Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2013

SỢ ‘TIỀN LỆ’ HAY LẤP LIẾM, BAO CHE ?

Vụ án Nguyễn Thanh Chấn “giết người”,
hay vụ án Nguyễn Thị Hoan chết “bất thường” ?
 
      *VÕ VĂN TẠO
Ngót một tháng sau sự kiện động trời oan án Nguyễn Thanh Chấn đồng loạt rộ trên truyền thông, rúng động trong và ngoài nước, câu hỏi vẫn ám ảnh công luận: Phải xử lý vụ này theo thủ tục pháp lý “tái thẩm” hay “giám đốc thẩm” mới đúng?
Ngày 5-11-2013, tại cuộc họp báo công bố vụ oan sai, lãnh đạo VKSND Tối cao cho biết, do xuất hiện tình tiết mới là hung thủ thật sự của vụ án là Lý Nguyễn Chung ra đầu thú và khai nhận đã sát hại nạn nhân Nguyễn Thị Hoan (thực tế, Cục điều tra của VKSND Tối cao vừa xác minh tình tiết này),  VKSND Tối cao đã ký kháng nghị xem xét lại bản án theo thủ tục tái thẩm. Trước cuộc họp báo một ngày, ông Chấn được trả tự do sau hơn 10 năm ngồi tù oan, theo quyết định tạm đình chỉ thi hành án của VKSND Tối cao.
Ngày 6-11, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao chấp nhận kháng nghị tái thẩm của VKSND Tối cao, tuyên hủy các bản án sơ thẩm và phúc thẩm, chuyển hồ sơ cho VKSND Tối cao để điều tra lại.
Cùng ngày 6-11, báo Lao động (onlines) đăng ý kiến TS Vũ Đức Khiển – nguyên Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội: “Tôi khẳng định chắc chắn rằng đây không phải tình tiết mới, vì tình tiết mới chỉ được xác định là do khách quan mang lại và việc xử tái thẩm là sự tiếp diễn của việc xét xử vụ án… Ở đây, rõ ràng vụ án đối với ông Chấn đã kết thúc, ông Chấn đã đi tù, cơ quan tiến hành tố tụng đã làm oan người ta nên không thể là tình tiết mới. Việc kẻ ra đầu thú hoàn toàn là một vụ án độc lập, chứ không thể nhập hai việc này vào một để cho rằng đó là tình tiết mới để tái thẩm. Vì vậy, đúng ra VKSND Tối cao phải kháng nghị giám đốc thẩm và TAND Tối cao phải xử giám đốc thẩm để minh oan và bồi thường cho ông Chấn… Tái thẩm là sai, cố tình lấp liếm cái sai của mình trước đó, dễ bề phủi trách nhiệm đã gây oan sai cho ông Chấn”.
Tuyên bố của TS Khiển lập tức thu hút chú ý của công luận, được nhiều chuyên gia pháp lý đồng tình. Liền đó, tại Quốc hội, lãnh đạo VKSND và TAND Tối cao “phản pháo”, bảo vệ quan điểm tái thẩm và tuyên bố các cá nhân, tổ chức gây oan sai nhất định sẽ phải chịu trách nhiệm, không có chuyện lấp liếm, bao che. Nếu có chuyện bức cung, dùng nhục hình, sẽ bị xử lý. Tái thẩm hay giám đốc thẩm thì cũng không thể né tránh trách nhiệm trong việc gây oan sai.
Tuy nhiên, nhiều tờ báo tiếp tục đăng tải ý kiến nhiều chuyên gia pháp lý cùng quan điểm với TS Khiển. Một số đại biểu Quốc hội cũng chất vấn lãnh đạo hai cơ quan trên về nội dung này. Dường như cũng nhận thấy có gì đó không ổn, lãnh đạo VKSND Tối cao biện bạch: kháng nghị tái thẩm của Viện đã được Hội đồng thẩm phán của TAND Tối cao chấp nhận (có thể hiểu rằng: nếu kháng nghị sai thì đã bị Tòa bác bỏ. Nếu thật sự tái thẩm là sai thì “bóng” đã sang “chân” tòa, tòa phải chịu trách nhiệm). Còn lãnh đạo TAND Tối cao thì thanh minh đó là quyết định của Hội đồng thẩm phán (có thể hiểu rằng: đó là quyết định của tập thể, chứ không phải cá nhân Chánh án. Tập thể thường sáng suốt hơn cá nhân. Và nếu sai, thì sai tập thể).
Chiều 21-11, chất vấn lãnh đạo các cơ quan hữu trách, Ths Lê Thị Nga – Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp của Quốc hội lưu ý các cơ quan chức năng “phải hoàn toàn dựa trên những bằng chứng, sự thật khách quan. Nếu không đủ căn cứ kết luận ông Chấn phạm tội thì phải đình chỉ điều tra ngay cho ông Chấn, không phụ thuộc vào kết quả điều tra Lý Nguyễn Chung (hung thủ đầu thú). Tuyệt đối không được dùng nguyên tắc suy đoán có tội theo hướng nếu không chứng minh được Chung phạm tội thì chính là ông Chấn phạm tội”.
Trên báo Một thế giới, Ths – luật sư Trinh Minh Tân cũng khẳng định phải giám đốc thẩm trong trường hợp này mới đúng. Nếu chấp nhận tái thẩm, sẽ là “án lệ cực kỳ nguy hiểm”. Ông Tân cũng vừa gửi thư đến bà Nga, kiến nghị Quốc hội xem xét lại bản án tái thẩm vụ ông Chấn, cảnh báo: “ Nếu vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn không được xử lý đúng thì lòng tin của dân vào Quốc hội và hệ thống tư pháp sẽ giảm sút”. Thư ông Tân có đoạn: “Là một công dân, tôi cũng như mọi công dân khác rất thất vọng về nội dung trả lời chất vấn của các vị đứng đầu các cơ quan tư pháp…
Kính mong bà, với cương vị là Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình hãy chuyển những ý kiến của cử tri đển Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, yêu cầu Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội có giải pháp tích cực nhằm chấn chỉnh, lành mạnh hóa các hoạt động tư pháp, trước mắt là vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn”.
*
Những quan điểm trái chiều trên đây làm không ít người “lùng bùng”. Một bên là lãnh đạo VKS và Tòa án Tối cao, một bên là các chuyên gia pháp lý, trong đó có cả người từng đứng đầu UB Pháp luật của Quốc hội và có người hiện đương chức Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp của Quốc hội. Bên tám lạng, người nửa cân – bên nào đúng?
Theo thiển ý của người viết bài này, việc ông Chấn bị oan là điều không còn phải bàn cãi. Lẽ ra, TAND Tối cao phải lập tức tuyên bố chính thức ông Chấn bị oan sai, đình chỉ vụ án và điều tra đối với ông. Và do bản án phúc thẩm là Tòa Tối cao xét xử, nên Tòa Tối cao phải lập tức xin lỗi và khẩn trương bồi thường đầy đủ theo quy định của pháp luật (rồi sau đó phân định trách nhiệm liên đới của các cá nhân, tổ chức khác, sẽ yêu cầu chia sẻ trách nhiệm).
Vì trong vụ này, thực chất không có cái gọi là vụ án bà “Nguyễn Thị Hoan chết bất thường” (vì chết bình thường như già yếu, bệnh tật thì đương nhiên không đặt vấn đề hình sự. Nếu bà Hoan chết do trúng gió, hay tự tử vì buồn đời, không phải bị ai gây sức ép để phải đến mức tự tử, thì cũng không có yếu tố hình sự), mà từng có vụ án ông “Nguyễn Thanh Chấn giết người”. Đã xác định được ông Chấn không giết bà Hoan, cũng chưa thể kết luận ông Chấn vi phạm pháp luật hình sự trong các trường hợp khác, thì tại sao không đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra đối với ông Chấn? Không cần phải “nhập” tình tiết Lý Nguyễn Chung tự thú và khai nhận, cùng các chứng cứ Cục Điều tra VKSND Tối cao vừa thu thập được vào vụ án “Nguyễn Thanh Chấn giết người” (mặc dù điều đó cho mọi người niềm tin nội tâm và trên thực tế cũng là chứng cứ khách quan). Chỉ cần căn cứ theo quy định hiện hành của pháp luật, rà soát lại quá trình điều tra, truy tố và xét xử ông Chấn, nhận thấy không đủ căn cứ (chứng cứ yếu, không khách quan, phản khoa học hình sự, bỏ sót nhiều dấu vết chứng cứ và tình tiết quan trọng, phớt lờ bằng chứng ngoại phạm của ông Chấn…), theo nguyên tắc suy đoán vô tội, phải lập tức tuyên bố ông Chấn vô tội, đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra đối với ông Chấn. Và theo quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành, điều đó chỉ có thể thực hiện nếu bản án được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm.
Nếu xem xét lại vụ án ông Chấn theo thủ tục tái thẩm, thì chỉ sau khi có kết quả điều tra lại (thường rất lâu), mới có thể chính thức tuyên bố ông Chấn vô tội, xin lỗi và bồi thường.
Việc chưa đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra đối với ông Chấn, cho thấy dường như cơ quan chức năng xác định đây là vụ án bà “Nguyễn Thị Hoan chết bất thường” (chứ không phải vụ án “Nguyễn Thanh Chấn giết người” như đã truy tố), vì chưa chính thức xác định hung thủ, vụ án chưa thể khép lại (trừ trường hợp hung thủ đã chết, hay hết thời hiệu), ông Chấn vẫn là  nghi can (một số chuyên gia pháp lý cho rằng, căn cứ quy định hiện hành của luật pháp, một người chỉ có thể bị coi là có tội, khi đã bị bản án có hiệu lực pháp luật kết tội. Kết luận tái thẩm của TAND Tối cao vừa tuyên hủy 2 bản án sơ và phúc thẩm đối với ông Chấn, cũng có nghĩa là ông Chấn không bị coi là có tội).
*
Nhân đây cũng bàn đến chuyện điều tra chuyện bức cung, dùng nhục hình đối với ông Chấn. Trước tuyên bố của Chánh án TAND Tối cao rằng phải chứng minh, và việc chứng minh rất khó, công luận quan ngại vụ việc rồi sẽ chìm xuồng. Mối quan ngại ấy không phải “vu vơ”, nếu liên hệ với sự kiện mới đây về vụ án Dương Chí Dũng (nguyên Cục trưởng Hàng hải, cũng là bị can chủ chốt trong vụ án tham ô ở Vinalines) trốn đi nước ngoài. Một vụ án rúng động, công luận trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm, thế mà Kết luận điều tra mới đây của Bộ Công an về vụ án trốn đi nước ngoài này, dù liệt kê tràng giang mọi chi tiết, diễn biến ngày giờ, từng bước di chuyển, từng phương tiện sử dụng, từng cá nhân liên quan, từ các tiểu tiết như người lo xe, người tháp tùng, kẻ mua vé máy bay… nhưng lại “thiếu” mất nội dung quan trọng nhất cần phải điều tra: ai đã để lộ, ai đã báo kế hoạch bắt cho ông Dũng? Ai cũng biết, với một vụ án đặc biệt như vụ này, rất ít người trong Ban chuyên án được biết kế hoạch bắt ông Dũng. Việc “khoanh vùng” xác định thủ phạm tiết lộ kế hoạch, dù trước khi bắt được ông Dũng ở Campuchia, không khó (trong đó có thủ pháp tra cứu cuộc gọi ở bưu điện). Vả lại, khi đã bắt được ông Dũng, việc “kéo cái lưỡi” ông này khai ra người báo tin cho ông dễ hơn ăn cháo. Dư luận cả nước đang đặc biệt quan tâm theo dõi, vậy mà người ta cũng cả gan cố tình “bỏ sót”! Ai cũng hiểu, việc ông Dũng được báo kế hoạch bắt, do đó bỏ trốn gây hậu quả khôn lường: nào là tai tiếng bê bối cho cơ quan điều tra của Bộ Công an, nào là tốn kém ngân sách cho chi phí truy bắt ông Dũng tận nước ngoài, và nhất là nếu không bắt được ông Dũng thì việc điều tra, xử lý vụ án tham ô “khủng” ở Vinalines sẽ khó khăn, phức tạp vô cùng. Các đồng phạm sẽ đổ tội cho kẻ “vắng mặt” là ông Dũng, làm sao sáng tỏ sự thật khách quan và thu hồi tiền tham ô?
Trở lại chuyện bức cung ông Chấn. Hiện tượng các nghi can chối tội không hiếm trong các vụ án. Nhưng với nhiều chứng cứ khác, phù hợp với logic vụ án, cơ quan tố tụng vẫn xác minh được sự thật và kết tội một cách chính xác, nếu họ muốn và quyết tâm làm. Hai vụ án “dùng nhục hình” ở Công an TP Nha Trang vừa qua cho thấy, khi báo chí mới phanh phui, các điều tra viên  Trần Bá Tuấn, Nguyễn Đình Quyết và Lang Thành Dũng đều chối tội trước cơ quan thanh tra của công an. Nhưng khi các điều tra viên Cục Điều tra VKS Tối cao vào cuộc, họ đều cúi đầu khai nhận. Vụ ông Chấn, chỉ cần các cấp hữu trách thực bụng muốn sáng tỏ sự thật.
*
Trước “mớ bùng nhùng” việc xử lý oan án Nguyễn Thanh Chấn, gỡ rối thế nào?
Người viết bài này và nhiều chuyên gia pháp lý cùng quan điểm với Ths - luật sư Trinh Minh Tân: với trách nhiệm của họ, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và Ủy ban thường vụ của Quốc hội có đủ quyền năng xem xét lại quyết định tái thẩm của TAND Tối cao. Nếu cần, nên mời thêm một số chuyên gia pháp lý ngoài hai cơ quan trên cùng dự họp. Nếu thấy sai, nên yêu cầu TAND Tối cao hủy quyết định tái thẩm và chỉ đạo các cơ quan hữu trách thực hiện lại cho đúng. Nếu vụ án được xử lý theo hướng đó, chắc chắn sẽ cho kết quả đúng đắn và kịp thời, đáp ứng lòng mong mỏi của dân oan Nguyễn Thanh Chấn và gia đình, cũng là mong mỏi của công luận, tránh được “án lệ nguy hiểm” trước thực trạng còn rất nhiều vụ án oan sai đang chờ khắc phục.

V.V.T.
(Tác giả gửi bản  thảo đến BVB)
----------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét