Cấm tiết lộ nợ
Sếp EVN sẽ không được tiết lộ bí mật trong thời gian đương chức và tối thiểu 3 năm khi không đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch, Tổng giám đốc, thành viên Hội đồng Thành viên EVN. Yêu cầu được đưa ra sau hàng loạt thông tin thua lỗ của EVN trong các báo cáo tài chính Chính phủ gửi Quốc hội và vụ việc thanh tra Chính phủ chỉ ra hàng loạt sai phạm của EVN vào tháng 10 vừa qua.
Nghị định 205/2013/NĐ-CP về điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, Chủ tịch, Tổng giám đốc, thành viên Hội đồng Thành viên EVN không được tiết lộ bí mật của EVN trong thời gian đang đương chức và tối thiểu 3 năm sau khi không đảm nhiệm các chức vụ trên, trừ trường hợp được Hội đồng thành viên chấp thuận.Dư luận đặt câu hỏi về việc tại sao EVN lại có quyết định như vậy?
Báo cáo tài chính mới đây của Chính phủ trình lên Quốc hội chỉ ra tổng nợ phải trả của EVN năm 2012 là 103.194 tỷ, đứng thứ 2 chỉ sau Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã nợ 124.499 tỷ đồng.
Cũng theo báo cáo Chính phủ trình lên Quốc hội vào năm 2011, nợ phải trả của EVN là 275.278 tỷ đồng trong đó Công ty mẹ: 210.324 tỷ đồng trên tổng số nợ 1.292.400 tỷ đồng. Nợ quá hạn của EVN là 10.149 tỷ đồng.
Do vay đầu tư nhà máy điện nên số nợ nước ngoài của EVN là 99.260 tỷ đồng, chiếm 69,5% trong tổng số nợ 142.853 tỷ đồng.
Lỗ lũy kế theo báo cáo hợp nhất của 13 tập đoàn, tổng công ty đến 31/12/2011 là 48.988 tỷ đồng, trong đó lớn nhất lại là EVN với số lỗ lũy kế là 38.104 tỷ đồng (lỗ do sản xuất kinh doanh điện 11.437 tỷ đồng; lỗ do chênh lệch tỷ giá 26.667 tỷ đồng).
Tháng 10/2013, thanh tra Chính phủ chỉ ra hàng loạt sai phạm của EVN lỗ là do đầu tư ngoài ngành thiếu hiệu quả, lỗ do “biếu không” đơn vị khác cả chục nghìn tỉ đồng… Thậm chí, giá thành bán điện còn bao gồm cả giá thành xây biệt thự, sân tennis…
Cụ thể, tính đến hết năm 2011, công ty mẹ EVN đã đầu tư vốn ra ngoài lên đến trên 121.000 tỉ đồng, trong khi vốn điều lệ của công ty mẹ chỉ có gần 77.000 tỉ đồng.
Việc EVN đầu tư ra ngoài doanh nghiệp vượt vốn điều lệ hơn 45.000 tỉ đã vi phạm quy định của Bộ Tài chính. Đáng chú ý, mặc dù đầu tư ra ngoài cả trăm ngàn tỉ đồng nhưng EVN không thu được đồng lãi nào mà lỗ đến 2.195 tỉ đồng.
Trong khi chi cả trăm nghìn tỉ đồng đầu tư ra ngoài và thua lỗ hàng nghìn tỉ đồng một cách dễ dàng thì EVN lại khó khăn trong việc chi trả nợ cho các đối tác phát điện trong và ngoài ngành.
Cho đến hết năm 2011, Công ty Mua bán điện của EVN còn nợ hơn 22.000 tỉ đồng của các nhà máy phát điện, trong đó có hơn 10.000 tỉ đồng là nợ đã quá hạn thanh toán của PVN hơn 9.200 tỉ đồng và Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam (TKV) hơn 335 tỉ đồng.
Phương Mai
* * *
Được vay gần 23.000 tỷ đồng, EVN thành 'con nợ' lớn hơn
Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) vừa ký thỏa thuận hợp tác song phương với Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia - EVNNPT (đơn vị thành viên của Tập đoàn điện lực Việt Nam - EVN) về hợp đồng tín dụng trị giá 3.200 tỷ đồng, tài trợ vốn cho dự án đường dây 500kV Sơn La - Lai Châu và mở rộng trạm biến áp Sơn La.
Dự án được triển khai vào cuối năm 2013 và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2015 để đón điện của tổ máy đầu tiên dự án thủy điện Lai Châu.
Trước đó, tháng 7/2013, Vietcombank đã làm đầu mối thu xếp 14.500 tỷ đồng vốn vay thương mại cho dự án thủy điện Lai Châu.
Cho đến nay, Vietcombank cùng các đơn vị thành viên EVN đã ký các hợp đồng tín dụng để đầu tư vào 17 dự án của ngành điện trên các lĩnh vực chính là đầu tư nguồn điện và phát điện, truyền tải điện, phân phối điện… với tổng giá trị đầu tư (bao gồm các khoản tín dụng đã giải ngân và cam kết cho vay) gần 23.000 tỷ đồng.
Cũng liên quan đến khoản vay làm dự án, trước đó, ngày 10/12/2013, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) và Tổng Công ty Đường Sắt Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác toàn diện giai đoạn 2014 - 2016 với nhiều nội dung quan trọng.
Theo đó TPBank cam kết thu xếp vốn, cung cấp gói tín dụng 2.000 tỷ đồng tài trợ vốn trung dài hạn, bổ sung vốn lưu động cho các hoạt động của Tổng Công ty Đường sắt và các công ty thành viên trực thuộc.
Như vậy EVN vốn được xem là “con nợ” lớn nhất, nay được thu xếp thêm vốn thì vị trí này lại càng được củng cố hơn.
Trước đó, ông Cáp Quang Dương, Phó vụ trưởng Vụ tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cho biết, EVN tiếp tục trở thành “con nợ” lớn nhất của các ngân hàng thương mại trong nước khi hiện nay tổng dư nợ tín dụng của tập đoàn này tính đến 30/9/2013 đã lên tới 144.000 tỷ đồng.
Trước đó, báo cáo tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2012 của các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp có cổ phẩn, vốn góp của nhà nước, vừa được Chính phủ gửi đến Quốc hội cũng nêu rõ, 127 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ - công ty con có tổng số nợ phải trả là 1.348.752 tỷ đồng, tăng 6% so với 2011, chiếm 56% tổng nguồn vốn.
Trong đó, Tập đoàn Dầu khí 124.499 tỷ đồng, Tập đoàn Điện lực 103.194 tỷ, Tổng công ty Hàng hải 31.681 tỷ… được coi là những đơn vị có số nợ lớn nhất.
Trước đó nhiều chuyên gia từng nêu ý kiến đã làm ăn thì có nợ là chuyện bình thường, song vấn đề đặt ra là nợ như thế nào và phương hướng làm để trả nợ ra sao thì xem ra chưa được thể hiện rõ trong cung cách làm ăn của các tập đoàn, DNNN.
Do vậy, nói như TS Lê Đăng Doanh thì con số nợ của các tập đoàn kinh tế rất lớn. Nếu chia theo tỷ giá hiện nay là trên 60 tỉ đô la. Đáng chú ý là có một số tổng công ty, doanh nghiệp có tỉ lệ nợ trên vốn rất cao.
“Với tỉ lệ nợ trên vốn quá lớn như thế thì khó mà trả nợ được. Tôi nghĩ rằng Chính phủ cần có báo cáo giải trình chi tiết hơn về nguyên nhân nào dẫn đến nợ, phương án trả nợ, khả năng trả nợ và hiệu quả quản lý tài chính ra sao. Đồng thời phải nói rõ trách nhiệm giải trình, giám sát trong thời gian qua được thực hiện như thế nào mà để xảy ra nợ lớn như vậy.
Tuy tỉ lệ nợ gấp hơn 3,3 lần vốn chủ sở hữu đã là đáng ngại nhưng tôi được biết thực tế còn có doanh nghiệp nhà nước số nợ lớn hơn vốn sở hữu nhiều hơn thế. Đây thực sự là điều rất đáng lo ngại”, TS Lê Đăng Doanh nói.
Bích Ngọc
(Theo Đất Việt)
----------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét