Thứ Sáu, 14 tháng 3, 2014

'Chuẩn bị đại hội Đảng cập rập, vội vã'


Việc chuẩn bị cho kỳ Đại hội đảng lần thứ 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam được cho là đang diễn ra 'cập rập' và 'vội vã', trong lúc công việc luân chuyển cán bộ chủ chốt thế hệ kế cận đặt ra một số dấu hỏi về tính công khai, minh bạch, theo một số quan sát từ Việt Nam.
Về chuẩn bị văn kiện, nội dung cho kỳ đại hội diễn ra trong năm 2016, nhiều tài liệu vẫn chưa được triển khai chuẩn bị đủ về mặt thời gian, theo Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên thành viên Tổ tư Vấn Chính phủ thời kỳ Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Thủ tướng Phan Văn Khải.
Hôm 13/3/2014, Tiến sỹ Doanh nói với BBC:
"Việc chuẩn bị đại hội đảng lần này về mặt các văn kiện thì thấy rất cập rập, vội vã, bởi vì phải tổng kết 30 năm đổi mới, thế nhưng mà thời gian để nghiên cứu, để thảo luận rất ít,vì sắp tới đây, khi Trung ương họp, sẽ được các tiểu ban báo cáo lần đầu tiên.
"Và như vậy, thời gian để tổ chức các cuộc hội thảo, tranh luận, rồi tổ chức nghiên cứu, đã hạn chế hơn rất nhiều so với những kỳ chuẩn bị các Đại hội trước đây."
Về mặt nhân sự, mới đây, Ban Tổ chức Trung ương Đảng đã công bố kế hoạch đợt một của năm 2014 luân chuyển 44 cán bộ chủ chốt trong đó có 25 quan chức giữ các chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy; 19 cán bộ giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố.
Trong đợt luân chuyển có hai quan chức là Ủy viên Trung ương Đảng, 19 quan chức là thứ trưởng và tương đương, 25 quan chức là cục trưởng, vụ trưởng và tương đương, có ba quan chức là nữ.
'Vẫn còn bưng bít'
Trong một trường hợp gây chú ý, con trai của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông Nguyễn Thanh Nghị được cho là nằm trong số 22 cán bộ quy hoạch cao cấp.
Sau thời gian nắm chức vụ Thứ trưởng Bộ Xây dựng, ông Nghị được cử về tỉnh Kiên Giang, nơi Thủ tướng Dũng từng giữ chức Bí thư Tỉnh ủy, để nắm giữ chức vụ mới.
Bình luận về đợt chuẩn bị nhân sự trước Đại hội Đảng 12 này, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nói:
"44 cán bộ này, về tuổi đời thì trẻ, tuy vậy quá trình chọn lọc, luân chuyển này hoàn toàn nằm trong nội bộ Đảng và việc lấy ý kiến của dư luận, của công chúng còn đang hết sức hạn chế.
"Và người ta mong muốn rằng những người này cũng phải được công khai thành tích của mình, rồi được sự góp ý kiến và phán xét của quần chúng, bởi vì Đảng không phải chỉ riêng của Đảng, mà những người này sẽ là lãnh đạo và chịu trách nhiệm trước nhân dân."
Bình luận về việc làm thế nào kiểm tra xác thực được phẩm chất, tư cách và năng lực của các quan chức được chính quyền và đảng bố trí phân chuyển, kỹ sư Nguyễn Lân Thắng, một blogger từ Hà Nội, nói:
"Khi chúng ta đánh giá bất cứ điều gì thì chúng ta phải có thông tin, thông tin thì phải nhiều chiều và không phải ai cũng có thông tin. Thế thì như vậy vẫn có người nào đó, ở đâu đó người ta biết rõ năng lực của người này, người kia, nhưng người ta không thể nào có phương tiện ở trong tay để người ta truyền tải thông tin đến tất cả moi người.
"Đấy chính là lý do mà tôi nói là phải có tự do ngôn luận và tự do báo chí là như vậy, và chỉ có sự minh bạch ở môi trường thông tin ấy thì ta mới có thể đánh giá được vấn đề, đánh giá được con người một cách chính xác."
Hôm thứ Năm tuần trước, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng Tô Huy Rứa đã khẳng định với Hội nghị Tập huấn cán bộ luân chuyển đợt một năm 2014 về chất lượng của đợt chuẩn bị nhân sự cấp cao của Đảng.
"Việc lựa chọn cán bộ luân chuyển lần này được tiến hành theo quy trình chặt chẽ, công phu, bài bản, kỹ lưỡng, khoa học hơn và rút kinh nghiệm từ các đợt luân chuyển trước," ông được Thông tấn xã Việt Nam trích lời nói. -(BBC)

 
-------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét