* MINH DIỆN
Hắn tỏ ra hiền lành, chắp hai bàn tay trước bụng. Nhưng nhìn mái tóc dựng đứng trên cái trán ngắn ngủn, hai con mắt him híp dưới cặp lông mày sâu róm như mắt lươn luôn nhìn nghiêng, vành môi mỏng ôm lấy hàm răng vẩu trên cái cằm nhọn hoắt, khuôn mặt hắn toát ra vẻ lì lợm và bần tiện.
Hắn nói bằng cái giọng thành khẩn:
- Mười năm qua, cứ chợp mắt là hình ảnh của nạn nhân lại len vào đầu em. Lúc nào em cũng có cảm giác đeo một vật nặng cả tấn trên người! Bây giờ thì em như bớt đi được chín trăm kí rồi! Biết thế em ra đầu thú ngay ngày đó...
Ngày đó cách đây ở làng Me hơn mười năm rồi.
Đúng lúc tiếng gà xao xác gọi nhau vào chuồng, thì Lý Nguyễn Chung sang cửa hàng tạp hóa của chị Hoan. Nhà chị Hoan chỉ cách nhà Chung vài trăm mét. Người đàn bà lỡ dở ấy đang phải nuôi đứa con chưa đầy một tuổi. - Chị Hoan ơi, bán cho em chai dầu gội đầu!- Lý Nguyễn Chung gọi, mắt nhìn dáo giác nhìn tứ phía. Chị Hoan đang ru con ở nhà trong, nói với ra:
- Em ngồi chơi, chờ chị ru cháu ngủ rồi chị bán cho!
Chỗ hàng xóm với nhau, chị Hoan biết Chung là con ông Chúc .
Chung vâng dạ ngồi xuống chiếc ghế bên sạp hàng, cặp mắt lươn dán váo cái tủ kính đựng tiền của chị Hoan. Mới 15 tuổi, Chung đã bỏ học, chơi bời lêu lổng, hay ăn cắp vặt. Hàng xóm phàn nàn, nhưng lão Chúc, bố hắn chửi át đi, bảo con mình “hiền thối ra”. Chúc không phải người làng này, quê gốc lão ở Lạng Sơn, vợ chết , về đây sống chung với chị Nguyễn Thị Lành, ít giao thiệp, tính ích kỷ, thô bạo. Thằng Chung mồ côi mẹ từ nhỏ, sợ bố như cọp, và tính giống hệt bố...
Chị Hoan lừa con ngủ rồi ra bán chai nước gội đầu cho Chung. Chung đưa dư tiền, chị cúi xuống đếm tiền thối lại. Bất ngờ chị bị Lý Nguyễn Chung đập chai dầu vào đầu.
- Ôi! Thằng Chung sao mày đánh tao?
Chị Hoan kêu và vùng dậy chạy vào nhà trong. Lý Nguyễn Chung rút con dao bấm đuổi theo. Hắn đã có ý định giết chị Hoan cướp tiền từ trước, nên thủ sẵn con dao bấm ,chứ không phải ngẫu nhiên nổi máu tham khi nhìn thấy tiền như có người nhận định. Chị Hoan bị hoàn toàn bất ngờ , cố chống cự một cách tuyệt vọng, nên Lý Nguyễn Chung đâm cả vào tay hắn.
Nhưng cuối cùng chị Hoan gục xuống vì bị nhiều vết thương vào mặt, vào cổ, vào bụng . Lý Nguyễn Chung bồi tiếp một nhát vào ngực nạn nhân, mạnh đến nỗi gãy con dao bấm.
Giết người xong, Lý Nguyễn Chung ra sạp hàng , vơ hết tiền trong chiếc tủ kính nhét vào túi quần. Về gần đến nhà mình, người dính đầy máu me, hắn móc tiền ra đếm. Tất cả chỉ có 59.000 đồng bạc. Hắn sực nhớ hình như tay chị Hoan đeo nhẫn? Như con thú khát mồi, hắn chạy ngược lại nhà chị Hoan. Nạn nhân vẫn nằm co quắp trong vũng máu, đứa con trên giường vẫn ngủ say, ánh đèn điện tỏa sáng căn nhà vắng ngắt. Lý Nguyễn Chung lật xác chị Hoan lên, bàn tay chị co quắp , dính đẫm máu. Đúng là có hai chiếc nhẫn trên ngón tay áp út. Hắn bẻ thẳng bàn tay chị Hoan ra, cạy từng chiếc nhẫn bỏ vào túi quần , rồi lấy gối đạy lên mặt chị , sau đó tắt hết đèn , khép cửa lại.
Giữa tháng bày âm lịch, ánh trăng sáng vằng vặc trên vùng quê bán sơn địa. Lý Nguyễn Chung men theo con đường dưới sườn núi về nhà. Đến mương nước dẫn vào ruộng ông Vui, cách nhà chị Hoan vài chục mét, hắn ném con dao bấm xuống mương , rửa qua hai bàn tay đẫm máu.
Lý Văn Chúc và bà Nguyễn Thị Lành đang đợi Lý Nguyễn Chung về ăn cơm. Nhìn thấy con về đứng ngoài cửa, áo dình máu , lão Chúc hỏi:
- Sao áo mày đầy máu thế thằng kia?
Thằng Chung chìa cánh tay trái ra trí trá:
- Tôi vào rừng đào củ !
Lão Chúc bảo:
- Ra sông tắm rồi về mà ăn cơm!
Thằng Chung cởi bộ quần áo ném vào thau rồi xuống bến sông. Tắm xong hắn về ăn cơm sau đó lăn ra ngủ, như không có chuyện gì sảy ra.
Sáng sớm hôm sau cả xóm Me náo loạn tin chị Hoan bị giết. Bà Lành nhìn thau quần áo thấy máu loang đỏ lòm. Thôi đúng thằng Chung rồi! Bà Lành nghĩ thế và toan nói với Chúc. Nhưng lão còn đang ngủ. Bà để nguyên chậu quần áo dính máu không giặt vội, dọn cơm cho thằng Chung ăn. Bà để ý thấy nó bưng bát cơm, tay run bần bật, liền bắt nẹn:
- Mày làm gì mà run như cẩy sấy thế ?
- Choang! -Thằng Chung đánh rơi bát cơm vỡ tung tóe.
Bà Lành hỏi :
-Có phải hôm qua mày làm việc gì không?
Thằng Chung bình tĩnh lại, trợn mắt nhìn bà Lành cãi ráo hoảnh:
- Tôi có làm gì đâu?
Chờ lão Chúc ngủ dậy, bà Lành kéo ra chỉ bộ quần áo trong chậu nói:
- Thằng con ông gây chuyện rồi đấy!
Lão Chúc hằm hằm quay vào nắm tóc thằng Chung lôi ra góc vườn tra khảo. Thằng Chung thú nhận đã giết chị Hoan, lão gầm lên:
- Cút mẹ mày đi!
Sau cơn tức giận , lão Chúc bình tĩnh lại , bàn bạc tìm cách giúp con chạy trốn sự trừng phạt của pháp luật.
Ở Lộc Bình, Lạng Sơn , Chúc có đứa con trai tên Lý Văn Phúc , cũng thuộc loại lì lợm, lão quyết định đưa thằng Chung lên trốn trên đó. Sợ bà Lành tố giác, hoặc bép xép lộ chuyện , Chúc dằn mặt:
- Thằng Chung mà bị bắt tao sẽ giết đứa nào bẻm mép trước rồi tự tử !
Chúc lấy một sợi dây thừng treo lên cột nhà và đào sẵn một cái huyệt ở cuối vườn, rồi mài sẵn một con dao chọc tiết lợn. Lão có tự tử không chỉ lão biết, trời biết. Nhưng với tính cách lão thì dám giết người để bảo vệ con mình. Bà Lành nghĩ vậy. Sự thực là khi lão đem đốt bộ quần áo thằng Chung đã mặc gây án , bị bà Lành ngăn , lão liền đốt cả đống rơm , rồi đẩy bà vào đám lửa cháy đùng đùng. Bà phải cố vùng vẫy mới thoát ra đươc. Với Chúc, bà Lành không có tình sâu nghĩa nặng. Vì hoàn cảnh bà phải chấp nhận mối quan hệ già nhân ngãi, non vợ chồng với lão, một người đàn ông góa vợ hơn mình 22 tuổi , tính nết cục cằn thô lỗ và ích kỷ. Bà chẳng những bị khinh rẻ mà thường bị những trận đòn của Chúc.
Thằng Chung ngược lên Lộc Bình , Lạng Sơn đến nhà Lý Văn Phúc , anh trai hắn. Hắn kề đầu đuôi sự việc xảy ra, và đưa hai chiếc nhẫn cướp được của chị Hoan cho anh trai giữ.
Lý Văn Phúc nói với vợ là Hoàng Thị Xướng:
- Bây giờ khổ rồi! Chú Chung lỡ đánh chết người có con nhỏ ở Bắc Giang ?
Vợ Phúc đã nghe lỏm chuyện của hai anh em Phúc , nói :
- Nó giết người cướp của chứ lỡ gì mà lỡ? Không chứa trong nhà này. Chiếc nhẫn ấy cùa người chết đấy, mang đi đâu thì mang.
Lý Văn Phúc cất dấu hai chiếc nhẫn , rồi mua vé xe cho Lý Nguyễn Chung trốn vào Đak lắc. Ở Đăk Lắc ít ngày , Chung lại quay ra Lạng Sơn. Lý Văn Phúc dẫn em sang Trung Quốc làm thuê , nhưng tâm trạng bất an, lại quay vào Đăk Lắc . Mấy tháng sau Phúc mò về xóm Me nghe ngóng. Lão Chúc bảo : “ Công an bắt nhà anh Chấn rồi, nhưng mày cũng đừng vác mặt về, trốn biệt đi!”. Lão Chúc giục thằng con đi gấp. Thằng Chung mua mít mang ra Quảng Ninh bán, rồi lại vào Đăk Lắc. Hơn một năm hắn ngược xuôi , sử dụng 100 cái sim điện thoại di động khác nhau để liên lạc với người thân trên các nẻo đường trốn tránh pháp luật.
Sau đó hắn vào làm thuê cho nhà ông Nguyễn Văn Sự , chủ một của hàng buôn bán vật liệu xây dựng và cà phê ở thị trấn Eakar,tỉnh Đăk Lắc . Ông Sự cẩn thận gọi điện ra Bắc Giang xác minh lý lịch, bố thằng Chung vẫn nói “con tôi hiền thối ra!” Đến năm 2010 Lý Nguyễn Chung lấy vợ , sinh con, trở thành một “công dân gương mẫu” ở xã Eaka Mut.
Trong khi kẻ sát nhân như vậy thì ở xóm Me, xã Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang, nơi xảy ra vụ án, 23 người lần lượt bị cơ quan điều tra thẩm vấn. Một trong 23 người đó, anh Nguyễn Thanh Chấn đã trở thành nạn nhân một vụ án oan sai ,bị hành hạ suốt hơn 10 năm trời.
Buổi chiều định mệnh ấy Nguyễn Thanh Chấn , đang ngồi nói chuyện với người em đồng hao Thân Văn Hoạt ngay tại cửa hàng tạp hóa nhà mình. Có một cựu chiến binh cùng xóm đến chơi , mượn điện thoại gọi cho người thân, Chấn vui vẻ cho mượn và bấm số giúp. Ở làng Me ai cũng biết Nguyễn Thanh Chấn là con liệt sỹ Nguyễn Hữu Phấn ,bản tính hiền lành , chịu khó , có một gia đình nền nếp và sống cởi mở thân thiện với xóm diềng. Thế rồi bỗng dưng sợi dây oan nghiệt quấn chặt lấy anh.
Nguyễn Thanh Chấn kể:
- Ngày 30-8-2003, tôi bị mời lên công an huyện Việt Yên. Điều tra viên Nguyễn Hữu T soi mói nhìn tôi rất lâu, rồi hỏi: “ Anh có biết gì về vụ chị Hoan bị giết không?” Tôi nói có nghe làng xóm xôn xao chứ không biết sự việc xảy ra thế nào. Điều tra viên hỏi : “ Từ 19 giờ đến 20 giờ ngày 15-8 anh làm gì, ở đâu , với ai?” Tôi trả lời là ngồi ở nhà mình với người em đồng hao và bác cựu chiến binh. Điều tra Nguyễn Hữu T lấy dấu tay, dấu chân tôi rồi cho về.
Thời gian trôi đi, Nguyễn Thanh Chấn không quan tâm đến chuyện mình bị mời hôm trước nữa. Anh nghĩ mình cũng như hàng chục người kia, không phạm tội thì chả việc gì phải băn khoăn lo lắng.
Nhưng đúng một tháng sau, ngày 29-9-2003, Chấn nhận được giấy mời lần thứ hai. Lần này điều tra viên Nguyễn Hữu T vẫn hỏi Chấn những câu hỏi như lần trước , nhưng thái độ rất gay gắt, mặt hằm hằm, mắt trợn ngược. Nguyễn Thanh Chấn nói: “Tôi không biết gì vể vụ giết người sao cứ hỏi tôi?” Nguyễn Hữu T nói : “ Mày không giết thì ai?”’
Ngay chiều hôm đó Nguyễn Thanh Chấn bị giam vào Trại Kế.
Ngày đó đã lùi vào dĩ vãng hơn 10 năm rồi. Hơn mười năm bị tù đày, Nguyễn Thanh Chấn già hơn cái tuổi 52, da xanh nhợt, lưng còng xuống, dáng đi chậm chạp liêu xiêu, khuôn mặt hằn sâu đau đớn thất vọng. Chứng bệnh đau thần kinh đã làm trí nhớ của anh giảm sút, nhưng những nhục hình tra tấn, ép cung, bức cung của điều tra viên đối với mình thì anh vẫn nhớ. Mỗi khi nhắc chuyện đó , khuôn mặt Chấn lại co giật ,thảng thốt , mỗi khi nói đến tiếng “Oan” là Chấn khóc , rồi nắm chặt hai bàn tay, nghiến răng lại cố kìm tiếng thét.
Nguyễn Thanh Chấn kể:
- Tôi nói với điều tra viên Nguyễn Hữu T, là tôi không giết người. Nguyễn Hữu T quát : “Mày không giết thì ai? Tôi nhắc đi nhắc lại: “Tôi không giết ai cả! Hãy tin tôi!”. Nguyễn Hữu T đạp vào bụng tôi, đấm vào ngực tôi rồi bảo : “ Mày uống thuốc lú hay sao thế? Mày không nhận thì nhừ đòn!”
Nguyễn Hữu T tra tấn mệt đi ra, điều tra viên Trần Nhật L và Nguyễn Văn D vào thay. Họ đều còn trẻ nhưng mặt vô cảm lạnh lùng và đối xử với đồng loại như súc vật.
Ông Nguyễn Thanh Chấn kể tiếp:
-Trần Nhật L cầm con dao nhọn lăm lăm dí sát vào cổ tôi nói : “ Mày có khai không, tao cho mày chết?” Tôi nói tôi không giết người sao bắt tôi khai? Điều tra viên Nguyễn Văn D cấm chiếc búa gõ vào trán tôi, chửi : “ Đ. m , tao đập nát cái sọ bướng bỉnh của mày bây giờ!”
Nguyễn Thanh Chấn bi giam chung với bọn du đãng giang hồ. Có đêm anh bị chuyển ba, bốn phòng giam , mỗi phòng bị hành hạ một cách riêng.
Chấn kể:
-Phạm nhân Phạm Huy Hồng lấy dép đánh vào mặt và hai mang tai tôi bắt hát. Hát hết bài này đến bài khác. Ngừng hát là nó đánh. Đầu óc tôi choáng váng, quay cuồng.
Bị tra tấn giã man, Nguyễn Thanh Chấn không còn sức chịu đụng. Có người khuyên Chấn nhận tội để tránh bị đòn, khi ra tòa sẽ phản cung nói lên sự thật. Chấn nghe theo vì nghĩ ra trước tòa sẽ có luật sư, công luận . Hơn nữa trong lòng Chấn luôn tin tưởng Tòa là nơi cầm cán cân công lý sẽ công minh xét xử đúng người đúng tội. Đó là một sai lầm chết người không chỉ riêng đối với Nguyễn Thanh Chấn.
Các điều tra viên mớn cho Chấn khai chi tiết từ động cơ đến từng hành vi “giết người” một cách bài bản. Họ còn đọc cho Chấn viết đơn thú tội và thư gửi cho gia đình. Cuối cùng bắt tập các động tác thực nghiệm hiện trường.
Nguyễn Thanh Chấn kể :
-Điều tra viên Ngô Đình D trực tiếp đọc đơn thú tội cho tôi viết. D duyệt đi duyệt lại rồi bắt tôi ký tên. Xong đơn thú tội, Nguyễn Văn D đọc cho tôi viết thư gửi gia đình . D bắt tôi phải thú nhận với vợ con là giết cô Hoan vì không cưỡng hiếp được cô ấý. Tôi nói với D : “ Đừng bắt tôi viết như vậy, xấu hổ lắm, tôi không làm chuyện đó, vợ con tôi sẽ phỉ nhổ vào mặt tôi!” D lại cầm chiếc búa đập vào đầu tôi nói : “ Còn bưóng hử, tao đập vỡ sọ bây giờ!”
Nguyễn Thanh Chấn nuốt nước mắt rồi kể tiếp:
-Sau khi tôi ký đơn tự thú xong, điều tra viên Nguyễn Hữu T dạy tôi cách thực nghiệm hiện trường. Một phạm nhân đóng giả làm cô Hoan và Nguyễn Hữu T, đưa cho tôi chiếc lược giả làm con dao , tập đâm trái, đâm phải theo hướng dẫn của anh ta. Tập nhiều lần trong trại, rồi ra mượn nhà dân diễn lại để quay phim chụp ảnh.
Bằng phương pháp lấy cung và dựng hiện trường như vậy, các điều tra viên Nguyễn Hữu T, Trần Nhật L, Đoàn Văn B, Nguyễn Trung T, Ngô Đình D, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ điều tra vụ trọng án cướp của giết người ở làng Me. Và ngày 3-1-2003, Công an huyện Việt Yên có bản kết luận điều tra gửi sang Viện kiểm sát nhân dân . Căn cứ vào bản kết luận điều tra đó, ngày 10-2-2004 , Viện kiểm sát ra bản cáo trạng truy tố Nguyễn Thanh Chấn theo Khoản 1, Điều 93, Bộ luật hình sự, và ngày 23-3-2004 , Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang mở phiên tòa sơ thẩm xét xử Nguyễn Thanh Trấn.
Giữa công đường hôm ấy Nguyễn Thanh Chấn hy vọng Hội đồng xét xử sẽ lắng nghe lời giãi bày chân thật của anh, giải oan cho anh. Nhưng bao nhiêu hy vọng của Chấn thành ảo vọng.
Khi Luật sư Nguyễn Hữu Biền hỏi Chấn:
- Anh không thực hiện hành vi tội phạm, sao lại mô tả một cách cụ thể như trong cáo trang?
Nguyễn Thanh Chấn trả lời:
- Thưa hội đồng xét xử, là do điều tra viên ép cung, bức cung, mớm cung và dạy thực nghiệm nhiều lần.
Câu trả lời thẳng thắn giữa công đường mang một thông điệp rõ ràng là điều tra viên đã vi phạm điều 298-299 Bộ luật hình sự. Luật sư Nguyễn Đức Biền trong quá trình nghiên cứu hồ sơ và tiếp xúc với bị cáo, tin chắc Nguyễn Thanh Chấn không phạm tội mà đã xảy ép cung , bức cung trong quá trình điều tra vụ án, nên đã đề nghị Hội đồng xét xử lưu ý lời phản cung đó của thân chủ mình. Nhưng chủ tọa phiên tòa Nguyễn Minh Năng gạt phắt đi:
- Không có việc mớm cung , bức cung , ép cung và dạy thực nghiệm như bị cáo nói. Vỉ sợ chết nên bị cáo cố tình chối tội!
Để chứng minh sự thật, Nguyễn Thanh Chấn chỉ vào kiểm sát viên ĐTV, đang ngồi trên ghế công tố , nói với chủ tọa phiên tòa:`
- Thưa quý tòa! Chính ông kiểm sát viên ĐTV kia mang hổ sơ cho tôi ký, tôi không ký, ông ta đã đánh tôi, bắt tôi phải ký!
Chủ tọa Nguyễn Minh Năng dằn mặt bị cáo bằng một đòi hỏi vô lý :
- Bị cáo có bằng chứng không?
Một phạm nhân bị ghép vào tội giết người, bị biệt giam lấy đâu ra bằng chứng điều tra viên, kiểm sát viên bức cung mình? Thật mỉa mai cho cái gọi là “có bằng chứng” hoặc “ không có bằng chứng”! Nó ưu ái giúp bọn tham nhũng , hối lộ chạy tội dễ dàng bao nhiêu thì tàn nhẫn bấy nhiêu đối với người dân oan như Nguyễn Thanh Chấn !
Trong Bộ luật hình sự , có những điều khoản rất cụ thể, là ngoài chứng cứ buộc tội và những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, cơ quan điều tra nói riêng, tố tụng nói chung cần phải làm rõ những chứng cứ xác nhận vô tội, những tình tiết giàm nhẹ cho bị can, bị cáo. Đó chẳng những là bản chất nhân văn mà còn bảo đảm sự công bằng cán cân công lý. Trường hợp Nguyễn Thanh Chấn chứng cứ vô tội rất rõ ràng. Vào thời điểm chị Hoan bị giết, anh Chấn đang bấm giúp điện thoại cho một cựu chiến binh ở nhà mình. Dù cái ông cựu chiến binh kia sợ trách nhiệm đến mức vô ơn, phủ nhận sự thật, thì còn anh Hoạt làm chứng và hơn thế, đã có sự xác nhận của nhà mạng. Vậy mà vẫn cố tình bỏ qua cái tình tiết ngoại phạm đó. Luật sư Nguyễn Đức Biền còn vạch ra thêm một tình tiết vô lý là, kết luận điều tra chỉ nói dấu chân Nguyễn Thanh Chấn gần giống dấu chân ở hiện trường, trong khi không có bản so sánh dấu vân tay hung thủ với dấu vân tay Chấn. Gần giống thì không thể nói là giống. Ở các nước “dân chủ kém ta vạn lần”, quan tòa giành lợi thế cho bị cáo gỡ tội, bởi họ quan niệm thà bỏ sót còn hơn giết oan một con người. Đàng này các điều tra viên lại lấy cái gần đúng làm đúng để khép tội bị can, nói cách khác lấy dấu chân người lương thiện làm dấu chân kẻ sát nhân , trong khi cố tình lờ đi việc so sánh dấu vân tay có độ chính xác hơn nhiều lần...
Lẽ ra Viện kiểm sát phải giám sát cơ quan điều tra, kịp thời phát hiện sai sót , thì ông kiểm sát viên ĐTV lại đấm vào mặt anh Chấn khi anh tố cáo bị bức cung, rồi bắt phải ký vào bản cáo trạng sai sự thật. Thật mỉa mai cho cái gọi là tính nhân đạo của một cơ quan pháp luật!
Tại phiên tòa sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang ngày 26-3-2004 , thẩm phán Nguyễn Minh Năng sau khi dập tắt lời kêu oan của bị cáo đã nhân danh Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tuyên phạt mức án tù chung thân đối với công dân vô tội Nguyễn Thanh Chấn.
Và một tháng sau, ngày 27-7-2004 , Tòa án nhân dân tối cao tuyên y án sơ thẩm. Trong cả hai bản án đều ghi rằng , thể hiện tính nhân đạo và chiếu cố Nguyễn Thanh Chấn là con liệt sỹ nên được hưởng mức án chung thân thay vì mức án tử hình.
Ôi, nếu Nguyễn Thanh Chấn không phải là con liệt sỹ thì đã xanh cỏ mười năm rồi. Nhờ người bố đã hy sinh mà Nguyễn Thanh Chấn thoát chết. Nhưng có lẽ suốt quãng đời còn lại Nguyễn Thanh Chấn phải mang ơn người vợ rất mực thương chồng Nguyễn Thị Chiến, người em đồng hao Thân Văn Hoạt và đặc biệt là vợ chồng bà Thân Thị Hải.
Nhà bà Hải cách nhà Chấn gần mưởi cây số, không có quan hệt họ hàng và cũng không thân thiết. Khi vụ án gây chấn động làng quê, bà Hải đã gặp anh Thân Văn Hoạt hỏi han rồi vào thăm Chấn trong trại Kế.
Bà Hải kể:
- Nhìn Chấn đứng sau song sắt, tôi nói : “Nếu em trót lỡ giết người thì hãy thành khẩn nhận để được hưởng sự khoan hồng!” Chấn quỳ xuống khóc, nói : “Em không bao giờ giết người. Em thề với chị là em không có tội. Chị phải tin em!” Tôi tìm hiểu bà con hàng xóm, họ nói : “ Chấn hiền lắm. Nhà có công việc làm thịt con gà còn không dám cắt tiết thì làm sao giết người được?”
Ông Nguyễn Văn Ngọc, chồng bà Hải, nguyên là một cán bộ phòng tổng hợp Sở công an tỉnh Bắc Giang. Ông đã phân tích cho bà Hải nghe những điềm bất cập trong bản kết luận điều tra. Một là về kích thước cơ học hai dấu bàn chân bên phải và bên trái để lại hiện trường không khớp kích thước hai bàn chân Nguyễn Thanh Chấn. Hai là , vân tay của hung thủ để lại hiện trường rất nhiều nhưng không lấy để so sánh mà chỉ lấy dấu chân. Dù chỉ là ngưởi dân thường không có kiến thức điều tra tội phạm cũng thấy đó là vô lý...
Chính ông Ngọc đã hướng dẫn chị Nguyễn Thị Chiến viết những lá đơn kêu oan rồi động viên vợ đi kêu oan cùng chị Chiến. Khi bị bệnh hiểm nghèo, trước lúc qua đời, ông nắm tay bà Hải dăn : “Còn sức khỏe em hãy cố đồng hành với vợ chồng Chấn tìm ra sự thật!” Cái tâm của một cán bộ công an trung thực đáng quý biết nhường nào!
Làm theo lời trăn trối của chồng, bà Thân Thị Hải đã đồng hành với chị Nguyễn Thị Chiến trên con đường tìm chân lý. Một con đường gập ghềnh khúc khuỷu mịt mờ hun hút vô vọng. Hết ngày này đến ngày khác. Hết năm này đến năm khác. Gõ từ cửa dưới đến cửa trên. Hàng trăm lá đơn giửi đi chỉ nhận được vài mẩu giấy trả lời bằng những dòng chữ vô cảm : “ Chúng tôi đã nhận được đơn....sẽ xem xét trả lời sau!”
Bà Hải kể:
- Chúng tôi đi kêu oan từ khi vé xe buýt 10.000 đồng một lượt, đến khi giá vé tăng lên 40.000 đồng một lượt. Những xấp vé xe cứ dày lên mà tương lai vẫn mịt mờ.
Người dân làng Me lúc đầu không tin anh Chấn giết chị Hoan. Sau phiên tòa sơ thẩm họ vẫn còn hoài nghi. Nhưng sau phiên tòa phúc thẩm thì chả nghi ngờ gì nữa. Họ bảo nhau : “ Công an huyện có thể sai, tòa án tỉnh có thể sót, chứ tòa án tối cao toàn những thẩm phán học rộng tài cao, lại có ông chánh án là ủy viên trung ương đảng thì sai thế quái nào đươc?”
Từ đó trút hết dè bửu khinh khi lên gia đình ngưởi vô tội. Mẹ của Nguyễn Thị Hoan đến nhà Nguyễn Thanh Chấn đòi hai cái nhẫn và số tiền bồi thường theo phán quyết của tòa. Rồi ngày nào cũng nhè lúc nhà chị Chiến ngồi vào mâm cơm mà chửi. Chửi tàn chửi tệ, pha cứt pha đái vào bữa ăn của người ta. Bà Vi, mẹ chấn, vợ liệt sỹ Nguyễn Hữu Phấn không dám đi tới đám giỗ chạp, ma chay, cưới hỏi trong làng, vì bị người ta tẩy chay, không ai muốn ngồi cùng mâm với mẹ thằng giết người!
Bà Thân Thị Hải nước mắt rưng rưng :
- Chị Chiến đã đi đến tận cùng xót xa đau đớn. Nhà có cửa hàng tạp hóa buôn bán lặt vặt kiếm tiền nuôi con ăn học, bị mọi người tẩy chay không mua. Con đến trường không bạn nào muốn ngồi cùng bàn. Cuộc sống của chị Chiến đẫm nước mắt.
Chị Chiến không còn gì để bán lấy tiền thăm nuôi và đi kêu oan cho chồng. Anh Thân Văn Hoạt phải mang căn nhà mình thế chấp vay tiền giúp chị vợ. Rồi con gái chị Chiến phải bỏ ước mơ vào đại học, sang Đài Loan làm Ôsin kiếm tiền gửi về minh oan cho bố.
Trong tù, Nguyễn Thanh Chấn còn quằn quoại đau đớn hơn. Đã ba lẩn anh tìm đến cái chết để chấm dứt nỗi đau đớn, nhục nhã của bản thân và bớt làm khổ vợ con. Anh cắt động mạch tay, thắt cổ, rồi lại cắt động mạch. May là cả ba lần thần chết chưa kịp mang Chấn đi thì những người bạn tù phát hiện.
Đây là lá thư đẫm nước mắt Nguyễn Thanh Chấn viết cho người thân : “ Cháu không giết người và cũng không hiểu về luật pháp. Những cán bộ điều tra tỉnh Bắc Giang như TNL, NHT, NVD, NTT, và kiểm sát viên ĐTV, tra tấn, dùng nhục hình bắt cháu phải nhận tội . Cháu chờ ngày ra tòa để minh oan, nhưng cháu không ngờ ngày ra tòa là ngày thất vọng đối với bản thân cháu, đau khổ với gia đình cháu, làm tai tiếng cho làng ta ông ạ!
Khi cháu tình táo và tĩnh tâm lại thì sự việc đã xảy ra rồi, chỉ còn biết ngậm ngùi ôm nỗi oan ức tày đình này. Cháu rất muốn chết mà chả chết được, ông trời chưa cho cháu chết vì còn một mẹ già và những đứa con ngoan vẫn đang đợi một sự thật,lẽ phải chân lý sẽ trở về đúng nghĩa của nó !”
- Tuyệt vọng!
Bà Thân Thị Hải đã phải thốt lên như vậy. Vì ngay cả khi bà Nguyễn Thị Lành đã tố cáo Lý Nguyễn Chung chính là kẻ đã giết chị Hoan chứ không phải Nguyễn Thanh Chấn , người ta vẫn còn định ỉm đi.
Nhưng từ cao xanh thăm thẳm hình như có Luật Trời. Trong vụ án làng Me, luật Trời đã thẳng tay trừng phạt đúng người đúng tội. Lý Văn Phúc, anh trai Lý Nguyễn Chung sau khi bán hai chiếc nhẫn của chị Hoan lấy tiền ăn nhậu, đã bị bọn giang hổ đâm chết. Điều tra viên Nguyễn Hữu T, ép cung anh Chấn dữ dằn nhất bị tai nạn giao thông chết thảm. Thẩm phán Nguyên Minh Năng cũng bị tai nạn giao thông đang sống dở chết dở. Và Lý Nguyễn Chung sau 10 năm chạy trốn đã phải ra đầu thú vì tâm trạng luôn bất an .
Trong tác phẩm “Tội ác và hình phạt” của đại văn hào Dostoevsky hơn một trăm năm trước, nhân vật Raskolnikov đã thú nhận: “Dù chưa bị phát hiện tội giết người, nhưng tôi vẫn bị dày vò thường xuyên, tâm thần hoảng loạn, đêm nằm mê sảng vật vã, ngày đi lang thang vô định, lúc nào dầu óc cũng muốn nổ tung và thân thể rã rời vì bị ám ảnh khôn nguôi!”.
Bây giờ và có lẽ mãi mãi về sau cũng vậy, những kẻ gây tội ác, làm điều ác có thể nhơn nhơn nằm ngoài vòng pháp luật, nhưng không thoát được lưới trời lồng lộng …
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét