Thứ Ba, 10 tháng 12, 2013

MỘT THỜI ĐÃ SỐNG - Kỳ 7

          VII - ĐÁM TANG VÀ PHIÊN TÒA.
       * MINH DIỆN
             (tiếp theo - Kỳ 7 - Hết)
             Cái chết của anh Lê Khắc Thạch làm mọi người ấm ức.  Nhiều cựu chiến binh bảo phải làm đơn kiện công an, cụ thể là thượng úy Qúy, kẻ đã đánh dập gan anh Thạch.  Nhưng rồi phải bỏ ý định ấy.  Bởi lấy ai làm chứng Qúy đánh anh Thạch? Nhân chứng duy nhất là anh Thạch đã chết rồi.  Có người bị đánh chết sõng xoài ngay đồn công an còn chả làm gì được huống hồ anh Thạch về nhà mới chết?  Hơn nữa, giữa thời buổi : “Đồng tiền là tiên là phật”  mà nhà  chị Thanh   lại  nghèo rớt mồng tơi, đã  phải đi  kinh tế  mới,  thì lấy gì để mà đặt lên  cán cân công lý ?   Thôi , đành để tấm thân anh ấy  lành lặn về với ông bà!  Tấm thân ấy đã vì dân vì nước  mà bị  bom đạn băm xé trong chiến tranh,vết thương đã lành, giờ lại phải mổ xẻ  ra ,  khi đã  biết  không vạch  được mặt kẻ thủ  ác  thì chỉ càng thêm đau lòng.
Điều quan trọng là lo cho đám tang anh Thạch được chu đáo.  Chị Thanh không có điểu kiện đưa chồng  vào Đắc Lắc, xin chôn anh Thạch ở quê nhà. Họ hàng Thạch cũng đều nghèo nên mọi việc nhờ bà con hàng xóm và bạn bè cựu chiến binh. 
           >>Xin mời đọc từ:   Kỳ 1 ;   Kỳ 2 ;   Kỳ 3  ;  Kỳ 4  ;  Kỳ 5  ;  Kỳ 6  
                 Theo phong tục quê tôi không để người ngoài chết trong nhà ,  nhưng thầy Quỳnh đã phá  luật ấy, đưa anh Thạch về nhà mình.  Anh ấy chết lúc nửa đêm, còn đắp chăn để đó , chờ làm thủ tục theo quy định của chính quyền mới được khâm liệm.
              Mờ sáng chị Thanh  nói với Thận:
              - Nhờ bác ra ủy ban  khai tử và làm thủ tục mai táng giúp !
              Thận nói:
               - Thế nào ông Khiết cũng gây khó khăn cho mà xem! Thím cũng phải đi mới được.
                Chị Thanh rũ rượi như tàu lá chuối héo.  Đêm qua chị ngất lên ngất xuống mấy lần. Vốn là một phụ nữ hiền lành,  bị tai họa bất ngờ giáng xuống,  chị cố gắng gượng.
                Tôi  nghĩ  là người cùng làng , cùng họ,   và  cái chết  thương tâm của anh Thạch , thì  ít nhiều Lê Hữu Khiết cũng   mủi lòng , bớt  gây khó khăn cho chị Thanh.   Không ngờ đúng như Thận tiên đoán , thằng cha này cố chấp một cách tàn nhẫn.   
                  Chúng tôi  tới văn phòng  ủy ban lúc 7 giờ sáng, ngồi chờ đến đúng 10 giờ mới thấy Lê Hữu  Khiết khệnh khạng bước  vào.    Khiêt  mặc quần ka ki xám,  ao sơ mi vàng bỏ ngoài quần, bên ngoài  khoác áo véc đen , chân đi dép,  đầu đội mũ cối, tay cắp cặp da nâu.  Nhìn  Khiết hệt như con gà tây đang xòe cánh.
               Vừa  thấy  Khiết , chị Thanh vội đứng dậy , cúi đầu :
               - Em  chào bác chủ tịch ạ!
                Tôi và Thận cũng đứng dậy chìa tay ra .  Khiết không chào lại  chị Thanh , cũng  chả thèm bắt tay chúng tôi. Cái mặt  đỏ au như trái gấc  vác  lên, hai chân  khệnh khạng  bước  đến chỗ  làm việc .
               - Chị có việc gì?
                Khiết ném phịch chiếc cặp lên mặt bàn,  úp chiếc mũ cối lên chiếc cặp, ngồi phịch xuống chiếc ghế đẩu, hất hàm hỏi chi Thanh.
               - Thưa bác chủ tịch! Em xin làm thủ tục khai tử cho nhà em ạ!
               - Chồng chị đang ở đâu?
               - Dạ ở nhà thầy giáo Quỳnh !
                 Mặt Khiết sa xầm xuống, đôi mắt đỏ ngầu  nhìn chị Thanh hằn học.  Khiết  cũng như Kiến cho rằng nhà thầy giáo Quỳnh chính là nơi phát sinh ra những đơn khiếu nại, tố cáo chống  chính quyền.  Vừa qua  đã xúc được cái tổ ấy đi, ai ngờ trên lại thả về . Nếu   đám tang của Thạch mà tổ chức tại đó thì khác gì trái bom nổ chậm?
                 Có tiếng chuông điện thoại reo, Khiết vội cầm ông nghe. Không biết đầu dây đằng kia nói gì, Khiết càu nhàu:
                - Toàn  nhảm nhí! Ai từ chức, trả con dấu?
                 Thôi đúng có ai hỏi Khiết chuyện  từ chức và trả con dấu rồi.  Sự việc ấy mới xảy ra ba ngày còn xôn xao dư luận.
                Hôm  ấy, ngay  sau khi được tin thả thầy Quỳnh và Lê Khắc Thạch, bí thư đảng ủy Vũ Bá Kiến triệu tập họp đảng ủy mở rộng  bất thường,  rồi  kéo nhau lên huyện.  Một đám lốc nhốc  ôm  sổ sách  dấu má  ngồi chật văn phòng huyện ủy như  ăn vạ.   Kiến và Khiết  xông lên gõ cửa phòng bí thư Nguyễn Lập, rồi sang gõ cửa phòng  chủ tịch Lê Hữu Liêm.  Cả hai nơi đều cửa đóng then cài.  Kiến, Khiết bèn  xộc vào  chánh văn phòng huyện ủy.   Chánh văn phòng  cười nhạt bảo:
                - Bí thư , chủ tịch  lên tỉnh họp mấy ngày rồi.
                Bá Kiến  hỏi:
                - Ai chủ trương thả giáo Quỳnh và thằng Thạch ?
                Chánh văn phòng nói :
               - Lệnh  trên!
               - Tại sao lại thả?
               Chánh văn phòng cười nhạt:
               - Ông muốn biết thì lên tỉnh.  Một đoàn công tác của Trung ương đang ở trên đó.   Một số phái viên  sẽ về tận các  xã  nay mai...
               Chánh văn phòng huyện ủy thân mật  vỗ vai Khiết :
               - Liệu mà dấu chiếc xe ô tô, kẻo lôi thôi to!
                Khiết chửi:
               - Đù má quân  bới lông tìm vết!
                Chánh văn phòng  cười nhạt, nói với Kiến:
               - Khu đất ông xây nhà cho con trai không ổn đâu!
               Bá Kiến tỏ thái độ bất mãn:
                - Có mấy sào đất cũng bới móc!  Nói thật với đồng chí, phen này chúng tôi xin nghỉ, nghỉ hết, mặc huyện   làm sao thỉ làm.
              Chánh văn phòng vẫn cười nhạt:
               - Đâu chỉ mấy sào , mấy mẫu? Các ông về  mà lo công việc đi, đừng làm mình làm mẩy lúc này!   Giữ mới khó bỏ thì dễ!
                Nghe tay chánh văn phòng huyện ủy nói,  Kiến đâm hoảng.  Taynày còn  rất trẻ , có chân trong thường vụ, lúc nào  cũng cười nhạt , nhưng đầy tham vọng , sẵn sàng chớp cơ hội đạp lớp già  như Bá Kiến xuống bùn một cách không thương tiếc.   Bá Kiến thấy đã bị hớ khi làm mình làm mẩy với trên, bèn  nháy Khiết và  đàn em quay về.    Đang   không biết sẽ ăn nói thế  nào với  những kẻ không ưa mình trong nội bộ ,  thì Kiến, Khiết và bộ sậu  đụng đầu với mấy  lão chăn bò  ngay  trên đường về.    Mấy ông lão vốn ngang như cành bứa ấy , cố tình  nứu áo bí thư, chủ tịch lại,  nói  oang oang, giọng mỉa mai : “ Các ông về nhanh  lên. Cả xã khóc hết nước mắt rồi. Nghe tin các ông từ chức ,nhân dân thương tiếc hơn cha chết!”
                Thế mà giờ Khiết chối phắt. Chả riêng Khiết,  sự  dối trá  đã trở thành thuộc tính của  các vị “công bộc” của dân.
               Trở lại việc làm thủ tục khai tử cho anh Thạch.  Lê Hữu Khiết hỏi chị Thanh:
              - Chứng minh nhân dân ?
              Chị Thanh móc túi lấy chứng minh nhân dân của mình đưa cho Khiết. Dù người cùng làng mà Khiết nhìn hình , nhìn mặt chị Thanh  như người  xa lạ, rồi hỏi:
              - Giấy chứng minh nhân dân của Lê Khắc Thạch ?
              - Dạ đây ạ!
               Khiết  ngắm nghía chiếc giấy chứng minh cùa người chết, cặp lông mày sâu róm nhíu lại. Rồi Khiết hạch tiếp:
             - Hộ khẩu thường trú ?
             Chị Thanh mở túi xách lấy quyển hộ khẩu thường trú  đưa cho Khiết.  Hắn ngó qua, rồi lại hạch :
             - Giấy hôn thú ?
             Tôi đã từng đi khai từ cho một người thân ở Sài Gòn, chỉ cần chứng minh nhân dân là đủ.  Đây đã có  chứng minh nhân dân , hộ khẩu , còn  đòi giấy hôn thú?
             Chị Thanh nói:
             - Thưa bác!  Em nghĩ khai tử không cần  giấy hôn thú ạ?
             Khiết dằn giọng:
             - Nghĩ gì kệ chị!  
             - Thưa bác! Nhưng giấy  hôn thú  em để ở Đắc Lắc  ạ!
             - Thế thì vào Đắc Lắc !
            Chị Thanh khóc, chắp hai tay vái Khiết,  nấc nghẹn:
             - Bác Khiết ơi, bác với nhà em là chỗ họ hàng với nhau.  Chẳng may nhà em thiệt thân thiệt phận , bác làm ơn  cho nhà em nhờ.  Em cắn rơm cắn cỏ lạy bác!
            Khiết cười gằn:
            - Họ đếch  gì? Chồng chị kiện anh em tôi đấy!
           Chị Thanh  năn nỉ:
           - Thôi, nhà em chết rồi.  Xin bác  đừng cố chấp.
           Khiết vẫn giữ cái giọng cười gằn .   Có lẽ bộ mặt của một  kẻ vô lại cũng không  đến thế trước một người phụ nữ  đang đau khổ vì chồng vừa chết oan.  Bố Khiết trước kia là người hiền lành, mà hai thằng con bây giờ tham lam ác độc thế!  Hắn  nói với chị Thanh:
           -Thứ nhất  thiếu giấy tờ. Thứ hai nghĩa trang hết đất.  Không giải quyết. Muốn kiện, muốn tố  cứ việc!
           Khiết xé tờ giấy khai tử của chị Thanh , phủi đít đứng dậy.   Khuôn mặt choắt cheo của chị Thanh nhợt nhạt đẫm nước mắt.  Chị quờ quạng hai tay chới với như người sắp chết đuối tìm cọc.
            Thận  đứng phắt lên, nắm cổ áo Khiết nói :
            -Không có quy định nào đi khai tử  phải mang  hôn thú.  Đất nghĩa trang  thiếu nhiều , không thiếu  một chỗ cho  người con của quê hương.  Ông  từ chối chứng tử  và  không cho phép mai táng anh Thạch ở quê là trái pháp luật và thất nhân tâm.
             Từ trước đến giờ Thận chưa khi nào  nổi nóng .  Hôm nay  thái độ hống hách  cửa quyền  và  tâm địa tàn nhẫn của  Khiết  đã vượt quá sức chịu đựng cùa Thận.   Anh giữ  chặt cổ áo Khiết  ấn hắn ngồi xuống ghế, dằn từng tiếng:
               -Mày phải ký giấy chứng tử và cấp đất chôn anh Thạch.   Nếu không  tao vặn gãy cổ !
                Khiết  rống lên như con bò  bị chọc tiết.  Nhân viên các phòng ùa tới.  Bí thư đảng ủy Vũ Bá Kiến cách đó mấy chục mét cũng chạy sang.
               Kiến hỏi trống không:
               -Chuyện gì thế này?
               Lê Hữu Khiết lu loa lên:
               - Thằng Thận xông vào văn phòng ủy ban hành hung cán bộ! Lập biên bản ngay! Mọi người làm chứng...
                 Tôi kể lại cho Vũ Bá Kiến nghe  chuyện vừa xảy ra.   Khuôn  mặt đầy nếp nhăn của Bá  Kiến  cười cười.   Kiến chả ưa gì Khiết,  vì cùng hội cùng thuyền, và  sợ anh Khiết là chủ tịch huyện nên  gắn kết với nhau, chứ trong bụng coi nhau như cứt.  Thấy Khiết bị  Thận  túm cổ , Kiến hí hửng ra mặt. 
                Sau một phút suy nghĩ, Kiến lấy lại bộ mặt lãnh đạo , kéo Khiết sang phòng bên.  Lúc sau chánh văn phòng ủy ban gọi chị Thanh vào,  đưa cho chị tờ giấy chứng tử và tờ giấy phép mai táng , do anh ta được ủy quyền ký thay chủ tịch Khiết.   Thế là mất đúng  5 tiếng đồng hồ mới làm xong cái thủ tục cho một người chết.   Chị Thanh   vừa chạy vừa khóc về nhà thày giáo Quỳnh, để khâm liệm anh Thạch.
               Bấy giờ đã 12 giờ trưa, Thạch vẫn mở trừng trừng.   Khi xỏe  bàn tay vuốt mắt cho anh,  tôi bỗng  nhớ lại chuyện  sảy 29 năm trước.
              Đó là ngày 5 tháng Giêng tết Mậu Thân 1968. Trung đội tôi được lệnh phải chiếm bằng được cái bốt Ông Cự ở khu vực Bàu Cát , Tân Bình.   Bây giờ Bàu Cát đã trở thành  khu phố sầm uất, nhưng 29 năm trước   chỉ lả một vùng ngoại ô hoang hóa , tiếp giáp vùng căn cứ Củ Chi.
               Bốt Ông Cự có khoảng một trung đội lính dù chốt giữ.  Đã ba lần trung đội tôi vào đến hàng rào cuối cùng  đều bị đánh bật  ra.  Lần thứ tư, Hải vác  bộc phá bò lên.  Hải vừa nhô cao người đặt   bộc phá vào hàng rào, chưa kịp điểm hỏa,  thì khẩu trung liên trong lô cốt bắn ra rát rạt. Hải chới với rồi đổ sập xuống. Tôi nghiến răng xiết cò AK , và tiểu đội trưởng Thạch ôm quả bộc phá khác  lao lên.  Một tiếng nổ rung chuyển đất, khói lửa mủ mịt...
              Sau trận đánh tôi và Thạch thu gom tử sỹ.  Tám chiến sỹ trong trung đội đã hy sinh. Tất cả chưa ai bước qua tuổi hai mươi. Tám khuôn mặt trẻ măng, tám đôi mắt không chịu nhắm, cứ mở trừng trừng .  Người ta bảo những người chết oan không nhắm mắt.  Tôi vuốt mắt cho từng đồng đội , vuốt thật nhẹ , nói thành lời : “ Thôi ngủ đi Hải ơi, Len ơi, Huy ơi...! Chúng tớ sẽ trả thù cho các cậu!”  Thạch nói với tôi: “ Khi nào tôi chết, anh vuốt mắt cho tôi!”
              Không ngở 29 năm, điểu ấy lại xảy ra.  Tôi vuốt mắt cho anh, mối thù này ai trả?   
             Suốt đêm người đến viếng Thạch không ngớt.  Thận nói  làng tôi  chưa có đám tang nào đông như thế.   Dân trong làng , ngoài xã và cả người huyện khác cũng đến viếng .  
              Ruỹnh thay mặt ban tổ chức đọc bài điếu văn , nêu tóm tắt tiểu sử Lê Khắc Thạch. Anh sinh ra và lớn lên ở làng Hạ, là con liệt sỹ Lê Khắc Thuật.  Năm 1965,  vừa tròn 18 tuổi, Thạch  xung phong đi bộ đội, từng chiến đấu ở miền Đông Nam Bộ, bị thương, bị dịch bắt, nhưng vẫn một lòng trung thành với Tổ Quốc, nhân dân.   Gần ba tháng trước anh về quê với mục địch xây lại ngôi mộ cho bố vợ và đưa hài cốt người em ruột hi sinh năm 1979 ở Lạng Sơn về nghĩa trang liệt sỹ.   Tình cờ gặp  lại anh em  cựu chiến binh trong xã, được biết những việc làm sai trái của chính quyền địa phương , như tận thu hàng chục loại phí, phá đình chùa, chiếm đất, tham những,   hối lộ,  cửa quyền , hách dịch , ép dân vào đường cùng.  Với bản chất trung thực, thấy chuyện bất bằng  không né tránh, Thạch đã nhập cuộc đấu tranh chống tham nhũng với anh em cựu chiến binh .   Anh  bị bắt khi đang ký vào lá đơn tố cáo Lê Hữu Liêm, Lê Hữu Khiết và một số cán bộ thoái hóa biết chất ở xã.  Vì Thạch từ  Đắc Lắc  vể,  bị  nghi là phần tử phản động  đến  địa phương  tổ chức kích động lật đổ chính quyền.  Sau hơn hai tháng bị  hành hạ ,  đánh đập tàn nhẫn , anh đã chết oan ức giữa  quê hương mình.   Đoạn cuối bài điếu văn giọng Ruỹnh nghẹn lại:
                                        Thạch ơi!
                                        Xin vĩnh biệt anh!
                                        Chút tình đồng đội ta giành cho nhau.
                                        Thưở bom đạn rít trên đầu,
                                         Người trước ngã , tiếp người sau lẽ thường!
                                         Ta thề giữ đất quê hương,
                                         Dẫu rằng nát thịt,  tan xương chẳng nề.
                                         Bao nhiêu đồng đội không về,
                                         Trước khi nhắm mắt nói gì với nhau?
                                          Có ai ngờ đến mai sau,
                                          Người về lại chịu nỗi đau nhường này?
                                          Có ai ngờ giữa hôm nay,
                                          Anh bơ vơ giữa đất này Thạch ơi?
                                          Nỗi đau không nói lên lời,
                                          Hóa thành tia chớp giữa trời đêm đông...
                 Không có vòng hoa, nén nhang nào của chính quyền và các ban ngành đoàn thể địa phương. Nhưng vòng hoa sáng rực quanh quan tài Thạch và khói hưng nghi ngút bốc cao.  Dòng người đưa  tang  nối dài từ chân con đê ra tận bờ sông.  
                 Mộ Thạch chôn giũa mảnh đất  ngày xưa chúng tôi thường buộc trâu xuống sông tắm .  Ngôi miếu cô hồn  dưới gốc cây đa vẫn còn y nguyên chiếc bát nhang sành .   Bãi lau sát bờ sông cũng vẫn như ngày trước , gió chiều thổi rạp những bông lau .  Mảnh đất quê tôi vẫn hiền lành qua bao nhiêu biến thiên của lịch sử , nhưng số phận con người quay quắt đến nỗi không nhận ra nhau...
                 Hôm đó đã là 20 tháng Chạp. Tôi thắp thêm trên mộ Thạch nén nhang rồi nói với Thận và Ruỹnh:
                - Ngày mai tôi  quay vào Nam, hai ông ở lại mạnh khỏe!
               Thận hỏi:
                 - Những việc vừa qua có đăng báo không?  
               Tôi nói:
                - Đăng!
                - Chắc không?
                - Chắc!
                 Tôi hứa như đinh đóng cột như vậy vì  đã gặp một phái viên của chính phủ.  Ông nói với tôi : “ Vấn đề ở  đây cũng là vấn đề của cả nước. Chẳng có thế lực thù địch nào  cả.  Những chính sách về ruộng đất  bất hợp lý tích tụ lâu ngảy,  vấn đề quyền tự do  dân chủ trong đảng vả nhân dân bị hạn chế ,  vấn  nạn tham nhũng hối lộ  và ức hiếp quần chúng   gây bức xúc quá  nên bùng vỡ.   Muốn giải quyết triệt để phài xử lý nghiêm cán bộ  thoái hóa  biến chất,   thực hiện  minh bạch hóa, công khai hóa ...”
               Nhưng tôi đã thất hứa với Thận và Ruỹnh.  Những bài báo tôi viết không được đăng.
              Trái lại, tôi nhận được thư của Ruỹnh báo tin Thận đã bị bắt.  Lê Hữu Khiết làm đơn tố cáo Thận hành hung mình và một lô một lốc nhân viên ủy ban xã Thái An đã ký tên làm chứng.
                Lê Hữu Khiết từng đánh phó chủ tịch Nguyễn Văn Thức đổ máu đầu vô can. Thượng úy Qúy đánh dập lá gan Thạch dẫn đến cái chết vẫn vô can.  Thận chỉ nắm cổ áo Khiết ấn hắn ngồi xuống ghế làm cái việc phải làm lại có tội!  Cái cảnh phải trái đảo điên trắng đen lẫn lộn ấy đã khiến thầy giáo Quỳnh lên cơn đau tim đột ngột và ra đi ngay trong đêm Thận bị bắt.
              Gần nửa năm sau , một phiên tòa đã được mở để xét xử bọn quan tham. Trong hàng ghế bị cáo tôi nhìn thấy có Lê Hữu Khiết, Vũ Bá Kiến, Nguyễn Xuẩn... và cảm thấy hơi mát ruột vì nghĩ  cuối cùng thì vẫn còn công lý.
             Nhưng chẳng riêng tôi mà nhiều người lại thất vọng.  Gần hai chục quan tham, mỗi  tay  nhân thủ quỹ phải ngồi tù hai năm, còn tất cả án treo. Thì ra lài vẫn chỉ là trò giơ cao đánh khẽ để an dân.
             Phiên tòa ấy như gầu nước dội vào đám cháy. Ngọn lửa không tắt mà vẫn âm ỉ .  Chờ dịp bùng lên dữ dội hơn.
     M D
           (Hết)
--------------
                                              

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét