Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

Đại gia Việt lại theo nhau đổ tiền nuôi bóng đá

 
Năm 2013, nhiều doanh nghiệp vẫn chi hàng chục tỷ đồng vào bóng đá dưới nhiều hình thức dù kinh tế khó khăn. Theo các chuyên gia, môn túc cầu được chọn mặt gửi vàng vì là kênh marketing nhanh và hiệu quả nhất.
Nutifood theo bầu Đức đổ tiền nuôi bóng đá
Nếu ở châu Âu môn túc cầu là cỗ máy in tiền thì bóng đá Việt Namlại không mang về lợi nhuận cho các nhà đầu tư (những ông chủ nuôi đội bóng). Thế nhưng xét về khía cạnh làm thương hiệu, môn thể thao này vẫn là miếng bánh nhiều doanh nghiệp thèm khát.
4 tháng qua, Công ty cổ phần thực phẩm dinh dưỡng Nutifood đã liên tục công bố nhiều gói tài trợ bóng đá với tổng trị giá lên đến gần 30 tỷ đồng. Ngoài 20 tỷ đồng hỗ trợ dinh dưỡng toàn diện cho Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG, 6 tỷ đồng ủng hộ cho đội bóng đá nữ Việt Nam, còn có gói tài trợ giải U19 quốc tế giữa U19 Việt Nam với các đội đến từ Anh, Italy, Nhật.
Không những thế, doanh nghiệp này cũng nhảy vào cuộc phiêu lưu mới là tung 2 loại nước uống lấy thương hiệu U19. Theo đó, toàn bộ lợi nhuận thu được từ nước U19 sẽ chuyển sang phục vụ cho đội bóng.
Tuy nhiên, Nutifood chỉ là "ma" mới, còn non trẻ trong sân chơi này. Kỳ cựu hơn phải kể đến ông lớn ngân hàng. Đầu năm 2013, Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đã công bố tài trợ gần 50 tỷ đồng cho ba giải Bóng đá lớn nhất năm. Trong đó, V-League được tài trợ 39,3 tỷ đồng; Cúp quốc gia - 2,5 tỷ đồng và 5,5 tỷ đồng cho Giải hạng nhất quốc gia. Không dừng lại ở đó, Eximbank còn cùng với một số đơn vị khác tài trợ cho Giải Bóng đá Sinh viên TP HCM năm 2013.
Năm 2013 có không ít doanh nghiệp bạo tay tham gia sân chơi này. Không kể những ông bầu của các đội tham dự V-League đều là người đứng đầu các doanh nghiệp tên tuổi, Tôn Hoa Sen cũng tài trợ cho giải bóng đá U19 Quốc gia.
Cũng là tay chơi có hạng, Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) không hề lép vế trong cuộc đua làm thương hiệu từ bóng đá. Tháng 4/2013 nhà băng này đã ký kết thỏa thuận hợp tác với đội bóng Manchester United (MU). Theo đó, BIDV được sử dụng các tài sản thuộc sở hữu trí tuệ của MU như logo, hình ảnh, phim về cầu thủ và đội bóng để quảng bá cho sản phẩm thẻ tín dụng đồng thương hiệu.
Chi phí BIDV thương vụ được bảo mật nhưng nhà băng này cho hay đã đạt được mục tiêu tiếp cận lượng khổng lồ gần 700 triệu người quan tâm theo dõi đội bóng thành Manchester tại Việt Nam, trên Facebook và toàn cầu.
Ngoài ra, BICD là ngân hàng con của BIDV cũng đã tài trợ giải bóng đá BIDC Cup từ năm 2009, định kỳ tổ chức hai năm một lần thông qua hợp tác với Liên đoàn bóng đá Campuchia FFC.
Riêng trường hợp của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), một đơn vị nuôi bóng đá hơn chục năm nay, số tiền chi cho tất cả các hoạt động bóng đá cũng ngốn đôi ba triệu USD mỗi năm. Tổng quản trung tâm huấn luyện bóng đá của HAGL tại Hàm Rồng, Giám đốc điều hành Huỳnh Mau từng tiết lộ, các chi phí liên quan đến bóng đá của HAGL ước tính khoảng 50 tỷ đồng mỗi năm. Kinh phí này nuôi đội lớn HAGL dự V.League và 2 khóa Học viện Arsenal JMG cùng với một lớp tuyến trẻ U19 được tập trung.
Tuy nhiên, Chủ tịch Tập đoàn HAGL, Đoàn Nguyên Đức úp mở rằng, kinh phí rót về cho bóng đá nhiều hơn thống kê sổ sách. "Con số 50 tỷ đồng hàng năm chỉ là bề nổi. Nuôi bóng đá không còn là chuyện của riêng HAGL nên tôi sẵn sàng đầu tư nghiêm túc. Nếu làm đúng mức, có thể mang về vinh dự cho quốc gia", bầu Đức nói.
Trao đổi với VnExpress.net bên lề buổi lễ Nutifood công bố tài trợ cho đội tuyển bóng đá nữ, Phó chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), Lê Hùng Dũng cho biết: "Dù kinh tế khó khăn đã khiến cho việc tìm kiếm tài trợ trong lĩnh vực bóng đá gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, vẫn không thiếu những gương mặt mới xuất hiện".
Theo Phó chủ tịch VFF, những nhà tài trợ này không đơn thuần xem bóng đá là kênh quảng bá thương hiệu trong ngắn hạn. Nhiều đơn vị đã nghiêm túc theo đuổi việc xây dựng hình ảnh doanh nghiệp từ bóng đá trong cả chặng đường dài năm mười năm thậm chí lâu hơn.
Phó Chủ tịch Hiệp Hội Quảng cáo Việt Nam, Đỗ Kim Dũng phân tích, marketing trong thể thao đặc biệt là bóng đá rất phổ biến vì đây là cầu nối đưa thương hiệu đến gần hơn với nhiều người. "Việc các doanh nghiệp sẵn sàng đổ tiền vào bóng đá (tài trợ hoặc làm chủ đội bóng) tại Việt Nam đã dần phổ biến. Đây là kênh lý tưởng có khả năng làm tăng sự nhận biết thương hiệu cao và nhanh nhất", ông Dũng nói.
Chuyên gia này cho rằng, khái niệm bỏ nhiều hay ít tiền vào bóng đá để làm thương hiệu phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tuy có thể tính toán được thương vụ hiệu quả hay lãng phí nhưng hầu như không có công thức chung. Tùy từng thời điểm, hoàn cảnh và khả năng tài chính mà mỗi doanh nghiệp sẽ quyết định chi bao nhiêu. Vòng đời của sản phẩm có nhiều chu kỳ. Chi phí marketing rẻ hay đắt, nhiều hay ít phụ thuộc vào kết quả cuối cùng và thời điểm xem xét.
Theo ông Dũng, ngoài việc hỗ trợ nhận biết thương hiệu sản phẩm hay tên tuổi của doanh nghiệp, bóng đá còn có khả năng nhận diện thương hiệu cá nhân. Đây là lý do vì sao các doanh nhân không ngại đổ tiền nuôi bóng đá. Nhiều vị chủ doanh nghiệp như: bầu Đức, bầu Thắng, bầu Hiển, bầu Thụy… nổi danh và trở thành nhân vật của công chúng cũng nhờ môn thể thao này.
Một chuyên gia có thâm niên gần 20 năm gia hoạt động trong lĩnh vực bóng đá tiết lộ: "Hiệu ứng khi nuôi hoặc tài trợ cho đội bóng là doanh nghiệp từ vô danh trong phút chốc gây chú ý mạnh mẽ. Việc làm ăn cũng thuận lợi hơn khi tên tuổi của doanh nghiệp được vua biết mặt, chúa biết tên".
Vị này cho hay, thông qua kênh bóng đá, các doanh nghiệp có tiếng nói chung, đồng thanh đồng khí và kết nối với nhau thành nhóm để hỗ trợ kinh doanh hiệu quả hơn. Đó là chưa kể, từ bóng đá các ông bầu còn chạm tay đến ưu đãi ngầm của địa phương. (TPO)
 
--------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét