Còi hụ, đoán xe đưa rước khi Lãnh đạo "xuống" cơ sở |
* BÙI VĂN BỒNG
Sáng ngày 8/12, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký Lệnh công bố Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Nghị quyết quy định một số điểm thi hành Hiến pháp. Tuy nhiên, từ sau khi Quốc hội biểu quyết thông qua đến 97% “nhấn nút” tán thành thông qua Hiến pháp, dư luận cho rằng, thể nào một thừi gian không xa lai đặt ra vấn đề cần có một hiên spháp mới, hoặc cần phải sớm sửa đổi Hiến pháp này lần nữa. Nhiều nội dung cơ bản, quan trọng của Hiến pháp sửa đổi lần này không phù hợp ý nguyện của nhân dân. Khi trưng cầu dân ý, phần nhiều chỉ tổ chức rất hình thức, nội dung góp ý in sẵn, áp đặt, và cùng khó tin con số thống kê, tổng hợp công dân góp ý, nhiều góp ý xây dựng rất xác đáng của dân không được dưa vào nội dung sửa đổi. Ngay như đại biểu Dương Trúng Quốc cũng nói là “sửa’, nhưng không "đổi”…
Dư luận cùng cho rằng, các vị Bộ Chính trị khoá XI này ít đi cơ sở. Hiếm thấy có vị nào đi thăm ruộng với nông dân hoặc về tận các xóm làng, chưa nói đến vùng sâu vùng xa. Cũng chưa thấy vị “tứ trụ” nào đến thăm, trò chuyện với công nhân trong xường máy, trên các công trường. Tiếp xúc cử tri thì toàn chọn những cán bộ hưu trí đã bị “bê tông hoá tư duy’ đặc cả đầu, suy nghĩ bảo thủ thâm căn cố đế, khen nịnh một chiều, suốt ngày cười nửa miệng!. Một số vị có đến các tỉnh, thành phố , nhưng kế hoạch báo trước, mọi sự chuẩn bị sẵn, cả phát biểu cũng...do tỉnh, thành soạn trước, in rõ, chỉ làm việc trong hội trường, rồi vù về luôn. Thế là Đảng đã ‘chủ động’ xa dân. Như thế là né dân, do sợ dân, ngại gần dân, không muốn nghe chất vấn tại chỗ, hay coi thường dân? .Càng gần đây càng thấy rõ hiện tượng 'đáo quan liêu'; quan liêu còn nặng hơn trước đại hội VI chống quan liêu bao cấp.
Khi đương chức, ông Sáu Dân (Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) nói: “Ai cũng hô vì dân, nhưng gặp dân thì né, ngại nghe dân nói, bị dân phê bình thì cứ giãy nãy lên. Cán bộ chỉ thích khen, không thích ai phê bình. Xa dân là Đảng tự tiêu, tồn tại sao được? Mà Đảng không được dân ủng hộ coi như tự mình đánh mất dân, thì Đảng còn tồn tại để làm gì?”.
Phóng viên Huỳnh Phan (Tuần Việt Nam ) phản ánh: Khi trao đổi về dân chủ và phê bình, ông Sáu Dân đã nói: "Gần đây, tôi thấy buồn và lo ngại trước hiện tượng thủ tiêu đấu tranh phê bình, chủ yếu thiên về vuốt ve nhau. Một người sai, nhiều người biết nhưng không nói, hoặc không dám nói. Hoặc giả có định phê một câu thì phải rào trước đón sau, phải nêu, thậm chí phải tụng ca một loạt ưu điểm, rồi mới đưa ra khuyết điểm. Mà điều đáng lo ngại ở chỗ hiện tượng này đã trở thành phổ biến, không kể ở cấp nào, từ cơ sở tới cấp Trung ương."
Đó là chưa nói đến có trường hợp ý kiến dân đề xuất với Đảng nhưng cấp ủy không báo cáo lên trên; hay chỉ báo cáo chung chung, phiên phiến; hoặc các tổ chức đoàn thể nắm bắt không kịp, không đủ, nắm sai thông tin nên báo cáo không chu đáo; có khi còn vì động cơ khác mà giấu nhẹm thông tin, thiếu mạnh dạn, thiếu bản lĩnh đấu tranh, sợ mất lòng, ngại đụng chạm...
Niềm tin của dân chính là sự thể hiện rõ nét hiệu lực lãnh đạo của Đảng. Cho nên, nếu xa dân là tự tách mình ra khỏi hiện thực cuộc sống, không có những thông tin xác thực cần cho người lãnh đạo, mất lòng dân mà không biết nguyên nhân sâu xa từ những lý do gì. Khi người dân được quyền tự do dân chủ, nhận rõ sự phát huy ngày càng cao bản chất ưu việt của một Đảng cầm quyền, đem lại lợi ích thiết thực cho họ, thì niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng ngày càng được khẳng định vững chắc. Thực tế chứng minh rằng, nếu cán bộ đảng viên không chăm lo “tích thiện”, từ đạo đức, lối sống đến tư cách, tác phong không làm gương trước quần chúng, thì bị mất ngay niềm tin, tạo ra hố ngăn cách giữa dân với Đảng. Và như vậy, rất có hại cho cách mạng, trì kéo, kìm hãm sự phát triển của xã hội, báo động về nguy cơ mất chế độ chính trị-xã hội.
Phải luôn luôn nhận thức sâu sắc mối quan hệ tương hỗ: Nhờ dân mới có Đảng, và dân xây dựng Đảng để giao quyền lãnh đạo cho Đảng. Người dân chỉ phục tùng, chấp nhận sự lãnh đạo của đảng khi đảng thực sự vì dân, giữ được uy tín và hiệu lực lãnh đạo của đảng cầm quyền. Cho nên, mất lòng dân là Đảng tự đánh mất chính mình. Khi một đất nước có một chính đảng cầm quyền biết tôn trọng dân và thực thi dân chủ một cách thường xuyên, thực sự đi đúng đường lối, chủ trương, chính sách, thực hiện đúng và sáng tạo với hiệu quả cao các nghị quyết đã đề ra, thì lòng tin của nhân dân đối với Đảng sẽ được dân đồng tâm xây đắp, không ngừng củng cố ngày càng bền vững.
Điều lệ Đảng đã quy định rõ nhiệm vụ của người đảng viên, nhiệm vụ của tổ chức Đảng các cấp là phải thường xuyên giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân: “Phải tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của quần chúng, chăm lo đời sống của quần chúng, đoàn kết với quần chúng, học tập quần chúng, tìm hiểu nguyện vọng và lắng nghe ý kiến của quần chúng, để phản ánh trung thực cho Đảng và kịp thời giải quyết một cách thích đáng. Phải ủng hộ sáng kiến, nghiên cứu áp dụng kinh nghiệm sáng tạo của quần chúng. Phải thường xuyên làm công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, phát triển ảnh hưởng của Đảng trong quần chúng, kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, mệnh lệnh, độc đoán, chuyên quyền, xa rời thực tế, xa rời quần chúng”.
Cương lĩnh, Điều lệ, các Nghị quyết của Đảng, rồi biết bao thông tri, chỉ thị, các văn bản chuyên đề của Trung ương hướng dẫn về công tác Đảng đều nhấn mạnh yêu cầu giữ vững nguyên tác tập trung, dân chủ, yêu cầu phát huy vũ khí sắc bén đấu tranh phê bình, tự phê bình, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với dân, nhưng bệnh quan liêu, xa thực tế, xa dân, làm mất dân chủ vẫn tràn lan. Đó là sự tự thân của chính những cán bộ, đảng viên có chức có quyền đã làm cho Đảng bị yếu kém.
So với Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ Nhất năm 1935 (Đảng Cộng sản Đông Dương lúc đó có hơn 600 đảng viên), nay Đảng ta đã có số lượng đảng viên đông gấp hơn 5.000 lần (hơn 3,6 triệu đảng viên). Đảng cần phải mạnh, chất lượng phải tương ứng với số lượng. Đông mà không mạnh, số lượng nhiều mà chất lượng kém là điều rất đáng lo ngại, và như thế cũng chẳng có gì đáng tự hào. Không ngẫu nhiên mà người ta đã phải đúc kết: “Nhìn thấy đảng viên nhan nhản mà Cộng sản được mấy người?”. Đó là nỗi lo lớn, đặt ra sự cần thiết, cấp bách phải chỉnh đốn Đảng. Sự mất chất Cộng sản trong khi vẫn mang danh đảng viên đã làm xói mòn niềm tin trong nhân dân đối với Đảng lãnh đạo. Khi cố tình làm trái pháp luật thì không nghĩ đến đảng, nhưng khi có nguy cơ lung lay cái ghế, những gian tham bị lộ tẩy, thì lại bấu víu vào đảng để tự trì bám quyền lực: "Tôi không xin, nhưng đảng còn tín nhiệm thì tôi làm theo yeu cầu của đảng!". Tấm bình phong đảng quả là có sức bao trùm lớn.
Có những vị lãnh đạo rất ít khi đi cơ sở, ít gặp người dân, quan liêu trên mây, mặt vênh lên hợm hĩnh. Cho nên, khi đã đối thoại với dân, trước hết mỗi cán bộ, đảng viên phải “tâm tự vấn tâm”, đối thoại với chính mình, hỏi lại lòng mình. Như phát biểu của đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Từng cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là người đứng đầu, người chủ trì phải tự giác, gương mẫu làm trước (ngay sau Hội nghị này, không phải chờ gì cả) tự kiểm điểm, soi lại mình, đơn vị mình, gia đình mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì khiếm khuyết thì tự điều chỉnh, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa mình. Mọi đảng viên đều phải làm như vậy, chứ không phải chỉ đứng ngoài mà "phán", hoặc "chờ xem", coi như mình vô can”. Nói vậy, nhưng mấy ai tự soi. Biết tự soi đã không làm bậy! Tham quyền cố vị khi uy tín đã mất thì quả là thái độ trơ lỳ thực dung, không biết xấu hổ.
Có những vị có đến 3 khóa liền là "cận tứ trụ", vài khóa giữ cương vị trong "tứ trụ" ngồi tót trên thượng đỉnh Trung ương'. nhưng chỉ xuất hiện gọi là đi cơ sở tỉnh, huyện vài lần, phần nhiều lễ lạt, khánh thành này kia được mời giải quyết khâu oai, xe đưa xe đón, xe bám đít rồng rắn cả mấy chục chiếc. Khó tìm ra ông có bức ảnh nào gần gũi, chân tình tiếp xúc nói chuyện với nông dân, công nhân, các thành phần lao động khác. Lên bục phát biểu thì chẳng cần suy nghĩ cân nhắc gì, phần nhiều đọc những văn bản có sẵn được nghĩ và viết ra từ cái đầu người khác. Đến đâu cái mặt cũng nghênh ngang, hai cánh tay khuỳnh ra chống nạnh, nhìn người dân không được nửa con mắt, ý kiến góp ý của 'đồng chí' và nhân dân cứ bị coi như dế gáy, ve kêu:
Chức ông lớn, ghế ông cao
Tưởng mình chẳng khác vi sao trên trời
Đi đâu phải có lời mời
Đến đâu cũng thấy rực trời cờ hoa
Đi theo cả đám lâu la
Mâm cao, cỗ hậu lại quà trao tay
Nhậu say, lời nói càng sai
Lúc nào cũng thấy "tương lai tuyệt vời"..
Chức ông lớn, ghế ông cao
Tưởng mình chẳng khác vi sao trên trời
Đi đâu phải có lời mời
Đến đâu cũng thấy rực trời cờ hoa
Đi theo cả đám lâu la
Mâm cao, cỗ hậu lại quà trao tay
Nhậu say, lời nói càng sai
Lúc nào cũng thấy "tương lai tuyệt vời"..
Hoặc là:
Bộ phán rồi bộ vội về
Nhân dân chịu đủ mọi bề oan khiên….
Đừng có đổ vấy cho "thế lực thù địch" nào để che đậy những xấu xa, mục ruỗng ngay trọng nội tại cơ thể đảng. Quan liêu, tham nhũng, hủ hóa là sự "tự diễn biến" làm mất hẳn niềm tin, uy thế lãnh đạo của một đảng cầm quyền. Khi đi tiếp xúc với dân thì nhũn nhặn, hứa hão để lấy lòng, xin phiếu. Khi được dân bầu lên, có ghế cao chức lớn thì quay lại đè dầu cưỡi cổ dân lành. Hỏi có còn cái thứ đạo đức nào dơ dáy hơn không? Tự thả lỏng cho mình, khắt khe với người khác cũng là sự ích kỷ quá đáng. Thiệt thòi và bất lợi cho người lãnh đạo là bị người dân sợ tiếp xúc, người dân xa lánh và nhất là không nghe được những lời nói thẳng, nói thật từ miệng người dân. Khi khoảng cách chưa bị triệt tiêu, sự xa lánh, né tránh còn đầy tâm tư, người dân còn phải “tỏ thái độ” thì không ai muốn nói, và càng không nói thật. Nếu như ý kiến đã phát biểu, lãnh đạo nghe hết, nhưng nghe rồi để đó, không làm, thì chẳng ai muốn nói. Khi người ta không tin, thì có gặng hỏi người ta cũng không nói. Bởi vì: “Nói ra làm gì, chẳng đi đến đâu, mất công lại thêm bị để ý, bị thù oán…” Cho nên, tổ chức đối thoại phải đi vào thực chất, phải có hiệu quả, nếu không thì coi như chỉ là thứ hình thức, mị dân, lừa dối dân. Cũng vì thế, văn hóa đối thoại là phải biết lắng nghe, phải chống bệnh bảo thủ, phải thực sự khiêm tốn, cầu thị và cái gì đã hứa thì phải làm.
Thực trạng giảm uy tín của Đảng lãnh đạo đối với nhân dân đã rõ, nhưng không thể không có lối ra. Trong bất kỳ khó khăn nào, khi có dân ủng hộ nhiệt tình, Đảng ta đều có thêm sức mạnh nội tại của lòng dân để vượt qua. Thế nên, cần nhắc lại một đúc kết đã thành chân lý: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu / Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.Vững tin ở sức mạnh toàn dân, biết coi trọng “dân là gốc, cách mạng là sự nghiệp của nhân dân”, thực sự biết dựa vào dân, việc gì dù gian khó đến mấy cũng hoàn thành. Chỉ có những kẻ đã mất chất Cộng sản, phản bội các nguyên tắc điều lệ Đảng, đi ngược lại lý tưởng, tự cho mình cái quyền đứng trên thiên hạ, gây thù chuốc oán cho dân, bị dân khinh thường mới sợ phải đối thoại với nhân dân.
BVB
---------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét