Ngã ba làng Hạ, chỗ rẽ vào chợ Âm Dương, có nấm mộ chình ình choán cà lối đi. Một tay điêu khắc nửa mùa nào đã tạc một bức tượng bán thân bằng đá ong người đàn ông miệng há hốc,bụng phưỡn ra như bụng Chư Bát Giới. Nhìn cái miệng háu ăn của gã ai cũng ghét. Nhiều người lượm cục đất ném một phát,bảo : “Đớp đi” . Lâu ngày cái mả cứ cao vói lên.Tiếng đồn mả ấy phát rất thiêng, khiến nhiều người mang rượu thịt cúng bái cầu tài lộc.
Mà ấy là của lão Đớp.
Người làng Hạ kể, trước cách mạng tháng tám, vợ chồng Ba Mõ, sinh được hai đứa con trai, thằng anh tên Đẹp, thằng em tên Đẹn. Thắng anh đẹp trai, thằng em xấu xí. Đồn rằng, Đẹp và Đẹn là con của hai người đàn ông khác, không phải con Ba Mõ. Ba Mõ nhiều lần tra khảo vợ, chưa đâu ra đâu, thì năm Ất Dậu 1945, cả hai vợ chồng lăn quay chết đói. Lúc đó Đẹp mười sáu , Đẹn mười bốn tuổi. Hai anh em đi ở chăn trâu , mấy năm sau mỗi đứa đi một ngả . Đẹp đi lính chi Tây. Đẹn vào du kích. Nhờ đẹp trai , nhanh nhẹn, Đẹp được làm lính hầu viên quan ba, bơ sữa chén thỏai mái, và biết vô khối tiếng Tây bồi.
Đẹn vào du kích chiến đấu rất hăng, lên tới chức xã đội phó.
Năm 1954, hòa bình lập lại , hai anh em đều sống sót trở về làng.
Nhẽ ra Đẹp phải đi cải tạo, nhưng nhờ thành phần cơ bản, lại có em là cán bộ nên thoát. Nhưng chính quyền coi Đẹp như thứ rác rưởi bỏ đi, không cho tham gia công việc gì trong làng xóm, Dân làng cũng khinh ghét. Vì vậy dù đẹp trai khỏe mạnh hắn vẫn không lấy được vợ. Ướm hỏi đám nào cũng bị chê. Ngay cái cô Chút sứt cũng ngây nguẩy không thèm nhìn mặt hắn.
Năm 1961,làng Hạ vào hợp tác xã nông nghiệp, Đẹn được bầu làm chủ nhiệm . Sợ thằng anh lêu lổng ảnh hưởng uy tín của minh, Đẹn bố trí Đẹp làm nhân viên phục vụ ban quản trị. Cái chân điếu đóm ấy các xã viên không ai thèm làm. Hỏ Có bảo: “Để thằng Đẹp theo nghề bố nó!
Nghe vậy Đẹp chửi bằng thứ tiếng Tây bồi:
- Merde salaud! Sỹ diện hão! Để xem mèo nào cắn mửu nào!
Đúng như vậy thật! Các ông bà xã viên tưởng mình danh giá lắm, nhưng có tiếng mà không có miếng. Suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời ngoài đồng mới được mười điểm, trong khi Đẹp nhởn nhơ ở văn phòng pha trà, đổ bã điếu,lại ăn công nhất mười hai điểm. Hơn nữa, gã chẳng tốn đồng nào mà đớp ngập miệng! Ban quản trị thường xuyên bày vẽ họp hành khách khứa để đánh chén với nhau, rượu thịt mua bằng tiền của xã viên chừa mứa. Một tay Đẹp nấu nướng, bày biện những bữa tiệc khách ba chúa nhà bảy. Bụng gã ngày một phưỡn ra, trong khi bụng các ông bà xã viên teo tóp lại. Từ đó người ta gọi Đẹp là Đớp.
Năm ấy tỉnh chỉ thị cho làng Hạ tổ chức đón đoàn nhà báo Liên Xô về thăm. Trưởng ty Văn hóa Thông tin về tận nơi trực tiếp chỉ đạo đón tiếp. Ông này đã dốt, lại mắc bệnh háo danh, hình thức nặng. Ông ta bắt phải tổ chức đón tiếp thật linh đình. Ông ta nói: “Làng Hạ thay mặt tỉnh đón nhà báo quốc tế. Bộ mặt của làng Hạ là bộ mặt của tỉnh, .”
Trong chương trình đón nhà báo , quan trọng nhất là chủ nhiệm hợp tác xã trả lời phỏng vấn.
Trưởng ty văn hóa nhìn Đẹn không dấu nổi thất vọng. Thân hình Đẹn bé loắt choắt,đen như cột nhà cháy, mặt nhọn, miệng vẩu răng hô nói không nên lời. Ông ta lắc đấu : “Chết! Đăng ảnh ông này lên báo, thế giới họ tưởng thằng Mỹ nó đã đưa Việt Nam quay lại thời kỳ đồ đá thật!” Đẹn xấu hổ cúi gằm mặt.Đớp nghe lỏm tức đầy ruột.
Nhân có mấy vị khách trên huyện xuống,trong đó có một ông mới học ở Liên Xô về ,Trưởng ty văn hóa ra vẻ ta đây cũng biết tiếng Nga, chu miệng lại,chào bằng tiếng Nga :
- Giờ-đờ-rát-stơ-vui-tre!
Chủ nhiệm Đẹn trố mắt, dỏng tai nghe,thấy tiếng tre tre, tưởng cấp trên bảo cần tre dựng sân khấu, liền nhanh nhẩu thưa:
- Dạ, dạ tre thì làng em nhiểu ạ!
Ông trưởng ty văn hóa phì cười:
- Thằng ngợm!
Đớp đang pha trà, thấy ông cán bộ tỉnh lại khinh em mình ra mặt ,không kìm đươc bèn sổ ra câu tiếng Pháp bồi :
- Chrymoier!” (đồ con nhặng).
Ông trưởng ty giật mình ngoái đầu lại, ngắm nghía thân hình phương phi bóng bẩy của Đớp, chớp mắt hỏi:
- Đồng chí biết tiếng Anh à?
Đớp hiểu ngay thằng cha này thuộc dạng ngu, liền khinh khỉnh đáp:
- Cũng đủ dùng!
Trưởng ty văn hóa hỏi:
- Đồng chí tên gì?
- Đớp-sờ-lờ!
Ông trưởng ty văn hóa cười tươi rói. Trong đầu ông vụt lóe lên một sáng kiến cực kỳ táo báo.
. Môt cuộc họp khẩn cấp do trưởng ty văn hóa chủ trì. Sau khi phân tích tầm quan trọng của cuộc đón tiếp nhà báo Liên Xô, ông ta nói:
- Vì bộ mặt của tỉnh nhà, tôi đề nghị để đồng chí Đớp-sờ-lờ, thay đồng chí Đẹn trả lời phỏng vần nhà báo Liên Xô!
Ông chủ tịch xã giãy nảy lên:
- Ấy chết! Nó chỉ là chân điếu đóm!
Trưởng ty tỉnh bơ:
- Không sao! Đóng vai chủ nhiệm một lúc chả chết ai!
Thế là nhất trí! Cấp trên đã quyết thì phải nhất trí cao. Miễn bàn.
Đớp được trưởng ty văn hóa gấp rút huấn luyện, bồi dưỡng đóng vai chủ nhiệm hợp tác xã thay Đẹn trả lời phỏng vấn nhà báo Liên Xô và công việc tổ chức đón tiếp được thực hiện theo tinh thần “Tốt phơi ra xấu xa đạy điệm!”
Theo kịch bản của Trưởng ty văn hóa thông tin,những đứa bé suy dinh dưỡng phải đưa ra khỏi nhà trẻ, giấu biệt. Trại chăn nuôi dột nát, trống huyếch trống hoác được che chắn lại,rồi sang làng Thượng, làng Trung thuê trâu, bò, lợn, gà về nhốt thật đầy vào. Trưởng ty trực tiếp điều mấy chục cô văn công xinh đẹp trên tỉnh về, bắt tập cấy, tập bắn súng làm “gái ba đảm đang” , thay những chị em chân quê làng Hạ.
Đoàn nhà báo về, cả làng đón rước linh đình, cờ hoa khẩu hiệu căng đầy đường, Các nhà báo được dẫn đi thăm quan nhà trẻ , trại chăn nuôi, rồi ra cánh đồng xem con gái làng Hạ sản xuất chiến đấu. Trưởng ty văn hóa chỉ chỗ nào tới chỗ đó. Chỗ nào cũng tốt, đẹp. Một ngôi làng Việt Nam đẹp như tranh, vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu kiên cường! Cuộc trả lời phỏng vấn của Đớp càng làm cho các nhà báo hài lòng. Đớp nói năng lưu loát, đúng bài bản, thỉnh thoảng lại chêm tiếng Pháp rất sành điệu. Tay trưởng đoàn nhà báo cứ giơ ngón tay cái lên “Ô-chin-khra-xô!”
Cuộc đón tiếp thành công tốt đẹp. Hình ảnh những đứa trẻ bụ bẫm, đàn trâu bò gà lợn béo nung núc, những cô dân quân tay súng tay cày đẹp như tiên và anh chủ nhiệm hợp tác xã hào hoa phong nhã được đăng trên tờ Pra-vda. Bí thư tỉnh ủy gửi điện khen ngợi ban lãnh đạo xã và ban chủ nhiệm hợp tác xã làng Hạ.
Từ ngày đó mặt thằng Đớp vênh lên. Gã treo tấm ảnh chụp chung với mấy nhà báo Liên Xô lên tường văn phòng hợp tác , làm nhiều cán bộ, đảng viên tức ứa máu.
Ông bí thư đảng ủy bảo:
-Thằng Đớp được ông trưởng ty cho làm vua giả, giờ nó tưởng nó là vua thật, nhờn mặt, chả coi ai ra gì?
Ông chủ tịch xã chỉ thị:
-Tống cổ thằng điếu đóm ra đường cho tôi!
Đớp dọa sẽ đi khắp nơi nói sự thật cho mọi người nghe. Trưởng ty Văn hóa Thông tin tỉnh lập tức phóng về, vỗ vai chủ tịch, bí thư xã:
- Bây giờ mà lộ ra thì chết cả nút?
- Nhưng nó láo quá! Để lâu không ổn
- Bình tĩnh nào! Lâu cứt trâu sẽ hóa bùn!
Chuyện ấy rồi qua đi thật.
Chiến tranh ắc liệt kéo dài , đàn ông làng Hạ nối nhau ra mặt trận. Hết đợt này đến đợt khác. Hết lớp này đến lớp khác. Họ lũ lượt ra đi , không mấy người trở về. Làng xóm trơ lại toàn đàn bà . Phụ nữ vừa phải làm những việc nặng nhọc như cày bừa, đập lúa thay đàn ông, vừa phải lo giữ lời hứa thủy chung với người ngoài mặt trận.
Nhưng dù đề cao tinh thần ba đảm đang, rèn luyện ý chí kiên cường, bản năng con người vẫn tồn tại. Sự đòi hỏi sinh lý trỗi dậy khó kìm nén. Căn bệnh thèm khát đàn ông lây lan khắp làng. Lợi dụng đục nước béo cò, Đớp đã tung hoành trong bối cảnh ấy.
Gã ngễu ngện đi khắp làng khoe thân hình rắn chắc, mắt láo liên, khua khoáng những cô gái lỡ thì và những người vợ trẻ vắng chồng. Ngoài mục đích hưởng thụ, gã còn muốn trả thù cho quá khứ của mình!
Dư luận Đớp hủ hóa, làm mất phẩm chất chị em phụ nữ ảnh hưởng chính sách hậu phương quân đội đến tai đảng ủy. Bí thư đảng ủy phân công Chủ tịch hội phụ nữ xã, một tấm gương về lòng chung thủy với chồng, giáo dục Đớp.
Chủ tịch hội phụ nữ gọi Đớp lên văn phòng, lên lớp một hồi, rồi hỏi:
- Anh đã hủ hóa bao nhiêu người rồi?
Đớp nhăn nhở:
- Không nhớ!
Gã nhìn xoáy vào ngực bà chủ tịch. Mặt bà chủ tịch phụ nữ ửng đỏ, bộ ngưc nây nẩy phập phồng thở gấp. Hơn ba chục tuổi, chồng đi B gần mười năm không có tin tức gì, người phụ nữ này đã cố kìm nén nhưng càng ngày càng khó khăn. Biểu hiện đó không lọt qua con mắt tinh đời của Đớp. Hắn để ý những bữa liên hoan, bà này ngốn rất nhiều rau răm và lúc nào cũng nai nịt thân thể, cứng như ép giò.
Bằng động tác mơn trớn, Đớp đặt bàn tay lên đùi non bà chủ tịch hội phụ nữ xoa xuýt. Bàn tay gã như có nam châm hút vào làn da nóng ran dưới quần nhíp mỏng. Đớp phán đoán không nhầm, bà chủ tịch phụ nữ ngã vào lóng gã.
Những lớp nai nít bị xé tung, phơi tấm thân trần truồng với bản năng vốn có của con người, một hình mẫu về lòng chung thủy bị bóp nát bởi một tên lưu manh!
Bà chủ tịch phụ nữ có chửa, Đảng ủy lôi ra kiểm điểm, bắt khai kẻ nào là bố đứa bé trong bụng? Mấy ông già chuyền nhau chiếc điếu cày, vừa hút thuốc lào sòng sọc, vừa căn vặn .
Ông bí năn nỉ:
- Ngủ với ai, đồng chí phải khai ra ?
Chủ tịch tịch Hội phụ nữ, cũng như nhiều phụ nữ làng Hạ, không dấu được chuyện mình hủ hóa. Cái bụng chình ình và những đứa con tòi ra rồi, dấu làm sao được? Nhưng ngủ với ai chứ với thằng Đóp thì nhục! Ngày xưa khinh hắn như rác , giờ ngủ với gã, thì có mà đeo mo vào mặt!
Ông bí thư gắt:
- Sao cứ câm như hến thề hở?
Bị truy rát quá, bà chủ tịch hội phụ nữ nói liều:
- Cái ấy của tôi cũng như cái điếu cày kía, mỗi người hút một chút một chút biết ai mà khai?
- Láo! Láo quá!. Đồng chí dám ví cái ấy với cái điếu của chúng tôi à? Láo !
Ông bí thư hét toáng lên, hất vội cái điếu ra, lấy mu bàn tay quệt miệng. Các đảng ủy viên khác cũng vô tình đưa tay chùi miệng. Ông trưởng công an cáu tiết, chỉ vào mặt chủ tịch Hội phụ nữ nói:
-Tôi biết tỏng đồng chí ngủ với thằng Đớp. Đứa con trong bụng đòng chí là con thằng Đớp. Cái con chó dái ấy chạy rông gieo họa khắp làng ta rồi!
Đúng là gã Đớp đã gieo họa. Hàng chục đứa trẻ ra đời không có cha lóc nhóc khắp làng Hạ ! Những phụ nữ trước kia danh giá ngẩng cao đầu, giờ mỗi khi ra đường phải trùm kín khăn che mặt. Nhũng bà mẹ chồng khóc cạn nước mắt vì nàng dâu trót dại. Không khí ngột nhạt bao trùm làng xóm.
Từ bí thư đảng ủy, trưởng công an đến chủ nhiệm hợp tác xã đều bất bình, nhưng bất lực không xử lý được gã Đớp. Bởi không cô nào bà nào tố cáo Đớp, không ai thừa nhận ngủ với gã. Hơn nữa, trưởng ty văn hóa thông tin , giờ đã lảm chủ tịch tỉnh, vẫn còn bao che Đớp, để ém nhẹm chuyện cũ. Được thể, Đớp càng tác oai tác quái.
Đớp tuyên bố:
- Ta là vua!
Gã làm vương miện bằng giấy,đóng kiệu và ngai vàng bằng tre mua kẹo , rủ bọn trẻ con ra sân kho hợp tác chơi trò rước vua. Bọn trẻ vô tư rất thích, rước gã quanh sân kho.
Một hôm có người đàn ông lầm lủi về làng lúc chạng vạng tối. Bộ quân phục lỏng lẻo trên thân hình cao ngỏng, mũ cối che khuất nửa khuôn mặt lưỡi cày sứt sẹo. Đó là anh Qúy,chồng cô Tho.
Gần mười năm trước, Quý đi bộ đội, Thơm mới đẻ đứa con gái đầu lòng. Trong buổi liên hoan tiễn chân, Thơm thay mặt chị em hứa quyết tâm đảm đang việc nước việc nhà, một lòng chung thủy chờ chồng.
Những năm tháng ngoài mặt trân, nhiều lúc cận kề cái chết, Qúy vẫn nhớ hình ảnh ấy, càng yêu thương, tin tưởng Tho. Những năm chiến tranh, người lính ngoài mặt trân luôn nghĩ về hậu phương với tình cảm chân thành nhất. Cây đa, giếng nước sân đình, người mẹ, người vợ, những đứa con , và tình làng nghĩa xóm luôn rạo rực trong lòng họ, đó là điểm tựa tinh thần vững chăc nhất đề họ yên tâm chiến đấu.
Qúy có một điềm tựa như vậy. Nhưng khi bị thương nặng được đưa ra hậu phượng điều trị, rồi về an dưỡng thương binh của tỉnh, thì anh nghe tin ở nhà vợ mình đã có đứa con hoang! Vết thương trên da thịt chưa lành vết thương lòng toác ra nhức nhối!
Quý dừng chân ở quán nước ngã ba đầu hàng. Nghe Quý hỏi dò, bà bán nước kể hết chuyện này chuyện khác . Rồi bà nói vô tình:
- Ai nết na bằng nhà chị Tho? Thế mà cũng tòi ra đứa con với thắng chó dái!
Quý ở quán từ nhập nhoạng đến lên đèn. Các vết thương trong người Quý càng lúc càng tấy lên đau nhức.
Bỗng bà bán nước chỉ ánh lừa lấp loáng phía sân kho, nói với Quý:
- Bọn trẻ con đang rước vua đấy!
Qúy nuốt nước bọt đánh ực, đứng dậy. Anh nhìn về phía sân kho, càm thấy như những lưỡi dao khứa vào tim. Máu của mình và đồng đội đổ xuống cho một thắng khốn nạn như gã Đớp lên làm vua ? Nó đã biến cái làng Hạ, vốn đẹp đẽ hiền hòa thành thành địa ngục! Những người già cả ở hậu phương kia bất lực, một người lính từng trải trận mạc như mình để yên vậy ư?
Qúy bước nhanh về phía sân kho hợp tác.
Ánh lửa đuốc bập bùng. Tiếng trống ếch đổ dồn. Những đứa trẻ con khiêng cái kiệu làm bằng tre đi vòng quanh sân reo hò:
- Vua Đớp! Vua Đớp!
Đớp mình mặc “ long bào”, đầu đội “ vương miện” chễm chệ trên “ngai vàng”, bụng gã phưỡn ra, cầm chiếc quạt phe phẩy.
Máu trong người Qúy sôi réo! Hình ảnh những đồng đôi ngã xuống trận địa hiện lên trước mắt anh. Qúy thét lên:
- Thằng khốn nạn!
Bằng thái độ dứt khoát như xông vào hỏa điềm, Qúy nhày xồ vào sân, kéo gã Đớp ngã vật từ trên “ngai vàng” xuống.
- Này thì vua này!
Qúy giật phăng chiếc vương miệng đạp dưới chân :
- Nay thì vương miện này!
Qúy sé nát bộ long bào cùa Đớp, cho đến khi gã chỉ còn trơ cái thân thể trần truồng như một con lợn cạo, Qúy trói gã vào gốc đa, đề mỗi người đi qua nhổ một bãi nước bọt vào mặt gã.
Gã Đớp chết sau đó ít lâu.
Cái mà gã chính ình ở ngã ba mấy chục năm nay.
Vừa qua tôi về thăm quê, nghe nói mấy đứa con lão Đẹn chuẩn bị xây mả và miếu thờ gã Đớp, Chúng nó bảo bác chúng nó thiêng phù hộ chúng nó làm ăn phát tài phát lộc. Những đứa con cùa Đớp thì giờ tản mát khắp nơi.
Lai nghe nói cái ông trưởng ty thông tin văn hóa lên đến chức chủ tịch rồi về hưu. Có lần ông ghé thăm làng Hạ, nhắc lại chuyện cũ với mấy ông cán bộ xã ngày xưa, rồi lại cười bảo : “ Để lâu cứt trân hóa bùn !”
M D
-----------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét