Thứ Ba, 3 tháng 12, 2013

MỘT THỜI ĐÃ SỐNG - Kỳ 6

VI - ĐÊM TRẮNG
 * MINH DIỆN 
                … Thầy giáo Quỳnh được trả tự do  sau  khi diễn ra cuộc biểu tình bao vây ủy ban nhân dân huyện không lâu.  Cùng được thả với thầy  còn có đại úy cựu chiến binh  Lê Khắc Thạch, bị bắt từ những ngày đầu sảy ra biến cố khi đang ký đơn tố cáo tham nhũng ở làng Hạ.
                Vừa biết tin, cả xã  xôn xao bàn tán.  Mấy  chục  người  từ các nơi rủ nhau về  nhà thầy giáo Quỳnh,  mang theo cờ quạt chuẩn bị đón rước.   Một tấm băng rôn đỏ chói dán hàng chữ : “ Chào mừng thầy Quỳnh và cựu chiến binh Lê Khắc Thạch  chiến thắng trở về” chăng ngang cổng làng Hạ.
 Bí thư  đảng ủy xã Vũ  Bá Kiến hốt hoảng  triệu tập cuộc họp đảng ủy bất thường.  Mấy hôm trước  nhìn  chủ tịch Khiết bị lột trần ném xuống ao bèo, mặt Kiến cắt không còn hạt máu. Đêm xảy ra cuộc biểu tình cả Kiến lẫn Khiết và Đạo đều không dám ngủ ở nhà , khăn gói lên huyện tá túc trong  đồn công an.   Những ngày qua tình hình còn căng thằng phức tạp hơn.  Ba trăm  người dân xã Thái Ninh  đã xông vào trụ sở đảng ủy, ủy ban ,  bắt bí thư đảng ủy , chủ tịch  và trưởng ban tài chính , cán bộ địa chính, điện lực, khuyến nông ... giải lên huyện.  Dưới trời mưa , rét như cắt , hơn chục cán bộ bị trói chung một sợi dây thừng,  bị dong như dong trâu.  Trên đầu mỗi  người đội một chiếc mũ trùm gần hết mặt , làm bằng mo cau có hai chữ “ quan tham!” Suốt chặng đường bảy, tám cây số bị xỉ nhục, thậm chí bị ném bùn đất vào mặt.
              Tại xã Thái Ấp ,đại diện nhân dân chất vấn ủy ban vể các khoản phí và tiền bán đất công.  Chủ tịch mang hơn một trăm triệu đồng được nhà thầu lại quả công trình đường liên thôn trả lại công quỹ.  Bí thư đảng ủy và mấy cán bộ khác cũng làm theo. Nhưng số tiền trả lại so với tiền đã tham nhũng không thấm vào đâu, nên họ vẫn bị  giam giữ chất vấn.
              Huyện điều công an về , bắt mười người đại diện nhân dân chất vấn và giam giữ chính quyền.  Lập tức dân các nơi kéo đến bao vây , giành giật lại người, đốt cháy xe công vụ và bắt 20 cán bộ chiến sỹ công an giam trong đình làng...
               Những cựu chiến binh tổ chức  đấu tranh  chống tham nhũng , đòi thực hiện công khai minh bạch hóa, đòi dân chủ và công bằng xã hội   không hề  có chủ trương đập phá ,  bắt bớ  làm nhục  cán bộ .  Nhưng khi lòng dân không kìm nén được nữa thì sự cực đoan khó tránh khỏi.
                Vũ Bá Kiến nơm nớp lo sợ cảnh ấy sẽ đến với mình. Việc cấp trên thả thầy Quỳnh và Thạch càng  làm Kiến hốt hoảng. Kiến cảm thấy bất mãn  khi cấp trên không hỏi ý kiến cấp dưới việc thả ngưởi này.   Khuôn mặt đầy nếp nhăn của Kiến  biến sắc , lúc vằn đỏ, lúc xạm đen,  bộ dạng  hấp tấp,vừa lo sợ vừa bực bội .
               - Tại sao thả ?  Thế là nối giáo cho giặc!
                Vũ Bá Kiến đập bàn chan chát,  hỏi các đảng ủy viên khi vừa  bắt đầu cuộc họp.  Mọi người  dáo dác  nhìn nhau.  Chủ tịch Khiết nói:
                -Bí thư  không biết thì ai biết?  Phen này mấy bố  “mang con bỏ chợ” ?
              Vũ Bá Kiến bực tức trút giận lên cấp trên:
                - Nghị định 279 giảm mức khoán sản, giảm thuế, giảm  phí, đẻ ra khiếu kiện , biểu tình, phá rối kỷ cương.  Sai tầy đình! Bây giờ lại hữu khuynh. Chúng nó dựa vào thế lực thù địch, làm thơ chửi đảng, vu khống , đốt nhà cán bộ, bắt cán bộ đảng viên dong trên đường bêu riếu  như  địa chủ ngày xưa...Thế mà không nghiêm trị, lại  thà hổ về rừng, nối giáo cho giặc. Tôi nói cho các đồng chí biết, ngày mai, ngày kia  giáo Quỳnh với thằng Thạch  sẽ  kích động quần chúng  trói  chúng ta như bên Thái Ninh cho mà xem.   Phải  lên huyện  hỏi ông Lập, ông Liêm  xem các ông tính thế nào? Nếu cần thì lên tỉnh. Nước đến chân mới  nhảy là chết cả nút...
             -  Phải hỏi cho ra nhẽ, xem đây có phải chủ trương của Trung ương không?
            -  Mang hết dấu má , trả các ông ấy!
              Mọi người nhao nhao hưởng ứng.  Vũ Bá Kiến cầm con dấu đàng ủy đặt mạnh lên bàn quát:
            - Trà ,  nghỉ!
             Chủ tịch Lê Hữu Khiết gọi chánh văn phòng mang con dấu ủy ban  đến để cạnh con dấu đảng ủy.  Lúc sau các con dấu của  công an, xã đội, phụ nữ, thanh niên... được gom thành một đống.  Và đoàn người kéo nhau lên huyện trả dấu , từ chức tập thể.  Thái độ bất mãn, làm mình làm mẩy với cấp trên của lãnh đạo xã Thái An làm trò cười cho dân.
             Ruỹnh  ngổi giữa sân nhà Thận,vừa giõ trống  vừa kéo nhị vừa  hát điệu sa lệch chênh rất tếu:
                           “Thắng lợi huy hoàng!
                             Dân ta  thắng lợi huy hoàng!
                             Gìành quyền làm chủ xóm làng từ đây,
                             Vùng lên diệt lũ sói cầy,
                             Quan tham  xanh mặt chân tay rụng rời,
                             Chúng bay có chạy đằng trời...”
              Thận nói với Ruỹnh:
             - Chú  lạc quan tếu !
              - Tếu là thế nào? Ruỹnh cãi- Anh không thấy chúng nó xón cứt ra quần à? Phải thả người là một bàn  thua trắng  còn gì?  
              Thận hút điếu thuốc lào, hướng cặp mắt hình quả trám  nhìn Ruỹnh , rồi nhìn đám khói thuốc vón lại trong làn sương chiều lạnh giá, nghiêm giọng nói:
              - Chú nghĩ  chính quyền thua là nhầm to!
              Ruỹnh vẫn cãi:
              - Sao  thả người?
              Thân  nhích mép cười , lúc sau mới nói ra cái ý nghĩ có lẽ đã chín trong đầu:
               - Họ thả  không phải vì chịu thua dân!  Xưa nay  chính quyền có chịu thua dân bao giờ?  Họ luôn nắm đằng chuôi! Mấy năm nay   bao  nhiêu đơn từ khiếu nại của dân  vứt xó.  Đơn tố cáo tiêu cực, tham nhũng  ỉm đi. Dân làm gì được ?   Cuộc  biểu tình hôm bị  đàn áp  thẳng tay . Thế  mà bảo  chính quyền  thua dân thì không  lạc quan tếu là gì?
                - Thế tại sao thả thầy Quỳnh và ông Thạch?
                - Vì sao rồi chú sẽ biết!
                   Tôi  tin những nhận xét khách quan của Thận.  Từ  hôm về quê , tôi đã được Thận cung cấp  nhiều thông tin,  giúp  hiểu được bản chất của vấn đề phức tạp  đã và đang xảy ra mà trước đó tôi  rất mù mờ.  Cũng như Thận, từ  mảnh đất này tôi   lao vào cuộc chiến tranh , nhưng  rồi nửa đời còn lại  biền biệt ở miền Nam ,giữa một thành phố lớn, tách  khỏi  quê mình.   Trái lại, Thận buông súng là trở về  nơi  chôn rau cắt rốn, bám vào mảnh đất nghèo,  cân đong đo đếm từng hạt thóc, củ khoai,   sống giữa những kẻ tráo trở,  tham lam và những người người bị vùi dập, hắt hủi ngay  trên   quê mình.   Thận  không lựa gió bẻ măng, cũng không co lại như con giun mặc cho kẻ khác dẫm đạp, mà  kiên quyết  đấu tranh với những kẻ thoái hóa biến chất như Kiên, Khiết , Liêm... mà Thận gọi là  “ bọn cường hào mới”.  Có  điều  đúng như cái tên cha mẹ đặt cho, Thận rất thận trọng,  không  hăng máu  bốc đồng , nên mặc dù bọn  Khiết, Kiến ở xã ,  Lập, Liêm trên huyện coi Thạch như cái gai  nhưng chưa  nhổ được.
                 Đoàn người đi đón thầy Quỳnh và Thạch  đứng chờ từ bảy giờ sáng trước cổng  trại giam.  Khoảng 9 giờ cổng trại giam mới mở, hai chiến sỹ công an dẫn thầy Quỳnh và Thạch ra.
               Thầy giáo  Quỳnh mới bị giam  hơn hai tuần , nhìn đã già thêm vài tuổi,  đầu  trọc lốc  như đầu  con chim  sẻ vặt trụi lông , mặt tóp lại, chỉ  còn hai hốc mắt sâu hoáy.  Thạch  bị giam hơn hai tháng , da  vàng bủng như bị sốt rét ác tính, đi không vững, tôi và Thận phải xốc nách dìu  từng bước.
            Thạch hỏi tôi :
            - Ông về bao giờ?
            - Sau khi ông bị bắt!
            Thạch cười buồn:
            - Ba chục năm mới gặp lại nhau nhỉ!
            Tôi với Thạch cùng nhập ngũ năm 1965, ở đại đội 4, tiểu đoàn 2, trung đoàn 239.  Một thời gian sau  tôi đi học sỹ quan , thạch ở lại.   Đầu năm  1967 tôi ra trường ,  được điều về   đoàn 1506,  làm trung đội trưởng,  nhận tân binh huấn  luyện  đi  B, tình cờ gặp Thạch  cũng  được điều về làm tiểu đội trưởng .  Giữa  1967 chúng tôi hành quân vào B2, tham gia chiến dịch  Mậu Thân 1968.  Sau đó tôi lên cơ quan chính trị làm báo, Thạch  chuyển sang một đơn vị công binh trực thuộc Sư đoàn 5.  Năm 1972 tôi nghe tin Thạch hy sinh  ở Bình Long, nhưng năm 1974 thì biết Thạch  chỉ  bị thương , bị bắt làm tù binh, giam ở Phú Quốc, và đã được trao trả ở bờ sông Thạch Hãn, Quảng Trị.  Sau  giải phóng, tôi về  quê   mấy lần  nhưng   không gặp  Thạch,  Thạch  đã đưa gia đình vào Đắc Lắc xây dựng vùng kinh tế mới.  Không ngờ  hôm nay gặp lại nhau  trong hoàn cảnh đáng buồn như thế này.
            - Sao ông lại về quê để bị bắt? Tôi hỏi Thạch.
            - Chuyện dài , để nói sau! Thạch trả lời giọng mệt mỏi.  
             Tôi nhìn Thạch, cảm thấy rất  ái ngại.  Khuôn mặt vuông chữ điền đầy đặn rám nắng    đã  thay  bằng  một khuôn mặt  nhọn hoắt ,xám đen, vóc dáng lực lưỡng  rắn chắc  như  đá tảng   giờ khẳng khưu, rệu rã  trong bộ  quần áo rộng thùng thình. Thạch  tiều tụy,  biến dạng  đến mức tôi  không nhận ra.
              Buổi sáng  cuối đông  mịt mù , giá buốt, Thạch run lẩy bẩy nép sát vào tôi và Thận.   Những  người  đi đón thầy Quỳnh và Thạch cũng  vón vào nhau từng cục  trên con đường về làng.  Bỗng  ba chiếc xe mô tô cảnh sát đuổi theo,   kè sát chỗ tôi và Thạch.   Thạch chỉ viên  thượng úy ngồi trên thùng chiếc xe giữa hỏi tôi:
             - Ông có nhận ra thằng kia không?
              Tôi nhìn  viên thượng úy mập mạp, mặt ngắn .
              - Ai nhỉ? 
              Thạch bảo:
             - Thằng Qúy đấy!
             - Qúy nào?
              - Qúy tiểu đội 1. Tôi và ông khiêng nó đi cấp cứu trên đường Trường Sơn. Quên rồi à? 
               Ba chục năm rồi còn gì! Ai mà nhớ hết được những gì đã sảy ra trong chiến tranh giữa bề bộn đời thường?  Tôi đưa mắt nhìn kỹ viên thượng úy. Có phải đấy là  Qúy?   Bao  khuôn mặt đồng đội bỗng thấp thoáng trươc mắt tôi. Hình ảnh những  người anh em  bị vùi lấp trong bom đạn , quằn quại trong bệnh tật  hiện lên rõ dần...
               Bấy giờ đang giữa mùa  mưa năm 1967 .  Đơn vị đã  hành quân được nừa đường  vào  chiến trường.   Qúy sốt liên tục mấy ngày, mê man,  đơn vị quyết định đưa vào trạm quân y.  Có thể cử hai chiến sỹ khiêng Qúy đi, nhưng tôi và Thạch muốn trực tiếp đưa cậu tân binh trẻ nhất trung đội, là đứa em cùng quê vào trạm quân y.  Thạch khiêng đằng đầu tôi đằng chân.  Qúy nằm gọn  lỏn trong chiếc võng  bạt .   Đường đến  quân y Binh trạm phải  băng qua cánh rừng già nước bạn Lào.  Mưa dấm dứt, rừng đại ngàn âm u, vắt quăng rào rào trên lá mục.  Vai  tôi oằn xuống vì vừa đeo ba lô, súng đạn vừa khiêng  Qúy.   Thạch rất khỏe, dù phải đeo thêm  ba lô của Qúy  vẫn đi băng băng.  Qúy nằm trong võng lúc quằn quại rên la lúc  lịm đi như chết.
                Bỗng  trời đất chao đảo , cây gẫy đổ  rầm rầm, khói lửa mù mịt.  Một trận bom B2 ập xuống.  Bom rơi uỳnh uỵch chung quanh, chớp lửa nhoáng nhoàng.  Tuyệt nhiên  không nghe tiếng nổ .  Tai đã điếc đặc.  Tôi , Thạch và Qúy mỗi đứa văng mỗi nơi .  Khi tỉnh dậy,  tôi  thấy người mình cứng đơ , tim ngẹn thở. Tôi  ép mình  sát xuống mặt  đất,  cầu trời trận bom qua đi.  Khi mặt đất  hết rung chuyển, tôi mở mắt nhìn chung quanh , hy vọng sống lóe lên trong sự hốt hoảng tuyệt vọng.
                 May mắn  cả ba chúng tôi đều thoát chết.  Một sự lựa lọc nghiệt ngã của  số phận !  Sau giờ phút kinh hoàng,Thạch và tôi lại khiêng Qúy luồn lách giữa khu rừng vừa bị bom đào xới tìm đến trạm quân y.  Tôi  bước  chập chuội, văng mạng. Có lúc mắt tôi hoa lên, hai đầu gối khuỵu xuống. Thạch  thúc:
               - Đi mau lên! Kẻo  Qúy chết mất.
                 Qúy nằm trong võng,  hơi thở  phát ra khò khè.  Thạch  thúc tôi đi nhanh để cứu Qúy.  Có lúc tôi cảm thấy Thạch kéo lê tôi trên mặt đất.  Đến trạm quân y đã gần 2 giờ khuya.  Một tay y tá mắt nhắm mắt mở, lật võng lên, bấm đèn pin soi vào mặt  Qúy, rồi càu nhàu nói với chúng tôi:
               - Chết  rồi  còn mang tới đây làm gì?
               Thạch  nói :
               - Chết là chết thế nào!
               - Cậu này hay nhỉ! Chết rồi còn gì?
               Thạch áp tai vào ngưc Qúy:
               - Chưa chết hẳn! Còn thở!
               Tayy tá nói:
               - Không cứu được nữa đâu, tin tớ đi!
                Thạch túm áo tay y tá :
                - Mày coi rẻ mạng sống đồng đội thế à?  Bác sỹ đâu?
                Tiếng thét của Thạch  lôi  bác sỹ  từ  dưới hầm lên.   Qúy được đưa ngay vào cấp cứu ,  thoát khỏi bàn tay tử thần  trong gang tấc. Hôm sau Qúy tỉnh hẳn. Chúng tôi bàn giao Qúy cho trạm ,  đuổi theo đơn vị. Lúc chia tay Qúy ôm  Thạch khóc :
                - Suốt đời  em không quên hai anh!
                Tôi hỏi Thạch:
                - Nó đối với ông thế nảo?
                Thạch cười mỉa mai:
                - Tỏ ra không quen biết!
                - Thật thế ?
                - Đùa à!
                  Tôi  nhìn lại viên thượng úy công an.  Khuôn mặt ngắn nổi những múi thịt,  hai vai u  như  vai trâu mộng.   Ngày xưa Qúy nhỏ bé,  khuôn mặt hiền lành dễ thương kia.  Tôi nói với  Thạch:
                 - Có khi ông nhầm?
                 - Nhầm sao được!
                   Thân bảo :
                  - Chính là  Qúy  em vợ tay  Liêm chủ tịch huyện đấy.   Năm 1975 chuyền từ bộ đội sang công an mới có trung sỹ.
                  Tôi  nói:
                  - Thế thì phải nói chuyện với nó! Không thể tha thứ kẻ phản bội đồng đội!
                  Thạch phẩy tay :
                  -Nói làm gì với đồ  rác rưởi!  Chúng nó  quên cả nhân dân và Tổ Quốc kia!
               Thầy Quỳnh và Thạch về đến làng , mọi người chưa kịp hỏi han sức khỏe  thỉ công an tới yêu cầu giải tán.  Qúy ra lệnh  Thạch rời  khỏi địa phương ngay lập tức. Thầy Quỳnh nói với Qúy:
                 -Anh Thạch đứng  không vững, vợ con trong Đắc Lắc chưa ra đón kịp, đi đâu  giờ?  Anh ấy người làng này, bố anh ấy là liệt sỹ nằm trong nghĩa trang kia,  anh ấy cũng từng  đi đánh giặc , và là người đã  cứu  anh thoát chết  ở Trường Sơn, sao bây giờ lại nỡ cạn tàu ráo máng với nhau như thế?
                 Qúy trợn  mắt nhìn thầy giáo  Quỳnh. Những múi thịt trên mặt Qúy giần giật ,  hai  mắt  như hai cục lửa. Tôi cảm thấy ánh mắt  ấy muốn thiêu cháy  thân hình  già nua của thầy.   Nhưng rồi  Qúy nhảy lên xe phóng đi.  Hắn  xấu hổ vì bị thầy Quỳnh vạch mặt trước dân làng,  hay  sợ  đám đông đang bao vây chung quanh ?  Có lẽ Qúy chưa quên  những  đồng nghiệp bị dân bắt trói  ở Thái Ấp  vì thái độ quá hung hăng...
                Thạch nhìn theo Qúy bằng ánh mắt khinh bỉ.  Thạch  kể , ngay từ lần gặp đầu tiên,  Qúy đã nhận ra anh , nhưng  giả bộ không quen biết. Và hắn  đánh đòn phủ đầu  : “ Dù tôi quen ông nhưng chuyện nào ra chuyện đấy!  Không để tình cảm xen vào công việc. Ông thành khẩn khai báo sẽ được pháp luật khoan hồng, ngoan cố sẽ bị nghiêm trị!”
               Suốt hơn hai tháng,  Qúy quần Thạch tơi tả chỉ với mục đích ép Thạch phải nhận từ Đắc Lắc về quê  để thực hiện kích động quần chúng chống phá chính quyền theo sự chỉ huy của tổ chức phản động nước ngoài.  Thạch bác bỏ sự vu khống đó,  gạch nát các bản cung Qúy cố tình bịa đặt.   Không khuất phục  được Thạch , bị cấp trên khiển trách , Qúy lồng lộn  ra tay hành  hạ   Thạch .   Hình hài tiều tụy và  biến dạng của Thạch  là do những ngón đòn mà Qúy và  bọn đại bàng trong các phòng giam đã thực hiện.  Mới chiều qua,  khi biết Thạch được trả tự do, Qúy còn lôi Thạch lên,  bắt ký xác nhận được đối xử  tử tế ,  không bị xúc phạm thể xác cũng như tinh thần  trong thời gian bị giam giữ.  Thạch không ký, bị Qúy đá vào bụng , đến nỗi  không đi nổi. 
               Thạch về được hai  ngày thì trở bệnh nặng. Chúng tôi đưa anh lên bệnh viện tỉnh. Bác sỹ khám chẩn đoán anh bị dập gan kín ,  ứ máu  trong màng ,dẫn đến  nề phù.  Trời ơi, không ngờ những cú đá của Qúy hiểm ác như vậy?
                Thận đánh điện tín vào Đắc Lắc gọi vợ con Thạch ra gấp. Đêm hôm sau chị Thanh và cháu Dung ra tới nơi thì bệnh Thạch đã trở nặng. Anh ho và thở dốc, ngước cặp mắt trũng sâu nhìn vợ con và mọi người. Như có một  đám sương mù lởn vởn trên khuôn mặt xám đen của anh. Anh cười, nhe hàm răng vàng cáu thuốc lào trên cái lợi xám xì, nói với mọi người:
            -Không ngờ  một thằng lính  vào sinh ra tử mấy chục trận như tôi, bị đạn Mỹ xuyên thủng ruột ở Bình Long  không chết, bị tù ở  “địa ngục trần gian” Phú Quốc  cũng không chết , mà bây giờ chết bởi cú đòn của kẻ từng là  đồng  đội và đã được mình cứu sống!
              Chị Thanh ôm ghì lấy chồng :
              - Không,  anh không  được chết! Anh đừng  chết , anh Thạch ơi!  Các con còn nhỏ lắm anh ơi! Bác sỹ ơi cứu  chồng tôi...
              Thạch vặn người đau đớn. Máu ứa ra miệng anh. Mắt anh trợn ngược lên   ra đi trong đau đớn uất hận.
                Chị Thanh bảo anh Thạch đang  khỏe mạnh xốc vác, chẳng có bệnh tật gì. Anh  về quê  để  xây lại ngôi mộ cho bố vợ, và  lên Lạng Sơn đưa hài cốt của người em trai hy sinh năm 1979.  Vừa về thì  gặp anh em bạn bè cựu chiến binh, nghe kể nhiều chuyện ngang tai trái mắt , vốn tính ngay thẳng, thấy chuyện bất bằng không để yên, thế là nhập  đấu tranh chống tham nhũng một cách quyết liệt.
               Chị Thanh nức nở: 
                - Mấy lần tôi ra thăm chồng họ không cho thăm! Bảo anh ấy ngoan cố không chịu nhận tội nên không cho thăm nuôi! Chồng tôi có tội gì mà nhận hở trời!
               Đêm lạnh buốt. Chúng tôi ngồi  quanh Thạch giữ hơi ấm cho anh. Bầu trời  đen kịt thỉnh thoảng lại nứt ra một vạch lửa chói lòa. Ngoài bờ tre, những đốm lân tinh như đom đóm lập lòe . Có phải đó là linh hồn những người lính chết oan về đón Thạch.  Thạch chết tức tưởi, oan ức khi mới tròn 50 tuổi.  Anh chưa kịp làm cái việc ý nghĩa nhất cùa đời mình, là xây lại nấm mộ cho bố vợ, và đưa hài cốt của người em liệt sỹ về nằm cạnh người cha liệt của mình.
                    Chúng tôi thức trắng đêm bên Lê Khắc Thạch,  đã đọc cho Thạch nghe những bài thơ  về nỗi đau khôn cùng của người lính, với niềm  hy vọng linh hồn anh được nguôi ngoai trong nỗi đau chung.
                 “   Anh  nhớ bữa nay là ngày giỗ các anh.
                      Những chiến sỹ trận vong cà nước!
                      Anh nghe thấy tiếng gọi hồn thảng thốt
                      Của những người đàn bà kêu tên chồng,tên con
                       Bên đám ruộng dưa
                       Anh thấy những linh hồn thất thểu trong mưa
                       Rách rưới lầm than nham nhở
                       Đó là những người lính anh không biết tên
                       Cũng không biết họ
                       Phần đông chết ở Trường Sơn,
                       Ở Lạng Sơn,
                       Có những người về từ đất giặc
                        Những linh hồn cứ ôm nhau mà khóc
                        Nước mắt bay tím khói lam chiều" ...
        (Còn nữa)
----------------       

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét