“Bão” trên chính trường Triều Tiên
và những lo lắng của Trung Quốc
DT - Vụ bắt giữ đầy bất ngờ và gây chấn động đối với ông Jang Song-thaek, chú kiêm nhân vật thân tín kỳ cựu của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang thực sự khiến “chuông báo động” tại Bắc Kinh vang lên.
Với người dân Triều Tiên, ông Jang Song-thaek từ lâu vẫn được ngầm hiểu là nhân vật quyền lực số 2 tại quốc gia này với tư cách là chú và kiêm quân sư cho ông Kim Jong-un, nhà lãnh đạo tối cao.>> Vì sao chú của Kim Jong-un mất chức ?
Vậy nhưng đột ngột ngày 9/12 vừa qua, truyền hình nhà nước Triều Tiên phát sóng cảnh hai binh sỹ mặc quân phục xanh xốc nách ông Jang rời khỏi một cuộc họp của đảng Lao động Triều Tiên cầm quyền, sau khi ông bị lên án vì hành vi gây chia rẽ trong đảng, quan hệ bất chính với phụ nữ, đánh bạc và cả những hành động khác, trước ánh mắt quan sát của hàng chục đồng chí cũ.
Cảnh phế truất và bắt giữ bẽ bàng với ông Jang là một diễn biến đầy bất thường cho thấy cuộc chiến giành quyền lực đang diễn ra bên trong quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Nhưng tác động chính của nó có thể lại diễn ra bên ngoài quốc gia này.
Động thái gây sốc
Theo tờ New York Times, cảnh ông Jang bị bắt trong một cuộc họp của Bộ chính trị Triều Tiên hôm 8/12 và được công chiếu cho người dân là đặc biệt đáng lo ngại với Trung Quốc.
Từ lâu Bắc Kinh đã luôn là người bảo vệ lâu dài, phao cứu sinh về kinh tế của Bình Nhưỡng. Họ cũng xem mối quan hệ thân thiết chiến lược với Triều Tiên như một trụ cột trong chính sách đối ngoại, và một bức tường thành chống lại sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Hàn Quốc.
Bất chấp việc khó chịu với các vụ thử hạt nhân cũng như cách hành xử của quốc gia này, Trung Quốc vẫn có một mối quan hệ tốt với ông Jang với tư cách một “bề trên” đáng tin cậy, người sẽ theo sát ông Kim, nhà lãnh đạo có tuổi đời chưa bằng nửa tuổi chú mình.
Bất kỳ sự dịch chuyển nào trong chính sách của Trung Quốc với Triều Tiên có tiềm năng tạo ra thay đổi đáng kể đến sự cân bằng chính trị tại châu Á, nơi một bán đảo Triều Tiên bị chia rẽ đã tồn tại hơn 60 năm qua. Cho dù không có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc có ý định thay đổi quan điểm của mình, các lãnh đạo hàng đầu tại Bắc Kinh đã bị ngạc nhiên bởi sự ra đi chóng vánh của ông Jang.
“Jang là một nhân vật có tính biểu tượng tại Triều Tiên, đặc biệt với những cải cách kinh tế và đổi mới”, Zhu Feng, giáo sư quan hệ quốc tế tại đại học Peking nhận định. “Ông ấy là người Trung Quốc tin cậy trong việc thúc đẩy kinh tế Triều Tiên. Việc này là một tín hiệu rất xấu”.
Việc ông Jang bị phế truất không chỉ gây sốc bởi từ lâu nhân vật này được xem như thành viên cốt lõi của hàng ngũ lãnh đạo Triều Tiên, và một người có ảnh hưởng lớn và tin cẩn của ông Kim, người chỉ mới kế nhiệm cha mình được 2 năm. Cái cách ông Jang bị sa thải cũng khác thường, bởi Bình Nhưỡng hầu như luôn giữ bí mật về những công việc nội bộ suốt hơn 60 năm qua.
“Ông Kim Jong-un đang tuyên bố với cả trong nước và quốc tế rằng giờ ông là nhà lãnh đạo số 1 và duy nhất tại Triều Tiên, và ông sẽ không nhân nhượng với một nhân vật số 2 nào đó”, Yang Moo-jin, nhà phân tích tại đại học Triều Tiên ở Seoul nhận xét.
Ông Jang đã không ít lần tới thăm Trung Quốc, và được xem như người ủng hộ quan trọng nhất cho một cuộc đổi mới kinh tế kiểu Trung Quốc, mà chính quyền Bắc Kinh đã luôn hối thúc Bình Nhưỡng thực hiện.
Ở tuổi 67, ông Jang thuộc cùng thế hệ với các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Và khác với ông Kim, người mới chỉ 30 tuổi, Jang được Bắc Kinh xem như một cầu nối tin cậy vào hàng ngũ lãnh đạo hàng đầu của Triều Tiên. Ông là một trong số ít những nhân vật đối thoại cấp cao của Trung Quốc.
Trong chuyến thăm kéo dài 6 ngày tới Bắc Kinh hồi năm ngoái, ông Jang đã gặp Chủ tịch Trung Quốc khi đó, ông Hồ Cẩm Đào, cùng thủ tướng Ôn Gia Bảo. Các đặc khu kinh tế tại Triều Tiên, nơi các nhà đầu tư Trung Quốc và nước ngoài được hưởng ưu đãi, chính là nội dung hàng đầu trong chương trình nghị sự.
Mới tháng trước, truyền thông chính thức của Triều Tiên đã công bố thành lập 14 đặc khu kinh tế mới. Cho dù có quy mô khá nhỏ, chúng vẫn được xem như dấu hiệu của những đổi mới hứa hẹn mà Trung Quốc đã hậu thuẫn.
“Các đặc khu này là kết quả những nỗ lực của ông Jang”, giáo sư Zhu nói. “Có thể Jang đã đi quá xa trong việc phi tập trung hóa và điều đó đe dọa vị thế của ông Kim”.
Nguy cơ bất ổn gia tăng
Về phần mình Bộ ngoại giao Trung Quốc đưa ra một lời bình luận kiềm chế về vụ sa thải ông Jang, khi gọi đó là chuyện nội bộ của Triều Tiên. “Chúng tôi sẽ tiếp tục cam kết thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị truyền thống hợp tác” giữa Trung Quốc và Triều Tiên, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói.
Dù vậy, truyền thông chính thống của Trung Quốc vẫn tỏ rõ sự chú ý đặc biệt về những cáo buộc đối với ông Jang, khi lặp lại những ngôn ngữ được truyền thông nhà nước Triều Tiên sử dụng: quan hệ bất chính với phụ nữ, đánh bạc, lạm dụng ma túy, “ăn nhậu và tiệc tùng tại phòng kín của các khách sạn hạng sang”, và cho thấy có tham vọng chính trị thách thức vai trò “trung tâm độc nhất” của ông Kim.
Cũng nằm trong số những tội danh mà ông Jang bị cáo buộc còn có việc bán rẻ tài nguyên, một cáo buộc dường như nhắm trực tiếp tới Trung Quốc, nhà nhập khẩu lớn nhất quặng sắt và khoáng sản của Triều Tiên.
Sự ra đi của ông Jang cũng làm dấy lên khả năng sẽ có thêm những bất ổn tại Triều Tiên vào thời điểm mà Trung Quốc đang phải đối phó với áp lực ngày càng tăng từ Nhật và Hàn Quốc.
Trung Quốc luôn có một mối lo ngại lớn nhất rằng chính quyền Bình Nhưỡng, một đồng minh của Bắc Kinh từ chiến tranh Triều Tiên, có thể sụp đổ. Điều đó, như một số người lo ngại, có thể dẫn tới sự tái thống nhất bán đảo Triều Tiên dưới sự quản lý của chính quyền Hàn Quốc, một đồng minh của Mỹ.
“Trung Quốc lo lắng về những bất ổn có thể bùng lên do những diễn biến” giống như việc sa thải ông Jang, Andrei Lankov, một giáo sư sử học tại đại học Kookmin ở Seoul nhận xét.
Cheong Seong-chang, một nhà phân tích tại Viện Sejong của Hàn Quốc thì nói rằng việc sa thải ông Jang có thể là tín hiệu cho những mâu thuẫn nội bộ mới. “Với sự đặc biệt hà khắc mà ông Jang và các thuộc cấp phải nhận, một loạt những đợt phế truất mới là khó tránh bởi chính quyền muốn loại bỏ cỏ độc khỏi hàng ngũ của mình”, ông Seong-chang nói.
Thanh Tùng
(Theo NY Times / Dân trí )
---------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét