Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

DÂN CHỦ HOÁ TRONG TIẾN TRÌNH HIỆN ĐẠI HOÁ Ở CÁC XÃ HỘI ĐÔNG Á

* TRẦN NGỌC VƯƠNG
    (Đại học Quốc gia  Hà Nội)
1.- Dân chủ - một ý niệm khó tưởng tượng trong truyền thống Đông Á.
Ở bài viết "Dân chủ và văn hoá Trung Quốc" (in trong sách "Nho gia với Trung Quốc ngày nay") học giả Vi Chính Thông sau khi cố gắng gạn tìm những biểu hiện hiếm hoi từ các thư tịch nổi tiếng của Trug Quốc cổ xưa những câu chữ xa gần có thể được thích nghĩa là gần gũi với ý niệm dân chủ, đã sòng phẳng khẳng định "Một mặt, chúng tôi đã vạch rõ sự suy diễn và ngộ nhận đối với tư tưởng dân chủ cổ đại (Trung Quốc- TNV thêm); mặt khác, chúng tôi không phủ nhận Trung Quốc cổ đại từng có giai đoạn mầm mống tư tưởng dân chủ. Lẽ thường, đã có mầm mống thì phát triển và lớn mạnh.
Nhưng trên thực tế, trong lịch sử Trung Quốc, giai đoạn mầm mống đó đã kéo dài trên 2000 năm mà không phát triển lên được". Theo ông, sự đình trệ của tư tưởng dân chủ trong truyền thống Trung Quốc thể hiện qua mấy điểm chính: Biết trọng ý dân, nhưng không biết nên thực hiện ý dân như thế nào; "dân bản" không đồng nghĩa với "dân sinh" tức "dân bản" không phải là "dân chủ' và quan trọng hơn, ở Trung Quốc truyền thống "chưa từng hiểu tự do". Ông còn viết: "Theo hiểu biết của chúng tôi, ở Trung Quốc trước đây chẳng có một người nào được tự do"[1].Điểm lại sự phát triển của tư tưởng dân chủ ở Trung Quốc trên dưới 100 năm gần đây qua một số nhà tư tưởng chính yếu (Dung Hoằng, Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, Hồ Thích...), đáng chú ý khi Vi Chính Thông đề cập đến "những trở lực mới" đối với việc phát triển và hiện thực hoá tư tưởng dân chủ thời hiện đại, ông không ngần ngại chỉ ra những sự ngộ nhận hay xuyên tạc mới. Theo ông, có bốn trở lực chính, theo trình tự là :
1. Tư tưởng xã hội chủ nghĩa tràn lan,
2. Niềm tin đối với dân chủ không vững,
3. Thiếu nền giáo dục bồi dưỡng chủ nghĩa cá nhân lành mạnh,
Và 4. Sự động loạn kéo dài.
Vào thời điểm hiện nay, sau hơn 30 năm cải cách - mở cửa, nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa đã bước đầu hiện thực hoá khát vọng trở lại vị trí là một siêu cường trong thế giới đa - nhưng không quá nhiều - cực. Rất nhiều những chỉ số trên nhiều bình diện đã chứng tỏ một cách hùng hồn rằng Trung Quốc thời điểm này thực sự đã có khả năng chi phối thế giới và khu vực. Nhưng cũng không ít học giả, từ nhiều góc nhìn khác nhau, vẫn bày tỏ sự nghi ngờ sâu sắc tính bền vững của mô hình và cách thức phát triển, cả quỹ đạo phát triển nữa, của siêu cường mới tỉnh dậy này. Một câu hỏi lớn tiếp tục vang lên mà chưa thấy nhiều những lời đáp khẳng định, đó là đa số cư dân Trung Quốc đã thực sự có hạnh phúc hay chưa, và với tư cách một cộng đồng cư dân, đó có phải là một cộng đồng hạnh phúc hay không. Ít lời đáp theo chiều khẳng định, bởi dân chủ chính là vấn đề trước hết của đa số, hạnh phúc là tiêu chí nhân sinh hàng đầu của mỗi và mọi cá nhân.
Bàn tới dân chủ là bàn tới quyền lực chính trị, tới mô hình và tính chất của chế độ xã hội, cũng là bàn tới một trong những thành tố hàng đầu của quyền con người.Dân chủ không phải là thứ hiện hữu trong các khát vọng, các lý tưởng, các giấc mơ cá nhân và/ hoặc tập thể. Đó phải trước hết là và chủ yếu là thực tiễn chính trị.
Đây không phải chỗ bàn tới những vấn đề mang tính lý thuyết, dù việc hiểu đúng, nắm vững những cội nguồn lịch sử cũng như cấu trúc lý luận của các học thuyết và truyền thống tư tưởng dân chủ hiển nhiên có một ý nghĩa trọng đại. Bài viết này chỉ hy vọng đưa ra một cái nhìn ít nhiều chuyên biệt về những đặc thù của truyền thống dân chủ trong một khu vực địa - chính trị xác định, trong khung khổ của những niên đại lịch sử cũng có tính xác định.
Với tư cách là một thực tiễn chính trị, chưa một giai đoạn nào trong lịch sử khá dằng dặc của các thể chế chính trị từng tồn tại trên đất Trung Hoa cho tới tận thời kỳ Tôn Trung Sơn lãnh đạo cuộc Cách mạng lập nên nhà nước Trung Hoa dân quốc có thể lấy làm ví dụ dù chỉ cho một cuộc diễn tập mô hình dân chủ xã hội. Có một thời kỳ khá dài, và dư ba của nó vẫn cờn tới tận hiện nay, không ít người đã nỗ lực thuyết minh nhằm tạo ra một ảo giác rằng khởi nghĩa nông dân là một trong những biểu hiện điển hình của tinh thần dân chủ và thậm chí là tinh thần cách mạng. Mà khởi nghĩa nông dân thì dường như là một trong những "truyền thống lớn" của lịch sử Trung Quốc: ít nhất người ta có thể viết lịch sử vài nghìn năm của loại phong trào xã hội này từ Trần Thiệp - Ngô Quảng, qua khởi nghĩa Khăn Vàng, cho tới tận những giai sự về 108 anh hùng Lương Sơn Bạc, rồi tới cuộc khởi nghĩa lớn kết hợp với khát vọng "phục quốc" đánh đổ nhà Nguyên lập nên nhà Minh, và cuộc Đại khởi nghĩa nông dân cuối cùng trong thời kỳ thống trị của thể chế quân chủ chuyên chế là Thái Bình Thiên Quốc.Nhưng, nói một cách vắn tắt, nếu chúng ta đọc và tiếp thu chính xác tư tưởng của các nhà kinh điển macxit, đặc biệt qua "Chiến tranh nông dân ở Đức", thì ít nhất ta cũng không thể dựa vào họ để khẳng định rằng có thể đồng nhất khởi nghĩa nông dân với Cách mạng, rằng khởi nghĩa nông dân là việc thực hiện nhiệm vụ "phản phong", và rằng đó chính là thực tiễn chính trị của quá trình hiện thực hoá tư tưởng dân chủ.
Trung Quốc là quốc gia có truyền thống chính trị quân chủ chuyên chế lâu bền và liên tục nhất so với mọi và bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới. Mô hình chế độ chuyên chế ở Trung Quốc bộc lộ trong lịch sử thành ba dạng thức chủ yếu: chuyên chế quân sự/ quân phiệt, chuyên chế pháp trị và chuyên chế quan liêu. Người nghiên cứu Trung Quốc nào cũng có thể dễ dàng nhận ra rằng, giữa ba dạng thức đó, mô hình chuyên chế quan liêu - cũng tức chuyên chế kiểu Nho gia - là mô hình giữ vai trò chủ đạo và có truyền thống đậm nét nhất, liên tục và lâu dài nhất. Nhiều thời kỳ, giai đoạn trong lịch sử Trung Quốc, thiết chế chính trị hiện thực là sự dung hợp, pha phách, thêm bớt những yếu tố của ba dạng thức này.
Sự ngộ nhận tư tưởng "dân vi bang bản" trong truyền thống tư tưởng Nho giáo thành tư tưởng dân chủ là một sự ngộ nhận kéo dài, cả ở Trung Quốc lẫn ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực, cả ở giới chính khách, cả ở các giới xã hội khác, cả ở các nhà nghiên cứu bản địa lẫn các nhà nghiên cứu ngoại quốc. Cần kiên quyết "giải ảo" đối với sự ngộ nhận này.
Trên một loạt những phương diện, truyền thống chính trị chuyên chế của xã hôi Nhật Bản cũng không kém gì Trung Quốc. Ở Nhật Bản, cho tới nay vẫn còn tồn tại một "công án chính trị" chưa tìm được lời giải đáp có sức thuyết phục, ít nhất cho những người có não trạng duy lý: đó là bí mật của sự tồn tại bền vững và đi kèm với điều đó là sự sùng bái đối với Nhật Hoàng đến mức thành một tín ngưỡng , thành "dân tộc tính". Tôi chưa biết có quốc gia nào là quốc gia thứ hai trên thế giới mà dòng họ cầm quyền xuất hiện tận từ thời huyền sử cho tới ngày nay vẫn chưa từng bị thay thế như hoàng tộc Nhật Bản. Trong tiếp xúc, toạ đàm hay trao đổi khoa học, không ít lần tôi nêu câu hỏi về nguyên nhân của sự sùng bái như đã đề cập và "sức bền" của ngôi vị Thiên hoàng đối với các học giả Nhật Bản, nhưng hầu như tất cả họ, những người mà bình thương tôi rất nể trọng, khâm phục vì tính chính xác tỷ mỷ và tính triệt để trong nhận thức và lập luận, đều cơ hồ "ngớ ra" và đều không đưa ra lời giải thích nào khả dĩ chấp nhận, một số lớn thậm chí trả lời thẳng thắn là chính họ cũng không giải thích được!
Trên đại cục, Nhật Bản xa lạ với tư tưởng dân chủ cho tới tận thời Minh Trị Duy Tân. Ngay nội dung và động lực của công cuộc duy tân mà Nhật Bản đã thực hiện quá đỗi thành công thì cũng không phải là công cuộc lấy nguồn cảm hứng chủ đạo từ tư tưởng dân chủ hoá xã hội. Sau khi đã trở thành một đế quốc trẻ, tự xếp và được xếp ngang hàng với các đế quốc Âu - Mỹ khác, Nhật Bản cũng không "theo gương" họ mà xây dựng một thiết chế chính trị dân chủ. Chỉ có thể nói đến thực tiễn chính trị dân chủ và dân chủ hoá thực thụ ở Nhật Bản sau thất bại của họ khi kết thúc cuộc Đại chiến thế giới thứ II. Nhưng dù cho nền dân chủ ở Nhật Bản ngày nay có đạt tới sự hoàn bị và triệt để đến thế nào đi nữa, được chính các chính khách Âu Mỹ xưng tụng ra sao, thì về thiết chế tối hậu, thuộc tính tối cao của chính thể Nhật Bản vẫn là nhà nước quân chủ lập hiến, chứ không phải là nhà nước cộng hoà, dân chủ hay dân chủ nhân dân.Quốc danh của Nhật Bản, ở thời điểm hiện nay, không phải, không còn là đế quốc đã đành, không phải là vương quốc, mà cũng không là "cộng hoà" "dân chủ", "cộng hoà dân chủ" hay "dân chủ nhân dân". Đơn giản đó là "Nhật Bản quốc".
Không bàn tới Bắc Triều Tiên, thì Đại Hàn dân quốc cũng chưa thể tự hào là mình có được một nền dân chủ sâu rộng, xum xuê đầy hoa trái với những thiết chế dân chủ hoá mạnh mẽ. Cho tới tận những năm 80 của thế kỷ trước, nền chính trị Hàn Quốc vẫn còn "rên xiết" và "ngột ngạt" bởi sự hà khắc của một chuỗi các nhà độc tài. Không mấy người không biết đến tên tuổi của những Lý Thừa Vãn, Pắc Chung Hy, Chun Đô Hoan, Ro Thê U...của thời kỳ nửa sau thế kỷ XX vừa qua. Dĩ nhiên ở vào thời điểm hiện nay, nền dân chủ ở Hàn Quốc đang dần tới độ chín, kéo theo những biến đổi thiết chế dân chủ hoá khá toàn diện và sâu sắc. Nhưng đó là chuyện của chỉ một vài thập kỷ gần đây.
Tuy nhiên, dù sao mặc lòng, vẫn phải khẳng định rằng dân chủ là một trong những động lực và cũng phải là đích đến của các quá trình hiện đại hoá, ít nhất điều đó đúng với tuyệt đại đa số các quốc gia đã trở thành các nước phát triển.
2.- Dân chủ hoá và hiện đại hoá ở khu vực Đông Á nhìn theo quan hệ chiều sâu:
2.1.- Một thế kỷ dân chủ hoá trên đất Trung Hoa:
Có lẽ với tính cách là một con người xã hội, rất ít cá thể thuộc các truyền thống khác phải chịu nhiều những mối liên hệ, những tính quy định và cả sứ mệnh chuyển tải những thông điệp giá trị tầng tầng lớp lớp như con người Trung Quốc. "Con người chức năng" ở Trung Hoa xưa ngay từ thuở mới lọt lòng đã được định đoạt bởi hàng loạt những thuộc tính xã hội mang tính tiên nghiệm. Từ trong gia đình, con người đó được định tính bởi trước hết sự phân biệt giới tính, vị trí trong trật tự trưởng ấu, thậm chí ở các gia đình phụ hệ đa thê còn có cả vấn đề vị trí trong gia đình ăn theo vị trí và "nhân thân" của người mẹ đẻ. Mở rộng hơn khung khổ gia đình hạt nhân (tức gia đình chỉ gồm hai thế hệ bố mẹ và con cái) cá thể đó sẽ được xác định "thân danh" trong các mối quan hệ huyết tộc nhằng nhịt với quy mô ít nhất là tới 4 thế hệ. Sau "gia" là "tộc", sau các quan hệ huyết thống thực có là những liên hệ huyết thống hoá giả tạo (quan hệ thông gia, quan hệ kết giao) nhưng mang đầy đủ sức mạnh và những ràng buộc thực tế.Trung Quốc có lẽ cũng là xứ sở mà một cá thể có được "nhiều nhất" những mối liên hệ và kèm theo đó đương nhiên là những sự ràng buộc với các cấp chính quyền, từ thôn xã qua những khâu "trung gian" ấp tổng huyện phủ châu quận trấn tỉnh lộ đạo cho tới cấp trung ương.Ngay ở cái thực thể "cấp trung ương" ấy người ta còn cần phải "lỏng gối mòn trán" với vô số những công đường ty môn cục sảnh quán các điện cung. Đó cũng là xứ sở của vô số những tổ chức xã hội, nghề nghiệp, tôn giáo, đoàn thể...mà một cá nhân bất kỳ nào cũng có thể "sa lưới".
Ngoài việc "con người chức năng" bị "đóng đinh câu rút" vào "xã hội luân thường" (chữ dùng của cố học giả Trần Đình Hượu) với sự trưởng thành qua thời gian các cá thể nhỏ nhoi ấy còn có thể bị chia vụn và tiêu tán tự do của mình vào các mối quan hệ mà cũng là những sự ràng buộc của những học hiệu tổ đường giáo quy hội chế...Có quá nhiều bổn phận để thực thi, con người sẽ chỉ còn lại quá ít năng lực và sinh khí để thoả mãn những ham muốn và nhu cầu, cho dẫu đó là những ham muốn và nhu cầu chính đáng.
Tổ chức và truyền thừa một thiết chế xã hội theo đường hướng đại thống nhất, đại tập trung, lịch sử Trung Quốc trên những đường nét lớn nhất là lịch sử của những đế chế. Trong một bài viết trước đây, tôi đã cố gắng giải mã "Mẫu hình hoàng đế và con đường tìm kiếm sự thể hiện bản ngã trong triết học và văn học khu vực Đông Á".Xin được lặp lại ở đây một vài nhận xét và tổng kết:
"1. Nếu như mọi mục đích tối hậu của bất kỳ quá trình cá thể hoá nào cũng là khẳng định quyền tồn tại, truyền thừa, phát triển những thuộc tính mang tính đặc trưng và cá biệt của cá thể vào trong cộng đồng, thì do sự chi phối của tiến trình lịch sử các khu vực trên thế giới diễn ra không giống nhau, đã xuất hiện các phương thức và giải pháp cá nhân hoá không như nhau. Bao giờ và ở đâu, vấn đề cá nhân cũng luôn luôn được đặt ra và giải quyết trong quan hệ với các loại quyền lực (thần quyền hay thế quyền), với các loại thiết chế chính trị, kinh tế, pháp luật và rộng hơn, thiết chế văn hoá. Mức độ thành công của quá trình cá thể hoá phụ thuộc vào mức độ độc lập, tự do, hiện thực hoá bản ngã, cao hơn, quy mô tác động trở lại của cá thể đó vào lịch sử phát triển của thiết chế, của cộng đồng.
Về đại thể, chúng tôi cho rằng ở phương Tây đã hình thành và phát triển (thậm chí cực đoan hoá) một loại hình (có thể là chính thường hơn, điển hình hơn trong lịch sử nhân loại) cá nhân: đó là cá nhân đồng loạt , cái cá nhân trong tương tác hàng ngang với xã hội, vì vậy nó cũng được xã hội hoá đến mức cao độ. Loại hình cá nhân này, ở dạng cực đoan nhất của nó, được diễn đạt trong châm ngôn hành xử : "Địa ngục là người khác" (L'Enfer, C'est L'Autre) theo lối nói của J. P. Sartre, ngụ ý rằng sự tồn tại của cá nhân bất kỳ nào khác đều đã hạn chế "tự do, độc lập" của chủ thể. Con người cá nhân đó, dù nghịch lý cách mấy, buộc phải chấp nhận sự tồn tại của đồng loại, của các cá thể khác trong tư cách đồng hạng, bình quyền, bình đẳng. Con người cá nhân kiểu đó đòi hỏi sự tồn tại của các khế ước xã hội, đòi hỏi tính nghiêm mật của luật pháp, sự thừa nhận phổ biến đối với cá tính và tư hữu.
Nếu như cá nhân phương Tây được đo bằng các hệ métrique "theo hàng ngang" (horizontale) thì ngược lại, định hướng phát triển đặc trưng của quá trình cá thể hoá ở phương Đông đều chuyển động hướng thượng "theo chiều dọc" (verticale).....
2.- Con đường hình thành cá nhân theo cách như vậy quy định trở lại cách giao tiếp, thế ứng xử vàcũng xác định mối quan hệ qua lại giữa cá nhân và cộng đồng theo cách khác. Trong ngôn ngữ chính trị lẫn ngôn ngữ văn học, ở các nướcnhư Trung Quốc hay Việt Nam, các hình dung từ để khẳng định cá nhân đều mang một nội dung hướng thượng như vậy: xuất sắc, phi phàm, phi thường, siêu việt, kiệt xuất, hào kiệt, anh hùng... Không bao giờ các cá nhân tìm cách tự khẳng định trong mối quan hệ hàng ngang với đồng loại...Mọ sự khẳng định bản ngã đều hướng tới chỗ hơn đời, khác người, chứ không tính toán xếp đặt trong khuôn khổ khôn ngoan vặt vãnh kiểu "Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm" như tâm lý đại chúng. Mọi cá nhân phát triển như vậy đều cô đơn: cô đơn trong khát vọng, cô đơn trong tính toán hành xử, cô đơn cả trong xúc cảm thường nhật.
Và tất cả đều có những liên hệ quy chiếu với một loại hình cá nhân đặc biệt: Hoàng đế. Cả sự tìm kiếm sự siêu việt trong tôn giáo (Thiền hay Đạo, luyện đan cầu trường sinh hay chứng ngộ cảnh giới thông với Đại hồn) đều là sự biểu hiện của một khát vọng hướng tới cõi vô cùng, cõi bất tử như thế.
            Sự chi phối, ám ảnh sâu sắc và toàn diện của loại hình nhân cách hoàng đế khiến ta phải nghĩ tới không phải chỉ là sự thủ tiêu con người cá nhân của chế độ chuyên chế, mà còn cả sự áp đặt của nó đối với mọi biểu hiện tìm tòi của sự giải phóng cá nhân. Chắc chắn rằng có một phương thức thể hiện cá nhân khác biệt với phương Tây mà chúng ta còn phải dày công tìm hiểu".[2]
Con người Hoàng đế với tư cách "cá nhân đại diện cộng đồng" ấy không phải đã "về với quá khứ tuyệt đối" sau Cách mạng Tân Hợi. Quán tính ghê gớm của những truyền thống lịch sử đã tiếp tục truyền hơi thở nồng nàn của nó để thời hiện đại trên đất Trung Hoa vẫn tiếp tục xuất hiện những nhân cách Hoàng đế mới, thậm chí trên một vài bình diện còn mạnh mẽ hơn cả ngày xưa. Từ sau Hội nghị Tuân Nghĩa, sắc thái dân chủ hoá vừa nhen nhóm ít nhiều trong đời sống tinh thần ở những vùng của chính quyền Cộng sản đã nhanh chóng nhạt nhoà. Sau những đợt điền địa cải cách, chỉnh huấn chỉnh phong, đỉnh điểm của sự thủ tiêu tinh thần dân chủ và đường hướng giải phóng cá nhân bộc lộ "một cách hoàn hảo" nhất ở thời kỳ được mệnh danh là Đại Cách mạng văn hoá vô sản (1966 -1976). Chỉ sau cái chết của vị Hoàng đế mới vài năm, những biểu hiện của làn sóng dân chủ hoá mới được ầm ào vỗ lại trên những bờ bãi cũ.
Đối với đông đảo cư dân Trung Quốc đương đại, Đặng Tiểu Bình và một số cộng sự của ông được coi là những đấng cứu tinh. Trung Quôc của Đặng thận trọng bước những bước dò dẫm theo hướng dân chủ hoá kiểu châu Âu.
Nhưng với sự kiện Thiên An Môn, rồi tiếp theo là hàng loạt những vụ việc đàn áp các phong trào và tổ chức bất đồng chính kiến lớn nhỏ khác, thậm chí cả đối với những nhân vật đứng ở thượng đỉnh của toà tháp quyền lực, Trung Quốc của dăm bảy nhiệm kỳ qua vài ba đời Tổng Bí thư gần đây nhất vẫn chứng tỏ rằng dân chủ ở xứ sở Vạn Lý Trường Thành vẫn chỉ mới là một cánh cửa mở hé.Một nền "dân chủ nhỏ có kiểm soát lộ trình" được dẫn dắt bởi một cơ chế "chuyên chế mềm" đã lần lượt nới lỏng tự do tư tưởng cho một bộ phận có chọn lọc của giới trí thức văn nghệ sĩ, đẩy mạnh giao lưu học thuật, văn hóa, nghệ thuật với thế giới bên ngoài, mở lối vào "cống đỏ" cho cả những cá nhân các nhà tư sản thực thụ, ...là một vài trong số những bằng chứng của một quá trình dân chủ hoá có kiểm soát như vậy . Điểm tập trung cao độ và chắc chắn mang ý nghĩa đột biến của quá trình này là việc Quốc hội Trung Quốc thông qua (lần đầu tiên trong lịch sử) điều bổ sung Hiến pháp về tính chính đáng và quyền được bảo vệ của tư hữu, kể cả tư hữu những tư liệu sản xuất mang tính nền tảng như ruộng đất.
Theo suy nghĩ riêng, tôi cho rằng việc duy trì cơ cấu và tinh thần một thiết chế quyền lực chính trị mang tính chuyên chế (cho dù là chuyên chế một cách mềm dẻo) ở Trung Quốc ngày nay vẫn còn là một tất yếu. Não trạng (quân chủ hoá) 5000 ngàn năm mang tính thích nghi của cộng đồng cư dân lớn nhất hành tinh này không thể nào dễ dàng biến thái trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, dăm bảy năm hay thậm chí vài ba chục năm. Hệ thống đặc quyền đặc lợi, quán tính và thói quen trong cách thức quản lý, lãnh đạo và điều hành, sự chi trì của các nhóm lợi ích đặc quyền... cùng nhiều những lý do và nguyên cớ khác khiến cho quá trình dân chủ hoá, tự do hoá của xã hội Trung Quốc sẽ vẫn còn chuyển động quanh co, theo những quỹ đạo thăng trầm phức tạp.
2.2. Ngoái lại lộ trình dân chủ hoá ở Nhật Bản và Hàn Quốc
Chắc chắn rằng một (hay những) xã hội đang trên con đường chuyển đổi không bao giờ là một xã hội cần và có thể áp dụng được một thiết chế chính trị dân chủ toàn vẹn và triệt để. Ngược lại, căn cứ vào lịch sử khu vực giai đoạn cận hiện đại, đã không ít nhà quan sát đồng tình với nhận xét rằng mô hình "nhà độc tài sáng suốt" kết hợp với một tinh thần dân tộc chủ nghĩa nồng nhiệt nhưng không cực đoan và một chủ nghĩa công lợi tỉnh táo hẳn sẽ là "chủ thể quyền lực" thích hợp nhất mang tính quá độ cho các quốc gia mong muốn hiện đại hoá thành công.
Từ giữa thế kỷ XIX, Nhật Bản chính là quốc gia đi tiên phong so với các nước trong khu vực và châu Á trên con đường ấy. Đài Loan đã kinh qua con đường ấy dưới bóng gia tộc họ Tưởng. Malaixia, Singapore, Inđônêxia ở Đông Nam Á đã / đang đi trên con đường ấy.
Có lẽ không cần phải chứng minh rằng chính sự "cất cánh" không kém thần kỳ so với Nhật Bản của Đại Hàn Dân Quốc từ những năm 70 của thế kỷ XX là hiện tượng gắn bó với tên tuổi và thời kỳ nắm quyền khá lâu dài của Park Chung Hy, người nổi danh thế giới như một nhà độc tài khét tiếng, khét tiếng tới mức rốt cuộc phải trả giá bằng chính mạng sống cá nhân. Tiếp theo, trên một ý nghĩa khá xác định đóng vai trò thừa kế di sản của nhà độc tài tiền nhiệm là một loạt những tên tuổi của những nhà độc tài Hàn Quốc "lớn nhỏ" khác.
Song le, dân chủ hoá "từng bước, từng bộ phận, tiến tới toàn diện và triệt để, vững chắc" lại chính là bước đi tiếp theo ở các quốc gia vừa đề cập sau khi công cuộc hiện đại hoá đã thu về những thành tựu rõ rệt.
Tôi cho rằng dân chủ hoá trong trường hợp này là một quá trình hợp với lôgic phát triển tự nhiên. Không dân chủ hoá thực sự, thật khó tìm ra cách thức nào hữu hiệu hơn để bảo vệ những thành quả của quá trình hiện đại hoá.
Như đã nói, dân chủ hoá trong những trường hợp như thế này cũng là cá thể hoá, cá nhân hoá ( "một cách lành mạnh" - theo diễn ngôn của Vi Chính Thông) và một khi đã cá thể hoá "theo hàng ngang" nghĩa là "rộng khắp", "theo kiểu cá nhân hoá Âu - Mỹ" thì cũng có nghĩa là những thành tựu đã được tiếp thu và kế thừa bởi đa số thành viên cộng đồng chứ không phải bởi những thiểu số đặc quyền đặc lợi.Sự biến thái, hủ hoá của "loại hình nhân cách Hoàng đế mới" sẽ được bộc lộ qua các dạng thức, biến tướng khác nhau tệ nạn tham nhũng, một loại tệ nạn mà ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực đã có chiều hướng biến thành "quốc nạn".
Nhưng cũng chắc chắn, loại tệ nạn này, dù khéo đậy điệm và che giấu đến đâu, rốt cuộc, cũng sẽ bị quá trình dân chủ hoá làm cho "lộ tẩy".
Tất cả những điều vừa nói đều đã/ đang được quan sát thấy ở Trung Quốc, ở Đài Loan, ở Nhật Bản, ở Hàn Quốc.
Vậy còn ở Việt Nam?
Làng Võng tháng 2/ 2009
T.N.V
----------------------.
[1] Vi Chính Thông . Nho gia với Trung Quốc ngày nay. Nxb Chính trị quốc gia. H. 1996, các trang 198 - 234.
[2] Xem toàn văn bài viết trong :Trần Ngọc Vương - Văn học Việt Nam dòng riêng giữa nguồn chung. Nxb Giáo dục 1997.
------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét