Thứ Năm, 23 tháng 1, 2014

Cúng Táo quân mỗi nơi một vẻ

Càng sát dịp 23 tháng Chạp, không khí rộn rã đi sắm lễ cúng ông Công – cai quản đất đai, ông Táo - quản việc bếp núc của mỗi gia đình càng được cảm nhận rõ rệt.
Tuy nhiên, nghi lễ này giữa 2 miền Bắc – Nam lại có khá nhiều điểm khác biệt. Điểm giống nhau lớn nhất của cả hai miền là việc cúng ông Táo trong bếp và cúng ông Công trên bàn thờ gia tiên.
Tuy không mâm cao cỗ đầy, người Bắc vẫn thường làm cỗ mặn cúng Táo Quân. Mâm cỗ thường có một đĩa gạo, một đĩa muối, cơm hoặc xôi, gà luộc hoặc thịt luộc nguyên miếng, nem rán, giò lụa cắt khoanh tròn, canh mọc (hoặc canh măng khô, canh bóng bì) và hoa quả. Ngược lại, mâm cỗ của người Sài Gòn thường là cỗ ngọt như xôi chè, hoa quả (nhất thiết phải có cúc vạn thọ) và bánh trái. Nhà nào “sang” thì sẽ bỏ công nấu thêm chè Táo để tiễn Táo Quân về gặp Ngọc Hoàng.

Người Bắc thường cúng ông Công, ông Táo khá sớm, từ khoảng ngày 20 tháng Chạp các gia đình đã lục tục làm lễ và muộn nhất là trước 12h00 trưa ngày 23 tháng Chạp. Bởi quan niệm sau giờ đó thì ông Công, ông Táo phải bay về trời, không còn ở dương gian nữa. Tuy nhiên, nhiều người Sài Gòn lại thường cúng ông Táo về buổi đêm, trong khoảng thời gian từ 20h00 đến 23h00. Người Sài Gòn quan niệm rằng vào thời điểm cuối ngày, sau khi cả gia đình đã ăn cơm xong, không còn nấu nướng và dùng đến bếp nữa thì mới được tiễn ông Táo lên đường gặp Ngọc Hoàng. Tuy nhiên, người sinh sống ở Sài Gòn từ tứ xứ đổ lên, Nam – Trung – Bắc và người miền Tây đủ cả, nên không phải gia đình nào cũng đều cúng đêm.
Mâm cỗ cúng ông Táo của người Bắc
Cỗ ngọt cúng ông Táo của người Nam
Cúng Táo Quân ở miền Bắc không thể thiếu cá chép – với ngụ ý cá hóa rồng đưa 3 ông đầu rau đi mây về gió. Nhiều gia đình còn chủ đích cúng ông Táo sớm từ ngày 20 – 21, lựa những chú cá chép to khỏe nhất để ông không bị “tắc đường” như ở hạ giới, báo cáo Ngọc Hoàng càng sớm thì gia đình càng có thêm nhiều phúc lộc. Ở Sài Gòn, cá chép cũng được bày bán tại nhiều chợ và cửa hàng cá cảnh, từ loại cá chép bé xíu khoảng 10 – 20.000 đồng/con cho tới những loại cả trăm ngàn, như cá chép đỏ của Trung Quốc có giá khoảng 80.000 đồng/con, cá chép vàng từ 80.000 - 150.000 đồng/con tùy theo kích cỡ, thậm chí là 300.000 đồng/con đối với giống cá chép có khắc chữ “Phát Tài” trên mình (nhập từ Trung Quốc). Tuy nhiên, tục cúng ông Táo và thả cá chép tại Sài Gòn chỉ đúng với những gia đình gốc Bắc. Đại đa số người Nam không cúng cá chép, mà chỉ mua bộ vàng mã gồm mũ, áo, hia cho 3 ông đầu rau, càng không cúng nhà lầu, xe hơi. Nếu so với miền Bắc và miền Trung, bộ vàng mã này vẫn còn thiếu ngựa giấy đỏ. Ở miền Trung, người ta thậm chí chỉ cúng ngựa giấy với yên, cương đầy đủ mà cũng không cần cúng cá chép. Mặc dù vậy, người Sài Gòn lại có một tục lệ khá thú vị là mang bỏ đi những chiếc bếp lò, bếp than tổ ong cũ, thay vì tiễn ông Táo bằng cá chép vàng. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh mọi nhà đều dùng bếp ga như hiện nay, phong tục này chỉ còn lưu giữ tại một số ít gia đình.
Theo dân gian Huế thì ngoài việc quyết định may rủi trong gia đình, các vị Táo ngăn chặn sự xâm phạm của ma quỷ vào thổ cư, giữ bình yên cho mọi người trong nhà. Bởi vậy, người Huế vừa thờ Táo Quân trên Trang Ông, vừa thờ trên bàn thờ Bếp, và vẫn thường dâng cúng hoa quả, đèn nhang vào tối 30, mồng 1, và ngày 14 âm lịch. Trong căn bếp xưa luôn phải có đèn dầu thắp sáng và người phụ nữ có trọng trách giữ sạch sẽ, tinh khiết nơi bếp núc. Ngày 23 tháng Chạp  các gia đình cũng cúng lễ Táo quân song đơn giản hơn so với người Sài Gòn và Hà Nội nhưng không kém phần trang trọng. Sau khi thắp nhang và khấn vái các gia đình sẽ tiễn “ba ông đầu rau” bằng đất nung thờ trên trang bếp ra chân tường ngôi miếu hay gốc cổ thụ nơi đầu xóm để thay bằng ông Táo mới. Lễ cúng chiều 30 tết, lại cúng rước thần về, sáng mồng 1 tết an vị ông Táo mới. Người Huế, khi kỵ, chạp hay cũng lễ gì trong nhà cũng khấn vái để thần Bếp chứng giám.
Tuy mỗi nơi có một cách cúng lễ khác nhau, người Nam cúng ông Công, ông Táo đơn giản và không cầu kỳ như người Bắc, người miền Trung thì tin nhiều vào những câu chuyện cổ xưa mang nhiều ý răn dạy. Tuy nhiên, ý nghĩa của phong tục cúng Táo Quân ở các miền thì không có gì khác biệt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét