Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nêu quan điểm trong buổi làm việc với các Bộ trưởng, Phó Thủ tướng Chính phủ về công tác an toàn thực phẩm trong dịp Tết Giáp Ngọ 2014 vào sáng 16/1: “Tại sao chúng ta lại để gà Trung Quốc vào? Tại sao lại để vào tận Hà Nội? Vì chúng ta không kiểm soát nghiêm túc, chặt chẽ ngay ở cửa khẩu. Cửa khẩu phải có trách nhiệm khi để mất kiểm soát chứ!”..
Theo ông Phát, nếu để gia cầm lọt vào thì “chiến đấu sẽ vô cùng gian nan”. Vì khi đã vào thành phố rồi thì không thể lấy mẫu xét nghiệm hết được.
Bộ trưởng Phát đề nghị phải kiên quyết xử lý đối với những trường hợp vi phạm. Đồng thời thành phố Hà Nội cần tăng cường giám sát cơ sở sản xuất kinh doanh, lương thực thực phẩm trên địa bàn, thành lập đoàn kiểm tra giám sát cần phải khoanh vùng có trọng tâm. Đặc biệt, Chủ tịch Hà Nội cần chỉ đạo kiên quyết, đóng cửa những cơ sở cung cấp thực phẩm bẩn ra thị trường.
Để thực hiện hiệu quả tháng an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị cần kiểm soát, tập trung cao điểm giám sát, nhất là đối với các loại thực phẩm, đồ uống thiết yếu trong dịp Tết.
Bộ trưởng Tiến cũng đề cập đến vấn đề thức ăn đường phố, ăn uống ở vỉa hè mất vệ sinh và mỹ quan đô thị. Theo bà, đây là một bước đột phá mà thủ đô Bangkok Thái Lan đã làm được. Họ đã có xe đẩy thức ăn bằng nhôm, có bàn ghế cao trông rất đảm bảo an toàn vệ sinh.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, thói quen ăn uống vỉa hè ở Hà Nội ngồi ghế thấp, cạnh cống rãnh, đĩa bát để bừa bộn… gây mất vệ sinh và mỹ quan đường phố. Điều này là không thể chấp nhận được.
“Ăn uống vỉa hè rất mất vệ sinh nhưng không hiểu sao người dân lại cứ ngồi ăn. Chính quyền các địa phương cần phải có giải pháp đột phá hơn để vỉa hè Hà Nội văn minh hơn nữa” – Bộ trưởng Tiến đề nghị.
Chủ tịch UBNDTP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng, an toàn thực phẩm luôn là vấn đề nóng, gây bức xúc lớn trong xã hội. Đối với các vụ ngộ độc điển hình như rượu 29 vừa qua, ông Thảo cho rằng, đây là một loại hình tội phạm. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Chủ tịch Hà Nội đã yêu cầu bắt giữ đối tượng, kiểm tra 24/24 trong 2 ngày liền, xem còn chỗ nào bày bán rượu này không để thu hồi.
Ông Thảo thẳng thắn cho rằng, những kết quả đạt được không như mong muốn, phải xem lại chế tài đưa ra, có thể việc xử lý còn thiếu kiên quyết.
“Ngẫm ra tại chúng ta cả. Tại sao chúng ta lại để gà Trung Quốc vào? Tại sao lại để vào tận Hà Nội? Vì chúng ta không kiểm soát nghiêm túc, chặt chẽ ngay ở cửa khẩu. Cửa khẩu phải có trách nhiệm khi để mất kiểm soát chứ? Báo đài quảng cáo lại chủ yếu là dầu gội đầu, thuốc đánh răng, còn tuyên truyền an toàn thực phẩm lại chẳng thấy đâu. Nhân dân thiếu kiến thức cũng tại chúng ta” – Chủ tịch Hà Nội thẳng thắn.
Về thói quen ăn uống vỉa hè, ông Thảo cho rằng, dường như nó đã trở thành văn hóa ăn uống ở Hà Nội. Hay một số món ăn dân gian, điển hình như tiết canh – loại thực phẩm không thể chấp nhận nhưng dường như nó đã ngấm trong máu người dân và không thể bỏ được, thậm chí còn ăn nhiều hơn.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, an toàn trong lĩnh vực ăn uống là cuộc đấu tranh đòi hỏi sự mưu trí, dũng cảm, quyết liệt và kiên trì. Trước tiên cần phải kiểm soát chặt chẽ ngay từ biên giới. Việc làm này không phải theo phong trào mà phải đưa vào kỷ cương.
Phó Thủ tướng đề nghị Văn phòng Chính phủ có văn bản chỉ đạo các địa phương, coi như một thứ an ninh phi truyền thống. Ngoài ra các Bộ có liên quan cần chia nhau xuống đôn đốc các tỉnh, đồng thời sẽ phải quy trách nhiệm rõ ràng đối với các cấp ở bên dưới.
Liên quan đến chủ trương không cho rượu nội vào bán trong siêu thị, Phó Thủ tướng lưu ý nếu không cẩn thận sẽ thành tiếp tay cho rượu ngoại. Ngay tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng cho phép Hà Nội “tháo” lệnh cấm này, tiếp tục cho phép đưa rượu nội được vào bán trong siêu thị.
(Theo Infonet)
-----------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét