Đã tìm ra nguyên nhân GDP "trốn tìm"
Tại phiên họp cuối năm diễn ra sáng 23/12, ông Hà Quang Tuyến – Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) thừa nhận về cách tính sai GDP thời gian trước đây. Ít ngày trước, TS. Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đã từng chỉ ra nguyên nhân số liệu thống kê vênh do người cung cấp sai và người dùng chưa hiểu con số.
Tính sai GDP năm 2010, 2011, 2012...Theo đó, trong những năm qua, số liệu GDP của Việt Nam được Tổng cục Thống kê biên soạn thông qua việc áp dụng thống nhất khái niệm, nội dung, phương pháp tính hệ thống tài khoản quốc gia (SNA) 1993 của Liên hợp quốc nhưng hoạt động ngân hàng và dịch vụ nhà tự có tự ở của dân cư chưa được phản ánh đầy đủ trong GDP, điều này ảnh hưởng tới quy mô của chỉ tiêu này.
>> GDP cả năm 2013 tăng 5,42% >/Liệu đã chính xác chưa?
>> GDP cả năm 2013 tăng 5,42% >/Liệu đã chính xác chưa?
Trước câu hỏi, nếu áp dụng cách tính GDP hiện nay cho các năm trước như năm 2010, 2011, 2012… thì chính xác tốc độ tăng trưởng GDP và quy mô GDP sẽ thay đổi như thế nào, ông Hà Quang Tuyến chia sẻ: “Chúng tôi không tính lại những con số mà chúng tôi thừa nhận rằng trước đây đã tính sai rồi. Từ năm 2013 trở đi, các sai sót này đã được khắc phục”.
Ông Tuyến cho biết, thực ra GDP đầu người năm 2010 đã điều chỉnh lên tới 1.273 USD, như vậy, chúng ta đã đạt được ngưỡng 1.000 USD năm 2008. Ước tính năm 2013, GDP đầu người đã đạt 1.890 USD/người, so với 2010 gấp 1,89 lần.
Đánh giá về tăng trưởng của cả nước hiện nay, ông Nguyễn Bích Lâm – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, mức tăng trưởng GDP của Việt Nam chưa bền vững trong khi vẫn dựa vào vốn và lao động.
"GDP chạy đi đâu?"
Tại phiên thảo luận diễn ra sau báo cáo “Nhìn lại nửa chặng đường phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015 và những điều chỉnh chiến lược” vào tháng 9/2013, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ đã lên tiếng: “GDP tỉnh nào cũng tăng cao mà chỉ tiêu cả nước chỉ 5,5% thì không biết GDP chạy đi đâu?”. Do vậy, ông đề nghị cần nghiên cứu việc phối hợp điều hành kinh tế giữa trung ương và địa phương.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nói: “Thú thật, tôi thấy các con số thống kê nó thế nào ấy, tôi không dám tin”.
GS Nguyễn Quang Thái, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam trong một cuộc hội thảo đã đưa ra thực tế khiến không ít người giật mình: “Ba năm gần nhất, cộng GDP của các tỉnh tăng 12%, trong khi cả nước tăng có 6%. Sự khác biệt này trước đó tăng gấp rưỡi nhưng nay là gấp đôi!”.
Ông Nguyễn Bích Lâm đã lên tiếng khẳng định rằng mức độ chênh lệch của một số chỉ tiêu “không đến mức bi quan như một số phát biểu gần đây”.
TS. Nguyễn Bích Lâm chỉ ra 2 nguyên nhân khiến số liệu thống kê không chính xác là do lỗi của người cung cấp thông tin cho cơ quan thống kê và trách nhiệm của người sử dụng thông tin thống kê.
Ông Lâm cho biết, nhận thức và trách nhiệm cũng như việc chấp hành Luật Thống kê của một bộ phận doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, các đơn vị hành chính, sự nghiệp thuộc Nhóm cung cấp thông tin cho ngành Thống kê chưa tốt.
Bên cạnh trách nhiệm thống kê, lãnh đạo Tổng cục Thống kê cũng đề cập đến “trách nhiệm của người sử dụng thông tin thống kê”. Theo đó, người sử dụng số liệu thống kê phải hiểu các con số thống kê phản ánh gì, từ đó đề ra những chính sách cho phù hợp.
Phương Mai (Tổng hợp)/ Đất Việt
------------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét