Dịp Tết Giáp Ngọ năm nay, hàng chục ngàn công nhân “cười ra nước mắt” khi doanh nghiệp thưởng Tết bằng sản phẩm, nhưng suy cho cùng, họ vẫn may mắn hơn rất nhiều so với những người không được thưởng gì.
Theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, dịp Tết Giáp Ngọ 2014, hầu hết các doanh nghiệp có thưởng cho người lao động với mức bình quân bằng 1 tháng lương (khoảng 4,4 triệu đồng/người), tăng 20% so với mức thưởng Tết năm 2013. Người có mức thưởng Tết âm lịch cao nhất thuộc doanh nghiệp FDI ở TP HCM, với 709 triệu đồng. Tuy nhiên, cũng có 420 doanh nghiệp với 118.000 lao động ở 4 tỉnh là Bắc Ninh, Hải Dương, Phú Thọ, Thanh Hóa không được thưởng Tết.Câu chuyện mỗi nhân viên được thưởng một thùng tương ớt của một công ty trong TP.HCM đã làm xôn xao dư luận những ngày cận Tết Giáp Ngọ. Theo chia sẻ của một nhân viên, công ty đã quyết định thưởng cho mỗi nhân viên một thùng tương ớt ăn Tết, riêng lãnh đạo sẽ được nhận tận 2 thùng. Quyết định đó khiến nhân viên ngỡ ngàng vì dẫu biết kinh tế khó khăn, song họ không ngờ lại có món thưởng “độc” như thế.
Cũng câu chuyện dở khóc dở cười ấy, một cơ sở sản xuất hương ở Đan Phượng, Hà Nội đã thưởng Tết cho công nhân 100 nghìn đồng/người và mỗi loại hương thắp một bó. Lý giải việc thưởng Tết ghjuh 8bằng món đồ “cây nhà lá vườn” ấy là bởi sếp ở đây quan niệm “Năm hết, Tết đến, nhà nào chẳng phải thắp hương”.
Tại Hải Dương, anh N.V.B, chủ một doanh nghiệp nhỏ sản xuất bánh đậu xanh mọi năm vẫn thưởng Tết đều đặn cho trên 50 lao động. Nhưng năm nay, đến những tháng gần Tết mà lượng hàng tăng không đáng kể, anh đành phải thưởng Tết cho người lao động bằng bánh đậu xanh.
Một phụ nữ làm việc tại xưởng bánh đậu xanh này cho biết: “Chủ DN thưởng gì thì chúng tôi biết nhận thế, mà nếu không có cũng phải chịu. Tôi sẽ mang bánh để biếu họ hàng, bạn bè vì đằng nào cũng phải mua quà biếu Tết.”.
Dường như các doanh nghiệp năm nay đều chạy đua “mốt” thưởng Tết theo sản phẩm. Chả thế mà có người thì được thưởng quần đùi, giấy vệ sinh, rồi nước mắm, tương ớt, rồi đến cả vé ô tô, và nhân viên của công ty xây dựng thì được thưởng … gạch. Đây quả là những câu chuyện “bi hài” nhất của nền kinh tế thời mạt vận, khi mà mức cung quá nhiều trong khi người tiêu dùng không có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm.
Phát biểu về những món quà Tết khá “độc” của năm, TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế nhận định: “Điều đó không có gì đáng buồn cười cả. Làm kinh doanh ai chẳng muốn có lãi lời, hiệu quả để cuối năm thưởng Tết cho người lao động kha khá một chút để họ mua sắm những thứ cần thiết cho gia đình.”.
“Trong lúc hàng hóa sản xuất ra không bán được thì DN thưởng Tết cho công nhân bằng chính sản phẩm của công ty, bằng hiện vật cũng là chuyện rất bình thường. Thay vì được nhận một số tiền thì người lao động được nhận một món hàng. Chúng ta “trở lại thời bao cấp” một chút. Nghĩa là mang hàng của ta đi đổi lấy thứ hàng mà ta đang cần” – TS Ánh nói.
TS Ánh cũng cho rằng, trong lúc khó khăn “có còn hơn không”, những người được thưởng bằng tương ớt, giấy vệ sinh hay quần đùi… vẫn hạnh phúc hơn hàng trăm ngàn công nhân “không có gì”.
Cũng theo quan sát của ông Ánh, trong năm qua, các DN đã thực sự cố gắng trong việc nâng cao năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh, từ đó nâng cao đời sống của công nhân. Tình hình kinh tế năm 2013 đã có những gam màu sáng hơn năm 2012. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thì những nỗ lực này của DN chưa thực sự như mong muốn.
Ông Ánh chia sẻ, trong giai đoạn này, thưởng Tết đối với người lao động không chỉ quan trọng về khía cạnh tinh thần mà cả về vật chất. Với mức lương hiện nay của người lao động thì họ không thể có tích lũy trong năm để chi dùng cho dịp Tết. Chính vì vậy, họ rất kỳ vọng vào các khoản thưởng Tết để cải thiện cuộc sống.
Nhìn ở khía cạnh khác, thưởng Tết không phải đơn giản chỉ là chuyện đưa cho người lao động bao nhiêu tiền, mà còn là thước đo đánh giá sức khỏe của nền kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp. Đồng thời, việc thưởng Tết còn tạo sự gắn bó giữa người lao động với DN, tạo động lực để họ tiếp tục làm việc và làm việc tốt hơn trong năm tiếp theo.
Trong năm qua, nhiều DN hoạt động không có lãi nên thưởng Tết còn hạn chế, không được như mong muốn. Đáng buồn, nhiều DN, để “né” thưởng Tết, đã sa thải người lao động ngay trước Tết.
Để có sự chia sẻ, cảm thông giữa người lao động và DN, các ông chủ cũng cần công khai những khó khăn, thuận lợi của DN để tạo quan hệ hiểu biết lẫn nhau giữa người quản lý, sử dụng lao động với người lao động. Trong lúc khó khăn, thưởng tết có thể chỉ là sự quan tâm, chia sẻ, là những lời chúc, mong muốn chân thành chứ không phải một món quà to, có giá trị.
Thanh An (tổng hợp) / BinViet
--------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét