Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2013

Lê Phú Khải với “TẠI SAO ĐIỆN BIÊN PHỦ?”

         BVB - Chỉ hơn nửa ngày, sau khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyen Giáp từ trần, trên trang wb BauxiteVN (BVN) ngày 05/10/2013, và sau đó nhiều trang mạng khác post đăng bài "Đại tướng Võ Nguyên Giáp như tôi đã biết" nhà báo Lê Phú Khải.
Trong bài này, tác giả viết:
…Đầu năm 1994, tôi đang làm giảng viên cho một lớp bồi dưỡng nghiệp vụ của Đài Phát thanh tỉnh Sóc Trăng thì Tuất Việt TBT báo SGGP nhắn tôi cố về sớm để giúp anh đi Điện Biên, chuẩn bị bài vở nhân kỷ niệm 40 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ ( 1954-1994). Lúc tôi đứng chờ làm thủ tục để ra sân bay…Thế là trong suốt ba, bốn ngày ở Điện Biên, tôi và các đồng nghiệp luôn ở bên Tướng Giáp, từ sớm cho đến chiều tối để đi thăm các chiến địa xưa: đồi Him Lam, đồi D1, A 1, nghĩa trang liệt sĩ dưới chân đồi A1, các tượng đài mới dựng lên ở Điện Biên v.v., tối về lại quây quần bên ông ở nhà khách để hỏi han, ghi chép. Có một sự kiện như là một điểm nhấn của chuyến đi năm đó là khi Tướng Gíáp và chúng tôi vào thăm lại hầm De Castries, Đại Tướng xem rất kỹ di tích này. Bất chợt ông chỉ tay vào sát bức tường của một ngách hầm và hỏi: “Cái étagère lớn của De Castries ở chỗ này đâu rồi?”. Không ai trả lời. Đại tướng hỏi lại lần nữa, vẫn không ai trả lời. Đại tướng lại hỏi một lần nữa, nói gần như quát (!). Tôi vội đỡ lời : Đại tướng hỏi cái giá sách của De Castries ở đây bây giờ đâu rồi?. Có tiếng đáp ngập ngừng: Thưa… đốt rồi ạ !!!. Tất cả lại lặng im . Đại Tướng căn dặn phải giữ gìn tất cả những hiện vật của trận Điện Biên năm xưa. Nhưng “điểm nhấn” là câu hỏi cuối cùng của ông: “ Hầm tướng giặc thì được ta tạo làm di tích lịch sử để thăm quan, còn hầm của tướng ta thì bây giờ ra sao? Nhân dân sẽ hỏi các đồng chí, hầm của tướng ta đâu, không lẽ chỉ có hầm tướng giặc thôi à?”. Tất cả mọi người có mặt trong hầm De Castries hôm đó đều lặng đi. Mọi người thấy đại tướng nói đúng quá, có lý quá!....
Nhà báo Lê Phú Khải phỏng vấn
Đại tướng Võ Nguyên Giáp
về Chiến thắng Điện Biên Phủ
Theo nhà báo Lê Phú Khải, qua chuyến đi Điện Biên Phủ này, được gặp và trao đổi với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tác giả đã có thêm nguồn tư liệu quý đã giúp ông viết cuốn  sách:  “Tại sao Điện Biên Phủ?”.
Hôm nay, Đại tướng đã yên nghỉ ở núi Thọ Sơn (Vũng Chùa), nơi đất mẹ Quảng Bình quê hương Đại tướng,  trang BVB xin giới  thiệu bài viết của tác giả Trần Đồng Minh, giới thiệu tập sách “Tại sao Điện Biên Phủ?” của Lê Phú Khải:
... Khi nhà báo Lê Phú Khải đưa tặng tôi nắm đất nhuộm sắc vàng đồi A1, sau chuyến đi Điện Biên, anh có nhắc lại câu thơ của Chính Hữu: "Khi bạn ta lấy thân mình đo bước chiến hào đi / Ta mới hiểu giá từng thước đất!".
Tôi nhận ra anh đang thật sự xúc động và đang sống hết mình vì ký ức Điện Biên nóng bỏng. Tháng 4 năm 2004, tác giả Lê Phú Khải cho ra đời cuốn sách "Tại sao Điện Biên Phủ" (Nhà xuất bản Thanh Niên)khá dày dặn. Cuốn sách gồm 3 phần: Phần I - 50 năm về trước - diễn biến trận Điện Biên Phủ. Phần II - Mùa xuân thứ 50. Phần III - Phụ lục. Cấu trúc ấy, với những bài viết ngắn gọn, sắc sảo, đã tái hiện lại Điện Biên trong chiến dịch lịch sử năm mươi sáu ngày đêm bão lửa và Điện Biên ngày nay đang vươn lên trong sắc xanh đổi mới và màu vàng hoa cúc dại mênh mông...
Cách làm việc cụ thể, nội lực mạnh và phát hiện tinh của cây bút lăn lộn trong nghề báo chí, đã bất ngờ đưa bạn đọc đến những người, những việc đặc sắc rất Điện Biên. Chẳng hạn đọc bài "Cổ tích đồi A1", chúng ta gặp chiến sĩ Hoàng Tuế của  Đại đoàn 316, đã tham gia đánh đồi A1 - cao điểm sống còn của giặc Pháp - rồi trở lại Điện Biên, làm nhà bên đồi A1, 50 năm chăm sóc linh hồn đồng đội hy sinh trong trận chiến khốc liệt ba mươi sáu ngày đêm quyết chiến đồi A1. Câu chuyện đã thành cổ tích cảm động dưới góc nhìn riêng của người viết sách. Cũng trong bài viết này, người đọc bàng hoàng thú vị khi được biết một hình ảnh đẫm máu và mồ hôi mà rất nên thơ của chiến tranh giải phóng: Cái xẻng của anh bộ đội Cụ Hồ đào hào trên đồi A1 đã mòn vẹt, chỉ còn lại như một mảnh trăng lưỡi liềm! Đọc bài "Người hỏi cung  Đờ Cát bây giờ ở đâu", ta bật cười trước sự nổi nóng của người sĩ quan quân báo đã mắng cái chủ kiến quá đỗi thực dân của ông tướng tây bại trận khi anh đang hỏi cung Tướng Đờ Cát. Một bài viết khác cung cấp thông tin về Nguyễn Trí Việt một dân Bến Tre, hiện còn sống, đã từ quê hương đi đánh trận Điện Biên phải mất 9 năm ròng rã hành quân và qua 5 chiến dịch ác liệt. Người chiến sĩ ấy sau này đã nhận được thư của một hạ sĩ Pháp từng bị thương ở Điện Biên Phủ với tấm hình ghi dòng chữ muốn "làm lành". Và Lê Phú Khải đã bình luận: "Một cánh thư bé bỏng bay qua đại dương... Đằng sau là hai dân tộc, hai bi kịch lớn quá khứ của hai quốc gia, của kẻ đi xâm lược và người bị xâm lược... Hai dân tộc yêu chuộng hoà bình như Việt Namvà Pháp chỉ 40 năm sau lại ra một tuyên bố chung "làm lành" bất ngờ như thế qua hai công dân, hai người cựu binh, hai cuộc đời sóng gió....". Độc giả bình thường và đã từng ở Điện Biên như tôi, lại thích thêm cái hình ảnh chục trứng gà của một em bé Thái, "thứ trứng gà nương, lòng đỏ, đỏ chót như mặt trời lúc hoàng hôn tím..." trong dòng văn Lê Phú Khải ở bài "Đi chợ  Him Lam".
15 bài viết, một số bài còn có thể phát triển thêm, hoàn chỉnh hơn để thoả mãn tình cảm và nhận thức của những người yêu mến Điện Biên Phủ. Người đọc còn cảm thấy hụt hẫng, có khi lại trùng lặp ý, rồi có bài lại thấy tiếc vì sự hạn hẹp về số trang, số chữ... Dẫu sao cuốn sách này, góp cùng những cuốn khác, phần nào có  thể giúp bạn đọc hiểu vì sao Bác Hồ đã gọi Điện Biên Phủ là mốc lịch sử bằng vàng (T.Đ.M).
----------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét