Thứ Năm, 17 tháng 10, 2013

MÔ HÌNH DÂN CHỦ, TỰ CHỦ THANH VĂN

* MAI THỤC
              Hà Nội đầu tháng 10- 2013- “Những ngày kỳ lạ”.(nhà văn Nguyên Ngọc).. Đúng thế, những ngày hòa nước mắt lòng dân trẻ, già, trai, gái, nối vô tận, vô cùng, ôm vòng mảnh đất hình chữ S, khóc tiễn đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp về Trời.
          Ngày 16- 10- 2013. Ông Nguyễn Mạnh Can, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Người cao tuổi dẫn chúng tôi về thăm nông dân xã Thanh Văn-Thanh Oai-Hà Nội, vùng lúa Bồ Nâu tiến vua của Kinh đô Bách Việt cổ.
Trên xe, ông Nguyễn Mạnh Can tặng chúng tôi tấm ảnh thiêng. Ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp thắp hương cung kính trước Đàn Xã Tắc - Hà Nội. Ông Can bất ngờ  thấy bức ảnh này trong lưu trữ tư liệu của ông, ngay sau khi Đại tướng vừa ra đi... 
        Đàn Xã Tắc được Tổ tiên Việt dựng nên để tế Xã Thần (Thần Đất) và Tắc Thần (Thần Nông) hai vị Thần của nền Văn minh lúa nước. Dân cần có đất ở, lập nền tế Thần Đất. Dân cần có lúa ăn, thờ Thần Nông. Mất nước thì mất Xã Tắc. Xã Tắc cũng có nghĩa là Quốc gia “Sơn hà xã tắc”.
         Đàn Xã Tắc Thăng Long- Hà Nội do vua Lý Thái Tông lập năm 1048. Thời vua Lê Chiêu Thống (1788) Đàn Xã Tắc mất dấu. Hơn hai trăm năm sau. Tháng 11- 2006 tình cờ Đàn Xã Tắc được tìm thấy tại quận Đống Đa-Hà Nội.
             >> Về nơi nông dân có ‘lương hưu’   
               >> “Ông Kim Ngọc” ở Thanh Văn  
                  >> Mở hướng làm giàu cho Thanh Văn  
                    >> Thanh Văn – Xã ‘7 có 3 không’  
                       >> Dồn điền đổi thửa XD mô hình lúa
          Đoàn về thăm Thanh Văn có ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và các chuyên gia trẻ. Người dân ở đât vân nhớ ông Lê Huy Ngọ với những hình ảnh ông lăn lộn cùng sóng nước trên những cánh đồng bão lũ lụt, cùng nông dân chống đỡ thiên tai. Ông là người đầu tiên, có “văn hóa từ chức”. Nay ông chuyên tâm nghiên cứu xây dựng Nông thôn mới, không nhận tiền thù lao, ngoài lương hưu.
Cánh đồng trồng hoa màu ở Thanh Văn
        Ông Lê Huy Ngọ đã nghiên cứu Thanh Văn qua các nguồn tài liệu lớn được thông tin báo chí. Nguồn tài liệu sống động, đáng tin cậy của các nhà báo, nhà văn, nhà nghiên cứu tâm huyết với nông dân và đất nước, viết liên tục, từ chục năm nay, đã giúp ông hiểu Thanh Văn trong chuyến đi khảo sát Thanh Văn đầu tiên này.
          Chúng tôi lên ô- tô cùng ông Ngọ đi thăm cánh đồng  thênh thang được quy hoạch, dồn thửa, đường bê- tông, đường điện hạ thế, phục vụ trồng lúa và trang trại.
           Đây là lần thứ ba tôi về Thanh Văn “cưỡi ngựa xem hoa”. Lần nào tôi cũng phấn chấn tin yêu ông Quang Văn Thỉnh, Bí thư Đảng ủy xã, Trần Văn Tuấn, Chủ tịch xã, Ban lãnh đạo xã và những người dân Thanh Văn “chân lấm tay bùn” đã tự mình đứng dậy cùng người lãnh đạo xứng tầm, giang tay giữ đất trồng lúa Bồ Nâu, xây cuộc sống dân chủ, công bằng, minh bạch, no đủ, an bình, bền vững, nối hồn thiêng Tiên tổ.
         Qua chợ làng Thanh Văn, sớm tinh sương. Tôi dùng dằng ngắm các bà, các chị, các cô, an vui bên những rổ, thúng, mẹt, chậu đựng cá, rau, tôm, cua, tép, ốc, hến, củ khoai, hạt đậu, gạo thơm, vừng lạc, tương cà, mắm muối, đồ gia dụng, hàng xén, quả cau, lá trầu, hoa cúc, hoa hồng… Trăm thứ bán mua. Tôi mua cả rổ mướp đắng xanh tươi, sạch, ngon bổ mát. Chị bán hàng bảo bốn kg. Chẳng cần phải chọn từng quả, không mặc cả, không nhìn mặt cân. Chợ quê. Tình quê. Người quê. Sản vật quê. Tất cả đều thật. Tráo trở, dối lừa, mưu mô, gian manh, tội đồ gì… mà phải kênh kiệu, băn bẻ, ngờ vực, xét nét nhau. Thời này khủng hoảng đô thị, ô nhiễm không khí, thức ăn uống bị tẩm độc, chúng tôi mơ tìm về đồng quê tựa nương Tình Thật Con Người và gạo rau Thật sạch, độ Thân Tâm.
            Chim rừng trong chuồng trại
            Giữa cánh đồng nổi một khu vườn xanh bóng cây. Chúng tôi vào thăm trang trại của đôi vợ chồng tuổi bốn mươi. Ngoài cổng khóm trúc vàng đón khách. Biết chủ nhà là ai. Anh Hoàng Văn Công đi vắng. Chị Nguyễn Thị Vân tiếp chúng tôi. Tôi vẫy tay chào chó mẹ, chó con. Chủ tịch Trần Văn Tuấn dắt tôi qua cây cầu khỉ nối ao với khu chuồng nuôi chim lợp ngói xi- măng, thấp lè tè, tối om om. Tôi ngó nghiêng thấy những anh chị chim, bay lên, sà xuống, lướt theo chiều ngang chuồng. Là chim mà không thể bay vút lên bầu trời. Đành lòng vậy. Cầm lòng vậy. Chim vẫn bay chơi, sinh sôi, nảy nở. Tiếng chim cu gáy uyển chuyển dịu dàng.
          Chị Vân bảo:
- Đây là chim rừng. Chúng em thường nuôi chín loài, có vụ mười hai loài chim hoang dã: gà lôi trắng, công, trĩ đỏ, cu gáy, cu ngói, vịt giời, le le, cuốc, sâm cầm… mua của những người đánh bẫy, có đăng ký kiểm lâm. Các loài chim nuôi ở đây đều cặp đôi và đẻ trứng, ấp nở con,  bán cho người chơi chim. Chim đẻ trứng, đem ấp máy, chăm chim non, cầu kỳ tốn công sức nhiều. Vui nhất là chim gáy ta. Mắn đẻ. Vụng ấp trứng. Vợ chồng em nghĩ cách nhờ chim gáy Pháp ấp trứng giúp gáy ta. Chim gáy Pháp chuyên ấp trứng cho các loại vịt giời, cu gáy ta, cu ngói. Chim sâm cầm tiến vua, đã vắng bóng ở Hồ Tây, nhưng chúng em vẫn nuôi được ở đây, mỗi năm cầm mái đẻ hai lứa…
         Tôi vào ngôi nhà gỗ lim cổ năm gian của anh chị bên vườn, có sập gụ, tủ chè cổ kính, bên tường ngoài, trát vách đất lụp sụp. Nghĩ cũng lạ.
         Ông Ngọ nói nhỏ: “Người dân đủ điều kiện để sống giàu và sang. Nhưng họ phải giấu. Họ không được quyền tự do sống giàu sang trên mảnh đất mồ hôi nước mắt của mình làm ra. Bởi họ không được quyền sở hữu đất. Sửa Luật đất đai để người nông dân được quyền sống làm người lao động an vui”.
          Chia tay chúng tôi, chị Vân mời nếm rượu quê ủ thơm ngây ngất. Ông Ngọ cùng chị chụp ảnh, mong cho chị và những người nông dân một ngày gần đây, được tự do hưởng giàu sang trên đồng đất của mình.
          Chúng tôi dạo bộ đường làng, ngõ xóm, taxi chờ khách. Chùa, miếu, đền thơm hương, thanh tịnh. Cây duối nghìn năm tuổi nơi miếu thờ Thần Bà. Nhà thư viện xã có máy vi- tính và nhiều sách, xanh cây. Anh Hoàng Văn Hòa mời chúng tôi bưởi Đoan Hùng ngọt thơm dưới gốc cây bưởi cổ, khu vườn cổ, sân nhà thờ Tổ. Mảnh đất bên cạnh xây nhà ba tầng vợ chồng, con cháu ở, tiện nghi hiện đại.
         Đường làng nhà thấp, nhà cao tầng nhấp nhô, vương rơm rạ, phân trâu, nước rác, thể hiện nếp sống của ngôi làng thuần nông xen hiện đại. Nhà nào cũng làm thêm nghề phụ, may đệm, đan mũ, nón gia công.
            Việc gì lợi cho dân thì làm
Một hội thảo nhanh, thân thiện, trí tuệ, tâm huyết, chân tình diễn ra giữa ông Lê Huy Ngọ, chúng tôi và ông Quang Văn Thỉnh cùng Ban lãnh đạo xã.
         Ông Quang Văn Thỉnh khẳng định Thanh Văn đột biến từ cảnh nông dân đói nghèo, lầm than đến cuộc sống dân chủ, tự chủ, no ấm hôm nay là do sự đồng thuận giữa Dân và Chính quyền về mọi mặt. Lãnh đạo dân chủ, công khai, minh bạch. Dân được quyền tự do bàn tính và quyết định cách sống, quyền lợi, làm ăn, sinh hoạt của mình, được toàn quyền bầu hoặc phế truất người đứng đầu.
          Quản lý đất công bằng, công khai quỹ đất, chia đều cho các hộ đúng luật, chặt chẽ. Quyết không đưa dự án nhà máy công nghiệp về thôn làng. Không vì lợi ích phe nhóm, tiếp tay kẻ tham ác, chiếm đoạt đất của dân.
        Xác định lâu dài Thanh Văn sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững, tạo thành khu du lịch, thương mại, trồng cấy nông sản ngon, sạch bổ. Gạo Bồ Nâu nổi tiếng tiến vua, được công nhận thương hiệu, làm không đủ để bán. Bảo tồn phát huy văn hóa Tâm linh dân tộc.
        Người dân Thanh Văn tập luyện nhiều năm tự lực, tự cường, tự đứng lên chăm lo, bảo vệ sự tồn vong của chính mình, nay đã đầy sức mạnh Dân Chủ, Tự Lập. Không theo cơ chế xin cho. Không chờ đợi, ỷ lại, bẩm báo cấp trên. Ruộng đất do người nông dân sở hữu. Tấc đất tấc vàng, Họ tự tính trồng cây gì, nuôi con gì có lợi nhuận cao. Họ có thể xây nhà vườn đẹp, hoặc bán bớt đất là quyền của họ. Họ có quyền thừa kế đất vườn của mình.
        Thanh Văn hình thành thể chế lãnh đạo Dân chủ trong Đảng. Dân chủ toàn Dân. Cái gì có lợi cho Dân thì làm. Dám làm dám chịu. Đã làm là đúng. Đúng bởi hợp lòng Dân và Tập hợp được trí tuệ của Dân.
         Anh Bình Viện phó Viện nghiên cứu phát triển Nông nghiệp Nông thôn nói:
Tôi nhiều lần đi với bác Ngọ. Nghe đảng ủy các xã, các vùng đều nói giống nhau. Hôm nay nghe ông Thỉnh nói hoàn toàn khác. Cách làm cũng không giống ai. Cái tôi, bản lĩnh riêng, của cơ sở đã mất. Điều này rất nguy hiểm. Nói giống nhau là chết rồi. Trân trọng xã Thanh Văn nói khác, làm khác. Cái áo chính sách cũ, nông hộ quy mô nhỏ, chính là sự cản trở phát triển. Thanh Văn đột phá sở hữu đất đai của dân. Giao đất cho dân lâu dài thì dân mới yên ổn đầu tư, kết nối, làm kinh tế nông trại quy mô lớn. Muốn gọi từ nào thì tùy, nhưng cốt lõi vẫn là giao đất cho dân lâu dài. Đất là tài sản nhiều đời của dân.
         Anh Nam, Chánh văn phòng Viện nghiên cứu nói:
- Thanh Văn đã xây dựng nông thôn mới đúng thực chất cuộc sống người nông dân đòi hỏi, thiết thực và mong muốn. Cần vạch rõ bức tranh Thanh Văn đến năm 2015. Đề nghị lãnh đạo Thanh Văn đúc kết kinh nghiệm lãnh đạo làm thế nào để người nông dân tự nguyện tham gia xây dựng nông thôn mới, phổ biến rộng các địa phương khác học tập, vận dụng.
Ông Lê Huy Ngọ phát biểu với sự xúc động sâu sắc:
- Tôi dành tâm huyết đi khắp đồng quê khắp Bắc-
 Trung- Nam, chỉ mong người nông dân đỡ khổ, được hưởng hạnh phúc trên luống cày. Câu hỏi dễ mà khó là Làm cách nào cho Dân được sống giàu sang Dân chủ? Họp loanh quanh nhiều ngày tháng, vẫn chưa ngộ. Làm sao buông bớt để người dân tự đứng lên được? Thanh Văn đã đột phá câu hỏi này từ nhiều năm nay. Cái mới của Thanh Văn là Dân tự làm. Dân quản lý. Dân hưởng thụ. Dân được quyền Dân chủ thực sự. Bác Kim Ngọc là bậc thầy. Hôm nay. Tôi nói với anh Thỉnh bằng tất cả những thăng trầm, trải nghiệm của đời tôi. Chúng ta chẳng thể ở mãi với Dân. Tôi mong những gì anh làm được cho người dân Thanh Văn anh hãy viết và nói hết ra. Công khai. Rành mạch. Không ngại. Không giấu giiếm. Cô đúc thành một mô hình Dân làm chủ Nông thôn mới. Dân tự làm cho Dân hưởng. Dân có quyền Dân chủ. Hãy đo tất cả mọi giá trị lãnh đạo bằng sự hài lòng của Dân về Dân chủ.
         Hãy để lại một con đường xanh lũy tre làng, thơm gạo, rau hoa, thơm nghĩa tình lòng dân yêu đồng quê Việt, sống Dân chủ, tự do, hạnh phúc, an vui nơi cánh đồng xanh lúa của Tổ tiên Việt.
M.T
---------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét