* MINH DIỆN
Cách đây không lâu khi nghe tin chị Trần Thị Ngọc Sương (Ba Sương) quay về lại nông trường Sông Hậu giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty Sohafood, tôi đã gọi điện nói với Đại tá Bùi Văn Bồng: “Anh có gặp Ba Sương chuyển lời tôi, nói với chị ấy thôi đừng ham hố nữa! Đời này, làm ăn chân chính, lương thiện, cạnh tranh lành mạnh không dễ đâu!”. Không biết Bùi Văn Bồng có gặp và chuyển lời không? Mấy hôm nay trên một số trang mạng, đưa tin chị Ba Sương đã tự nguyện rút khỏi hai chức vụ trên, nhưng vẫn nhận chức “cố vấn”. Một lần nữa tôi lại muốn khuyên người phụ nữ nổi tiếng này: “ Ba Sương hãy biết dừng, không dấn thân nữa!”.
Tôi gặp Ba Sương lần đầu vào năm 1979.
Hôm ấy nhóm phóng viên chúng tôi trên đường từ biên giới Campuchia về, ngang qua Hậu Giang. Đã gần xế chiều, bụng đói meo, mấy đứa bảo nhau: “Ghé Năm Hoằng kiếm bữa nhậu và ký gạo làm quà!”.
Thế là chiếc xe JEB .rẽ vào con đường đất gập ghềnh .thẳng tiến nông trường Sông Hậu. Anh Năm Hoằng nhìn thấy chúng tôi cười khầng khậc .: “Tụi bay biết điều đó nghen! Qua đây mà không ghé thì dứt tình đồng đội!”.
Năm Hoằng khổ người cao lớn, trán vuông miệng rộng, giọng nói trong, sắc, rõ rành. Ông từng là một người lính lăn lộn hàng chục năm ở chiến trường miền Tây và đã mang hàm thiếu tá. Hồi đó lên cấp tá khó gấp mấy lần lên tướng bây giờ. Có người cả chục năm đánh trận, bể đầu sứt trán, được phong danh hiệu dũng sĩ, huân chương đỏ ngực mà vẫn chỉ là anh thượng sỹ i-nox. Cấp tá ở Quân khu như Năm Hoằng ngày ấy có thể đếm trên đầu ngón tay và oai phong lắm.
Ấy thế mà vừa buông súng lột lon cởi áo lính xin ra quân. Có người bảo: “Cha này cáo! Cởi áo lính khoác áo quan dân sự!”. Nhưng Năm Hoằng không phải người tham chức. Ngồi chưa nóng đít trên cái ghế Phó Ty nông nghiệp tỉnh Hậu Giang , Năm Hoằng xin đi khai hoang. Anh tâm sự với bạn bè : “ Nhìn đất bỏ hoang mà dân không có ruộng đau ruột lắm, với lại nhớ đồng đội mình ngoài bưng đìa...”
Thế là khoác ba lô, kéo theo 16 “thằng chí cốt” vào vùng chiến khu xưa bên dòng sông Hậu.
Gần bốn năm thi gan với đỉa, muỗi, rắn rết , gỡ từng trái bom đạn chưa kịp nổ trong chiến tranh, Năm Hoằng và những người quyết sống chết với đất đã khai phá được hàng trăm mẫu hoang, lập Nông trường Sông Hậu , quy tụ những người nông dân nghèo các nơi về làm ăn sinh sống.
Hôm ấy Nằm Hoằng đãi chúng tôi bữa cơm thịnh soạn. Cá lóc nướng trui, canh chua cá bông lau, chuột đồng, ba ba... Mọi người quây quần trên bãi cỏ bờ sông. Khói rơm nghi ngút mùi thơm ngậy . Lửa bập bùng nhuộm đỏ sông Hậu. Giữa cảnh đồng quê và không khí thân mật ấy, một cô gái nhỏ nhắn, mặc bộ ba ba đen , khuôn mặt căng tròn tràn đầy sức sống xuất hiện. Cô chèo xuồng tấp vào bờ , cùng mấy chị em ríu rít mang bún, bánh tráng lên, rồi xà vào làm các món ăn. Bàn tay cô gái thoăn thoắt , khéo léo như một nghệ sỹ múa. Món ăn nào nhìn cũng bắt mắt và rất ngon . Anh Đình Khuyến, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam khen nức nở. Năm Hoằng không dấu diếm tự tự hào, giới thiệu:
-Con gái tao đó ! Năm 1965, mới 16 tuổi nhỏ đã đoạt giải nhất cuộc thi “nữ công gia chánh” tỉnh Bạc Liêu. Con Việt cộng mà được chế đội cộng hòa tôn vinh vậy mới ngon chớ!
Đó chính là Trần Ngọc Sương, tức Ba Sương ,con thứ hai của Năm Hoành. Năm ấy Ba Sương 30 tuổi , nhờ vóc dáng nhỏ nhắn nhìn trẻ hơn. Sau khi đoạt giải nhất cuộc thi, Trần Ngọc Sương vào trường Cao đẳng nữ công gia chánh, tốt nghiệp đi dạy học. Sau giải phóng ,vì mê làm ruộng, Năm Hoành xúi con gái cưng bỏ nghề giáo sang nghề nông, và thế là Trần Ngọc Sương đã vào Trường đại học nông nghiệp Cần Thơ...
Ứớc mơ của Năm Hoàng truyền sang cả con gái, là xây dựng một mô hình sản xuất nông công nghiệp khép kín , trong đó các hộ nông dân được cấp đất làm nhà, canh tác riêng theo nếp đồng quê Nam Bộ trong một tổng thể quy hoạch chung, được hướng dẫn khoa học kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm, sinh hoạt, học hành , chăm sóc sức khỏe trong một cộng đồng đoàn kết thương yêu nhau. Có thể nói đó là một mô hình xã hội chủ nghĩa cởi mở , đào thải bớt nguyên tắc tập trung quan liêu bao cấp, mang mầu sắc một đặc khu kinh tế, xã hội nông công nghiệp hiện đại. Không ít lời ra tiếng vào đối với cái mô hình ấy. Có người mách với trung ương là Năm Hoằng lấy đất nhà nước phát canh thu tô bóc lột nông dân....
Thế rồi trong bối cảnh các hợp tác xã ở miền Bắc quằn quại , bể vỡ , các tập đoàn sản xuất trong Nam bung xé và, cách nông trường Sông Hậu không xa, nông trường Cờ Đỏ theo nguyên mẫu nông trường quốc doanh miền Bắc, bị bế tắc , thì mô hình Năm Hoành được nhìn nhận.
Năm 1979, cả nước không đạt được chỉ tiêu 21 triệu tấn lương thực (chỉ đạt 17 triệu tấn) 67% dân số đói nghèo, chính phủ phải nhập hạt bo bo của Ấn Độ về chống đói. Trong khi đó nông trường Sông Hậu bội thu, dư thóc gạo, cán bộ công nhân viên và hàng ngàn nông dân có cuộc sống no đủ. Nông trường Sông Hậu thành điểm sáng của cả nước.
Đêm ấy giữa cánh đồng bao la , nhìn ngàn vạn đốm lửa đỏ rực giữa mùa gió chướng, Năm Hoằng hào hứng nói với chúng tôi:
-Nhất định thành công! Cái gì tao chưa làm được thì con gái tao sẽ làm! Nông trường Sông Hậu dứt khoát trở thành một mô hình xã hội chủ nghĩa !
Đứng bên cạnh ba, đôi mắt Trần Ngọc Sương hút lấy ngàn vạn đốm lửa như pháo hoa trên trời. Bấy giờ, ai mà biết được cô gái nhỏ nhắn sắc xảo, thông minh ấy sẽ đạt đến tột đình vinh quang, rồi rơi tõm xuống đáy bùn như chị.
Tốt nghiệp đại học nông nghiệp Cần Thơ, Ba Sương thực tập ở nông trường Sông Hậu , và sau khi đi nghiên cứu sinh tại Liên Xô về , Ba Sương trở thành phụ tá đắc lực cho giám đốc Trần Ngọc Hoàng. Nông trường mỗi ngày một ăn nên làm ra , diện tích canh tác lên tới 7000 hec ta, số cán bộ công nhân viên và hộ nông dân lên tới 40.000 người, trở thành điền hình tiên tiến cả nước, được Tổng bí thư đến thăm. Khi ông Trần Ngọc Hoàng qua đời, Trần Ngọc Sương lên thay, nông trường Sông Hậu vẫn là một “ Đơn vị kinh tế Nhà nước nổi bật”. Ba Sương được chọn là “ Người phụ nữ tài năng toàn quốc”, “ Người phụ nữ ấn tượng khu vực châu Á-Thái Bình dương” hai lần được thưởng Huân chương lao động, và cũng như cha, được phong danh hiệu Anh hùng . Thế rồi từ đỉnh cao chót vót ấy bị lôi tuột xuống vành móng ngựa.
Tại sao và bắt đầu từ đâu ?
Năm 2005, ban lãnh đạo tỉnh Cần Thơ lập quy hoạch xây dựng khu đô thị mới và cụm công nghiệp tập trung với sự đầu tư của nước ngoài trên toàn bộ diện tích nông trường Sao Đỏ và Sông Hậu. Theo quy hoạch đó , hơn 7000 mẫu đất Anh hùng lao động Trần Ngọc Hoàng cùng bao người đổ mồ hôi và máu khai khẩn trở thành bờ xôi, ruộng mật trù phú , sẽ lọt vào tay một nhóm lợi ích , đẩy hàng ngàn nông dân vào cuộc sống bấp bênh. Ba Sương chống lại chủ trương đó. Chống bền bỉ và quyết liệt. Dù được hứa hẹn bố trí một cái ghế cao sang hơn nhưng Ba Sương không tham. Dù bị đe bắt nghỉ hưu, Ba Sương không sợ. Người phụ nữ bướng bỉnh này dứt khoát không buông mảnh đất thấm mồ hôi người cha mà cũng là thần tượng của mình. Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt sau khi nghe nhiều nguồn thông tin, đã viết thư cho thành ủy Cần Thơ tỏ thái độ không đồng tình chuyển đất nông nghiệp ở nông trường Sông Hậu thành đất công nghiệp. Người ta cho rằng , chính Ba Sương đã tác động đến anh Sáu Dân , thế là đòn trừng phạt giáng xuống đầu chị.
Hết thanh tra rồi điều tra. Không tìm ra được tham ô. Ba Sương là một phụ nữ ba không : Không chồng con, không nhà cửa, không tài sản. Người phụ nữ này đã quên mình dấn thân thực hiện hoài bão của cha để lại, nên không nghĩ đến chuyện riêng tư. Khi được nhận giải thưởng 10.000 đô la danh hiệu “ Người phụ nữ ấn tượng khu vực châu Á- Thái Bình Dương” , Ba Sương mang tặng Hội bà mẹ và trẻ em tỉnh Cần Thơ không giữ lại đồng nào. Nhưng người ta đã tìm tội “Lập quỹ trái phép gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 166 Bộ luât hình sự , kết án Trần Ngọc Sương 8 năm tù...
Tôi không muốn kể lại các tình tiết vụ án tréo ngoe ấy nữa. Tôi chỉ xin nhắc lại lần gặp Ba Sương ngày ấy. Hình ảnh một cô gái căng đầy sức sống mấy chục năm trước đã biến mất. Hình ảnh một nữ giám đốc sôi nổi cũng không còn. Trước mặt chúng tôi một con người nhỏ bé , tàn tạ, khuôn mặt nhăn nheo, hốc hác , mái tóc bạc xơ xác. Con người ấy run run bám vào bậu cửa, hai bàn tay xanh xao, gầy guộc như nhánh bạch đàn khô, ngửa cổ lên thở dốc . Trong ánh sáng lờ mờ , thân hình nhỏ bé tiều tụy như chao đảo cùng căn nhà cấp 4 tồi tàn, xập xệ , vách ván mái tôn, nền gạch cũ nứt toác ngoằn ngoèo màu đen xỉn. Chị chậm chạp đốt ba nén nhang cắm trước di ảnh người cha quá cố- thiếu tá quân đội , anh hùng lao động Trần Ngọc Hoàng-nước mắt ứa ra hai khóe mắt chân chim và loáng ướt trên mặt . “ Ba ơi!- Chị cất giọng cay đắng-Cuộc đời không ai học được chữ ngờ ba ạ! Giờ đây con vừa phải chống chọi với bệnh tật, với cáo buộc của cơ quan pháp luật, và con lại sắp bị đuổi ra khỏi căn nhà thuê của nông trường này ba à. Nhưng còn sống ngày nào con sẽ còn tìm lẽ phải cho mình ba ạ!”
Nhờ công luận và những người tử tế, Ba Sương mới tìm được lẽ phài, thoát khỏi cái án oan người ta cố tình áp đặt.
Sau khi bị oan trái , nàng Kiều đã phải thốt lên: “ Tấm lòng trinh bạch từ nay xin chừa!”
Tôi tưởng Ba Sương cũng ngẫm nghĩ kỹ sự đời và thời thế , đoạn tuyệt với quá khứ, dù đó là ánh hào quang , vậy mà chị lại hăm hở quay lại nông trường Sông Hậu. Chị nói : “ Tôi trở về với mục đích cùng công ty tháo gỡ những khó khăn , đặc biệt là trả nợ tiền cá cho nông dân!”
Không ai nghi ngờ sự dấn thân và sự thành tâm của chị. Nhưng cái thời người ta có thể dùng khả năng sẵn và nhiệt tình của mình để chứng minh đã qua rồi. Cái thời sủng xoảng kim tiền và lợi ích nhóm đã và đang thống trị. Ba Sương dẫu có tài năng và nhiệt tình bao nhiêu nhưng đơn thương độc mã thì chỉ chuốc lấy thất bại mà thôi. Tôi đã nói với Bùi Văn Bồng như vậy. Và kết quả đúng là như thế.
Sohafood dưới sự điều hành của Chủ tịch hội đồng quản trị Trần Thanh Long và giám đốc Nguyễn Tấn Thanh đã đứng trước bờ vực phá sản. Ngày 4-7-2013 , Trần Thanh Long xin từ chức vì: “Tôi không thể tiếp tục. Xin quý vị cổ đông thông cảm và hiểu cho hoàn cảnh của tôi. Việc nắm giữ lực bất tòng tâm và tôi hoàn toàn không thể”. Ngày 28-7-2013, giám đốc Nguyễn Tấn Thanh cũng làm đơn xin từ nhiệm vì: “Trong 2 năm giữ chức giám đốc điều hành , tôi đã tìm mọi cách để công ty vượt qua khó khăn. Tuy nhiên thời gian gần đây hoạt động của công ty chỉ duy trì sự tồn tại”.
Cái gọi là duy trì sự tồn tại ấy là đang âm 70 tỷ đồng, đang nợ tiền cá cùa hàng chục nông dân với số tiền hàng chục tỷ. Bởi thế ngày 1-8-2013 đại hội cổ đông Sohafood đã đồng ý miễn nhiệm cả ông Long và ông Thành, bầu bà Trần Ngọc Sương làm Chủ tịch hội đồng quan trị kiêm giám đốc. Một lần nữa, con người từ cõi chết trở về lại hăm hở dấn thân tạo lập sự nghiệp trên một đống đổ nát. Sau ba tháng Ba Sương đã trả được 10% tiền nợ cá nông dân, đang có hợp đồng làm ăn với phía Bắc. Đúng lúc đó Nguyễn Tấn Thanh quay ngoắt lại, kích động nông dân phản đối Ba Sương , vì hứa sẽ thanh toán 20% tiền nợ cá nhưng chỉ thanh toán được 10%. Trời ơi, mới ba tháng trời chân ướt chân ráo từ cõi chết trở về, hai bàn tay trắng , vừa phải bảo đảm công ăn việc làm cho 1000 lao động, vừa xoay xỏa được 10 tỷ trả nợ đâu dễ? Nhưng nhiều chủ nợ đã vào hùa với Nguyễn Tấn Thanh , ký vào lá đơn thỉnh nguyện gửi lên Sở KH&ĐT tỉnh Cần thơ như sau: “Hiện tại người có tâm huyết và khả năng điều hành phục hồi lại Sohafood chỉ có ông Nguyễn Tấn Thanh, người có năng lực kinh nghiệm trong ngành thủy sản và là người có tiềm lực kinh tế, đặc biệt quan tâm đến bà con nông dân là ông Nguyễn Tấn Thanh”
Đúng là một sự tráo trở đến trơ trẽn. Hai năm điều hành công ty, đề thâm nợ hàng chục tỷ không trả đươc, đầy doanh nghiệp đến bờ vực phá sản (và theo đơn tố cáo của bà Ba Sương, ông Nguyễn Tấn Thanh còn đứng tên hai chủ tài khoản, thực hiện mua bán vòng vèo, lợi dụng chi hoa hồng tham nhũng hàng tỷ đồng) đã tự làm đơn xin từ nhiệm, vậy mà bỗng nhiên quay ngoắt lại vênh mặt lên, nói có nhiều kinh nghiệm, nhiều khả năng, tiềm lực và tấm lòng với nông dân?
Sau hai lần tổ chức Đại hội cổ đông bất thành, ngày 11-11-2013 Công ty Sohafood đã tổ chức họp cổ đông bất thường. Tại cuộc họp này bà Ba Sương đã tự nguyện rút lui chức Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc công ty được bầu từ 1-8-2013. Ông Trần Văn Trí chồng của nữ đại gia Diệu Hiền, Giám đốc Công ty chế biến thủy sản Bianficco phá sản vì đổ nợ hơn 2.000 tỉ, đã lén chạy sang Mỹ “chữa bệnh”, được bầu làm Chủ tịch HĐQT, và Nguyễn Tấn Thanh người mới xin từ nhiêm và bị miễn nhiệm 28-7-2013 được bầu lại làm giám đốc. Thật mỉa mai ! Thật bi hài! Nhà báo đã phỏng vấn vị giám đốc Nguyễn Tấn Thanh: “Lý do nào mà năm ngoái ông mua cá của nông dân để nợ kéo dài ,tự làm đơn xin từ nhiệm và đã bị miễn nhiệm, nay lại khẳng định nếu được khôi phục thì trả được nợ cho nông dân?”.. Nguyễn Tấn Thanh cúi đầu, lúng túng, đơ miệng không thể trả lời. .
Tấn trò đời ở Sohafood sẽ còn dài và khó mà biết rồi nó sẽ kết thúc thế nào? Nhưng Ba Sương hình như chưa tỉnh hẳn cơn mê, vẫn nhận chức “Cố vấn!”. Vì cái gọi là “Mô hình xã hội chủ nghĩa” mà Ba Sương đã đánh mất cái thiên chất cao quý nhất của ngưởi phụ nữ là lấy chồng sinh con, đã không màng đến của cải vật chất, và đã phải đứng trước vành móng ngựa oan uổng. Cái giá ấy chả phải là đã quá đắt cho một lý tưởng viển vông? Một lần nữa với tư cách người đồng đội của Năm Hoằng tôi khuyên chị đừng vì còn quá vững một niềm tin sắt đá mà dấn thân nữa. Cần nhận diện rằng: Cái chất ‘nguyên thể’ căn bản của Chủ nghĩa xã hội mà chị đau đáu gửi gắm niềm tin, nay đã bị lợi dụng và bị biến dạng và nhạt màu!
M D
--------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét