Báo cáo Thủ tướng 2 ngày trước khi khép lại năm 2013, Bộ Tài chính cho biết đã vượt thu so với dự toán khoảng 0,33%. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu sử dụng nguồn tiền này để giảm bội chi.
Trước hội nghị tổng kết toàn ngành sáng 30/12, nhiều thông tin phát đi từ Bộ Tài chính cũng như Chính phủ đã dự báo về khả năng ngân sách 2013 có thể hoàn thành vào phút chót, thay vì hụt thu như báo cáo với Quốc hội hồi tháng 10. Kết quả này có được nhờ một số địa phương đã đẩy thu “mạnh tay” trong những tháng cuối năm, vượt dự toán đề ra hoặc giảm đáng kể số hụt thu theo dự kiến.
Tuy vậy, là đại diện địa phương đầu tiên phát biểu tại hội nghị, Phó chủ tịch Hà Nội – Nguyễn Văn Sửu cho biết ông “đứng đây báo cáo mà chân còn run”, vì chưa dám tin thành phố có thể hoàn thành mục tiêu ngân sách đề ra. Trước đó, Hà Nội mới hoàn thành hơn 54% dự toán sau 9 tháng, nhưng báo cáo cả năm, địa phương này cho biết có thể vượt khoảng 0,3% so với mục tiêu. Còn tại TP HCM, mức vượt thu có ước khoảng 1%.Tổng hợp trong báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp cho biết tính đến cuối tháng 12, tổng thu ngân sách đã đạt 99% dự toán, tăng 16.000 tỷ đồng so với số liệu báo cáo Quốc hội sau 9 tháng đầu năm. Tại thời điểm đó, mức hụt thu dự kiến cả năm là 25.200 tỷ đồng, và các đại biểu đã phải đồng ý cho Chính phủ nâng giới hạn bội chi năm nay lên 5,3% GDP, thay vì 4,8% trước đó. “Với kết quả thực tế như vậy, trong 2 ngày còn lại của năm 2013, sẽ phần đấu hoàn thành dự toán”, Thứ trưởng Nguyễn Công Nghiệp cho biết.
Sau báo cáo của Bộ Tài chính và các địa phương, phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết theo kết quả mà ông nhận được, thu ngân sách đến ngày 30/12 đã vượt dự toán khoảng 0,33%. “Còn 2 ngày nữa, số thu có thể vượt khoảng 1%”, Thủ tướng dự báo.
Với số thu được khẳng định là hoàn thành mục tiêu, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu ngành tài chính phải dùng khoản tăng thu này để giảm bội chi ngân sách, xuống thấp hơn mức 5,3% được Quốc hội phê duyệt. Thủ tướng cho rằng việc làm này sẽ góp phần ổn định vĩ mô, giảm gánh nặng nợ công cho nền kinh tế.
Đánh giá chung về năm 2013, bên cạnh thành tích thu đủ ngân sách, Thủ tướng cũng đánh giá cao kết quả đảm bảo an toàn nợ của ngành tài chính. Theo đó, tính đến hết năm, nợ công dự kiến tương đương 56,2% GDP, nợ Chính phủ là 42,6% GDP trong khi nợ nước ngoài của quốc gia là 39,5%. Người đứng đầu Chính phủ cũng nhận định thị trường chứng khoán, bảo hiểm đã có nhiều khởi sắc, ngành tài chính cũng đóng góp lớn vào quá trình tái cơ cấu nền kinh tế…
Bước sang năm 2014, nhiệm vụ cân đối ngân sách tiếp tục được đặt ra nặng nề với ngành tài chính. Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết dự toán thu được Quốc hội phê duyệt là 782.700 tỷ đồng nhưng cơ quan này đã giao ngành thuế, hải quan phấn đấu tăng thu 3-5%. Dự toán chi cùng lúc ước đạt trên một triệu tỷ đồng, tăng 2,9% về số tuyệt đối nhưng lại giảm khoảng 25.000 tỷ trên thực tế (do phải dành khoảng 54.000 tỷ cho các khoản như trả nợ, tăng lương, quốc phòng…).
Phần chênh lệch giữa thu và chi nêu trên được dự kiến bù đắp bởi khoảng 400.000 tỷ đồng trái phiếu, nhiều hơn 100.000 tỷ so với năm 2013. Kế hoạch này được coi là rất thách thức đối với các mục tiêu ổn định vĩ mô, giữ mặt bằng lãi suất… Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh đây là việc nhất định phải làm để có vốn đầu tư. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng để làm được điều này, cần có sự phối hợp chặt chẽ, “nghệ thuật” giữa ngành tài chính và ngân hàng để không gây mất ổn định vĩ mô.
Trước đó, hình ảnh phối hợp một cách “nghệ thuật” cũng được Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhắc tới trong phần phát biểu của mình. Trong lần đầu tiên tham dự hội nghị của ngành tài chính, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cho rằng sự hiện diện của ông minh chứng cho hợp tác chặt chẽ giữa 2 cơ quan trong năm qua, với kết quả là việc kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá, thúc đẩy thị trường chứng khoán...
Riêng với kế hoạch điều hành năm 2014, ông Bình cho rằng điều tiết lúc nào phát hành trái phiếu, lúc nào bù đắp bằng tín dụng của ngân hàng là rất quan trọng. Còn về dài hạn, ông mong muốn tiếp tục cùng ngành tài chính thực hiện nhiệm vụ điều tiết giá cả theo thị trường, cải thiện kỷ cương trên thị trường tài chính, thành lập các đơn vị xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp ngân hàng…
Với sự phối hợp nêu trên, kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ mong muốn lạm phát năm 2014 sẽ được kiểm soát ở mức 6,5-7%, tỷ giá điều hành tương tự năm 2013 (đồng Việt Nam giảm giá 1,3%), bội chi ngân sách thấp hơn so với mức 5,3% được Quốc hội phê duyệt…
Nhật Minh / VnEx
---------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét