Thứ Bảy, 15 tháng 3, 2014

Kinh tế thị trường định hướng XHCN là sức mạnh hay lực cản của Kinh tế VN?


Tại hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận - thực tiễn cốt yếu về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”gần đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa làm sức mạnh quốc gia tăng lên rõ rệt”. Các chuyên gia kinh tế đánh giá về phát biểu này thế nào
Kinh tế thị trường định hướng XHCN là gì?
Kể từ năm 1986 khi tiến hành cải cách kinh tế, trong cương lĩnh của Đảng CSVN đã khẳng định Việt Nam thực hiện nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN).
Từ đó cho đến nay, Đảng CSVN vẫn thừa nhận rằng chưa có một định nghĩa cụ thể và đầy đủ cho khái niệm nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Mà chỉ có các giải thích nguyên lý chung cho rằng, đó là một nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý chặt chẽ của nhà nước.
Nguyên nhân của tình trạng này là do đây là hệ thống kinh tế hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ trong lịch sử và được coi là một phát kiến của riêng Đảng CSVN.
Khi được hỏi có nhận xét gì về phát biểu của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khi cho rằng “Kinh tế thị trường định hướng XHCN làm sức mạnh quốc gia tăng lên rõ rệt”.
TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương đánh giá rằng, từ khi tiến hành đổi mới kinh tế thì nền kinh tế Việt nam đã có những bước chuyển biến rõ rệt, thời gian đầu nền kinh tế tăng trưởng nhanh, nhưng những năm gần đây có chậm lại. Các kết quả đạt được đó là thành tựu của nền kinh tế thị trường, việc hòa nhập quốc tế và sự chủ động, sáng tạo của người dân. Tuy nhiên cho đến nay khái niệm nền Kinh tế thị trường định hướng XHCN là gì và nội dung như thế nào thì vẫn chưa được xác định rõ ràng. Từ Hà nội TS. Lê Đăng Doanh nói:
“Đến hiện nay đang chưa rõ, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN có đầu, mình, chân tay thế nào và cho đến nay chưa ai mô tả nó được rõ rệt. Cho nên tôi nghĩ rằng việc khẳng định Kinh tế thị trường định hướng XHCN đã có những tác động tích cực có lẽ phải nghiên cứu thêm”.
TS. Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Phản biện IDS cho rằng vấn đề quan trọng là ở chỗ là phải hiểu định hướng XHCN là thế nào? Nếu hiểu định hướng XHCN đó là kinh tế quốc doanh là chủ đạo, nhà nước giữ vai trò lớn là điều hoàn toàn sai lầm, đó là điều cần phải xóa bỏ. Mà cần hiểu nhà nước có trách nhiệm đảm bảo sự công bằng, bảo vệ người yếu thế, tức là nhà nước có trách nhiệm can thiệp vào thị trường khi thị trường bị thất bại để khắc phục các khuyết tật của thị trường. Theo ông Nguyễn Quang A rất đáng tiếc là các nhà lãnh đạo Việt nam chưa bao giờ nói đúng cái định hướng XHCN là gì? Trao đổi với chúng tôi, TS. Nguyễn Quang A nhận định:

“Tôi nghĩ nền Kinh tế thị trường mà gạt bỏ hai điểm như tôi vừa nói thì nó là môi trường thúc đẩy cho kinh tế Việt nam. Còn gắn thêm hai điểm ấy, nói một cách khác là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN thì nó là lực cản của nền kinh tế Việt nam”.
Doanh nghiệp nhà nước hại nhiều hơn lợi?
Phân tích về nhược điểm của việc doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN ở Việt Nam, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban tư Vấn của Thủ tướng Chính phủ  cho rằng thời gian qua khu vực kinh tế nhà nước tỏ ra hoạt động không hiệu quả, cho dù nhà nước đã hỗ trợ cho họ rất lớn về mọi mặt. Có ý kiến cho rằng hiện nay các doanh nghiệp kinh tế nhà nước đã đóng góp một phần lớn thu nhập của ngân sách, song điều đó hoàn toàn không tương xứng với việc các doanh nghiệp nhà nước đang nắm một số lượng tài sản của nhà nước, của toàn dân rất lớn và được kinh doanh trong các lĩnh vực có rất nhiều thuận lợi. Từ Hà nội, bà Phạm Chi Lan cho biết:
“Hiện nay doanh nghiệp nhà nước chưa hoạt động theo kỷ luật thị trường, họ vẫn được sử dụng các nguồn lực của nhà nước giao và không có sức ép đối với họ trong việc phải làm ra lợi nhuận và hoạt động có hiệu quả cao. Khi họ thua lỗ thì nhà nước ra  tay cứu trợ họ, như vậy họ không có sức ép thực sự cũng như động lực để cạnh tranh ”
TS. Nguyễn Quang A đánh giá rằng việc nhà nước can thiệp vào nền kinh tế là chuyện bình thường và bất cứ nhà nước nào cũng phải can thiệp vào thị trường bằng chính sách của mình. Song có 2 điểm cốt lõi mà nhà nước Việt nam cần phải xem xét lại, đó là doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo và sự can thiệp của nhà nước dưới sự lãnh đạo của đảng CSVN theo ông là điều vô nghĩa. Và chỉ cần bỏ 2 điểm này thì lập tức Việt nam sẽ có một nền Kinh tế thị trường hoàn chỉnh như các quốc gia khác đang tiến hành, điều mà chính quyền Việt nam đang hết sức mong đợi.
TS. Nguyễn Quang A cũng đánh giá rằng, nền kinh tế thị trường gắn với định hướng XHCN là sự biểu hiểm sự ôm đồm không cần thiết của nhà nước. Còn việc kinh doanh của các doanh nghiệp, các hoạt động của các tổ chức tôn giáo hay Xã hội Dân sự là việc của họ, nhà nước không nên can thiệp vào.
Trao đổi với chúng tôi, TS. Nguyễn Quang A cho rằng:
“Tôi nghĩ rằng đấy chính là vấn đề và chừng nào Đảng CSVN không thay đổi đường lối của họ thì nền kinh tế Việt nam chưa thể có những thay đổi mang tính đột phá được”.
Cũng theo TS. Lê Đăng Doanh hiện nay nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đang chịu sự can thiệp quá mức của nhà nước đã gây nhiều tranh cãi. Do đó để thúc đẩy kinh tế phát triển mạnh đúng như khả năng của nó, theo ông nhà nước cần phải tôn trọng sự cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, chống độc quyền và áp dụng đúng và đủ cơ chế thị trường.
Nói về những hạn chế của Kinh tế thị trường định hướng XHCN hiện nay, theo TS. Lê Đăng Doanh đó là nguyên nhân của sự phát triển kinh tế thiếu hiệu quả, đồng thời nó là mầm mống của việc tham nhũng và lợi ích nhóm trong các doanh nghiệp nhà nước. Điều đó dẫn đến bảng xếp hạng của kinh tế Việt nam đang ở mức thấp trong nhiều năm gần đây. Trao đổi với chúng tôi, TS. Lê Đăng Doanh nói:
“Hiện nay nền kinh tế thị trường của Việt nam đang chịu sự tác động của nhà nước trên mức bình thường và có hàng loạt các cam kết đang gây tranh cãi. Ví dụ như việc nhà nước can thiệp vào hệ thống giá hiệu quả đến đâu, giữ ổn định giá có giữ được không và hiệu quả như thế nào?”
Đường lối phát triển kinh tế quốc gia là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong cương lĩnh chính sách của đảng cầm quyền, để thúc đẩy và kích thích nền kinh tế phát triển. Nếu chính sách kinh tế không rõ ràng, cụ thể và đảm bảo tính khoa học mà chỉ nhằm thể hiện cho mục đích chính trị thì chắc chắn nó sẽ trở thành lực cản của nền quốc gia.
Anh Vũ (thông tín viên RFA, Bangkok) – At  Viet - Studiess )
----------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét