Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

ẢNH HƯỞNG CỦA TRUNG QUỐC THỜI KỲ HẬU STALIN - Kỳ 4

  
 ·        TRỊNH ÁNH HỒNG
Lê Quỳnh dịch
(tiếp theoKỳ 4)
… Những kêu gọi tương tự cũng được nghe ở các nước Đông Âu khác vào cuối mùa Xuân 1957, khi chiến dịch “chỉnh huấn” đạt cao trào ở Trung Quốc. Đáp lại lời kêu gọi này, một tạp chí của Hungary cảnh báo ngày 26-5: 
“Trong số các phong trào Trung Quốc lan toả trong địa hạt văn chương, nghệ thuật, khoa học… thì ‘Trăm hoa Đua nở’ lan toả mạnh nhất ở Hungary… Trong giai đoạn đầu tiên nó bị công kích vì đưa tới sự giải phóng đời sống trí thức và giảm sự hà khắc của chủ nghĩa Marx… Đồng chí Mao Trạch Đông, người quen thuộc với trí thức Trung Quốc và biết đa số họ trung thành với chủ nghĩa xã hội, đã bảo vệ khẩu hiệu ‘Trăm hoa”… sau kinh nghiệm buồn của quá khứ có lẽ chúng ta cần thận trọng trước ý tưởng thực thi các biện pháp của Trung Quốc ở Hungary.” [23] .
Ngay từ khi Trung Quốc mới bắt đầu dung dưỡng cho nhiều loại “hoa”, Moskva đã quan sát với sự nghi ngại, không đồng tình và thậm chí lo lắng, đặc biệt sau cuộc nổi dậy Hungary. Theo các nguồn Trung Quốc gần đây mới công bố, khi Trung Quốc quyết định loan báo Chính sách Trăm hoa, họ gửi Lục Định Nhất, người đầu tiên nói về chính sách, đến thông báo cho Pavel Yudin, đại sứ Liên Xô ở Bắc Kinh. Việc này là cách hành xử thông thường, tức là Moskva và Bắc Kinh cần thông báo cho nhau trước về các thay đổi chính sách quan trọng – mặc dù Moskva đã không làm thế trong trường hợp “Báo cáo mật” của Khrushchev, làm Bắc Kinh giận dữ. Sau khi Lục Định Nhất giải thích cho Yudin, đại sứ Liên Xô đưa cho ông Lục một bài báo của Lenin liên quan đến chủ đề này nhưng chống lại sự dung thứ. Trên đường từ sứ quán về nhà, Lục thở dài với Yu Guangyuan, thư ký riêng, rằng “Sự giáo điều của người Nga thật quá sâu!” [24] .
Sau khủng hoảng Ba Lan – Hungary, việc Trung Quốc vẫn đi theo xu hướng mở rộng tự do làm Moskva càng thêm bất an. Vào tháng Tư 1957, Yefremovich Voroshilov, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Tối cao Liên Xô, thăm Trung Quốc. Theo Li Yueran, người phiên dịch tiếng Nga cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc từ 1949 đến 1964, Voroshilov bày tỏ lo ngại về Chính sách Trăm hoa với Mao ít nhất hai lần. Voroshilov nói ông không hiểu vì sao các ý kiến chống Đảng, chống chủ nghĩa xã hội lại được phép đăng lên báo. Ông cảnh báo Mao về nguy cơ của sự nới rộng, và lấy Hungary làm ví dụ. Mao trấn an rằng Trung Quốc không phải là Hungaryvà người cộng sản Trung Quốc không muốn “hoa và cỏ mọc chung trong nhà”. Ông nói, ông tự tin là nếu kẻ thù muốn lợi dụng để lật đổ Đảng Cộng sản Trung Quốc, chúng sẽ chỉ “để lộ mình mà thôi”. [25] 
Thái độ điển hình của Liên Xô trước các chính sách cởi trói của Trung Quốc, và đặc biệt trước sự rùm beng trên báo chí Trung Quốc về chính sách Trăm hoa, được thể hiện qua lời nói của Khrushchev. Khrushchev rất khó chịu trước việc người Trung Quốc “giỏi tìm ra những cụm từ hấp dẫn” và rằng họ “biết cách đưa ra khẩu hiệu thích hợp vào lúc thích hợp”. [26] Nhớ lại sự bối rối gây nên bởi khẩu hiệu của Trung Quốc ở Liên Xô, ông nói: 
“Các vị tuyên huấn của chúng tôi hỏi tôi cách thức phản ứng. ‘Nhân dân ta đọc báo về chiến dịch mới này ở Trung Quốc’, họ bảo. ‘Cái trò Trăm hoa này đang len lỏi vào xã hội Liên Xô’. Chúng tôi hướng dẫn cho các tổng biên tập bỏ đi chủ đề Trăm hoa, không đụng đến nữa. Quan điểm của chúng tôi là Trăm hoa là khẩu hiệu để tiêu thụ trong Trung Quốc thôi, và nó không áp dụng ở Liên Xô. Chúng tôi tránh phê phán trực diện chiến dịch nhưng cũng không cổ vũ... Bất kì người nông dân nào cũng biết có những khóm hoa có thể hái, nhưng có những cái phải bỏ. Một số cây ra quả đắng chát, có hại cho sức khoẻ, và có những cây mọc loạn lên và bóp nghẹt đời sống các hạt mầm quanh chúng.” [27] 
Khrushchev đã từng gặp rắc rối vì chiến dịch chống Stalin, vì thế ông không thể cho phép có thêm chiến dịch cởi trói, mặc dù ông hiểu là Mao “muốn kích thích nhân dân bày tỏ tư tưởng” để phát hiện những người ông xem là “có hại”. 
Khrushchev cũng bác bỏ luận điểm của Mao về mâu thuẫn trong nhân dân ở các nước xã hội chủ nghĩa, một luận điểm được tán thưởng ở Đông Âu. Ngày 2-6-1957, trong cao trào chiến dịch chỉnh huấn và ngay trước chiến dịch chống phái hữu, Khrushchev trả lời phỏng vấn của đài Mỹ CBS tại Moskva. Khi được hỏi về thái độ đối với tuyên ngôn gần đây của Bắc Kinh rằng tại các nước xã hội chủ nghĩa “có thể tồn tại mâu thuẫn giữa quần chúng và lãnh đạo”, Khrushchev trả lời nhát gừng: “Chúng tôi tin rằng chúng tôi không có thứ mâu thuẫn như thế.” [28] 
Toàn bộ các chương hồi này chứng tỏ một ảnh hưởng mạnh của Trung Quốc ở Đông Âu và ngay cả ở Liên Xô trong năm 1957. Sự bất đồng và cảnh báo của Moskva và nỗ lực ngăn trở sự cởi trói ở Đông Âu và Liên Xô cho thấy hai lo lắng lớn. Thứ nhất là sự lo ngại về ổn định chính trị ở các nước vệ tinh của Liên Xô; thứ hai là sự cảnh giác của Liên Xô trước thách thức của Trung Quốc đối với vai trò lãnh đạo trong khối cộng sản, đặc biệt khi mà vị trí của Moskva đã bị suy yếu sau quá trình giải ảo Stalin và khủng hoảng Ba Lan – Hungary. 
Cuối cùng và cũng trớ trêu, ảnh hưởng của Trung Quốc cũng được phản ánh từ phía ngược lại. Khi Mao ra dấu về chiến dịch chống phái hữu đầu tháng Sáu 1957, những người bảo thủ ở Đông Âu cảm thấy nhẹ nhõm. Một số người có phản ứng nhanh chóng, thậm chí có hành động tương tự. Ví dụ, ở Đông Âu phóng viên báo Đảng Neues Deutschland tường thuật từ Bắc Kinh ngày 12-7: “Trọng tâm chính hiện nay là nhắm vào ‘phái hữu’… Nay những người cổ vũ cho ‘phái hữu’ đang bị lột trần”. [29]Vài tháng sau, đầu năm 1958, Ulbricht mở chiến dịch chống “xét lại” trong Đảng với việc loại bỏ Karl Schirdewan (thành viên Bộ Chính trị), Fred Oelßner (thành viên Bộ Chính trị và nhà tư tưởng lâu năm của Đảng), Ernst Wollweber (Thứ trưởng An ninh), và Paul Wandel (một kinh tế gia Marxist có ảnh hưởng). Họ đều từng có thiện cảm và muốn áp dụng các chính sách của Trung Quốc, đặc biệt là Chính sách Trăm hoa. Chiến dịch ở Đông Đức cũng trừng phạt nhiều trí thức đọc nhầm thông điệp từ Trung Quốc và đã để lộ mình, giống như những nhân vật phái hữu ở Trung Quốc bị sập bẫy của Mao. ..
---------------
·        Chú thích -1:
[23]Như trên, trang 104
[24]Chen Qingquan, "Làm sao Lục Định Nhất lại cổ vũ chính sách ‘Trăm hoa’?”, Yenhuang chunqiu, tháng Chín 2000, trang 6
[25]Li Yueran, The Leaders of the New China on the Stage of Foreign Affairs (Beijing: People's Liberation Army Press, 1990), trang 127–128
[26]Nikita Khrushchev, Khrushchev Remembers (Boston: Little, Brown, 1974), trang 275
[27]Như trên, trang 271
[28]Hudson, "China and the Communist 'Thaw,'" trang 307
[29]Griffith, Communism in Europe, 1: 78–79, 105
Nguồn: Yinghong Cheng, "Beyond Moskva-Centric Interpretation: An Examination of the ChinaConnection in Eastern Europe and North Vietnam during the Era of De-Stalinization", Journal of World History
--------------
Trường hợp Việt Nam 
Ảnh hưởng của Trung Quốc ở Việt Nam cần được xem xét theo một ánh sáng hoàn toàn khác. Nếu ảnh hưởng Trung Quốc ở Đông Âu đến muộn (sau khi Stalin chết) và chỉ ở mức hạn chế so với ảnh hưởng của Liên Xô tại khu vực, thì mối quan hệ thân cận – được thúc đẩy nhờ liên hệ truyền thống và văn hoá giữa hai nước – giữa những người cộng sản Việt–Trung sâu sắc hơn và có từ thập niên 1920. Nhiều người cộng sản Việt Nam, gồm cả Hồ Chí Minh, từng tham gia phong trào cộng sản Trung Quốc và ẩn náu ở Trung Quốc trong thập niên 1930 và đầu 1940. Thắng lợi của cách mạng Trung Quốc năm 1949 không chỉ đẩy mạnh hỗ trợ bằng hình thức cố vấn và vật chất cho cách mạng Việt Nam, mà còn cung cấp một mô hình cạnh tranh. Tháng Ba 1951, tại Đại hội Hai của Đảng Cộng sản Việt Nam, tư tưởng của Mao được đặt chung với chủ nghĩa Marx–Lenin làm kim chỉ nam cho cương lĩnh mới của Đảng. Hình của Mao được treo ngang hàng với hình của Marx, Engels, Lenin và Stalin. [1] 
Trong khung cảnh lịch sử này, những phát triển ở Việt Namtrong giai đoạn hậu Stalin có nhiều liên hệ với Trung Quốc hơn là với Liên Xô. Với các nước Đông Âu, các vấn đề lớn nhất của họ lúc này xuất phát từ việc thực thi mô hình Stalin như quá nhấn vào công nghiệp nặng, thiếu các vật phẩm căn bản hàng ngày, sự phẫn uất vì các đợt thanh trừng, sự tàn nhẫn của công an, và lại thêm cả kiểm soát chính trị từ Moskva. Khác với Đông Âu, những vấn đề khó khăn nhất của Bắc Việt là do bắt chước mô hình Trung Quốc. Trong số các hành động mượn của Trung Quốc, có ba cái đặc biệt gây bức bối. Thứ nhất là cải cách ruộng đất: bất kì một nông dân giàu có nào cũng có thể bị gán là “địa chủ”, bị đưa ra “toà án nhân dân” và bị hành quyết mà không cần tiến trình pháp lý nào, và những ai thông cảm thì có thể bị phạt nặng. Thứ hai là cải tạo tư tưởng: các trí thức, ngay cả những vị đã đồng lòng tham gia cách mạng, bị bắt tham dự các trường, lớp học đặc biệt để cải tạo và bị buộc thú tội. Thứ ba là kiểm soát trí thức bằng một chính thể quân sự. Điều này là vì cho đến tháng Hai 1955, Bắc Việt không có Bộ Văn hoá, và đa số trí thức tham gia kháng chiến chống Pháp – đặc biệt là văn nghệ sĩ – đều nhập ngũ và chịu kiểm soát của Tổng cục Chính trị, một cơ quan hình thành theo mẫu của Liên Xô, và trực tiếp hơn, của Trung Quốc. Nhiều chính trị viên đã học ở Trung Quốc và chỉnh huấn hoạt động của trí thức thông qua kỷ luật quân đội: ví dụ, khi họ muốn ra khỏi doanh trại thì cũng phải có thẻ, giống như những người lính. 
Sau cái chết của Stalin, giống như các nước khác trong thế giới cộng sản, các tiếng nói chống đối cũng xuất hiện trong giới trí thức Bắc Việt ngay từ năm 1955. Vào tháng Hai, khoảng 30 nhà văn, hoạ sĩ trong quân đội viết “Dự thảo đề nghị cho một chính sách văn hoá”, bao gồm ba đòi hỏi: 1) trao lại sự lãnh đạo văn nghệ cho văn nghệ sĩ; 2) thành lập một hội văn nghệ bên trong cơ cấu quân đội; 3) bãi bỏ cơ chế quân sự kiểm soát văn nghệ sĩ phục vụ trong quân đội. [2] Nhân vật hàng đầu trong nhóm phản kháng này là Trần Dần. Cùng tháng ấy, Trần Dần dẫn đầu khoảng 20 nhà văn, hoạ sĩ đến nói chuyện với tướng Nguyễn Chí Thanh, người đứng đầu Tổng cục Chính trị. Họ đề đạt ba yêu cầu tập trung vào tự do sáng tạo cho nhà văn và nghệ sĩ. Thỉnh cầu chính trị này bị viên tướng từ chối và ông lên án các trí thức bộ đội, rằng hành động của họ “chứng tỏ ý thức hệ tư bản đã bắt đầu tấn công các đồng chí”. [3] Thất bại của thỉnh nguyện này làm các trí thức bực bội, những người ngây thơ tin rằng sự đóng góp của họ cho cách mạng đã chiếm được niềm tin của Đảng, và điều này chuẩn bị cơ sở cho thách thức quyết liệt hơn của giới trí thức vào năm sau. 
Đặt trong bối cảnh rộng lớn hơn, Trần Dần và nhóm của ông góp một phần vào phong trào “Tan băng” trong thế giới cộng sản hồi giữa thập niên 1950, do các nhà văn, nghệ sĩ thúc đẩy và nhắm vào học thuyết “hiện thực xã hội chủ nghĩa” của Stalin và sự kiểm soát của Đảng đối với trí thức. [4] Nhưng trường hợp Trần Dần cũng thể hiện một liên hệ với Trung Quốc. Ông có mặt ở Trung Quốc năm 1954, khi vụ Hồ Phong xảy ra. Hồ Phong, một nhà phê bình văn học và là đảng viên lâu năm, gửi một lá thư dài cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng vào tháng Bảy 1954, chỉ trích sự thống trị của các cai tổng văn nghệ, rằng việc ép buộc xu hướng hiện thực xã hội chủ nghĩa đã không để cho sáng tạo có tự do, và thái độ quan cách của các lãnh đạo văn nghệ càng làm cho nhà văn và trí thức bực bội. Mặc dù ông không có ý định thách thức quyền uy của Đảng, nhưng hành động của Hồ Phong phản ánh sự bực bội trong nhiều trí thức, nghệ sĩ và được xem là bằng chứng sớm nhất của sự phân rẽ giữa Đảng và trí thức sau ngày thành lập Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Nhưng đến cuối năm 1954, cánh văn nghệ của Đảng mở cuộc phản kích và buộc Hồ Phong làm tự kiểm, và đến tháng Năm 1955, chiến dịch chống Hồ Phong đã trở thành rầm rộ. Ông bị bắt tháng Sáu 1955 và bị giam cho đến cuối kỳ Cách mạng Văn hoá …
(còn tiếp)
--------------
** Chú thích – 2:
[1]Hoàng Văn Hoan, My Memoir (Beijing: People's Liberation Army Press, 1987), trang 277
[2]Như Phong, "Intellectuals, Writers and Artists", trong North Vietnam Today, P. J. Honey chủ biên (New York: Praeger, 1962), trang 81
[3]Kim N. B. Ninh, A World Transformed: The Politics of Culture in Revolutionary Vietnam 1945–1965 (Ann Arbor: University of Michigan Press, 2002), trang 130–131
[4]Để đọc một mô tả chi tiết về một trong các ví dụ “tan băng” ở Đông Âu, xem bài "Poland's Literary 'Thaw': Dialectical Phase or Genuine Freedom?" của Magnus J. Krynske, in trong The Polish Review, mùa Thu 1956, trang 8–21.
---------------- 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét