Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2014

LIỆU CÓ GIẾT HẾT SÂU ?

    
                                                           
         * MINH DIỆN
                       - Tại sao cây xoan kia sắp chết?
                       - Dạ, thưa Bác ! Vì thân cây đã bị sâu đục một lỗ rất to, chảy hết nhựa .
                      - Thế theo chú, muốn cứu cây ta phải làm thế nào?
                       - Dạ, thưa Bác! Phải bắt giết hết những con sâu  đó đi!
                       - Chú nói đúng!”
 Mẩu đối thoại trên giữa Hồ Chủ tịch và thiếu tướng Trần Đăng Ninh sau  đêm Người thức trắng và trước khi hạ bút ký quyết định bác đơn xin ân xá của đại tá Cục trưởng Cục quân nhu Trần Dụ Châu, đúng 64 năm trước.
                       Ngày ấy bộ đội và dân công đang hành quân lên Việt Bắc mở chiến dịch Biên giới. Nhiệm vụ đè nặng trên vai người lính  đói, rét, bệnh tật. Gạo mục  đến nỗi khi vo không dám vò mạnh, sợ nát  thành cám.  Hai chiến sỹ chung  một mảnh chăn đơn, đêm  đông  rét buốt đứng gác chỉ mặc phong phanh chiếc áo trấn thủ lót lớp bông mỏng. Những cơn sốt rét  run bần bật, răng cắn  đứt môi  không có viên thuốc Quynacrine  để  cắt cơn.  Bộ đội, dân công chết vì  đói, rét , bệnh  nhiều hơn hy sinh  trong chiến đấu.  
                     Hậu phương  đã dốc hết sức người sức của  cho tiền tuyến, nhưng bị  những kẻ vô lương tâm ăn chặn. Điển hình là  Cục trưởng Cục quân nhu Trần Dụ Châu .Xuất thân từ  một thư ký hỏa xa, tham gia cách mạng trước năm 1945, Trần Dụ Châu là một cán bộ có năng lực, đã lập công xuất sắc, được phong quân hàm đại tá và được giao nhiệm vụ Cục trưởng cục quân nhu.  Không ngờ trên cương vị ấy Trần Dụ Châu  lại sa ngã.  Ông ta đã  cùng với cục phó Phạm Toàn, Trưởng  ban  quân trang  Lê Sỹ Cửu  lợi dụng chức vụ  tham ô, buôn lậu  sống phè phỡn  trên xương máu của đồng đội.
                    Trong  tiệc cưới cùa Lê Sỹ Cửu, nhà thơ Đoàn Phú Tứ được mời dự, tận mắt chứng kiến: “Trên những dãy bàn dài tít tắp xếp kín chim quay, gà tần, vây bóng, giò chả,nấm hương, thịt bò thui, rượu tây cốc thủy tinh sáng choang, thuốc lá thơm hảo hạng, hoa tươi dưới Ngọc Hà cũng kịp đưa lên, ban nhạc “Cảnh Thân” được mời từ Khu 3  lên   tấu nhạc réo rắt. Trần Dụ Châu mặc quân phục đại tá cưỡi ngựa hồng , đeo súng ngắn Côn-bát đến dự”.
                  Nhà thơ Đoàn Phú Tứ  không thể  cầm lòng được , đã viết bài thơ  và đọc ngay trong  tiệc cưới linh đình đó. Bài thơ kết thúc bằng hai câu đau cắt ruột:  
                             “Bữa tiệc cưới chúng ta chén đẫy hôm nay,
                              Được dọn bằng máu xương các chiến sỹ”
                   Nhà thơ vừa dứt lời, một cận vệ thân tín  của Trần Dụ Châu tát vào mặt ông ,và quát:
                      -Nói láo!
                   Đoàn Phú Tứ  lặng lẽ bỏ ra về, và ông thức suốt đêm viết  bức thư kính gửi  Hồ Chủ tịch, trong đó có đoạn : “ Cháu đến  thăm bộ đội vừa đi chiến đấu trở về, cháu đã khóc nấc lên khi thương , bệnh binh thiếu thuốc men, bông băng, hầu hết chiến sỹ đều rách rưới , võ vàng vì đói rét, chỉ còn mắt với răng mà mùa đông  ở chiến khu lạnh lắm , lạnh tới mức nước đóng băng...”
                  Hồ Chủ tịch chuyển lá thư cho thiếu tướng Trần Tử  Bình, phó tổng thanh tra quân đội.  Bác nói : “Đây là bức thư của một nhà thơ gửi cho Bác. Bác đã đọc kỹ lá thư, rất đau lòng!”
                 Thiếu tướng Trần Tử Bình gặp đại tá Phạm Trịnh Căn, cục trưởng cục quân pháp , hỏi:
                - Anh nghe tin gì về Trần Dụ Châu chưa?
                Đại tá Phạm Trịnh Căn đáp :
                - Tôi có nghe. Bộ đội công phẫn lắm!
                Thiếu tướng Trần Tử Bình nói:
               - Ta phải mở cuộc điều tra vụ này. Chỉ thị tối mật. Ngoài mấy ông Trung ương chỉ có tôi và anh biết. Nếu để lộ Trần Dụ Châu mà dinh tê vào thành thì chúng mình mất đầu.
                Đại tá Phạm Trịnh Căn cùng hai cán bộ tin cậy  tổ chức ngay cuộc  điều tra vụ án  Trần Dụ Châu và đồng bọn.   Bấy giờ  không  có phương tiện hiện đại,  nghiệp vụ điều tra chưa được học bài bản như bây giờ, địa bàn rộng , đóng quân trong nhà dân  lại rất gần thị xã Thái Nguyên, nơi Trần Dụ Châu và đồng bọn có thể tẩu thoát bất kể lúc nào.  Với tinh thần chấp hành kỷ luật vô điều kiện  các cán bộ điều tra  đã  bí mật   xác minh một cách chính xác  tội trạng của Trần Dụ Châu và đồng bọn.  Họ  tổ chức bắt Phạm Toàn, Lê Sỹ Cửu  là hai cánh tay đắc lực của Trần Dụ Châu  để lấy cung , chặt đứt mối liên hệ giữa bộ ba 'nhóm lợi ích' máu thịt ấy. Lê Sỹ Cửu nguyên là   nhân viên công an bị kỷ luật, đã đút lót cho  Trần Dụ Châu  mười ngàn đồng để được nhận về Nha quân nhu làm nhân viên tiếp liệu, rồi được đề bạt làm Trưởng  ban quân trang .  Cửu đã  sử dụng 3/4 kinh phí để buôn lậu hàng hóa từ  vùng tạm chiếm ra  vùng tự do bán khiếm lời.  Cửu  mua vải xấu  cho bộ đội ,  khai khống  giá  thêm mỗi xấp 3.000-4.000 đồng đề  tham ô tiền của nhà nước.  Mỗi chuyến buôn bán như thế  Lê Sỹ Cửu chia cho Trần Dụ Châu hai , ba chục ngàn đồng. Tồng số tiền Cửu đút lót cho Châu lên tới 660.000 đồng.  Phạm Toàn   đồng lõa với Trần Dụ Châu nhận  hối lộ, tham ô, lãng phí , ăn chơi xa đọa,  tạo phe cánh  bao bọc  nhau, trừ khử những cán bộ chiến sỹ thẳng thắn trung thực.  Hễ ai lên tiếng phê bình góp ý là bị  chụp  cho cái mũ “ phá hoại đoàn kết” , nhẹ thì  đẩy xuống coi kho, thồ hàng, nặng thì  bắt giam. 
                  Từ lời khai của Phạm Toàn, Lê Sỹ Cửu, ban chuyên án củng cố chứng cứ  khởi tố , bắt giam Trần Dụ Châu.  Khi khám xét tìm thấy trong két sắt của ông  ta 1.000.000  đồng và 25.000 đô la.
                 Trần Dụ Châu phản ứng điên cuồng như một con hổ sa bẫy.  Tay chân ông  ta  ở  Nha quân nhu viết đơn gửi lên  Đại tướng Tổng tư lệnh tố cáo : “ Có những   kẻ phản động vu oan cho  Cục trưởng Trần Dụ Châu  nhằm mục đích chia rẽ  nội bộ,   phá hoại quân đội”.   Khi chưa bị bắt Trần Dụ Châu tìm mọi cách chạy tội cho Lê Sỹ Cửu, Phạm Toàn, thậm chí  viết giấy bảo lãnh, và mưu toan tổ chức cho  Cửu trốn .  Sau khi bị bắt và  biết  Lê Sỹ Cửu , Phạm Toàn đã  khai mình nhận  hối lộ, tham nhũng , Trần Dụ Châu   cho rằng  đó là  “trâu lấm vẩy  bùn”  và đổ hết tội cho cấp dưới.  Trong lãnh đạo cũng có  người  bênh che Trần Dụ Châu, đề cao việc  ông ta  đã  hiến  tài sản cho  cách mạng , đã  có công tổ chức kho  lương thực, thực phẩm  hàng ngàn tấn   ở Vân Đình để chuyển lên chiến khu,  hơn nữa lại là một đại tá cục trưởng  tài năng , thạo việc, được đích thân Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh phong hàm và giao nhiệm vụ,  nếu xử  lý  sẽ làm xấu đi  hình ảnh cán bộ lãnh đạo, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với cách mạng.
                Tổ chuyên án đã trình lên Đại tướng  Tồng tư lệnh Võ Nguyên Giáp bản tội trạng của Trần Dụ Châu . Sau khi xin chỉ thị của Hồ Chủ tịch , ngay lập tức Tồng tư lệnh quyết định tước quân hàm đại tá cùa Trần Dụ Châu  và  yêu cầu xử nghiêm theo quân pháp.
              Ngày 5-9-1950  , tại thị xã Thái Nguyên  Tòa án binh đã mở phiên đặc biệt do thiếu tướng Chu Văn Tấn làm chủ tọa, Giám đốc sở tư pháp Phạm Ngọc Hải và Cục phó cục quân nhu Trần Tấn làm Hội thẩm viên.  Giữ quyền công tố là thiếu tướng Trần Tử Bình , phó tổng thanh tra quân đội.  Theo bản cáo trạng và lời khai trước tòa, Trần Dụ Châu trong thời gian làm Cục trưởng Cục quân nhu, đã tham ô 57. 959 đồng, 149 đô la, và số  tài sản trị giá 143.900 đồng. ( bấy giờ giá gạo 50 đồng một kg , tiêu chuẩn bộ đội mỗi ngày 4,5 lạng gạo và 10 đồng). Trần Dụ Châu còn  phạm tội nhận hối lộ, có lối sống  cửa quyền,  xa hoa trụy lạc,  gây thiệt hại nghiêm trọng về  vật chất và tinh thần cho  quân đội. Tòa kết luận Trần Dụ Châu phạm tội “ Biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến” và tuyên phạt tử hình tịch thu 3/4 tài sản.
             Chủ tọa phiên tòa hỏi Trần Dụ Châu:
              - Có xin ân xá không?
             - Dạ , có!
             Hồ Chủ tịch đã đọc đơn  xin ân xá của Trần Dụ Châu , và sau một đêm thức trắng , Người  đã lấy hình tượng cây xoan và con sâu đục thân để nói với tướng Trần Đăng Ninh về  tham nhũng và  bài trừ tham nhũng mà tôi trích dẫn ở đầu bài viết này.
              Kết thúc câu chuyện, Hồ Chủ tịch đã nói với tướng  Trần Đăng Ninh :
             - Loài “sâu” đục khoét nhân dân , quân đội cũng như con  sâu đục thân cây xoan kia, phải bắt giết đi. Giết một con sâu mà cứu được cả rừng cây thỉ việc làm đó là cần thiết , hơn nữa còn là nhân đạo .( Theo tài liệu Hội khoa học lịch sử Sơn La )
              64  năm đã trôi qua , kiểm lại  đã bắt, giết  được bao nhiêu “ sâu” ?  Qủa thật  rất khiêm tốn.   Loại “sâu cắn dé”, “sâu cuốn lá”  nhỏ xíu cũng chỉ  bắt được vài chục con, giết vài  con,  còn  loại “sâu đục thân”  bự  như cỡ Trần Dụ Châu  thì  số  bắt  được  đếm trên đầu ngón tay, và mới có 2 con  bị giết.  Đó là chính  là đại tá  Trần Dụ Châu và  đại tá Nguyễn Văn Giộc,  giám đốc công an tình Đồng Nai.
               Xảy ra bao nhiêu chuyện  tày đình như  chuyện 16 tấn vàng mất biến rồi đổ vấy cho ông Nguyễn Văn Thiệu chở ra nước ngoài, chuyện bán bến bãi cho thuyền nhân vượt biên thu vàng thật nộp vàng giả, chuyện hàng núi hàng hóa tịch thu của tư sản  trong  cải công thương nghiệp  không cánh mà bay, đặc biệt là chuyện phân phối nhà, đất  ở  thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam sau giải phóng...  đầy “sâu bự ” mà  chỉ bắt  giết mỗi con  Nguyễn Văn Giộc?
               Vụ án PMU 18 có một “con sâu to” nhưng bắt rồi thả, thay vào đó những nhà báo hăng hái tham gia “vạch lá tìm sâu” lại bị kỷ luật và ngồi tù.
               Vụ án  Năm Cam  nhờ sự quyết liệt của tướng Nguyễn Việt Thành đã tóm được   ba “con sâu lớn ” là Trần Mai Hạnh, Phạm Sỹ Chiến và Bùi Quốc Huy , nhưng rồi tướng Thành bị trả giá,  mất phiếu thăm dò đề bạt chức thứ trưởng Bộ công an và mới đây , người ta  còn muốn lật ngược vụ án để kết tội ông.  
Tốt, hảo lớ! Biết ăn chia thì tờ khỏi đánh, "trong tình đồng chí
thương yêu lẫn nhau, giúp nhau cùng tiến bộ"
               Với  kiểu  chống tham nhũng nửa vời, giơ cao đánh khẽ, tỷ lệ truy cứu  hình sự  chưa đến một phần  trăm  ,  khi  ra tòa   hầu hết án treo , nên tham nhũng chẳng những  không  giảm   mà ngày càng  tăng vọt.   Cử  tri   Nguyễn Khắc  Thịnh ở Hà Nội đã nói với Tổng bí thư Nguyễn Nguyễn Phú Trọng ngày 27-9-2013 : “ Trước đây tham nhũng như con sâu đơn lẻ đục khoét xã hội, giờ là một bầy sâu  quyền lực liên kết thành nhóm lợi ích  khắp  nơi công quyền,  vươn những chiếc vòi bạch tuộc hút cạn máu dân và tài nguyên đất nước!”  Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng  thừa nhận : “ Cái gì cũng phài tiền, không tiền không trôi.  Từ mấy năm trước tham nhũng đã thành quốc nạn, giặc nôi xâm rồi”.  Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi : “ Có tham nhũng trong lực lượng chống tham nhũng không?”  Và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên bố : “ Vì thế phải công khai minh bạch”.
                 Không phải ngẫu nhiên mà trong phiên tòa  xử  vụ án “Tổ chức cho người trốn ra nước ngoài” do đại tá Dương Tự Trọng chủ mưu ngày 7 và 8 tháng 1-2014 vừa qua , thẩm phán Trương Việt Toàn , Chủ tịch hội đồng xét xử , lại cho phép tử tội Dương Chí Dũng  với tư cách nhân chứng tố cáo thượng tướng , Thứ trưởng Bộ công an Phạm Qúy Ngọ , Trưởng ban chuyên án vụ tham nhũng Vinaline ,  đã nhận của mình 510.000 đô la , bảo  “tạm lánh đi” , và  nhận 1.000. 000 đô la của bà Trương Mỹ Lan do Dương Chí Dũng đưa giúp  để “đừng làm khó  tập đoàn  Vạn Thịnh Phát” .   Nếu không được “ bật đèn xanh” thì  dẫu ăn gan hùm có lẽ  thẩm phán Trương Việt Toàn cũng chả giám cho phép Dương Chí Dũng nói  tuột ra như thế.
              Dư luận cho rằng sau  ba bản án tử hình  vụ  công ty cho thuê  tài chính và bản án tử hình vụ Vinalines , việc để cho  Dương Chí Dũng tố cáo Phạm Qúy Ngọ trước tòa  là một  tín hiệu về  cuộc chiến  chống tham nhũng quyết liệt với vũ  khí  minh bạch công khai hóa  bắn thẳng vào vùng cấm.  
              Khi  dân  mừng vì điều đó  thì  không ít quan chức  bực tức.  Người ta ra lệnh cho báo chí không được đăng đích danh Phạm Qúy Ngọ.  Người ta bênh che   rằng : “ Việc ông Ngọ được Chủ tịch nước phong cấp hàm thượng tướng là minh chứng rõ nhất cho việc ông không ăn hối lộ của Dương Chí Dũng”.  Người ta kết thêm cho Dương Chí Dũng  cái tội vu khống và bảo  là kẻ cùng đường “trâu lấm vẩy bùn”.  Sáu mươi tư năm trước cận vệ của Trần Dụ Châu tát thẳng vào mặt nhà thơ Đoàn Phú Tứ, còn bây giờ  người thân của Phạm Qúy Ngọ  bóng gió  hăm  dọa  những tờ báo đã “ giật tít với giọng điệu hả hê , khoái chí khi thấy một lãnh đạo cấp cao của lực lượng công an dính chàm”   hãy “ chờ đợi tòa sẽ xử lý ra sao trước những thông tin này”.   Tướng Ngọ dù bị bệnh nặng đột ngột vẫn thách thức : “  Kệ nó. Nó muốn khai gì thì khai. Sẽ có nơi điều tra làm rõ!”  Họ vẫn mong có một kịch bản như vụ PMU 18 tái diễn và tướng Ngọ  vẫn tự tin  thoát hiểm  để  trường thọ với lá gan tươi trẻ!
                Muốn cứu cái cây phải bắt giết hết những con sâu đục thân,muốn cứu đảng cứu chế độ phải diệt hết tham nhũng. Lời  Hồ Chủ tịch 64 năm trước như còn văng vẳng bên tai.   Nhưng  liệu có bắt giết được hết “sâu”  khi  chúng  đã thành bầy đàn hùng mạnh đầy quyền lực? Và như thế làm thế nào để cứu cái cây?
  M D 
-----------------            

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét