Thứ Năm, 6 tháng 3, 2014

ĐI CHỢ CẦU NÔM

       
                             (Tặng: Mai Thục)
                ---------
    - Cái Bống đi chợ Cầu Nôm
Sao mày chẳng rủ cái Tôm đi cùng...
    - Đồng nát thì về Cầu Nôm
Con gái nỏ mồm về ở với cha .
                                              - Ca dao
Cha đời Con đĩ Cầu Nôm
           - thơ Nguyễn Khuyến
                 * * *
   Theo em đi chợ Cầu Nôm (1)
Chợ Cầu hai dãy vẫn còn như xưa
  Đứng trên Cầu Đá em chờ
Anh dương máy anh làm "pô" điệu đàng
  "Linh thông cổ tự" ngỡ ngàng
Cây đề, cây gạo bóng choàng trăm năm
  Tam Quan cao ngất đâu bằng ?
Tòa ngang, dãy dọc : Trống đùng, chuông to
             Khuôn viên bát ngát ai ngờ
Vĩnh Nghiêm thiền cõi lặng mơ giữa đời (2)
  Chợ chiều thả lá đa rơi
Ai qua Cầu Chợ lả lơi đưa tình
  Trốn nơi ồn ã Kinh thành
Về làng đón gió trong lành thảnh thơi
  Cầu Nôm là Cầu Nôm ơi
Trăm năm dâu bể mà Người chẳng sao ?
  Đất quê Kinh Bắc tự hào
Những mong Du lịch nhớ vào Cầu Nôm.
---
(1) Làng Nôm ( Động xá, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm- Hưng Yên) xưa thuộc huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc, cách Hà Nội 30 Km, gần ga Lạc Đạo , QL 5), nơi có Cầu Đá 9 nhịp chạm Rồng trên 200 năm tuổi , làm năm1680 đời Lê.
            Chùa Nôm "Linh thông cổ tự" rất hoành tráng ở trong khuôn viên 15 ha, có 100 tượng Phật bằng đất rất sống động, trải qua nhiều phen lụt lội mà vẫn đẹp.
(2) chùa Vĩnh Nghiêm ở Yên Dũng, Bắc Giang...rất nổi tiếng ở xứ Bắc.
         Làng Nôm , chiều 5-3-2014
                Nguyễn Khôi-


*        *        *
THEO BỐNG ĐI CHỢ CẦU NÔM
        * NGUYỄN CƯỜNG
Tôi về làng Nôm, thuộc xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, với sự tò mò, vì nghe nói tổ sư cái nghề buôn bán đồng nát là ở đây. Và, còn hay làng đã từng được vua nhà Nguyễn giao cho đúc tiền đưa về kinh thành, bởi dân ở đây có nghề đúc đồng tinh xảo vào loại sớm nhất nước ta. Hiện các lò đúc vẫn còn bập bùng cháy cho đến nay.
Hàng đồ thờ cúng bằng đồng bày bán dọc đường làng và  còn được đưa đi khắp bàn dân thiên hạ. Chính vì thế mà từ xưa, nói đến cái làng này, là ai cũng nhớ tới câu ca dao “Đồng nát thì về cầu Nôm / Con gái nỏ mồm về ở với cha”. Đặc biệt là chuyện kể: “Cái Bống đi chợ cầu Nôm / Sao mày không rủ cái Tôm đi cùng / Cái Tôm nó giận đùng đùng / Nó ra ngoài biển lấy chồng lái buôn...”.
1. Vậy là qua những câu ca dao, ai cũng thấy rõ là cái làng này đã cổ mà lại còn là dân kẻ chợ thâm căn cố đế bao đời nay. Hôm dẫn tôi về làng, nhà báo trẻ Trần Đức Hiển lạc lối, vì đường xá giờ mở to và nhiều nhánh rẽ nên phải hỏi lại đường. Một bà già chỉ thẳng đường vào chợ. Bà nói như hát rằng, chợ Nôm là của làng Nôm, đi qua cầu đá ngọn nguồn sông quê. Chúng tôi hiểu ý thế là tạt qua chợ trước, vào làng sau.
Thú vị nhất là những dẫy quán chợ với những hàng gạch đỏ au lở vỡ theo thời gian. Chị Nhường, chủ quán nước ở ngay đầu chợ rổn rảng kể, xưa quán chợ đều là tre lợp lá, lúp xúp với cái chõng tre bày hàng. Nhiều lần chợ bị cháy hay xiêu đổ vì gió bão, thế là dần dần chợ được xây bằng những viên gạch non còn đỏ au mùi đồng ruộng. Chị kể hồi còn bé thích nhất là mấy ông lò rèn, thổi bễ làm dao kéo và cuốc xẻng bán cho bà con nông dân quanh vùng. Cha truyền con nối, mấy cái lò rèn đó vẫn còn đó.
Ấy là điều lạ. Tôi đã đi nhiều phiên chợ quê ở đồng bằng, hầu như không còn cái lò rèn, với các thanh sắt đỏ rực dưới ngọn lửa than. Ở chợ Nôm vẫn còn đó, thế là tôi mon men đến gần một lò rèn của vợ chồng anh Mẽ. Vợ thì cời lửa, còn chồng tay trái quay con dao, tay phải vung búa đập lưỡi dao. Mặc cho mồ hôi nhễ nhại, anh Mẽ khoe hàng của anh bán chạy hơn mấy lò rèn bên, chỉ vì được cái anh VTV1 về quay. Nhìn gian hàng của vợ chồng anh toàn đồ nhà quê hay dùng, nào xẻng to, xẻng nhỏ, dao lớn dao bé, nhất là mấy cái cuốc nom rõ đẹp bởi cái lưỡi sáng bóng. Lại còn cái bừa cũ nữa chứ, ai đó cũng mang ra cho vợ chồng anh sửa. Nghĩa là hầm bà lằng, ai thuê gì làm nấy, chị vợ xởi lởi cười kể, mỗi ngày cũng kiếm được đôi trăm đủ ăn. Tôi đang hóng chuyện thì nhà báo Trần Đức Hiển đến đưa cho tôi một cái bánh rán to bằng bàn tay nói, đây là quà quê ngon đặc sản của chợ Nôm, rồi thúc tôi đi nhanh vào làng.
2. Đang đi, bỗng nhiên Hiển trầm trồ reo lên vì nhìn thấy chiếc cầu đá bắc qua sông Nguyệt Đức chảy bên làng Nôm. Thì ra cái cầu đá 200 tuổi đây rồi. Người ta nói trước đây còn có một cây gạo cổ to đẹp ở trên đầu cầu bên chùa Nôm, nhưng nay bị cụt ngọn vì gió bão. Hiện dân làng đang cố cứu nó nhưng chẳng còn nguyên vẹn. Vừa hay, chúng tôi gặp cụ Tạ Văn Đang, là một trong dòng họ lâu đời ở làng đi tới. Cụ kể, cầu Nôm xưa bằng gỗ, nhưng rồi người ngựa và xe đi tấp nập từ làng sang chợ nên đã thay bằng đá khối nguyên từng tảng khá liền mạch. Chiếc cầu này còn lạ ở chỗ, các trụ cầu cũng được dân làng xây bằng đá. Trên mỗi trụ cầu còn khắc trạm đầu rồng. Cụ nói từ nhỏ hay ra cầu hóng gió với bạn bè và kéo vó bắt cá.
Chúng tôi dừng chân trước qua cổng làng. Cụ Đang chỉ lên ba chữ “Đồng Cầu Nôm” được đắp trên cao, rồi kể xưa làng thịnh nghề đúc đồng lắm, nên các đám cưới, hay ai đỗ đạt vinh quy, hoặc thăng quan tiến chức đều phải cung tiến cho làng 20 chiếc mâm đồng. Và riêng các cô gái, đến tuổi lấy chồng phải lo làm ăn, chạy chợ buôn bán nuôi chồng ăn học thành đạt. Do đó ngoài việc đi mua đồng vụn, đồng cũ nát từ khắp nơi về để bán cho các lò đúc đồng trong làng, các cô gái phải giỏi làm ruộng vào các mùa vụ để tích lũy vốn liếng sau này về nhà chồng. 
Đi dọc đường làng bên con hồ lớn, cụ Đang dẫn chúng tôi vào đình, rồi nói nơi đây thờ Đức thánh Tam Giang là tướng của Hai Bà Trưng, có công lớn trong cuộc chiến chống quân xâm lược. Cụ chỉ cây đa ở đình cũng đã hơn 100 năm tuổi nhưng vẫn xanh tốt quanh năm. Những cột đá, hay giếng cổ 200 năm, làng vẫn bảo tồn nguyên vẹn. Nhất là dọc bên hồ là những ngôi nhà cổ, hay nhà thờ tổ của tộc họ Nguyễn, Lê, Tạ, Đan tạo nên một vượng khí muôn thuở của thời gian và nói lên nét văn hóa độc nhất vô nhị ở cái đất kinh kỳ phố Hiến xưa nay.
3. Chia tay cụ Đang, chúng tôi lại qua cầu đá vào chùa Nôm, nhìn thẳng ra chợ. Tôi có nghe nói Tam quan của chùa này vào loại to và cao nhất Đông Nam Á, quả đúng là khó ngờ. Cổng được dựng bằng những cây gỗ lớn có đường kính 1m. Cho dù trải qua năm tháng, chùa Nôm đã được tu bổ, nhưng riêng cổng chùa vẫn được giữ nguyên dạng, với dáng vẻ cổ kính khoáng đạt, nhưng không kém phần huyền ảo, thơ mộng, bên cây gạo cổ trăm năm.
May sao chúng tôi gặp được sư trụ trì của chùa là thầy Thích Đồng Huệ. Thầy kể, chùa còn đang giai đoạn tu bổ và xây dựng thêm cũng còn nhiều việc lắm, nhưng các công trình chính cũng đã được mọi người quan tâm và ủng hộ rất nhiệt tâm. Nhất là các dự án Lầu quan âm, Lầu chuông và Lầu trống đều do tiền công đức, cùng với sự đóng góp công sức của dân làng Nôm, đã tạo được những quả chuông nặng tới gần 3 tấn, hay chiếc trống to nhất có đường kính tới 2,88m. Đây là mấy sản phẩm lớn vào loại nhất nhì trong số các chùa nước ta.
Tôi chợt nhớ đến 100 pho tượng phật cổ bằng đất, đang được lưu giữ hàng trăm năm nay trong chùa, đã qua bao phen chìm trong nước lũ mà không bị hỏng, hiện ra sao. Thầy Thích Đồng Huệ mỉm cười hiện hậu, rồi dẫn chúng tôi đi tham quan hàng tượng phật cổ. Thầy nói, qua mấy trận lụt bão lớn vào các năm 1945, 1971 và 1986, nước ngập đến nóc chùa, cả trăm pho tượng đất này đã bị ngâm trong nước. Không ai tin các tượng phật còn nguyên, không tan trong nước thì hẳn sẽ bị gẫy vỡ, vì tất cả đều bằng đất. Nhưng thật kỳ lạ, nóc chùa có thể bị trôi và vỡ gãy, nhưng các tượng phật thì không. Chúng tôi hết sức ngạc nhiên, khi nhìn thấy những chi tiết và nước sơn vẫn còn tươi.
Lạ một nỗi, các dáng vẻ và khuôn mặt của mỗi pho tượng đều khác nhau và có sự biểu cảm rất ấn tượng. Thầy nói các nhà học giả cho rằng, các tượng phật bằng đất này được chế tác cách đây ngàn năm. Tôi thấy ngờ ngợ về sự chính xác của những kết luận này nên hỏi lại. Thầy Thích Đồng Huệ nói, điều bí ẩn của những bức tượng cổ này được giải thích, bằng khảo sát riêng những bức tượng Thập bát La Hán, thì các nhà nghiên cứu khẳng định đó là những tác phẩm tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc ở thế kỷ thứ 10 đến 13 (Lý-Trần).
Thầy còn giải thích thêm, ngoài 100 bức tượng phật cổ bằng đất, chùa Nôm còn có bệ tượng đồng cổ được phủ vàng “Cửu long Phật đản”, càng chứng minh cho ngôi chùa Nôm, còn có tên “Linh Thông cổ tự”, từ xưa đã được xây trong một rừng thông, cả ngàn năm nay là có cơ sở cần quan tâm. Thầy còn nói, làng Nôm cổ nhất hiện nay cũng được hình thành và thay đổi đồng thời với sự thăng trầm của ngôi chùa này, cho dù các văn bản chính thức xác định từ năm 1680 (thời hậu Lê), chùa mới được xây dựng chính thức và dân làng mới có người đến làm ăn ở đây.
4. Trên đường về, chúng tôi rẽ vào một cửa hàng bán đồ đồng, với những chiếc đỉnh đồng lớn và những con Hạc thờ sáng bóng. Đây đó, một số các cửa hàng còn đang nhào đất làm khuôn đổ đồng làm những bông hoa và những chiếc lá sen. Chị chủ cửa hàng kể, cách đây gần 20 năm chị cũng đi lang thang khắp xóm ngõ Hà Nội, để mua đồng nát. Dựng nghiệp mãi rồi cũng thành đạt.
Giờ lại đến lớp trẻ, họ đều tạo dựng những đại lý thu mua, được đặt ở các ngõ ngách Hà Nội và những thành phố lớn, để thu mua đồng nát và các phế liệu khác. Không ít người đã giàu lên nhờ mua những đồ bỏ đi này. Riêng các phế liệu đồng thì chở về làng. Chúng sẽ được đưa vào lò nung và được gia công thành những đồ dùng hết sức độc đáo, tiếp nối sự nghiệp trăm năm của ông cha đã để lại.
Thật bất ngờ, chị chủ cửa hàng nhắc lại mấy câu ca dao mà tôi nghĩ từ cái làng Nôm này đã làm nên những điều kỳ diệu từ khi hình thành một phường kẻ chợ hàng trăm năm nay, được ghi nhận rằng: “Đồng nát thì về cầu Nôm.
N.C / cand
---------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét