Câu chuyện thứ 3
Nelson Mendela và Thánh Gióng
* PGS.TS VŨ TRỌNG KHẢI
(tiếp theo - Kỳ 2) - Theo thông tin của các phương tiện truyền thông đại chúng, tôi được biết, có ít nhất 60 nguyên thủ quốc gia đến Nam Phi để tiễn cựu Tổng thống Nelson Mendala về nơi an nghỉ ở quê nhà. Đặc biệt, 3 vị tổng thống Mỹ: Tổng thống đương nhiệm Barac Obama và 2 cựu tổng thống Bill Clinton và G. Bush (Con) cũng đi Nam Phi dự lễ tang cựu tổng thống Mendela.
Dinh Tổng thống Mỹ (nhà trắng) sẽ treo cờ rủ. Quốc tang cựu Tổng thống Mendela ở Nam Phi bắt đầu từ 10/12 đến 16/12. Trưa 15/12, lễ an tang đã diễn ra tại quê ông.Sự kiên cường, dũng cảm đấu tranh và trải qua gần 3 thập niên tù đày của ông đương nhiên rất đáng kính phục, nhưng nhiều chiến sỹ cách mạng trong lịch sử loài người cũng đã từng kiên cường, dũng cảm như vậy, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc mình, trong đó có rất nhiều người VN chúng ta. Nhưng theo tôi, cái làm nên sự vĩ đại, đáng kính phục và ngưỡng mộ nhất đối với Nelson Mendela là tinh thần tha thứ và hòa giải, không “tham quyền cố vị”, thực sự vì sự phát triển phồn vinh của đất nước, của dân tộc. Điều đó ít ai, nhất là những người lãnh đại quốc gia, trên thế giới, làm được. Chính nhờ tinh thần đó mà sau khi xóa bỏ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc (apartheird), đất nước Nam Phi mới phát triển theo con đường dân chủ và hội nhập với thế giới văn minh của nhân loại tiến bộ. Lúc đầu một số người da trắng Nam Phi bỏ xứ ra đi vì sợ bị trả thù. Nhưng phần đông người da trắng ở lại, họ nắm huyết mạch kinh tế ở Nam Phi, biết kinh doanh hơn người da đen bản địa. Nhờ đó kinh tế Nam Phi không bị khủng hoảng mà vẫn phát triển.
Tinh thần tha thứ, hòa giải dân tộc và hội nhập vào thế giới văn minh của Nelson Mendela là điều mà dân tộc VN cần học tập nhất. Sự hận thù dai dẵng, lấy oán trả oán đã trở thành cách ứng xử khá phổ biến nếu không muốn nói là một nét văn hóa ứng xử, của dân tộc ta. Điển hình là chuyện cổ tích Tấm, Cám. Cô Tấm “thảo hiền” đã giết cô Cám, rồi lấy xác làm mắm gửi về cho mẹ cô Cám ăn để trả thù xưa. Thế mà có thời, người ta đưa chuyện Tấm, Cám vào sách giáo khoa tiểu học (!?). Thử hỏi bây giờ, có ông bà hay cha mẹ nào dám kể chuyện Tấm, Cám cho cháu, con mình không? Trên thực tế lịch sử, tuy rằng người VN đã được dạy là phải lấy ân báo oán, nhưng việc lấy oán trả oán vẫn diễn ra phổ biến suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, làm chia rẻ dân tộc, nhấn chìm đất nước trong lạc hậu, nghèo nàn và lạc lỏng giữa nhân loại đang phát triển theo xu hướng dân chủ.
Hồi đầu năm 2011, tôi sang CuBa với tư cách là chuyên gia kinh tế nông nghiệp, giúp Bộ Nông nghiệp CuBa cải cách chính sách phát triển ngành lúa gạo, hướng đến mục tiêu tự túc về gạo ăn cho khoảng 10 triệu dân. Lúc đó, sản xuất lúa gạo của CuBa mới chỉ đáp ứng được khoảng 1/3 nhu cầu. Trong chuyến đi điền dã ở nông thôn CuBa , tôi có đến thăm gia đình một ông chủ trang trại. Thực ra theo tôi nghĩ, ông ta là một nghệ sĩ nhiều hơn là một ông chủ trang trại. Vì ông ta có một lò gốm mỹ thuật, hoạt động với mục đích truyền nghề cho thế hệ trẻ, không vì mục đích lợi nhuận. Tôi thấy trên bức tường nhà ông treo một bức tranh khá lớn, vẽ một con bò sữa có bầu vú teo tóp và mồm đeo một cái khóa to tướng với cặp mắt nhìn đau đáu vào bó cỏ tươi trước mặt. Tôi khen bức tranh có nhiều ý nghĩa. Ông ta cười thích thú và thế là cuộc nói chuyện trở nên cởi mở. Ông ta nói rằng, ông ngưỡng mộ và khâm phục Nelson Mendela nhất, hơn tất cả các chiến sỹ đấu tranh giải phóng dân tộc khác. Bởi vì, sau khi giành được quyền lực, ông ta đã hòa giải dân tộc, tha thứ cho những kẻ đã đưa ông vào tù 27 năm, để đất nước Nam Phi phát triển theo con đường dân chủ, hội nhập với nhân loại văn minh và chỉ làm tổng thống trong 1 nhiệm kỳ 5 năm, chứ không làm tổng thống suốt đời như nhiều nhà lãnh đạo khác.
Nhân đó, tôi kể cho ông nghe câu chuyện Thánh Gióng của VN. Sau khi đánh đuổi giặc Ân, Thánh Gióng bay về trời, chứ không ở lại trần thế để làm vua theo thông lệ cha truyền, con nối từ lâu đời ở Việt Nam và một số dân tộc khác.
Ông chủ trang trại CuBa cười và nói rằng: Hai nhân vật này giống nhau vì đều là huyền thoại, nhưng khác nhau ở chỗ: Ông Nelson Mendela là con người thực, con người trần tục, trở thành huyền thoại, không chỉ của nhân dân Nam Phi, mà còn của cả loài người tiến bộ; còn Thánh Gióng là con người huyền thoại được người dân truyền tụng thành truyện cổ tích để thể hiện khát vọng "anh hùng bất đáo tranh công". Qua cuộc đời và sự nghiệp của Tổng thống Nelson Mendala, nhớ truyện Thánh Gióng và những trăn trở về "cô Tấm thảo hiền", tôi nghiệm ra rằng: Tinh thần tha thứ, lấy ân trả oán, hòa giải để hòa hợp dân tộc, hội nhập vào thế giới dân chủ và văn minh là con đường đúng đắn nhất, cần thiết nhất cho dân tộc VN lúc này hơn lúc nào hết.
10/12/2013
(Ngày Nhân quyền Quốc tế)
V.T. K ( còn nữa)
V.T. K ( còn nữa)
------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét