* NGUYỄN TRỌNG VĨNH
I. Vì ai nên nỗi
Đọc bài viết của giáo sư, tiến sĩ Trần Đình Bá về “Tứ đại Vi Na” và những thất thoát do họ gây ra, nợ nần khổng lồ của nhà nước cùng sự công bố của vụ trưởng Trần Ngọc Thành, tôi vô cùng xót xa và oán hận. Chắc rằng những công dân lương thiện mà biết được cũng có tâm trạng như tôi.
Do thất thoát, lãng phí, tham ô hàng chục, hàng trăm tỷ đô la, tài chính nhà nước thiếu hụt, tất phải lạm phát làm cho giá mọi thứ nhu cầu thiết yếu của dân tăng, từ xăng dầu, điện, nước, học phí, viện phí, thuốc men, cho đến con cá lá rau cũng tăng, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, nhất là công nhân, dân nghèo đời sống càng chật vật. Do tài chính thiếu hụt, không có tiền tăng lương cho công nhân viên chức, giáo viên để họ đủ nuôi sống gia đình, nên nhiều người phải xoay sở một cách bất chính; không có tiền xây thêm trường học, học sinh phải học ba ca, không có tiền xây thêm bệnh viện, khiến bệnh nhân phải nằm 2,3 người một gường; không có tiền đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; không có tiền tăng ngân sách quốc phòng, để trang bị cần thiết tạm đủ khả năng bảo vệ độc lập chủ quyền, nên bị “người ta” lấn át. Do thiết hụt tài chính lại tăng vay nợ nước ngoài, nợ cũ nợ mới chồng chất để gánh nặng cho cháu chắt phải trả bao giờ cho hết trong khi tài nguyên khoáng sản các loại móc lên bán hết, còn đâu phần cho các thế hệ mai sau. Những thất thoát kinh khủng mà “Tứ đại Vi Na” gây ra do mua sắm đồ phế thải, do làm ăn thua lỗ, do tham ô, tất nhiên các giám đốc, các tổng giám đốc phải chịu trách nhiệm. Nhưng trách nhiệm lớn hơn phải là Chính phủ, Thủ tướng là cấp trên trực tiếp quản lý và chỉ đạo các Tập đoàn kinh tế nhà nước. Chả lẽ những sự việc rất to như mua “ụ nổi sắt vụn”, tàu nát, xây hơn 200 cảng biển, 63 sân bay quá nhiều không cần thiết v.v… mà Thủ tướng không biết hoặc biết mà dung dưỡng, hoặc có những uẩn khúc, khuất tất gì bên trong mà không dám công khai xử lý và không dám công khai nhận trách nhiệm.
Nhưng xét đến cùng thì trách nhiệm thuộc về lãnh đạo Đảng, bởi vì Đảng lãnh đạo toàn diện, lãnh đạo chính quyền, kể cả ký thay chính quyền trong hoạt động đối ngoại, các chức danh chính quyền từ dưới lên đều do cấp ủy Đảng bố chí, Thủ tướng cũng do lãnh đạo Đảng quyết định. Quốc hội bầu chỉ là hình thức. Một Thủ tướng yếu kém, không có tâm, có tầm mà lãnh đạo vẫn để cho quyền điều hành, cộng với những chủ trương sai lầm của lãnh đạo nên kinh tế sa sút, tụt hậu, chính trị lệ thuộc, xã hội hỗn loạn, văn hóa đạo đức suy đồi, dân nghèo nước yếu.
II. Đổi mới tư duy để đất nước tiến lên
1. Trước hết cần có một Hiến pháp thật sự dân chủ, bảo đảm mọi quyền tự do chính đáng của công dân đã ghi trong Hiến pháp, đúng tinh thần dân làm chủ, mọi quyền lực thuộc về nhân dân như lâu nay văn kiện thường nêu. Hiến pháp phải đặt lợi ích của Tổ quốc lên trên hết và phù hợp với trào lưu văn minh, tiến bộ của thế giới đương đại trong đó có tam quyền phân lập. Có thế mới động viên được tinh thần phấn khởi của toàn dân, phát huy được mọi năng lực, sáng tạo vào công cuộc xây dựng đất nước, không phải như dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 như hiện nay theo chỉ thị của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sắp được Quốc hội thông qua.
2. Lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động, không cần nói “theo chủ nghĩa Mác – Lê nin” nữa. Biết rằng Mác, Lê nin là những nhà uyên bác, những đầu óc lớn đáng kính, nhưng các vị cũng có những chỗ sai, không phù hợp với thực tế. Vả lại những ý gì của Mác, của Lê nin mà thích hợp với nước ta thì đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã tiếp thu, cũng như Người đã tiếp thu những gì là văn minh khoa học, tiến bộ của thế giới. Người cũng đã nghiên cứu tiếp thụ những cái đúng cái hay của đạo Phật, đạo Thiên chúa, của Khổng Tử, của Tôn Trung Sơn. Vậy làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh là đủ rồi.
3. Mục tiêu: Xây dựng nước ta dân giầu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh như nghị quyết Đảng đã từng nêu là thích hợp. Được thế thì nhân dân hạnh phúc rồi. Không nêu xây dựng chủ nghĩa xã hội nữa. Mô hình xã hội chủ nghĩa kiểu Stalin, trái ngược với thực tế cuộc sống đã tan rã, sụp đổ rồi. Các nước vẫn còn bám theo mô hình ấy như Cu Ba, Việt Nam, Triều Tiên thì đều nghèo, thậm chí đói (như Triều Tiên), trừ TQ. Từ khi ông Đặng Tiểu Bình nêu: “Mèo trắng, mèo đen, mèo nào bắt được chuột là mèo tốt” thì TQ đã rẽ theo con đường phi XHCN rồi và tiến nhanh. Mặc dầu đến nay, họ vẫn nêu “Xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc TQ” là nói để mà nói thôi, thực tế thì xã hội TQ hiện tại là xã hội tư bản chưa hoàn chỉnh do Đảng Cộng sản lãnh đạo.
Việt Nam ta mang tên là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa và vẫn nói xây dựng chủ nghĩa xã hội, vậy theo mô hình nào, tiêu chí ra sao, chưa ai nêu ra. Trong nước ta hiện nay, cái gì là xã hội chủ nghĩa không ai chỉ ra được, đến Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nói “Đến hết thế kỷ này, cũng chưa hoàn thành được chủ nghĩa xã hội”. Cái mà gần 100 năm nữa chưa biết ra thế nào có phải là ảo tưởng không? Lại nói “Định hướng xã hội chủ nghĩa” là định hướng theo cái vô hình ư, thật mơ hồ. Vậy nên thôi nói xây dựng chủ nghĩa xã hội để khỏi tự bó buộc mình và dễ hòa đồng với thế giới. Nên giải thể hoặc cổ phần hóa các Tập đoàn kinh tế nhà nước, không giao cho nó vai trò chủ đạo nền kinh tế và nó cũng không có khả năng chủ đạo.
4. Lãnh đạo khác với Đảng trị. Không nên mọi việc đều do Bộ Chính trị quyết định một cách chủ quan, độc đoán. Phải thực hiện dân chủ, tôn trọng các quyền tự do của công dân được ghi trong Hiến pháp; phải đồng hành với dân, lắng nghe ý kiến của dân, của các chuyên gia, các nhà kinh tế giỏi trong, ngoài nước trong đó có ý kiến của ông Lý Quang Diệu; lắng nghe những ý kiến tâm huyết của những nhà trí thức chân chính, những ý kiến xây dựng của các nhân sĩ ngoài Đảng, của các Đảng viên lão thành trung thực, nói thẳng nói thật. Không nên đàn áp những người có ý kiến bất đồng, những người đấu tranh cho độc lập chủ quyền của Tổ quốc. Bộ Chính trị không nên tự cho mình là giỏi giang, sáng suốt nhất nước (thực tế không phải như vậy), mà phải quý trọng thu hút hiền tài. Những cái ghế, cái ngai không phải là quan trọng mà những người nào làm được cho Tổ quốc cường thịnh mới là quan trọng nhất.
5. Quan trọng hơn hết là phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường vốn có của dân tộc ta. Tự lực, tự cường phải xây dựng và phát triển nội lực, nội lực chính là lòng dân và sức dân. Gắn bó với dân, dựa vào dân thì sẽ có tất cả. Từ các triều đại phong kiến đánh bại được quân xâm lược phương Bắc, giữ được nước cũng là nhờ có sức mạnh của dân, Cách mạng tháng 8 giành lại được độc lập, xây dựng được chính quyền cũng là nhờ được sức mạnh của hàng vạn, hàng triệu dân (vũ khí bấy giờ không đáng kể). Tất nhiên cần có vua sáng, tôi hiền, có lãnh đạo kiệt xuất, tướng lĩnh tài ba biết động viên và phát huy sức mạnh toàn dân. Hiện nay, do yếu kém không tạo được sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc thành ra lệ thuộc. Cái gì giới cầm quyền TQ đề xuất vì lợi ích của họ đều phải chấp nhận, cái gì TQ không muốn đều không dám làm. Thế thì tinh thần độc lập tự chủ ở đâu? Tại sao không làm được như Miến Điện?
Ta đã đề ra chính sách ngoại giao “Đa dạng hóa, đa phương hóa, Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau, không can thiệp vào nội bộ của nhau”là rất đúng. Vậy cần phát triển quan hệ thân thiện, bình đẳng, cân bằng với các nước lớn, Mỹ cũng như TQ, không ngả theo bên nào. Đối với những vấn đề thuộc lợi ích quốc gia của ta, ta cứ hành xử theo tình thần độc lập tự chủ, không việc gì phải e ngại ai.
N.T.V
----------------
(Tác giả gửi bản thảo đến BVB)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét