Thứ Tư, 11 tháng 12, 2013

Hôm nay XÉT XỬ DƯƠNG CHÍ DŨNG VÀ ĐỒNG PHẠM


Hôm nay (12/12) TAND TP.Hà Nội mở phiên tòa xét xử bị cáo Dương Chí Dũng và 9 đồng phạm. Phiên xử dự kiến diễn ra trong 3 ngày..
Các bị cáo trong vụ án này gồm: Dương Chí Dũng - nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines, Mai Văn Phúc - nguyên Tổng Giám đốc Vinalines; Trần Hữu Chiều - nguyên Phó Tổng Giám đốc kiêm Trưởng ban Quản lý dự án của Vinalines; Trần Hải Sơn - nguyên Phó ban Quản lý dự án; Mai Văn Khang - nguyên thành viên Ban Quản lý dự án; Bùi Thị Bích Loan - nguyên Trưởng ban Tài chính kế toán; Lê Văn Dương - nguyên cán bộ Cục Đăng kiểm Việt Nam; Huỳnh Hữu Đức, Lê Ngọc Triện, Lê Văn Lừng - đều nguyên là cán bộ Hải quan Vân Phong. Các bị cáo bị truy tố về các tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản".
Tham gia bào chữa cho bị cáo Dương Chí Dũng có 3 luật sư: Ngô Ngọc Thủy, Trần Đình Triển và Trần Đại Thắng (Đoàn luật sư TP.Hà Nội).
Theo truy tố, Dương Chí Dũng với tư cách là Chủ tịch HĐQT Vinalines đã câu kết cùng với Mai Văn Phúc và các cá nhân khác cố ý làm trái trong việc đầu tư, tổ chức đấu thầu, thanh toán trong việc mua ụ nổi 83M, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 336 tỷ đồng.
Trong vụ án này, Dương Chí Dũng đã chỉ đạo các đồng phạm nâng khống số tiền mua ụ nổi để tham ô 1,66 triệu USD, tương đương 28 tỷ đồng (tính theo thời điểm truy tố). Cơ quan điều tra phát hiện Dương Chí Dũng đã sử dụng số tiền tham ô để mua cho bồ (đã có con riêng với Dương Chí Dũng) 2 căn hộ chung cư - một căn tại tầng 29 tòa tháp B, tòa nhà Sky City, Láng Hạ, Hà Nội, một căn tại tòa nhà Pacific, Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Hiện cả 2 căn hộ này đều bị niêm phong chờ xử lý.
Do đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, các bị cáo bị truy tố ở khung hình phạt có mức cao nhất nên HĐXX gồm 5 người - 2 thẩm phán, 3 hội thẩm nhân dân. Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Ngô Thị Ánh (TAND TP.Hà Nội), thẩm phán thứ hai là ông Đào Vĩnh Tường - Chánh tòa hình sự TAND TP.Hà Nội, kiểm sát viên là ông Nguyễn Chí Dũng và ông Trương Tuấn Hưng (Viện KSND TP.Hà Nội).
… Theo cáo buộc từ Viện KSND Tối cao, ông Dũng cùng đồng phạm đã gây thiệt hại hơn 335 tỷ đồng khi mua ụ nổi quá đát từ nước ngoài về Việt Nam, sau đó khai khống lên hàng triệu USD để chiếm đoạt.
Cụ thể, trong hai năm 2007 đến 2008, Vinalines quyết định mua ụ nổi 83M để phục vụ việc trong quá trình triển khai dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam, có tổng vốn đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng. Để có được ụ nổi, ông Mai Văn Phúc (cựu Tổng GĐ Vinalines) đã cử đoàn khảo sát sang Nga, do Trần Hữu Chiều (cựu Trưởng Ban quản lý dự án nhà máy tàu biển phía Nam) cùng Lê Văn Dương (Cục Đăng kiểm, Bộ Giao thông vận tải) dẫn đầu. Sau khi đã “nhắm” ụ nổi 83M, đoàn khảo sát đã trình lên cấp trên và được Tổng giám đốc cùng Chủ tịch HĐQT phê duyệt.
Cũng theo cơ quan công tố, mặc dù biết rõ ụ nổi này không đủ điều kiện lưu hành, song, ông Dũng cùng đồng phạm vẫn hợp thức hóa thủ tục pháp lý để chuyển từ nước ngoài về Việt Nam. Để trục lợi, ông Dũng chỉ đạo thuộc cấp “hô biến” giá thành từ 9 triệu USD thành 19,5 triệu USD, rồi về …“đắp chiếu”. Trong thương vụ này, ông Dũng “đút túi” 10 tỷ đồng tiền “lót tay”. Cựu Tổng GĐ Vinalines – Mai Văn Phúc cũng nhận số tiền tương đương.
Cách ddaay mấy ngày, vợ ông Dương Chí Dũng gửi đơn kêu oan
Trước phiên xét xử vụ tham ô tài sản, cố ý làm trái tại Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) tờ Dân Việt đưa tin bà Phạm Thị Mai Phương (vợ ông Dương Chí Dũng) đã có đơn gửi Hội đồng xét xử TAND TP.Hà Nội.
Trong đơn, bà Phương cho rằng, số tiền ông Dương Chí Dũng mua 2 căn hộ chung cư là tiền của bà đưa cho chồng.
Bà Phương trình bày, từ năm 2010 đến nay, bà làm việc trong ban lãnh đạo Công ty cổ phần Đầu tư phát triển và xây dựng Ba Đình. Năm 2010, Cty có dự án đất đô thị tại Mê Linh, Hà Nội. Thời điểm đó giá đất đang lên cao, việc mua được một lô đất dự án Hà Nội là niềm mơ ước của nhiều người vì giá cả phải chăng.
Ông Vũ Tiến Sơn (nguyên Phó phòng Cảnh sát điều tra Công an TP.Hải Phòng - nay đang bị khởi tố và bị giam giữ về tội tổ chức người trốn đi nước ngoài) đã gửi bà Phương nhờ mua giúp một số lô đất của dự án và đã đưa tiền trước với tổng số tiền 13,8 tỷ đồng, mặc dù lúc này dự án chưa có mặt bằng để giao. Cũng thời gian này, ông Dũng hỏi mượn tiền của vợ để nhờ bạn bè mua bất động sản và bà Phương đã đưa số tiền nhận của ông Sơn cho ông Dũng.
"Tôi nghĩ đằng nào cầm tiền cũng chưa làm gì, để anh ấy mua rồi khi nào giá cao hơn bán đi cũng được. Vì rất tin anh Dũng nên tôi cũng không hỏi anh ấy việc anh ấy đã mua ở đâu, hoặc có thể anh ấy có nói nhưng tôi cũng không nhớ" - bà Phương trình bày.
Nguyện vọng của bà Phương là mong các cơ quan chức năng xác minh làm rõ những tình tiết cũ và những tình tiết mới của bà vừa nêu (về nguồn gốc số tiền hơn 10 tỷ đồng mua 2 căn hộ chung cư - PV) để đảm bảo sự công minh, khách quan cho ông Dương Chí Dũng.
Trước đó, theo đánh giá của Viện KSND Tối cao, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, trong đó Dương Tự Trọng, là em trai của Dương Chí Dũng, có vai trò chủ mưu cầm đầu, Vũ Tiến Sơn là người tổ chức thực hiện.
Theo cáo trạng, chiều ngày 17/5/2012, trước khi bị khởi tố về hành vi cố ý làm trái, Dương Chí Dũng đã bỏ trốn đến nhà bạn gái ở phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội.
Sau đó, Dương Tự Trọng là em trai Dương Chí Dũng đã gọi điện Vũ Tiến Sơn, Hoàng Văn Thắng đến thông báo việc Dũng sẽ bị khởi tố, bắt giam nên phải tìm cách đưa Dũng đi trốn ở nước ngoài. Tiếp đến, Dương Chí Dũng được các đối tượng đưa xuống Quảng Ninh nhằm trốn qua Trung Quốc.
Để che giấu hành vi, Dương Tự Trọng và Vũ Tiến Sơn thống nhất giao cho Sơn liên lạc chỉ đạo. Sơn đã gọi điện cho Đồng Xuân Phong và Trần Văn Dũng là đối tượng giang hồ chuẩn bị xe và đưa Dương Chí Dũng vào TP HCM rồi qua Campuchia theo đường tiểu ngạch vào tối 23/5/2012.
Sau khi đào thoát sang Campuchia, Đồng Xuân Phong mua vé máy bay cùng Dương Chí Dũng sang Singapore để cho Dũng làm thủ tục xuất cảnh đi Mỹ.
Tuy nhiên, Dương Chí Dũng không thể nhập cảnh vì có lệnh truy nã quốc tế của Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) nên phải quay trở lại Campuchia.
Gần 3 tháng ở trên đất Campuchia, Dương Chí Dũng đã hai lần thay đổi nơi ở, đồng thời được các đối tượng “tiếp tế” 24.000 USD để chi tiêu. Trong quá trình lẩn trốn, các đối tượng liên tục thay đổi phương tiện và dùng sim điện thoại rác liên lạc với nhau.
Đến ngày 4/9/2012, Dương Chí Dũng đã bị cơ quan công an Việt Nam và Campuchia phối hợp bắt giữ. Ngay sau đó, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã khám phá ra đường dây tổ chức cho bị can Dương Chí Dũng bỏ trốn, bắt giữ hàng loạt đối tượng.
*       *       *
Theo VnN (12/12): 
Người điều hành phiên tòa là thẩm phán Ngô Thị Ánh.
Các bị cáo bị đưa ra xét xử gồm: Dương Chí Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT Vinalines); Mai Văn Phúc (cựu TGĐ Vinalines); Trần Hữu Chiều (cựu Phó TGĐ kiêm Trưởng ban quản lý dự án mua ụ nổi 83M); Bùi Thị Bích Loan (cựu kế toán trưởng Vinalines); Lê Văn Dương (đăng kiểm viên); Mai Văn Khang (cán bộ Ban quản lý dự án Vinalines); Lê Ngọc Triện; Lê Văn Lừng và Huỳnh Hữu Đức (đều là cán bộ Chi cục Hải quan Tân Phong, tỉnh Khánh Hòa); Trần Hải Sơn (cựu giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines).
Theo cáo trạng của VKSNDTC, từ đầu năm 2007 đến cuối năm 2008, Vinalines triển khai dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam và quyết định việc mua ụ nổi 83M - một hạng mục quan trọng trong dự án - gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 366 tỷ đồng, tham ô hơn 28 tỷ đồng.
Trên thực tế, ụ nổi 83M do Nhật Bản sản xuất từ năm 1965, đã 43 tuổi, bị hư hỏng nhiều và không còn hoạt động, được bán với giá 2,3 triệu USD (tương đương 37 tỷ đồng theo tỷ giá năm 2008). Dù vậy, Vinalines đã mua chiếc ụ nổi này qua công ty môi giới có tên là AP (Singapore) với giá 9 triệu USD (tương đương gần 190 tỷ đồng).
Dương Chí Dũng và các đồng phạm biết rõ chiếc ụ nổi này hư hỏng nhiều, không hoạt động được, không đủ điều kiện để lưu hành nhưng vẫn tìm cách móc nối với nhau để hợp thức hóa thủ tục đưa ụ nổi từ Nga về Việt Nam.
Ông Dương Chí Dũng bị cáo buộc đã Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, với vai trò là chủ mưu, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 366 tỷ đồng của Nhà nước.
Ngoài ra, Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hữu Chiều và Trần Hải Sơn đã cùng nhau tham ô hơn 28 tỷ đồng.
Gây thiệt hại  hơn 366 tỷ đồng của Nhà nước
Ông Mai Văn Phúc bị buộc tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng với vai trò cầm đầu, đã ký tờ trình đề nghị phê duyệt đầu tư Dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam, ký hợp đồng, ký thanh toán tiền hợp đồng mua ụ nổi 83M, gây thiệt hại  hơn 366 tỷ đồng của Nhà nước.
Bị cáo Trần Hải Sơn phạm tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, vai trò đồng phạm giúp sức, đã tham gia đoàn khảo sát, lập, ký nháy báo cáo kết quả khảo sát ụ nổi 83M không đúng với thực tế để hợp thức thủ tục mua, soạn thảo các văn bản đề nghị phê duyệt mua ụ nổi 83M.
Bị cáo Trần Hữu Chiều được xác định đã ký các văn bản của Ban QLDA trình ông Mai Văn Phúc đề nghị phê duyệt Dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam. Ông Chiều là trưởng đoàn khảo sát, ký báo cáo kết quả khảo sát ụ nổi 83M trình ông Phúc không đúng thực tế để hợp thức thủ tục mua ụ nổi, đề nghị và ký nháy chứng từ thanh toán tiền hợp đồng mua ụ nổi.
Với vai trò đồng phạm giúp sức, bị cáo Mai Văn Khang đã tham gia đoàn khảo sát, lập, ký nháy báo cáo kết quả khảo sát ụ nổi không đúng thực tế để hợp thức hồ sơ khảo sát, lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng mua ụ nổi.
Cùng bị truy tố tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, với vai trò đồng phạm giúp sức, Bùi Thị Bích Loan đã tham gia ký ủy nhiệm chi thanh toán 9 triệu USD tiền mua ụ nổi trái pháp luật.
Bị cáo Lê Văn Dương bị truy tố tội Cố  ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Ông Dương đã lập, ký biên bản kiểm tra giám định, đánh giá tình trạng kỹ thuật của ụ nổi 83M không đúng thực tế, không đúng Hướng dẫn B10 của Cục Đăng kiểm VN, giúp Vinalines hợp thức hồ sơ khảo sát lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng mua ụ nổi 83M.
Bị truy tố tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Ông Huỳnh Hữu Đức đã ký quyết định cho thông quan ụ nổi 83M trái quy định.
Lê Ngọc Triện bị cáo buộc đã thực hiện việc kiểm tra chi tiết hồ sơ nhập khẩu ụ nổi 83M, đề xuất thông quan nhập khẩu trái quy định, gây thiệt hại hơn 366 tỉ đồng của Nhà nước, phạm vào tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Ông Lê Văn Lừng bị VKSNDTC cho rằng đã tham gia vào việc kiểm tra thực tế ụ nổi 83M, đề xuất thông quan nhập khẩu trái quy định, bị khép tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong số các bị cáo nêu trên, ông Dương Chí Dũng và ông Mai Văn Phúc bị cơ quan điều tra đề nghị xem xét tăng nặng hình phạt vì phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, trong quá trình điều tra  khai báo quanh co, chối tội.
Có 15 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo. Dự kiến phiên tòa kéo dài trong 3 ngày.
Chu Mã Giang (Tổng hợp từ các nguồn tin Internet)
--------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét