* PGS.TS VŨ TRỌNG KHẢI
Câu chuyện thứ 5
Vui, buồn chuyện chỉ đạo cải tiến
quản lý hợp tác xã Mỹ Thọ
Trong những năm 60 và 70 của thế kỷ 20, các bộ chuyên ngành chỉ có trách nhiệm quản lý nhà nước về kỹ thuật sản xuất. Các ban của đảng chịu trách nhiệm nghiên cứu đề xuất với Ban bí thư, Bộ Chính trị, hay Ban chấp hành TW Đảng về đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời quản lý các xí nghiệp quốc doanh, hợp tác xã, rồi trực tiếp chỉ đạo thực hiện đường lối, chính sách phát triển, quản lý xí nghiệp quốc doanh và HTX.
Trong nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp phụ trách nghiên cứu, chỉ đạo kỹ thuật sản xuất, “nước, phân, cần, giống”. Ban Nông nghiệp TW Đảng (lúc đầu gọi là ban công tác nông thôn) phụ trách nghiên cứu và chỉ đạo thực hiện đường lối, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, quản lý nông, lâm trường quốc doanh, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Do vậy, các cán bộ của các ban đảng các cấp ở TW và tỉnh phải là đảng viên.Các HTX nông nghiệp trong những năm 60, 70 của thế kỷ 20 đều lâm vào tình trạng quản lý yếu kém, 1 ngày công chỉ được trả vài ba lạng thóc, lúa chín ngoài đồng mà xã viên không muốn đi gặt, tình trạng “cha chung không ai khóc”, “phóng công rong điền” diễn ra phổ biến. Dân gian đã biến khẩu hiệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh “mỗi người làm việc bằng 2, vì miền Nam ruột thịt”, thành câu “mỗi người làm việc bằng 2, để cho chủ nhiệm, (HTX) mua đài (Radio) mua xe”; hay: “Mỗi người làm việc bằng ba / Để cho chủ nhiệm xây nhà, lát sân”. Hồi đó, cái xe đạp, chiếc radio, cái nhà xây (cấp 4), sân lát gạch là cả một gia tài, không mấy ai dám ước mơ. Dân gian còn kể rằng, ở HTX nọ, xã viên tố cáo chủ nhiệm HTX tham ô, nhưng khi đại hội, xã viên vẫn bầu lại ông chủ nhiệm cũ. Cấp trên hỏi vì sao, họ trả lời: “Bầu người khác, người ta lại xây nhà, mua xe, thì chết xã viên à? Còn ông chủ nhiệm cũ đã có nhà, có sân, có xe, có đài rồi, chắc không tham ô nhiều nữa”...
Cho nên, từ sau khi hoàn thành hợp tác hóa nông nghiệp năm 1960, các đợt vận động nâng cao hiệu quả quản lý hợp tác xã liên tục diễn ra mà không đạt hiệu quả mong muốn. Như cuộc vận động “đưa điều lệ vào HTX” (Điều lệ tóm tắt do Chủ tịch Hồ Chí Minh viết, với khẩu hiệu: Hợp tác xã là nhà, xã viên là chủ”), “cải tiến quản lý hợp tác xã” lần 1 rồi lần 2… Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Trưởng ban Công tác Nông thôn của Đảng lúc đó, phát hiện điển hình tiên tiến là hợp tác xã Đại Phong (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) đã phát động phong trào thi đua: “học tập, đuổi kịp và vượt HTX Đại Phong”.
Vì thế những năm cuối của thập kỷ 60 của thế kỷ 20, ông Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, mới làm ra nghị quyết 68 của Thường vụ Tỉnh ủy về “quản lý lao động trong hợp tác xã nông nghiệp” mà thực chất là khoán hộ, để rồi bị ông Trường Chinh, Ủy viên Bộ Chính trị TW Đảng, phụ trách lý luận, phê phán gay gắt, quyết liệt bằng bài viết đăng liên tục trên 2 số báo Nhân dân, mặc dù thực tiễn khoán hộ ở Vĩnh Phúc đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Điều này đã được phản ánh khá chân thật qua bộ phim truyền hình “Bí thư Tỉnh ủy”.
Đầu những năm 70 của thế kỷ 20, trăn trở với tình hình HTX, ông Phan Điền, bí thư tỉnh ủy Nam Hà, chủ trương chỉ đạo thí điểm cải cách quản lý, áp dụng tiến bộ kỹ thuật ở HTX Mỹ Thọ và Khu B của huyện Bình Lục. Tháng 8 năm 1973, tổ công tác của chúng tôi gồm 4 người: kỹ sư nông học Lê Thảo, tổ trưởng, cử nhân kinh tế nông nghiệp Vũ Trọng Khải, Nguyễn Văn Kình, cử nhân kế toán Đặng Phán, được thành lập và về “nằm vùng” ở HTX Mỹ Thọ “để giúp tỉnh Nam Hà chỉ đạo áp dụng mô hình quản lý mới trong HTX nông nghiệp. Thực ra, tổ công tác này được thành lập ngoài chủ trương của Bộ Nông nghiệp. Nó được thành lập do mối quan hệ riêng giữa ông Phan Điền, Bí thư Tỉnh ủy Nam Hà và ông Nguyễn Duy Hiền, quyền vụ trưởng Vụ Kế hoạch (thủ trưởng trực tiếp của tôi và anh Kình), ông Trần Quang (thủ trưởng của kỹ sư Lê Thảo), quyền tổng cục trưởng Tổng cục Cây trồng của Bộ Nông nghiệp (lúc đó gọi là Ủy ban Nông nghiệp Trung ương). Vì thế, tổ công tác thường được mời dự các cuộc họp của Ban Thường vụ Huyện ủy Bình Lục khi bàn về việc chỉ đạo HTX Mỹ Thọ và 5 HTX ở khu B Bình Lục. Ai cũng nghĩ chúng tôi, những kỹ sư được Bộ Nông nghiệp cử về chỉ đạo cải tiến quản lý HTX, đương nhiên phải là đảng viên đáng tin cậy về lập trường, tư tưởng, quan điểm… Giúp bí thư tỉnh ủy Phan Điền là ông ông Nguyên Trung Kiểu, Tỉnh ủy viên, quê ở thôn Văn Phú, xã Mỹ Thọ, trực tiếp cùng Thường vụ Huyện ủy Bình Lục, với sự tư vấn của tổ công tác, chỉ đạo HTX Mỹ Thọ và cả 5 HTX ở khu B Bình Lục.
Thực tế, do tin tưởng vào tổ công tác của Bộ Nông nghiệp với 4 kỹ sư “đảng viên trung kiên”, nên các kiến nghị của tổ đều được tỉnh và huyên chấp nhận, còn chỉ đạo HTX Mỹ Thọ thực thì, hầu như do tổ công tác đảm trách. Khi gặp những vướng mắc, cần đến huyện, tỉnh tháo gỡ, tổ công tác báo cáo trực tiếp với ông Kiểu và ông Ngự (Bí thư huyện ủy Bình Lục), và được giải quyết ngay. Ví dụ như khi thấy ông Cát, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Thọ, có vẻ không tán thành với mô hình quản lý mới, tổ công tác báo cáo, lập tức Bí thư Huyện ủy ra quyết định cho ông Cát đi học trường đảng của tỉnh trong 10 tháng. Khi ông ta trở về, thì mọi sự đã “đâu vào đấy”. Ông ta bị vô hiệu hóa bằng các “chiêu” rất “truyền thống” của đảng (!).
Sau hơn 1 năm chỉ đạo, HTX Mỹ Thọ đã nổi tiếng, được thưởng huân chương lao động, vì bán thóc vượt nghĩa vụ cho nhà nước 100 %. Ông Nguyễn Chương, ủy viên Ủy ban Nông nghiệp Trung ương (thứ trưởng Bộ Nông nghiệp), trên đường đi công tác, ghé qua huyện Bình Lục.
Sau khi nghe ông Bí thư Huyện ủy Đặng Văn Ngự và kỹ sư Lê Thảo, tổ trưởng tổ công tác, báo cáo, ông Nguyễn Chương khen đôi lời và kết luận “đề nghị Huyện ủy Bình Lục kết nạp 4 kỹ sư của tổ công tác vào đảng”, trước sự ngỡ ngàng, ngạc nhiên của ông Kiểu và của cả Ban Thường vụ huyện ủy Bình Lục. Thế là “bể mánh” (theo cách gọi của dân Nam bộ). Cả 4 chúng tôi lo lắng, không hiểu tỉnh và huyện còn tin tưởng chúng tôi như trước hay không. Sau mấy phút lặng yên, cuộc họp giải tán để dự bữa cơm của huyện ủy chiêu đãi ông Nguyễn Chương. Không hiểu các vị lãnh đạo địa phương nghĩ gì về chúng tôi. Chúng tôi vội báo cáo chuyện này với Thủ trưởng Trần Quang (quyền Tổng cục Trưởng Tổng cục Cây trồng). Rất may là sau hơn 1 năm chỉ đạo thành công, nên lãnh đạo địa phương vẫn hoàn toàn tin tưởng vào tổ công tác.
Ông Trần Quang có kể lại với chúng tôi là: Ông Kiểu và ông Ngự có thắc mắc, hỏi ông Trần Quang, vì sao chúng tôi không phải là đảng viên. Ông Trần Quang đã trả lời: Chính vì chúng nó không phải là đảng viên nên mới làm được như vậy”! (ngụ ý là chúng tôi không bị vòng “kim cô” bóp nghẹt tư duy sáng tạo).
Tháng 10 năm 1982, trước khi chuyển vào Nam công tác, tôi đã đến chào từ biệt ông Phan Điền và ông Nguyễn Trung Kiểu tại khu tập thể của cán bộ tỉnh ủy ở thành phố Nam Định. Hàn huyên hồi lâu, đủ mọi chuyện, rồi vẫn xoay quanh những trăn trở về hợp tác xã nông nghiệp, vì sao không nhân được điển hình HTX Mỹ Thọ ra diện rộng… Khi tiễn tôi ra cổng, ông Phan Điền mới hỏi tôi: “Cậu có phải là con Vũ Hồng Khanh không?” Tôi trả lời “Nếu cháu là con ông Vũ Hồng Khanh thì giờ này chắc ỡ Mỹ hoặc đi tù, chứ sao có thể làm việc như chú đã thấy”. “Thế mà lúc cậu tham gia chỉ đạo HTX Mỹ Thọ, người ta nói với tôi: cậu là con Vũ Hồng Khanh, không thể sử dụng được”. Ông Phan Điền đã bộc bạch như vậy với tôi lúc chia tay. Không ngờ, đó cũng là lần cuối cùng tôi gặp và tâm sự với ông.
Thế mới biết tầm và tâm của cụ Phan Điền hơn hẳn mấy cái đầu của những đồng chí, đồng đội của ông lúc đó. Cụ thật sâu sắc và kiên quyết thực hiện ý đồ của mình, không để tâm đến những lời thị phi của người đời.
(Tôi còn nói rõ thêm về gia thế của mình, ông Phan Điền bảo có biết và quý trọng ba tôi). .
Tất niên 2013
V.T.K
-----------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét