LĐO - Thứ gì có thể thiêu sống “kẻ nợ máu”? Thứ gì có thể mang lại ánh sáng trong đêm đen? Thứ gì có thể kết nối Vint Cert, Zukerberg, Ngọc Trinh và Lý Nhã Kỳ?
Bạn hãy lên Mã Hoàng Phìn, lên Hoàng Lỳ Pả, lên bất cứ một điểm bản ở vùng cao nào đó và sẽ tận mắt chứng kiến chính các thầy cô giáo biểu diễn cho xem “công cụ 3 trong 1” đó. Hoàn toàn bất ngờ: Đó là một chiếc vợt muỗi Trung Quốc.
Nướng muỗi cho khét lẹt để đỡ nhớ mùi vị của thịt. Dùng làm đèn pin trong đêm tối tăm và lạnh lẽo của núi rừng. Nhưng đắc dụng nhất, chiếc vợt muỗi trở thành một chiếc ăng ten bắt sóng 3G, để trong chập chờn điện nước (thủy điện nhỏ), có thể vào… internet.Câu chuyện cái vợt muỗi trứ danh xuất xứ từ bên kia biên giới hôm nay đã được nhắc lại trong tương quan so sánh với thứ hạng trong bảng xếp hạng PISA ở ta “cao hơn nhiều so với Anh, Pháp, Mỹ”, một thứ hạng “gây bất ngờ cho cả thế giới”.
Một quan chức của Bộ Giáo dục sung sướng cho biết “Cả thế giới bị thuyết phục”.
Và trong khi chúng ta có thứ hạng PISA (kết quả xếp hạng các nền giáo dục) “gây bất ngờ cho cả thế giới”. Chúng ta có cả bộ sưu tập những nhà vô địch Olympic toán quốc tế. Robotcon không bao giờ chịu đứng thứ 2. Chúng ta chế UAV. Chúng ta vừa phóng vệ tinh. Doanh nhân của chúng ta nghĩ đến chuyện đóng tàu ngầm.
Thế rồi thì sao?
Thế rồi những cái vợt muỗi vẫn phải nhập từ Trung Quốc.
Nói cho công bằng, không phải chúng ta thiếu tri thức để chế tạo một dụng cụ mà một học sinh cấp 2 cũng có thể giảng vanh vách cơ cấu, vẽ thành thục mạch điện, chúng ta chỉ thiếu… tất cả để tạo ra một sản phẩm hàng hóa đơn giản, hữu dụng có thể cạnh tranh ngay trên sân nhà.
Lâu lắm rồi không có một sản phẩm mới có thể cạnh tranh và chiến thắng trong “ao nhà” ngoài sóng 3G giá rẻ, đến nỗi vừa phải tăng đến 40% cước, và keo diệt chuột của “trung tâm công nghệ hóa màu”.
Mấy hôm trước, trả lời câu hỏi về sự thiên lệch trong đào tạo nguồn nhân lực “rất nhiều người giỏi tự nhiên, có tư duy khoa học nhưng lại yếu môn xã hội, nhất là kĩ năng nghe, nói, đọc, viết, và ngược lại”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận lập tức đính chính “Không phải những người giỏi Toán, Lý mà kĩ năng giao tiếp kém, tôi có những người bạn hàng đầu trong lĩnh vực Toán học nhưng họ lại là những nhà thơ”, dù sau đó ông cũng thừa nhận việc học lệch là “do cách thức tổ chức thi tuyển sinh đại học của chúng ta hiện nay, thi thế nào thì các cháu sẽ học như vậy”.
Nhưng thật ra, câu chuyện cái vợt muỗi Trung Quốc không chỉ cho thấy sự thiên lệch giữa lý thuyết và thực hành. Nó còn khiến người ta nhớ lại chuyện một “tiến sĩ giám đốc sở” làm luận án tiến sĩ ở Mỹ trong khi một chữ tiếng Anh bẻ đôi không biết. Cũng may thế giới chưa biết, chứ không chắc té ghế vì… bất ngờ.
Hình như không tình cờ khi nghe chuyện PISA , rất rất nhiều người đã nhắc lại cái câu đau điếng “Đừng tự hào mình nghèo mà vẫn giỏi mà hãy tự hỏi tại sao mình giỏi mà vẫn nghèo”.
Bởi cũng không tình cờ, một nghiên cứu từ cách đây vài năm cho thấy thực tế: “điểm số của một quốc gia cách đây 40 năm càng cao thì mức độ giàu có của quốc gia đó càng tệ”.
Hãy chỉ nên xem bảng xếp hạng PISA như một dạng tiềm năng trí tuệ mà chúng ta đang có lỗi khi không biết biến chúng thành vợt muỗi, thay vì ngồi tự khen mình tốt mã.
Giá mà PISA có thể ăn được như bánh pizza.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển quốc tế (OECD) công bố kết quả đánh giá học sinh quốc tế (PISA) 2012, theo đó, VN xếp hạng 17 trong số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, vượt xa học sinh của Anh và Mỹ. Sau sự kiện này, đã có những ý kiến đầy hào hứng về thành tích giảng dạy và học tập của Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển phát biểu: “Tôi rất bất ngờ vì học sinh mình giỏi thế. Lâu nay, chúng ta cứ nói chất lượng học sinh Việt Nam thấp, chúng tôi lo lắm. Khi tham gia PISA , chúng tôi hy vọng học sinh đạt trung bình hoặc dưới trung bình, không ngờ lại có kết quả cao như vậy”.
Còn nhiều lời ca ngợi khác nữa, nhưng cũng không ít ý kiến bình tĩnh hơn trước kết quả này. Đó là, đừng tự ru ngủ mình với thứ hạng cao, mà hãy đánh giá thật trung thực chính bản thân mình để biết mình là ai.
Mọi thứ bậc được xếp hạng tạm thời chỉ là hư danh, vì giá trị cuối cùng của đào tạo chính là sản phẩm con người mà chúng ta đang sở hữu.
Học sinh Anh, Mỹ, Australia đứng sau Việt Nam vì họ không học nhồi, học nhét một số môn mà họ giáo dục con người toàn diện, phát triển đồng đều các kỹ năng, nhất là không chú trọng khai thác sức nhớ, mà khơi gợi tối đa sức sáng tạo. Cho nên, không lạ gì, du học sinh Việt Nam tại các nước này đều học giỏi môn toán hơn học sinh nước sở tại ở trung học. Nhưng càng lên cao, chương trình đào tạo của họ phân hóa rất rõ tài năng và học vẹt.
So sánh sinh viên tốt nghiệp đại học của Việt Nam với sinh viên các nước phát triển, sẽ thấy chúng ta đứng thấp hơn họ quá xa. Nếu không như thế thì người dân Việt Nam chẳng phải nhọc công tích cóp tiền bạc cho con sang Anh, Mỹ để học đại học, sau đại học.
Học sinh Việt Nam giỏi hơn học sinh Anh, Mỹ, nhưng tại sao sinh viên Việt Nam kém hơn họ, khoa học gia của Việt Nam kém hơn họ?
Thực tế chứng minh, Việt Nam quá ít những nhà khoa học đỉnh cao, Việt Nam không có phát minh, sáng chế có giá trị, không tạo ra được công nghệ hiện đại phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế, ngành khoa học kỹ thuật của Việt Nam không làm được chiếc radio cạnh tranh với hàng Trung Quốc.
Về giá trị đổi mới, sáng tạo, chúng ta đang là quốc gia có thứ hạng trung bình trên bảng xếp hạng trí tuệ toàn cầu do Tổ chức Sở hữu trí tuệ toàn cầu (WIPO) thuộc Liên Hợp Quốc công bố năm 2012, đứng thứ 76/141 quốc gia. Cho nên, kết quả của giáo dục đào tạo, chính là chất lượng nguồn nhân lực hiện nay.
Thứ hạng cao PISA 2012 chỉ là một sự khích lệ để ngành giáo dục tự tin và quyết tâm hơn trong cuộc cải cách mạnh mẽ sắp tới. Một điều không thể ảo tưởng, đó là sản phẩm đào tạo quá tròn trịa về lý thuyết mà khuyết tật về sáng tạo thì muôn đời vẫn chỉ theo sau làm gia công cho thiên hạ mà thôi.
(LĐ)
--------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét