* MINH THƯ
Cư dân tố bị dọa "cho ăn đạn”, khách hàng lũ lượt căng băng rôn phản đối cách tính diện tích, tố “ăn” chênh lệch tỷ giá…. là hàng loạt tai tiếng của Tập đoàn Nam Cường trong năm 2013.
Bị tố dùng “xã hội đen” trấn áp người mua nhà
Song hành với thông tin Tập đoàn Nam Cường tổ chức lễ khánh thành các tổ hợp chung cư The Sparks (Dương Nội, Hà Nội), sự việc nóng rẫy trên mặt báo là thông tin khách mua nhà tố Tập đoàn này dùng "xã hội đen" trấn áp cư dân mua nhà tại dự án này.
Theo đó, tại lễ khai trương, toàn bộ đường vào và sân chung của khu đô thị The Sparks ngoài công an, bảo vệ còn tràn ngập những người lạ mặt, bặm trợn, kể cả mặc thường phục và mặc đồng phục dân phòng. Các cư dân trở thành đối tượng đeo bám của những người này.
Theo phản ánh, các đối tượng lạ mặt theo sát cư dân, 1 kèm 1, thậm chí 2-3 kèm 1, không cho cư dân chụp ảnh, mỗi cái máy ảnh hay điện thoại giơ lên là lập tức bị chúng lao vào doạ giật, rồi giằng lấy xoá ảnh. Các chị em phụ nữ bế con nhỏ đi chơi định đứng túm năm tụm ba cũng bị các đối tượng trên dọa “cho viên đạn vào đầu” nếu không giải tán.
Thậm chí, có khách hàng còn suýt bị cả nhóm lôi vào tầng hầm cho "ăn đòn hội đồng" nếu không có nhiều người dân hô hoán.
Điều đáng nói, có nhiều cán bộ lãnh đạo của Tập đoàn Nam Cường tham gia lễ khánh thành chứng kiến cảnh tượng trên nhưng đã không có động thái ngăn cản. Ngoài ra, dù lực lượng công an cũng có mặt ở đó rất đông, nhưng khi khách hàng chạy ra báo có người bị đánh, dường như cũng rất thờ ơ, không có động thái can thiệp.
Sự việc này khiến nhiều khách hàng thấy rất choáng váng và bức xúc, không thể hiểu nổi cách hành xử của chủ đầu tư . Đương nhiên, điều này cũng sẽ gây ảnh hưởng tới niềm tin của khách hàng đối với chủ đầu tư không chỉ ở dự án Dương Nội mà còn ở các dự án khác trong tương lai.
Bị khách hàng căng băng rôn kiện cách tính diện tích
Các khách hàng mua nhà tại dự án Dương Nội do Tập đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư đã nhiều lần có đơn kiến nghị lên cơ quan chức năng và tập trung căng băng-rôn phản đối việc chủ đầu tư tính cả hộp chịu lực, kỹ thuật… vào diện tích căn hộ, khiến khách hàng bị “trả oan” gần 100 triệu đồng cho phần diện tích này.
Phía chủ đầu tư thì luôn cho rằng tính đúng theo quy định khi cố “thòng” khách hàng bằng phụ lục lạ đời. Theo tìm hiểu của PV Infonet, hợp đồng của khách hàng mua nhà tại dự án khu đô thị Dương Nội của Tập đoàn Nam Cường lại gồm 2 loại: 1 loại có thêm phụ lục 2 ghi rõ cách tính diện tích theo tim tường thì không có chữ ký nháy của người mua nhà ở cuối phụ lục; và 1 loại hợp đồng không ghi rõ "tính theo tim tường" thì có chữ ký của người mua nhà tại cuối phụ lục.
Trước vấn đề này, có lần làm việc với cư dân, đại diện chủ đầu tư đã thừa nhận: “Với hợp đồng không ghi rõ cách tính tim tường, phía đại diện chủ đầu tư thừa nhận do lỗi kỹ thuật của bộ phận hợp đồng, sẽ chịu trách nhiệm và làm việc riêng để thảo luận cho thấu tình đạt lý”.
Với hợp đồng ghi rõ cách tính theo tim tường, đại diện Tập đoàn Nam Cường cho rằng: đóng dấu giáp lai là hợp pháp, còn việc có ký nháy hay không là quyền của khách hàng. Nếu có thắc mắc thì phải thắc mắc ngay sau khi nhận được hợp đồng.
Tuy nhiên, theo phản ánh của khách hàng mua nhà, Cư dân được thông báo đến ký hợp đồng trước (chuyển cho Nam Cường ký sau) và tại thời điểm ký hợp đồng họ không nhận được Phụ lục, nên không thể ký nháy vào Phụ lục khi mà họ chỉ được nhận sau vài ngày. Thậm chí, đến dấu giáp lai giữa các trang của hợp đồng và phụ lục cũng không khớp nhau. Những điều này khiến khách hàng nghi vấn về phụ lục 2 đi kèm này.
Nhằm làm sáng tỏ cách tính diện tích căn hộ bao gồm cả hộp, cột kỹ thuật là đúng hay sai, khách hàng và chủ đầu tư Nam Cường thống nhất gửi văn bản lên hỏi Bộ Xây dựng để làm căn cứ giải quyết.
Tuy nhiên, khi Thanh tra Bộ Xây dựng có công văn trả lời thì lại nghiêng về phía Nam Cường khi nêu rõ, đối với phương thức xác định kích thước từ tim tường thì diện tích sàn căn hộ không phải trừ diện tích thuộc sở hữu chung. Hợp đồng mua bán nhà giữa Tập đoàn Nam Cường với các hộ dân, chủ đầu tư đã cung cấp rõ, minh bạch thông tin về giá bán nhà dựa trên cách tính diện tích nào (diện tích nhà tính theo tim tường quy định trong Phụ lục Hợp đồng) để người mua biết rõ trước khi thanh toán và nhận nhà vào ở.
Song, không đồng ý với trả lời của Thanh tra Bộ Xây dựng, cư dân mua nhà tại dự án của Tập đoàn Nam Cường đã có văn bản phản bác nội dung trả lời của Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng lên Bộ Xây dựng. Nhưng, đã gần 2 tháng nay, câu trả lời vẫn “bặt vô âm tín”.
Được biết, cư dân đã có đơn gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp… để khiếu nại về cách tính diện tích này.
Khách hàng “tố” chủ đầu tư “ăn” chênh lệch tỷ giá
Theo phản ánh của khách hàng mua nhà, Tập đoàn Nam Cường đã viện cớ thu tiền đợt cuối theo tỷ giá USD quy đổi ra VND để kiếm lời thêm một khoản tiền lớn do chênh lệch tỷ giá, trung bình từ 53- 58 triệu đồng/căn.
Theo hợp đồng đã ký kết tại các thời điểm khác nhau của người mua nhà thì tại điều khoản thanh toán mặc dù ghi rõ là thanh toán bằng đồng Việt Namnhưng đợt cuối lại được chủ đầu tư đóng mở ngoặc bên cạnh số tiền Việt bằng tương đương tiền đôla khi bàn giao căn hộ. Cùng với đó, hợp đồng được “thòng” thêm điều khoản phát sinh hợp đồng có ghi rõ: Tại thời điểm bàn giao căn hộ, nếu tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đôla Mỹ biến động tăng giảm lớn hơn 2%, thì giá trị căn hộ còn phải thanh toán của đợt cuối cùng sẽ được điều chỉnh theo tỷ giá bán ra giữa đồng Việt Nam và đôla Mỹ của Ngân hàng Thương mại CP Ngoại thương Việt Nam tại thời điểm đó.
Thế nên, khi mua nhà thời điểm năm 2010, tỷ giá là 19.500 VND/USD nhưng khi đóng tiền đợt cuối, giá USD trên thị trường đã biến động tăng lên trên 21.000 VND/USD và Năm Cường thông báo thu thêm tiền trượt giá khiến khách hàng bức xúc.
Vấn đề tỷ giá trong hợp đồng theo đại diện Nam Cường thì dùng để tham chiếu đảm bảo công bằng cho cả khách hàng và chủ đầu tư. Pháp lệnh ngoại hối năm 2013 có hiệu lực từ ngày 1/1/2014, theo quy định của luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 thì không áp dụng hồi tố. Vì thế, hợp đồng đã ký kết là tuân thủ các quy định của Pháp lệnh ngoại hối năm 2005.
Cho đến nay, nhiều khách hàng và chủ đầu tư vẫn chưa giải quyết xong vấn đề này, cư dân đang chuẩn bị khởi kiện chủ đầu tư ra Tòa án.
M.T (Infonet)
--------------