn dẫn đến sự đè nén quyền tự do cá nhân, tự do kinh tế, tự do tín ngưỡng, tự do lập hội, và tự do chính trị. Chỉ riêng việc tập thể hoá nông nghiệp cũng đã đưa đến những hậu quả khôn lường với những nỗi khổ đau, những sự thiếu thốn, và thái độ coi thường tài sản, vốn dĩ là thành quả của sức lao động.
Có thể ví chủ nghĩa xã hội, với khả năng tối ưu, có thể huy động sự sợ hãi và thuần phục của con người để xây dựng lên một lần cho xong một công trình như thành phố Gary, Indiana, không cần vật liệu tốt, nhưng cũng không có khả năng duy trì công trình đó. Khi nắm được chính quyền, chủ nghĩa xã hội đã đẻ ra tình trạng nghèo khổ so với chung quanh, hiện tượng năng suất thấp đến chết người, sự bất công tuỳ tiện, nạn bè phái, nạn nô lệ hoá, các trại tập trung, tra tấn, khủng bố, sự tiêu vong của xã hội dân sự, thảm hoạ môi sinh, lực lượng công an chìm tàn bạo, và sự chuyên chế bạo ngược có tính hệ thống.
                                                      ** Xem từ >> Kỳ 1 ;  Kỳ 2  ; Kỳ 3  
Ở bất kỳ nơi nào chủ nghĩa xã hội đã đặt ách cai trị, luôn có những người, bị biệt giam, bị ép thức trắng đêm, phải chịu các nhục hình dã man, thậm chí là cái chết bất ngờ hay từ từ, vì họ đã dám nói "Không", vì họ đã phê phán người cầm quyền, vì họ đã từ chối không tố cáo các bạn bè và đồng nghiệp của họ, và, đơn giản hơn thế nữa, vì họ với một lý do nào đó - thậm chí chỉ một câu nói đùa - đã làm bực mình một người cộng sản đang cầm quyền. Lòng can đảm và sự chịu đựng của những người này vượt quá khả năng cảm nhận của chúng ta. Chừng nào chúng ta chưa đối thoại với những tội ác này và những nạn nhân này, thì sẽ chưa thể có "hậu chủ nghĩa xã hội". Để làm người có đạo lý, chúng ta phải ghi nhận một cách thích đáng là những sự việc tồi tệ đó có thật, và làm chứng nhân tố cáo những kẻ đã có trách nhiệm gây nên những thời kỳ thảm khốc nhất của lịch sử nhân loại.
Chừng nào chủ nghĩa xã hội chưa phải đối mặt - cũng như chủ nghĩa quốc xã hoặc chủ nghĩa phát xít khi phải đối diện với các trại giết người tập trung, và tội ác tàn sát người vô tội - với thực tại sống động của nó, một thực tại đầy rẫy những sự tàn khốc và giết chóc lớn nhất trong sử sách của loài người, thì chừng đó chúng ta sẽ chưa được sống trong thời đại "hậu chủ nghĩa xã hội."
Điều đó sẽ không xảy ra. Căn bệnh của các nhà trí thức Tây phương đã trói buộc họ vào một quan hệ đối kháng với nền văn hoá của họ - tức là thị trường tự do và các quyền tự do cá nhân - một nền văn hoá đã giảm thiểu tối đa những nỗi khổ ải của con người, đã giải phóng tối đa con người ra khỏi sự thiếu thốn, sự ngu dốt, và mê tín dị đoan, và đã gia tăng tối đa của cải và cơ hội của con người trong suốt lịch sử nhân loại. Chưa ai giải thích được một cách đầy đủ nguyên nhân của căn bệnh này, dù biết nó chính là một trong những thiếu sót và bi kịch lớn nhất của những xã hội được xây dựng trên nền tảng thị trường tự do và các quyền cá nhân, những xã hội được xem như là những nền văn minh cấp tiến nhất từ trước đến nay trên hành tinh này. Đây là một thứ bệnh lý mà trong những thập niên qua, càng ngày càng trở nên thô thiển hơn và càng đi chệch khỏi những nguyên tắc của thực tế.
Bệnh lý này cho phép các nhà trí thức Tây phương đi vòng để tránh những xác chết của các nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản đang chất cao như núi Everest mà không phải rơi một giọt nước mắt, buông một lời hối tiếc, làm một hành động hối hận, hay phát sinh nhu cầu tái thẩm định bản ngã, linh hồn, và ý thức. Trong tiểu luận "Vị thượng đế đã thất bại", Spender nhận định rằng, nói chung chúng ta đã thất bại trên phương diện đạo lý khi chúng ta có thái độ bất nhất, đối xử một cách hoàn toàn khác biệt đối với những nạn nhân trong các giai đoạn khác nhau của lịch sử. Ông muốn dùng nhận định trên để nói tới tất cả những người đang theo đuổi một ý thức hệ và phe phái chính trị, và ý đó hoàn toàn đúng. Nhưng nhận định của ông lại góp một lời giải thích thiết yếu rằng tại sao muôn vàn xác chết là nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản - gấp ít nhất mười lần số nạn nhân của Đại nạn diệt chủng Do Thái - vẫn còn ở với chúng ta. Spender viết, khi con người theo đuổi một sự nghiệp chính trị thì những người đứng chung hàng ngũ với họ trở thành "sinh động và có thật... là những con người bằng da bằng thịt và có tình cảm như chính bản thân mình vậy”. Ngược lại, những người nào cản đường họ thì lại trở thành "những sự trừu tượng... những đề thuyết rắc rối, phi lý, không cần thiết, những kẻ có cuộc sống gồm toàn những lập ngôn sai lầm".  Đối với trường hợp thứ nhất (đồng chí), họ thấy những "thân thể", trong trường hợp sau, họ thấy những "con chữ."[17] Chúng ta và con cái chúng ta được giáo dục, tiêu khiển, hướng dẫn, thông tin, và hưởng thụ nghệ thuật từ những kẻ không thấy được những xác người chất thành từng đống, mà chỉ nhìn thấy những "con chữ" về những sinh mạng đó.
Thái độ phản ứng của các nhà trí thức Tây phương khi xử sự với một bên là các thành tựu của xã hội của họ, và bên kia là lý tưởng xã hội chủ nghĩa rồi đến thực tế chủ nghĩa xã hội, làm chúng ta choáng váng. Ngay giữa xã hội Tây phương, nơi con người có cơ hội thăng tiến không đâu sánh được, họ gào lên "phân biệt giai cấp". Trong một xã hội ngập tràn hàng hoá và dịch vụ, họ gào lên, lúc thì "nghèo khó" lúc thì "chủ nghĩa tiêu thụ". Trong một xã hội ngày càng giàu có hơn, đa diện hơn, có năng suất cao hơn, tự chủ và có đời sống thoả mãn hơn, họ gào lên "bị bỏ rơi". Trong một xã hội đã giải phóng được phụ nữ, các sắc tộc thiểu số, các tôn giáo thiểu số, và cả những người đồng tính luyến ái cả hai phái ở mức độ mà chỉ năm mươi năm về trước không ai có thể mơ tới được, họ gào lên "áp bức". Trong một xã hội có những tổ chức từ thiện tư nhân rộng rãi đến vô biên, họ gào lên "keo kiệt". Trong một xã hội mà hàng trăm triệu người đã thụ huởng miễn phí trên sự rủi ro, kiến thức, và đồng vốn của những kẻ khác, họ gào lên là những người thụ hưởng miễn phí này đã bị "bóc lột". Trong một xã hội đã thay thế được phương thức cha truyền con nối bất tận bằng sự thăng tiến chỉ dựa trên tài năng cá nhân, thì họ lại gào lên "bất công". Nhân danh những thế giới mộng tưởng và sự hoàn hảo chỉ có trong huyền thoại, họ đã tự bịt mắt và không chịu nhìn thấy những gì mà chúng ta xem là những phép lạ do chế độ cởi mở Tây phương mang đến: đó là tự do cá nhân, trách nhiệm cá nhân, tài năng cá nhân, và sự thoả mãn con người.
Cũng như Marx, họ đã bỏ những từ như "tự do" vào trong ngoặc kép khi dùng các từ ấy để bàn về Tây phương. Dĩ nhiên, ở đây, chúng ta cần lưu ý một điểm là, trong trường hợp có một kẻ thù thực sự căm hận các nhà trí thức Tây phương xuất hiện - như chủ nghĩa phát xít và quốc xã - và khi việc đánh bại kẻ thù đó tuỳ thuộc vào lòng tự tin của Tây phương, thì những nhà trí thức Tây phương này lại chẳng có khó khăn gì trong việc phân định đâu là thiện và đâu là ác, và cả trong việc lôi cuốn quần chúng vào trong cuộc tỉ thí giữa thiện và ác.
Hành vi trí thức này là một bệnh lý với triệu chứng lục tìm, lựa chọn những giai đoạn trong lịch sử sao cho phù hợp với các mục tiêu của mình, rồi khư khư ôm lấy thời khắc đã đóng băng đó như một khuôn mẫu bất di bất dịch. Với những nhà trí thức mang căn bệnh trên, những đổ vỡ đầu tiên của công cuộc kỹ nghệ hoá tư bản bị định kiến như là mô hình của một xã hội tư bản tương lai sẽ xuất hiện từ các vận động đó, cứ y như là người ta không cần phải đếm xỉa đến tiến trình đã giúp được vô số người có được một cuộc sống tự do và được tôn trọng, và mang lại cho con người một khả năng vô tiền khoáng hậu để chống chọi lại những nguy cơ từ thiên nhiên và con người.
Dưới góc nhìn bệnh lý này, nước Nga mãi mãi nằm trong thời kỳ từ 1914 đến 1917 và lối thoát duy nhất khỏi chủ nghĩa Stalin là chiến tranh và Rasputin, cứ y như là biểu đồ phát triển kinh tế và xã hội của nước Nga vào đầu thế kỷ thứ hai mươi chưa từng hướng về một sự thay đổi đầy năng lực và hứa hẹn. Một khi những người cộng sản đã huy động được những đám đông thật lớn vào bất cứ một thời điểm nào, họ đã giành được quyền lực một cách tuyệt đối và vĩnh viễn, cứ y như là đảng Cộng hoà vào năm 1920, một đảng ít ra đã cũng thắng cử một cách lương thiện, đã thủ đắc được quyền cai trị nước Mỹ vĩnh viễn và có quyền chọn người kế vị trong nội bộ đảng. Căn bệnh này cũng cho phép người ta có thể chối bỏ lịch sử và cứ việc tuỳ tiện thay đổi lập trường của mình mà không một chút vướng bận hay có trách nhiệm gì đối với quá khứ. Ca bệnh đầu tiên là Stalin, sau đó là Castro, sau đó là Hồ Chí Minh và bè lũ Khmer Đỏ, và sau đó là những người Sandanista ở Nicaragua, danh sách những bệnh nhân còn kéo dài đến độ gây buồn nôn.
Triệu chứng tinh thần của căn bệnh này, trong cả quá khứ và hiện tại, vẫn là một sự hoang tưởng tập thể, vô cảm với lịch sử và phong tục. Đó là niềm tin rằng trong các quan hệ giữa người với người, thiện tâm, trật tự ổn định, công lý, hoà bình, bình đẳng trước luật pháp, tương kính tương nhượng, và vị tha, là bản chất, còn sự nham hiểm, vô trật tự, bạo hành, ép buộc, bất bình đẳng trước luật pháp, cố chấp, và lòng ác độc là những điều lệch lạc khác thường cần được giải thích theo hoàn cảnh lịch sử. Vì đã sai lầm hiển nhiên và có hệ thống khi định nghĩa đâu là trạng thái bình thường, các nhà trí thức Tây phương đã không thể hiểu và trân trọng hình thái xã hội đã cho chúng ta khả năng biến cải các trạng thái đó. Bệnh lý này cũng chính là niềm tin điên khùng rằng ở những xã hội đã tiến hoá thành công, các nhà trí thức khi nắm quyền lực có thể tuỳ tiện sắp xếp lại mọi thứ, và rằng những nền văn hoá có năng suất cao nhất của nhân loại lại là những nền văn hoá hầu như bị trục trặc tổng thể.
Rousseau và tất cả các nhà trí thức Mác-xít hoá, những người đã phủ bóng tối của họ lên suốt một trăm năm qua và lâu hơn thế nữa, đã nhìn ngược mọi thứ trong lãnh vực này. Con người vốn dĩ đố kỵ, điều này không cần một lời giải thích về hoàn cảnh lịch sử, vì bản tính của con người là ác cảm với sự khác biệt. Ngược lại, chính khả năng - tuy không hoàn chỉnh nhưng cũng đủ để làm người ta kinh ngạc - mà một xã hội tư do có thể tạo ra và vận dụng để vượt qua chủ nghĩa bộ tộc và chủ nghĩa đố kỵ mới cần được làm sáng tỏ, trên tất cả những hiện tượng khác đã góp phần tạo dựng nên một kỳ tích có một không hai là nước Mỹ. Tương tự, hiện tượng độc tài và lạm quyền cũng là một bản tính tự nhiên của con người. Ngược lại, chính hiện tượng hạn chế được quyền lực và mang lại tự do cá nhân mới cần được giải thích về mặt lịch sử. Chế độ nô lệ, tự nó, không làm ai giật mình, bởi vì tự cổ chí kim, chế độ nô lệ là một trong những hình thái phổ biến nhất trong lịch sử loài người. Thật ra, chính quan niệm con người có quyền tự làm chủ lấy mình, con người phải có tự do, con người có quyền lao động theo ý muốn mình, mới cần phải được giải thích về mặt lịch sử…
(còn tiếp)
---------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét