Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2013

QUỐC HỘI CÓ THỰC SỰ LÀ ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN?

Thư ngỏ của TS VŨ DUY PHÚ
Kính gửi - Quốc hội
 - Đồng kinh gửi Trung ương đảng,
 - Bộ Chính trị và Chính phủ
I. Đôi lời thật ngắn về cái “gốc”.
Từ xưa đến nay, mọi vĩ nhân về tư tưởng đều đã biết đứng trên vai của những vĩ nhân sống ở những thời đại trước mình. Các Mác đã biết tổng kết, chắt lọc những tư duy vĩ đại của “CNXH không tưởng” của thế kỷ 17,  tư tưởng Cách mạng vô sản Pháp thế kỷ 18 , và triết học Đức thế kỷ 19 . . . ..để đưa ra học thuyết Mác.
Ấy vậy mà, trên cơ sở diễn biến nhanh của thực tiễn (là chân lý) chỉ ngay trong thời đại của ông, Mác cũng tự cho là trí tuệ - tư duy của mình chưa được hoàn chỉnh, cần phải thay đổi, nên vẫn cố hoàn thiện từng bước, thậm chí tự bác bỏ nhiều phần của cái cũ (thời QTCS I) , đề xuất tư tưởng mới (dẫn tới QTCS II- XHDC ). Nhưng Lênin thì khác và thực chất là cuối cùng đã thất bại, vì ông hầu như chỉ bám chặt lấy “Tư tưởng vĩ đại” giai đoạn đầu còn nông nổi của chỉ một mình chàng thanh niên Các Mác (“Chế độ xưa ta mau đập tan tành”,mặc dù có lúc Lênin đã ngộ ra, đã làm “Chính sách kinh tế mới”, nhưng sửa sai không kịp (vì Stalin còn lâu mới hiểu nổi đường lối, chiến lược mới của Lênin khi đó) ! Mao Trạch Đông thì lại càng tự phụ, thiếu am hiểu và tham khảo rộng rãi nhiều vĩ nhân thế giới. Riêng Hồ Chí Minh của Việt Nam, nói một cách ngắn gọn, Hồ Chí Minh đã hoàn toàn biết đứng trên vai của rất nhiều những Nhà tư tưởng khổng lồ: Đức Phật Thích ca, Thánh Giê su, Khổng tử, Các Mác, Lênin, Tôn Dật tiên, Găng đi . . .và nhiều tinh hoa khác của nhân loại, chính vì vậy Người đã chiến thắng được mọi trở ngại để đưa đất nước đến độc lập, tự do (cho cả nước, như một tổng thể). Vì vậy, nếu chúng ta tự nhận xứng đáng là học trò của Hồ Chí Minh, thì chúng ta không thể “bám lấy” chỉ riêng có một Người khổng lồ nào đó, hay một Chủ nghĩa nào đó, trường hợp của ta hiện nay, là Chủ nghĩa hỗn hợp Mác – Lê ! Nếu giả dụ, CN Mác – Lê mà là đúng với mọi thời đại, thì cùng lắm cũng chỉ như các Định luật của Niwtơn vĩ đại hay Einstein thiên tài: Người đời chẳng cần nói rằng tôi đang vận dụng đinh luật của các Ông Niwton và Einstein, khi thiết kế các công trình, dù chúng vĩ đại đến mấy, trên Trái đất này. Nhưng nếu chúng ta dương cao ngọn cờ tư tưỏng đường lối học thuyết Hồ Chí Minh, thì cũng tức là chúng ta cùng một lúc đã dương cao tư tửong của tất cả những Nhà hiền triết khổng lồ của Nhân loại mà Hồ Chí Minh đã chắt lọc những tinh tuý của họ và tinh hoa nhân loại truyền đạt lại cho chúng ta hôm nay. Đó là tư tưởng “Lấy Dân làm gốc”, là “tình yêu nhân loại bao la như đại dương”, là Đại đoàn kết, là Dân chủ, không Độc quyền, Người không câu nệ sự khác biệt, hơn nữa, chính từ khác biệt, đối lập . . . sẽ nẩy ra sáng tạo, đổi mới, và đột phá ! Với học thuyết Hồ Chí Minh, Việt Nam không thể rơi vào “Vết ngứa 70 năm” mà Larry Diamond (*) đã tổng kết. Vinh dự thay dân tộc Việt Namđã có học thuyết của chính mình – Học thuyết Hồ Chí Minh - để mà . . .thoát mọi khó khăn và vươn tới !
-- (*) Larry Diamond đã nghiên cứu tổng kết đi đến kết luận rằng: Các chế độ độc tài đảng trị (dù “XHCN” hay không XHCN”) cũng đều chỉ tồn tại được tối đa là 70 năm, mà Liên Xô là điển hình.

II. Việc dễ, có thể làm ngay
Đảng ta đã quen với tâm niệm: Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân. Đảng chỉ lãnh đạo bằng chủ trương đường lối đúng đắn chung, chăm nom công tác cán bộ, kiểm tra và gương mẫu thực hiện. Còn mọi thắng lợi trước đây đều là do toàn dân góp công sức, trí tuệ và xương máu vào mà thành tựu.
Nhưng trong thực tế từ khi hoà bình lập lại, mọi việc lãnh đạo của Đảng diễn ra trên toàn quốc đã mở rộng một cách sai lầm ra tất cả trong sự ôm đồm, độc quyền toàn diện của Đảng, mà trên thực tế là dưới sự lãnh đạo toàn diện chỉ của các cấp uỷ Đảng, thậm chí là quyền quyết định cuối cùng chỉ của đ/c bí thư đảng, từ trung ương đến mọi cấp uỷ đảng ở từng cơ sở. Như vậy thực chất là trái với quy luật tự nhiên “Đảng với Dân như cá sống trong nước” và đường lối “Lấy dân làm gốc” của Đảng.  
(Hãy thử điểm nhanh qua những sự việc vẫn diễn ra hàng ngày có thực ở mọi nơi từ xưa đến nay làm thí dụ :
Tại xã X, Chủ tịch xã xin ý kiến chỉ đạo và quyết định của Bí thư đảng uỷ xã: Mấy xuất đất chân đê, đảng uỷ đã quyết định thu hồi,bán đi lấy tiền xây lại hội trường và nhà văn hoá. Doanh nghiệp xây dựng thì thúc đẩy, nhưng nông dân đang phản đối. Vậy xin anh cho ý kiến quyết định ?
Tại huyện Y, giám đốc phòng giáo dục huyện xin ý kiến quyết định cuối cùng của Bí thư huyện uỷ: Có ý kiến đề nghị huyện hãy cho xây lại nhà ở đã quá dột nát của giáo viên và nhà nội chú của học sinh, trong khi bên thương nghiệp lại đòi cho sửa chữa chợ huyện trước (và đang “bám riết” Bí thư ! )
Tại tỉnh Z, Phó chủ tịch UB ND tỉnh (được chủ tịch UB phân công) xin ý kiến quyết định cuối cùng của bí thư đảng bộ tỉnh về việc có dứt khoát điều Đ/C bí thư huyện uỷ huyện T lên làm giám đốc sở  thông tin và truyền thông hay không (Đồng chí này được biết là có vấn đề tham nhũng đã bị lộ tại huyện ấy, nên phải điều đi)
Tại xí nghiệp đóng tầu nọ, câu chuyên rắc rối trong việc mua một chiếc tầu cũ về tân trang lại, chưa biết nên khai báo với tài chính theo giá trị mới , hay giá trị mua tầu cũ. Nếu khai theo giá trị mới, như đảng uỷ đã bàn, có thể sau này bên kiểm tra người ta phát hiện ra thì rất phiền. Vậy theo chỉ thị của Giám đốc: tốt nhất là xin ý kiến quyết định cuối cùng của đ/c chí Bí thư  xí nghiệp cho “ăn chắc”. Sau này có chuyện gì thì là “đã có ý kiến lãnh đạo của Bí thư . . .”
Doanh nghiệp D vừa thầu một vùng đất để làm dự án mới. Nếu khai khống từ 100 tỷ lên 500 tỷ, theo quy định thì có thể được vay NH đến 60 %, số tiền dôi ra đó lên tới gần 300 tỷ. Phần chênh lệch này đem gửi ngân hàng với lãi suất 16% để . . .”cùng sử dụng” trong DN và “có đi có lại” với NH, thì rất có lợi. Nhưng việc lớn như vậy, “bố ai mà dám quyết”, tốt nhất là xin ý kiến đảng uỷ, hay để cho đỡ bị dò rỉ thông tin lộ ra, chỉ nên xin quyết định của Bí thư thôi !
Tại trường N, các thày cô cũng thấy dậy thêm lấy tiền như hiện nay là việc làm quá trớn. Mấy vị lớn tuổi luôn luôn đem thí dụ về việc bồi dưỡng vài học sinh yếu kém ở trong lớp (nhưng không đòi tiền thù lao của cha mẹ học sinh) trước đây ra làm dẫn chứng, rằng việc bòi dưỡng học sinh yếu kém vẫn nằm trong phạm trù nhiệm vụ bắt buộc của giáo viên. Nhưng khi xin ý kiến bí thư đảng bộ của trường, thì đ/c bí thư vẫn quyết là cứ làm như cũ cái đã, vì chính đ/c này cũng rất tích cực dậy thêm để “cải thiện”  !
Trong dịp bầu cử HĐNN tại đơn vị nọ, mọi người hỏi nhau nên bầu ai, bỏ ai. Một công dân tuyên bố ráo hoảnh: Đảng đã chọn và quyết cả rồi, việc gì cần phải suy nghĩ cho mệt. Tôi cứ xoá luôn 2 vị cuối cùng. Muốn trúng ai cũng được ! Vậy là, có HĐNN cũng được, mà không có cũng được. Nhưng có thì “đẹp mặt”, nhưng mà lại tốn tiền thuế của nhân dân, ý kiến, ý có lắm chuyện, lại phải “ăn chia” cho bên HĐNN, nên tốt nhất là bỏ quách đi còn hơn !
Bộ Kế hoạch và đầu tư của ta, trước kia thì làm kế hoạch chi tiết cho đến tận sản phẩm, đến từng huyện và doanh nghiệp, làm thay nhân dân (!). Từ khi đi vào kinh tế thị trường, thì quên cả CN Mác – Lê, chỉ nhăm nhăm chạy theo “đầu tư” (chạy theo “mầu”), để cho nền sản xuất chung cả nuớc lộn xộn, nhiều thứ lớn (nguyên liệu, cảng biển, sân gôn, Vinashine, Vinaline, vốn – lãi ngân hàng, đập thuỷ điện, thu hồi đất . . . mất cân đối lớn và sai nguyên tắc nghiêm trọng). Đó là những sai lầm lớn vì ỉ lại vào quyết định của lãnh đạo đảng. Nếu để cho “kinh tế thị trường chính hiệu” và nhân dân tự chủ, được tự  điều tiết thực sự thì lại khác.
Sau khi đi thăm Nam Hàn về, Đ/C Tổng Bí thư Đảng thời đó, học tập nước bạn, cứ nhất quyết quyết định nhập các doanh nghiệp quốc doanh lại lập thành các “tập đoàn DN nhà nước” để tạo “những quả đấm thép”. Cuối cùng bên Chính phủ cũng phải tuân lệnh. Đ/C TBT ấy, không hiểu rằng, các Tập đoàn quả đấm thép của Nam Hàn là của tư nhân, đi lên từ các Doanh nghiệp làm ăn giỏi, lãnh đạo các DN ấy đầy đủ trí thức chuyên môn và dầy dạn kinh nghiệm thương trường, vì vậy chính phủ Nam Hàn đã lựa chọn để có chính sách ưu đãi và cho vay lãi thấp chút ít về tài chính khi cần thiết. Cái chính là các Tập đoàn này họ không được độc quyền và họ không dại gì lại “tham nhũng” của chính họ.
Trong các Hội nghị TƯ Đảng, dường như Đ/C Tổng Bí thư luôn ngăn chặn ngay từ đầu là: Kiên định CN Mác – Lê là đúng đắn, là việc không phải bàn nữa. Trong khi tại cái nôi sinh ra CM Mác – Lê, tại nước Nga Xô viết và khối các nước Đông Âu cũ, và cả bên Trung Quốc anh em, nhân dân đã từ bỏ hoàn toàn CN Mác – Lê vì nó đã hoàn toàn hết vai trò lịch sử rồi. Thực ra, CNXH chính hiệu (Dân giầu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng văn minh) thì các nước văn minh tiến bộ trên thế giới lâu nay họ đều lẳng lặng đặt mục tiêu đó để hướng tới, có điều họ không đại ngôn nói ra, nhưng về biện pháp thực hiện, họ không câu nệ tuân theo riêng một chủ nghĩa nào, một kinh thánh nào. Cứ cái gì có lợi cho nhân dân, cho đất nước họ thì họ cương quyết làm.
Vân vân, và vân vân).
Thực ra, theo quy định chung, không phải việc gì mọi người bên chính quyền và đoàn thể cũng phải xin ý kiến quyết định của cấp uỷ hoặc bí thư đảng. Nhưng do cái thể chế “Độc đảng lãnh đạo toàn diện” (đảng chủ) đã kéo dài mấy chục năm, nên trên toàn lãnh thổ đã rất quen cái luật và lệ đảng quyết định ấy rồi. Vì theo cái thể chế đó, thì bên chính quyền và đoàn thể  tha hồ ỉ lại, dựa dẫm, làm ẩu, thậm chí làm liều, tiêu cực, tham nhũng, tuỳ tiện lấy thêm biên chế, v. v. .sau đó khi cần thì đổ vấy cho bên đảng “đã chỉ đạo và quyết định”, vì vậy không ban  kiểm tra, kiểm soát nào dám làm gì cả. Còn bên đảng do có kinh thánh CN Mác – Lê che trở, tự coi mình đã lãnh đạo giành được độc lập, thì cũng tự giành lấy quyền lãnh đạo xây dưng và phát triển đất nước, măt khác, chẳng có chỗ nảo trong Hiến pháp và luật ghi trách nhiệm cụ thê của đảng cả, vậy thì tội gì mà không nắm lấy quyền quyết định tất cả, để các cấp chính quyền và đoàn thể phải vị nể và . . .buộc phải cung phụng để được che chắn và còn phối hợp “làm ăn lâu dài” ? Cái gốc độc quyền quyết định đó – tuy trong chiến đấu vũ trang (cùng nhiều yếu tố khác) đã đem lại thắng lợi to lớn – thì trong xây dựng hoà bình và hội nhập quốc tế đã làm nẩy sinh ra mọi sự tiêu cực, tệ nạn, suy thoái xã hội, kìm hãm sự phát triển của đất nước, mà chúng ta (đảng và chính quyền) – vì quyền lợi của cả hai bên gắn chặt với nhau  - nên đang “bàn mãi” giải pháp khắc phục mà chưa dũng cảm chỉ ra nguyên nhân thực chất và biện pháp có hiệu quả tận gốc. Cần nhớ sự thực sau đây khi bàn luận: Cạnh tranh đa nguyên thì tưởng chừng lộn xộn, nhưng thực tế nếu luật pháp gốc đã đúng đắn, thì xã hội vẫn ổn định, chỉ có các thế lực chính trị muốn lên làm lãnh đạo là phải cạnh tranh thẳng thắn công khai minh bạch với nhau để nhân dân có thể tự do bình đẳng chọn lựa đúng hơn người lãnh đạo. Còn độc quyền một đảng như của nước ta, thì cứ tưởng rằng như thế là ổn định, song trên thực tế đó là chế độ còn dở hơn cả chế độ phong kiến, là nguyên nhân chủ yếu tạo ra sự suy thoái đạo đức mọi mặt toàn xã hội, chính nó đến lượt mình làm vô hiệu hoá hoặc làm méo mó tất cả những chủ trương đúng đắn của TƯ Đảng, của Bộ Chính trị, những sáng kiến, những đề xuất cải cách của nhân dân, của chính phủ và sự giúp đỡ chân tình của các nước tiên tiến, nó đang âm ỉ gây ra sự bất bình trong nhân dân như hiện nay, và nguy cơ bùng phát khi có “giọt nước tràn ly” như đã xẩy ra ở nhiều nước theo thể chế này. Càng cố gắng “chỉ đạo” bàn kế lập mưu dẹp bỏ và dấu diếm sự bất bình của nhân dân, thì sự căm giận của nhân dân ngày càng tăng lên và sự bùng phát nổi loạn của xã hội ngày càng tới gần.
Nói cách khác rõ thêm, lâu nay tại mỗi một đơn vị hành chính hay kinh tế từ nhỏ đến lớn trong cả nước đã có một ông vua (tức là các cấp uỷ đảng và bí thư đảng tại chỗ), ông vua này có quyền trên cả luật pháp (vì có quyền tại chỗ lãnh đạo độc quyền toàn diện và duy nhất, có quyền nhân danh Đảng CS quyết định mọi chủ trương cụ thể và số mệnh chính trị của mọi người, mà cấp trên thì quan liêu, bị bịt mắt ). Vì vậy, ông vua này – vì cũng là con người, như mọi người- do “độc quyền lãnh đạo” nên có thể quyết định thiên về bảo vệ quyền lợi của cái tổ chức “vua” ấy của mình, bằng cách dung túng, bao che cho các cấp dưới để họ có thể an toàn mà vi phạm pháp luật, có thể làm bậy, trong đó điển hình nhất là tham nhũng tiêu cực,  lựa chọn nhân sự thân quen, và được tự phán xét tội lỗi của chính mình và chân tay của minh (phê và tự phê, chỉ đạo xét xử), bằng cách đó, các cấp dưới sẽ trả ơn, sẽ “nuôi” trở lại các cấp uỷ đảng bằng rất nhiều cách thức khác nhau. Tham nhũng, tiêu cực càng dễ trót lọt, hiệu quả tham nhũng tiêu cực càng tăng, thì càng củng cố cái vòng quan hệ “tung – hứng” có đi, có lại gắn bó này, tức là càng củng cố “lòng tin” (của giới chức) vào chế độ độc đảng toàn trị, ở dạng “các cấp uỷ đảng trị” hiện nay. Nói khác đi cái quyền lãnh đạo toàn diện và quyền được quyết định của các cấp uỷ đảng cơ sở chính là nguyên nhân trực tiếp của mọi loại sai trái đã xẩy ra và sẽ tiếp tục xẩy ra tại mỗi đơn vị hành chính kinh tế xã hội của đất nước, cho đến toàn quốc (mà Vinashine, Vinaline, Đoàn Văn Vươn, Thái bình, và rất nhiều những sai trái khác. . . là những ví dụ rõ nhất). Còn Ban Nội chính vẫn sẽ khó khăn, thậm chí bất lực.
Vì vậy, cách khắc phục tận gốc và trực tiếp đầu tiên trong tầm tay của TƯ và QH hiện nay là truất quyền quyết định của mọi cấp uỷ đảng cơ sở, trả quyền đó ngay lập tức về cho nhân dân, mà người có thẩm quyền duy nhất là pháp luật, là Quốc hội và HĐND các cấp. Mọi cấp uỷ đảng cơ sở chỉ có nhiệm vụ duy nhất là lãnh đạo nhân dân và tất cả các tổ chức chính quyền và đoàn thể tại cơ sở mình nghiêm chỉnh thực hiện đường lối của đảng là “lấy dân làm gốc” , “Tất cả cái gì có lợi cho dân, cho nước thì làm, cái gì có hại cho dân, cho nước thì chống”, lãnh đạo và kiểm tra nhân dân và các tổ chức chính quyền tuân thủ nghiêm chỉnh Hiến pháp và pháp luật mà nhân dân đã phúc quyết. Bước đầu, hãy bỏ cái quyền lãnh đạo toàn diện và duy nhất của các cấp uỷ Đảng ở mọi cơ sở là việc làm đầu tiên để bước đầu trả lại trực tiếp quyền làm chủ của Nhân dân, coi Luật pháp, Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp là người đại diện.
            Cải cách dứt khoát và dần từng bước là một trong những cách tốt nhất, dễ quyết định nhất để xây dựng và bảo vệ Đảng, Chống lại những tư duy đổi mới tương tự, chính là vô tình đẩy Đảng đến ngõ cụt, càng làm Đảng mau chóng mất vị trí lãnh đạo cách mạng và làm mất ổn định, dẫn đến xung đột toàn xã hội.
V.D.P
---------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét