Tỉnh nào được đầu tư là có GDP, có thành tích. Chủ đầu tư nào kiếm được dự án thì có phần trăm. Các cơ quan được quyền phân bổ đầu tư sẽ có quyền năng rất lớn, TS Tự Anh phân tích.
Bàn về tái cơ cấu đầu tư công, Tiến sĩ Tự Anh phân tích:Giằng co lợi ích
Nếu như số "đầu mối" của chương trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại chủ yếu giới hạn trong khoảng 40 ngân hàng nội địa thì chương trình tái cơ cấu đầu tư công liên quan tới 124 bộ - ngành - địa phương - tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước, cùng nhau làm chủ đầu tư của gần 40.000 dự án trong năm 2012 với cơ man nào là quyền và lợi.
Cho đến thời điểm này, Chính phủ vẫn chưa phê duyệt Đề án Tái cấu trúc đầu tư công. Riêng thực tế này cũng đủ để cho thấy việc tái cơ cấu đầu tư công khó khăn đến nhường nào. Bên cạnh số lượng 124 đầu mối và gần 40.000 dự án như đã nói, bản thân tính chất của đầu tư công cũng tạo ra nhiều khó khăn trong quản lý và giám sát.
Thứ nhất, đầu tư công - cũng như chính sách tài khóa nói chung - thường kém minh bạch. Trong chính sách tiền tệ, dù sao chúng ta cũng quan sát được gần như ngay lập tức chính sách lãi suất, tín dụng, cung tiền... của Ngân hàng Nhà nước. Còn các quyết định đầu tư công thường chỉ được quan sát khi chúng thực sự được triển khai. Bên cạnh đó, cơ chế phân bổ ngân sách đầu tư công cũng không rõ ràng, thiếu minh bạch nên rất khó nếu công chúng muốn giám sát.
Thứ hai, thời gian triển khai cũng như tác động của đầu tư công bao giờ cũng kéo dài. Vì vậy, mọi dự án đầu tư công - cả ngắn, trung, và dài hạn - đều có đủ lập luận để chứng minh rằng mình cần phải được phân bổ vốn và triển khai ở ngay thời điểm hiện tại, rằng có thể cắt dự án khác chứ không thể cắt dự án của mình được.
Thứ ba, có quá nhiều mối quan hệ và lợi ích chằng chịt. Tỉnh nào được đầu tư là có GDP, có thành tích. Chủ đầu tư nào kiếm được dự án thì có phần trăm. Các cơ quan được quyền phân bổ đầu tư sẽ có quyền năng rất lớn... Điều này có nghĩa là chương trình tái cơ cấu đầu tư công - thực chất là phân bổ lại nguồn lực đầu tư công một cách hiệu quả - sẽ động chạm đến lợi ích của hằng hà sa số các tác nhân có liên quan. Có lẽ chính vì vậy cho tới thời điểm này vẫn chưa có quyết định phê duyệt tái cơ cấu đầu tư công.
Bên cạnh đó, còn có một số vấn đề kỹ thuật - thực ra là một số khái niệm cơ bản - cho đến nay vẫn còn gây tranh cãi. Chẳng hạn ngay khái niệm "đầu tư công" cũng còn có nhiều ý kiến khác nhau trong quá trình soạn thảo Luật Đầu tư công. Có ý kiến cho rằng đầu tư công là đầu tư sử dụng vốn nhà nước cho các dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội không nhằm mục đích thu lợi nhuận. Tuy nhiên, ý kiến khác lại cho rằng đã gọi là đầu tư công thì phải bao gồm mọi hoạt động đầu tư sử dụng vốn nhà nước - đặc biệt là bao gồm cả vốn đầu tư của DNNN.
Nói tóm lại, sự giằng co về lợi ích trong đầu tư công, bản chất kém minh bạch và có độ trễ dài cùng với sự thiếu mạch lạc ngay từ những khái niệm cơ bản nhất khiến cho chương trình tái cơ cấu đầu tư công chậm ra đời, và ngay cả khi ra đời thì tôi tin là tốc độ và hiệu lực triển khai cũng sẽ rất hạn chế.
Đơn cử, trong năm 2012, do "sốt ruột" về kết quả tăng trưởng rất thấp - chỉ ở mức 4,4% - trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ đã quyết định đẩy mạnh đầu tư công trong 6 tháng cuối năm. Nếu như tốc độ giải ngân đầu tư công trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 13.000 tỉ đồng/tháng thì trong 6 tháng cuối năm, tốc độ này lên tới trên 20.000 tỉ đồng/tháng.
Đáng lưu ý là để đẩy được khối lượng đầu tư công rất lớn này ra nền kinh tế một cách nhanh nhất - không nhất thiết là hiệu quả nhất - một số thủ tục, quy trình giải ngân đã được bỏ qua. Đây có thể coi là một sự tháo khoán về đầu tư công và đi ngược lại mục tiêu nâng cao hiệu quả đầu tư công của Chương trình tái cơ cấu.
- Thưa tiến sĩ Tự Anh, tình trạng DN đóng cửa, ngưng hoạt động hoặc phá sản đang là nỗi lo và nguy cơ rất lớn đã được báo động trong năm 2012, hình như chưa có "thuốc" cứu họ?
- Những vấn đề của DN trong năm 2012 vẫn còn nguyên vẹn. Không những thế, cần lưu ý là sức chịu đựng của các DN cũng chỉ có hạn. Liên tục trong 5 năm trở lại đây, DN loay hoay hết xoay sở với bất ổn vĩ mô lại chuyển sang chống chọi với suy giảm kinh tế. Mà đến hơn 95% DN của ta là vừa và nhỏ, tuy sức chịu đựng bền bỉ nhưng không phải vô hạn. Số lượng DN ngừng hoạt động, giải thể, thu hẹp là rất lớn.
Sức khỏe của DN được phản ảnh chính xác nhất qua tình trạng nộp thuế thu nhập của họ. Ở một số địa phương chúng tôi làm nghiên cứu, tỷ lệ doanh nghiệp không còn nộp thuế nữa lên tới 30% - 40%, thậm chí có nơi tới 50%. Điều đó chứng tỏ một bộ phận rất lớn DN đã bị suy kiệt. Đấy là kết cục vô cùng tai hại đối với nền kinh tế không chỉ trong ngắn hạn mà còn cho khả năng hồi phục trong trung và dài hạn.
Cần động cơ để giải quyết các tồn đọng
- Trên một nền hiện trạng đầy khó khăn đan xen, giằng kéo nhau của năm 2012 để lại chưa được giải quyết, theo tiến sĩ, cần phải bắt đầu từ đâu, bứt phá như thế nào để thoát ra, đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo phát tiển?
- Tôi không nghĩ chúng ta có khả năng bứt phá trong năm 2013. Như đã phân tích, tốc độ triển khai các Đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt rất chậm chạp. Đề án Tái cầu trúc đầu tư công thậm chí còn chưa được phê duyệt. Đây là biểu hiện của thực trạng là hệ thống thiết kế và triển khai chính sách của ta có vấn đề nghiêm trọng. Ra được chính sách đúng đã khó, nhưng với bộ máy chính sách hiện nay, đảm bảo chính sách đúng được triển khai một cách hiệu quả, không bị biến dạng có khi còn khó hơn.
Đầu tiên là thiếu động cơ. Thường thì trong các hệ thống quan liêu, làm nhiều lại đi đôi với rủi ro lớn. Lấy ví dụ như trường hợp của công ty mua bán nợ xấu. Muốn xử lý được khối nợ xấu khổng lồ hiện nay, công ty mua bán nợ sẽ phải định giá và mua nợ xấu theo giá thị trường. Nhưng nếu như giá thị trường chỉ bằng 50% giá trị sổ sách thì 50% mất mát kia ai chịu? Đây là một mâu thuẫn lợi ích cơ bản. Không những thế, một tỷ lệ lớn nợ xấu là của DNNN. Thế nên một khi thiếu động cơ thì một chính sách đúng và cần thiết cũng khó được triển khai.
Nguyên nhân thứ hai được nói rất nhiều, đó là các "nhóm lợi ích", mà ở Việt Nam phải gọi đúng bản chất là các "nhóm đặc quyền, đặc lợi". Động đến quyền lợi của các nhóm này sẽ vấp phải sự chống đối quyết liệt bằng mọi cách và từ mọi hướng.
Thứ ba là hiệu lực của bộ máy chính sách rất thấp. Đây là một khiếm khuyết rất cơ bản. Nếu chúng ta có bộ máy tốt thì ngay cả khi chính sách dù có không hoàn hảo thì vẫn có thể triển khai vào thực tế. Còn với bộ máy như hiện nay, một chính sách dù đúng cũng có thể trở nên bị biến dạng khi vào thực tế.
- Chắc tiến sĩ cũng rất đồng tình với lịch sử của người Việt Nam , khi bị "đẩy đến chân tường" thì sẽ trở nên mạnh mẽ, kiên cường và sáng tạo để tồn tại và vượt qua, như trong lịch sử chống ngoại xâm hay thời kỳ Đổi mới?
- Đúng là trong nhiều trường hợp, khi bị dồn đến chân tường, người Việt Nam chúng ta đã tìm ra lối thoát dù trong gang tấc. Tuy nhiên, những người để đến lúc không còn đường lùi nữa mới chịu tiến thường là những người thiếu tầm nhìn và/hoặc bản lĩnh chính trị. Việc để hoàn cảnh chi phối tới mức gần như chỉ còn một đường thoát hiểm duy nhất một mặt có nghĩa là những lựa chọn khả dĩ hơn đã bị bỏ lỡ từ trước, mặt khác chắc chắn sẽ để lại nhiều hậu quả nặng nề và tốn kém.
Cũng phải nói thêm là ngay cả khi điều kiện bức bách mà muốn đột phá thì cũng phải có điều kiện. Ngoài sự chín muồi của hoàn cảnh, sự thúc ép của tình thế đến mức nhận thức của hệ thống - đặc biệt là những nhà lãnh đạo cao nhất - thay đổi, thì một điều kiện tối quan trọng nữa là quyết tâm chính trị phải đủ lớn để chiến thắng lực cản của các nhóm đặc quyền - đặc lợi. Điều này đã được GS. Đặng Phong - sử gia kinh tế đáng kính - phân tích một cách thấm thía trong rất nhiều tác phẩm của mình. Rõ ràng thế-lực và quyền-lợi của các nhóm đặc quyền - đặc lợi ở Việt Nam hiện nay khác rất xa so với thời kỳ đầu thập niên 1980 về cả tính chất và quy mô, vì vậy lực cản đối với cải cách cũng như quán tính giữ nguyên trạng thái hiện tại là vô cùng lớn. Điều này có nghĩa là sẽ không có đột phá.
- Vậy theo tiến sĩ, phải tháo gỡ như thế nào, bắt đầu từ đâu?
- Có lẽ sẽ không quá đáng khi khái quát hóa rằng những thành công lớn nhất có tính đột phá kể từ thời kỳ Đổi mới đều gắn liền với việc nhà nước trả lại quyền tự do sản xuất - kinh doanh cho người dân và quyền định giá cho thị trường. Những ví dụ tiêu biểu là Chỉ thị 100 (1981) và Nghị quyết 10 (1988) trả lại đất đai và quyền tự chủ sản xuất của hộ gia đình trong nông nghiệp; là Nghị quyết 25-CP (1981) và Quyết định 217-HĐBT (1987) đưa đến quyền tự chủ sản xuất - kinh doanh của các xí nghiệp quốc doanh; là Luật Công ty (1990) và Luật Doanh nghiệp (1999) công nhận quyền tự do kinh doanh của người dân; là những quyết định sử dụng chế độ một giá trong giao dịch thương mại và ngoại tệ.
Đồng thời, có lẽ cũng không quá đáng khi phát biểu rằng hầu hết những thất bại kinh tế kể từ Đổi mới đều liên quan đến sự can thiệp duy ý chí hay quá sâu của nhà nước vào nền kinh tế hoặc là hệ quả của việc nhà nước không áp đặt được kỷ luật đối với các nhóm đặc quyền đặc lợi. Một số ví dụ tiêu biểu là cuộc khủng hoảng kinh tế toàn diện trước Đổi mới, là các chương trình duy ý chí như xi-măng lò đứng, một triệu tấn mía đường, đánh bắt xa bờ, là bất ổn kinh tế vĩ mô liên miên trong những năm trở lại đây, là sự sụp đổ và thua lỗ của một loạt tập đoàn kinh tế nhà nước.
Nếu những quan sát này là chính xác thì điều cần làm đầu tiên là cần thật khách quan nhìn nhận lại vai trò kinh tế của nhà nước trong mối quan hệ với thị trường, của khu vực DNNN trong mối quan hệ với khu vực DN dân doanh và đầu tư nước ngoài. Nói cụ thể hơn, trước khi nghĩ đến những đề án mới thì nên bắt đầu với việc sửa những sai lầm cũ. Để làm được điều này, quan trọng nhất là phải nhìn thẳng vào sự thật để nhận ra những khuyết tật cơ bản của nền kinh tế và của hoạt động quản lý kinh tế để từng bước khắc phục, qua đó xây dựng lại nền tảng vững chắc hơn cho nền kinh tế trong dài hạn.
Duy Chiến (thực hiện) / TuanVN
----------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét