ĐVO - Thời gian gần đây, số lượng CSGT đến Bệnh viện Tâm thần Hà Nội khám tăng nhiều hơn trước. Bác sĩ Lý Trần Tình, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội cho biết nguyên nhân là do sức ép tâm lý, căng thẳng....PV: - Được biết, gần đây xảy ra trường hợp CSGT đến Bệnh viện Tâm thần Hà Nội khám và chữa bệnh. Số lượng CSGT tới khám có nhiều không, thưa bác sĩ và việc khám được thực hiện như thế nào?
Bác sĩ Lý Trần Tình: - Thời gian gần đây số lượng CSGT đến viện khám cũng nhiều, tăng hơn trước và chủ yếu là rối loạn liên quan đến Stress. Và việc khám, điều trị được thực hiện theo định kỳ. Có thể điều trị vào ba lần, cho thuốc 10-15 ngày. Nếu bệnh thuyên giảm thì cho thuốc một thời gian để uống, nếu bệnh không có chuyển biến tốt thì quay lại khám lại.
Có khoảng 300 rối loạn tâm thần, rối loạn từ giấc ngủ kéo dài cho đến không chịu ăn... Nói lắp và nói ngọng cũng là những triệu chứng về tâm lý của bệnh tâm thần.
Nhiều người đã hiểu sai về bệnh này, con người chúng ta ai cũng có sức khỏe tâm thần. Những người được rèn luyện tốt sẽ ít bị ảnh hưởng, tuy nhiên với những người có nhân cách yếu, ít được rèn luyện sẽ dễ bị môi trường tác động và bị bệnh.
PV: - Vậy nguyên nhân gây nên bệnh tâm thần với những đối tượng CSGT là do đâu?
Bác sĩ Lý Trần Tình: Cuộc sống hàng ngày có rất nhiều Stress, đặc biệt ở Việt Nam, tình trạng này xảy ra nhiều hơn khi ra đường với những va chạm, tệ nạn... dẫn đến con người bị Stress.
Bác sĩ Lý Trần Tình -Giám đốc bệnh viện Tâm thần Hà Nội |
Người Việt Nam đang lo lắng nhiều về những vấn đề xã hội, công ăn việc làm... Stress chỉ gây bệnh khi quá mức, Stress quá mạnh, âm ỉ không giải quyết được, đó có thể là tác động từ gia đình, việc cơ quan.
Nghề CSGT là nghề tiếp xúc thường xuyên với mọi người, giống ngành y tế. Không giống như cán bộ của cơ quan hành chính nhà nước, CSGT phải đảm bảo người dân thực hiện chấp hành giao thông trên đường. Không có bệnh nhân nào cười với bác sĩ, cũng không có người tham gia giao thông nào cười với CSGT.
Hơn nữa người Việt Nam hầu hết trông thấy CSGT thường "né", tham gia giao thông nhiều người vi phạm, do vậy mà rất dễ xảy ra xung đột giữa CSGT và người tham gia giao thông.
Người CSGT chịu nhiều áp lực về thời gian, môi trường mưa nắng, bụi bặm..., thậm chí có nhiều đối tượng cưỡng chế và có cái nhìn không tốt về CSGT
Ngoài ra công việc, thời gian làm việc khiến CSGT luôn căng mình. Tâm lý chung khi làm nhiệm vụ phải luôn đảm bảo an ninh thông suốt và không có sự cố gì. Ngày nào họ cũng đi làm, không phải là làm 8 tiếng như mọi người, dẫn đến sức ép tâm lý, khiến họ bị nhiều những bệnh lý liên quan đến Stress.
PV: - Những biểu hiện chung của CSGT khi vào viện khám và phương pháp điều trị đối với những trường hợp bị bệnh?
Bác sĩ Lý Trần Tình: - Không có trường hợp CSGT vi phạm pháp luật vào đây khám bệnh, các bệnh nhân đến khám cũng không có gì đặc biệt. Họ có nhiều biểu hiện liên quan đến Stress, rối loạn giấc ngủ, dễ cáu gắt, hay nổi khùng, luôn cảm thấy mệt mỏi và trầm cảm.
Phương pháp điều trị tốt nhất nên nghỉ ngơi, thư giãn. Nhưng đối với CSGT thì hầu như không có thời gian để thực hiện chuyện đấy. Phương pháp thứ hai là chia sẻ của gia đình, cơ quan đồng nghiệp... Phương pháp cuối là dùng một số loại thuốc để điều trị.
PV: - Tỉ lệ bệnh nhân mắc bệnh tâm thần trong mấy năm qua tăng hay giảm và biển đổi như thế nào, thưa bác sĩ ?
Bác sĩ Lý Trần Tình: - Tỉ lệ bệnh nhân mắc bệnh tâm thần ở nước ta mấy năm nay gia tăng tương đối nhiều. Theo thống kê của ngành Tâm thần Việt Nam, gần 20% dân số Việt Nam có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Tỉ lệ tăng số bệnh nhân là tương đối nhiều so với 10 năm trước (khoảng 10%).
Xin cảm ơn bác sĩ!
* Huyền Hồ (Thực hiện)
/ĐVO/
-------------------- |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét