Thứ Tư, 11 tháng 12, 2013

Có thể STOP hay giảm thiểu gian tham được không?

 
Câu trả lời là Yes, We Can – Vâng, Chúng ta có thể. Làm từ bây giờ, ngay sau khi đọc xong entry này. Tham Sân Si là những ba đức tính độc ác ẩn giấu trong mỗi con người mà Tham là khởi nguồn của Sân và Si. Chế ngự được Tham thì những căn bệnh sau sẽ hết.
Nếu ai từng chót dại tham chút hãy dừng lại. Chưa đụng tới của gian bao giờ nên cố gắng phát huy, hãy làm gương cho người xung quanh, cho con cháu, cho gia đình, cho cấp dưới, và cả cấp trên, từ gia đình đến xã hội, chắc chắn sẽ bớt đi cảnh tranh cướp bia như tại bùng binh Tam Hiệp (Đồng Nai).
Tranh cướp khắp thế giới
Nó từng xảy ra từ thuở hồng hoang, tới bây giờ sau hàng chục ngàn năm và sẽ còn mãi. Ngay tại nước Mỹ văn minh vẫn có nhiều.
Năm 1977, tại New York xảy ra vụ mất điện, thế là bọn cướp hoành hành phá phách khắp thành phố. Năm 1992, vụ cướp ngang nhiên ở Los Angeles giữ ban ngày. Năm 2005, CNN chiếu cảnh cướp trắng trợn sau cơn bão Katrina. Bão vừa làm tan hoang thành phố, nước lụt dâng lên, dân New Orleans đổ xô vào các cửa hàng Wal-Mart, Safeway…vác đi đủ thứ từ tivi, tủ lạnh, đồ ăn, thức uống, cả cần câu cá.
Năm 2010, sau vụ động đất ở Haiti, sự cứu trợ đến muộn, dân đói nên tìm bất kỳ thứ gì để mang về nhà. Tháng trước thôi, ở Philippines sau cơn bão Haiyan cũng tương tự. Năm 2011, vụ nổi dậy đốt phá ở London, bọn trẻ tranh thủ đốt phá, cướp hàng trắng trợn.
Kể ra trên thế giới còn biết bao những vụ kinh hoàng. Nhưng không thể dùng đó làm lý do giải thích, thế giới cướp thì chúng ta cũng bắt chước.
Nói về chuyện vượt thảm họa, thế giới phải nể trọng người Nhật qua trận động đất và sóng thần vào tháng 3-2011. Cả một vùng rộng lớn đổ nát hoang tàn, hàng chục ngàn người chết, thế mà không xảy ra một vụ trộm cướp lớn nào.
Không chỉ do luật pháp nghiêm minh, mà do người Nhật luôn đưa đạo đức và lối sống trong sạch lên hàng đầu, dù quốc gia này từng đi xâm lược các nước khác trong thế chiến thứ 2. Có được hình ảnh đó là họ biết thay đổi hành vi kể từ khi thất trận.
Người Việt nên học nước Nhật ở điểm này. Không thể lấy ví dụ Đường Tăng hối lộ cái bát vàng để lấy kinh ở Tây Trúc từ nghìn năm trước trong truyện hoang đường “Tây Du ký” mà người cộng sản nên tránh, để giải thích, nước mình làm sao tránh được nạn hối lộ, tham nhũng, ngụy biện cho hành động ăn cắp, cướp trắng trợn, ngồi trên pháp luật của những kẻ quyền thế.
Ở tầm lãnh đạo quốc gia mà còn dựa vào tình tiết  Phật đòi “hối lộ”, dù chuyện trong Tây du không hề có ý thế, để giải thích cho quốc nạn tham nhũng đang làm lung lay chế độ, thì hàng trăm người tranh cướp bia cũng đủ lý lẽ để nói tại sao họ làm điều xấu.
Trẻ làng mót lúa và hôi cá
Thuở chăn trâu, mót lúa, hôi cá của hợp tác xã tát ao, đứa trẻ nào chả tham, trong đó có cả lão Cua. Bác nào từng đi làm việc này, hãy thú nhận trước khi bàn cách dạy con cháu thật thà dũng cảm.
Gặt lúa là lấy cái liềm hay cái hái hớt phần trên ngọn có bông lúa, phần rạ để cắt sau. Mót lúa đi sau người gặt, tìm những bông rơi vãi hay gẫy gập xuống dưới để nhặt. Gặt lúa cho hợp tác, bố mẹ đi trước, con cái theo sau. Các bà gặt dối, có khi chừa lại cả đám lúa, con cháu theo sau cứ thế vặt lấy vặt để. Lúa mót của con nhiều hơn phần lúa do công điểm của bố mẹ.
Hợp tác có hàng loạt ao thả cá, cuối năm tát cạn để thu hoạch vào dịp tết. Khi ao cạn, người ta bắt hết cá nổi như chép, mè, trắm, nhưng lũ cá quả, rô, trê…lại chui dưới bùn.
Người lớn xuống mò, con cháu theo sau, lùa tay bắt những con tôm tép, cá rô bé tý, còn sót gọi là hôi cá. Các bà các cô biết con cháu đi theo, thỉnh thoảng dúi cho một con cá quả to đùng. Đôi khi, giỏ cá hôi nhiều hơn phần được chia của hợp tác.
Bây giờ đã lớn tuổi, lúc chén rượu vui buồn, nghĩ lại chuyện mót lúa hay hôi cá thuở nào, đám nhà quê chúng tôi, dù đã ở tuổi tri thiên mệnh, vẫn thấy xấu hổ.

Thay đổi hành vi từ những chuyện đời rất nhỏ
Thuở đói nghèo lầm than là thế. Sau này, ở thành phố, chẳng phải vì con cái nhà giầu không tham. Bé con mới chào đời tham ăn, tham uống, tham đồ chơi. Nhà mình đã có nhưng tới nhà bạn thấy hay hay, đòi mang về.
Anh Đặng Tri Hiền làm KTS cho nhà này ở làng Trích Sài. Khi khánh thành nhà, tôi mời gia đình anh đưa cháu trai 3 tuổi tới chơi. Cu Luck có rất nhiều oto, xe hỏa, máy bay. Cùng lứa nên thằng cu kia có sở thích giống cu Luck.
Khi ra về, thằng cu nhà anh Hiền nhất định đòi mang cái oto của Luck về. Ở tuổi lên ba, Luck không biết chia sẻ, thế là hai đứa khóc vang trời.
Vốn các bà hay cho qua chuyện, Tiger định cho luôn, nhưng anh Hiền nói, không được chị ạ. Cháu đã đi chơi ở nhiều nhà, lần nào cũng đòi đồ chơi, tôi nhất định không cho cháu mang về. Xin để tôi dạy cháu theo cách của mình.
Mất 30 phút khóc lóc, nức nở, dỗ dành, cuối cùng cu bé nhà anh Hiền ra về vui vẻ với hai bàn tay…trắng. Anh bảo, trẻ con là tham lam, nếu không dạy từ bé, lớn lên chúng sẽ ăn cắp cái lớn hơn.
Có lần sang nhà hàng xóm chơi, lúc về thấy cái máy bay bé xíu trong túi, mẹ cháu bắt Luck mang sang trả lại và xin lỗi bạn. Hai anh em Bin và Luck tuyệt đối không có chuyện lấy đồ chơi ở nhà khác mang về.
Giải pháp đơn giản thế thôi. Hãy bắt đầu từ việc như KTS Đặng Tri Hiền. Đợi Bộ Chính trị ra nghị quyết về chống gian tham ở tầm quốc gia, có lẽ tới thế kỷ sau.
Chả hiểu lớn lên thấy xe bia đổ chúng có lao ra cướp, tôi cũng không dám chắc. Thành vương tướng có trộm cắp của dân nghèo thì tôi cũng chịu. Nhưng tôi tin, trước khi ôm thùng bia cướp ngoài đường về nhà ở Virginia, hai đứa sẽ nghĩ, làm thế có nên chăng. Vớ vẩn lão bố đưa lên blog thì toi, mình phải sống khác ông Cua nông dân Hoa Lư. Nghĩ thoáng qua trong đầu, thế là đủ bớt đi những tham sân si ngự trị trong mỗi con người.
Chỉ mong hệ thống giáo dục và pháp luật thiết kế sao cho đứa bé đó đến trường không phải mang quà, phong bì, nịnh thầy cô để được phiếu bé ngoan, được học sinh tiên tiến. Nếu có, đó là chút lễ cảm ơn, không nhằm mục đích hối lộ để thăng tiến.
Được dung dưỡng trong môi trường gia đình, nhà trường và xã hội với thượng tầng kiến trúc trong sạch, thượng tôn pháp luật, những đứa trẻ sẽ nên người. Thế hệ ấy lớn lên không thể tham nhũng hàng chục triệu đô la làm của riêng, miệng vẫn leo lẻo trên bục rao giảng một cách trâng tráo “hết đời vì cách mạng, vì nhân dân”.
Và chuyện tranh cướp bia như ở Đồng Nai sẽ ít đi, bớt Tham thì ít Sân và Si, nếu mỗi người biết thay đổi hành vi từ những chuyện đời rất nhỏ.
(Theo Hiệu Minh Blog)
---------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét