* Lộ trình cho đợt cải cách mới
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc phát đi tín hiệu sẽ cho ra mắt một loạt biện pháp cải cách sâu rộng chưa từng có trong kinh tế và tiền tệ, ngay trước thềm Hội nghị Trung ương ba, khóa 18, của đảng Cộng sản nước này.
"Làm sâu sắc hơn cải cách là nhu cầu và hơn nữa là cơ hội phát triển. Phạm vi, mức độ của đợt cải cách lần này sẽ là chưa từng có", China Daily dẫn lời ông Du Chính Thanh, một trong 7 ủy viên thường trực Bộ Chính trị, chủ tịch Ủy ban Chính hiệp Trung Quốc, phát biểu hôm 26/10 về Hội nghị Trung ương ba khóa 18 sắp tới.
Hội nghị sẽ được tổ chức tại Bắc Kinh từ 9 đến 12/11, đánh dấu một năm cầm quyền của Chủ tịch kiêm Tổng bí thư Tập Cận Bình. Hội nghị lần này được cho là sẽ giới thiệu một loạt các quyết sách quan trọng trên mọi lĩnh vực tại Trung Quốc, đặc biệt là trong các lĩnh vực kinh tế và tài chính tiền tệ.Để chuẩn bị cho hội nghị, Trung tâm nghiên cứu phát triển thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc hôm 1/10 công bố phương án cải cách tổng thể 383, với nội dung trọng tâm là "tư duy cải cách ba trong một, 8 lĩnh vực cải cách trọng điểm, ba nhóm biện pháp cải cách liên quan". Đây được cho là bản lộ trình cho đợt cải cách mới.
8 lĩnh vực trọng điểm cần cải cách sâu rộng gồm: các doanh nghiệp/ngành độc quyền, đất đai, tài chính, thuế và ngân sách, mở cửa, điều hành chính phủ, quản lý tài sản công, và phát triển xanh và sáng tạo.
Phương án 383 nêu lên tầm quan trọng, phạm vi và phương hướng thực hiện nhằm hoàn thiện cơ chế thị trường, chuyển đổi chức năng chính phủ và sáng tạo cơ chế vận hành doanh nghiệp. Các mục tiêu này được thực hiện từng phần trong giai đoạn 2013-2020.
Tác giả chính của phương án 383 là kinh tế gia Lưu Hạc, phó chủ nhiệm Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia. Được đào tạo tại đại học Harvard, ông Lưu trở nên nổi tiếng khi được Chủ tịch Tập Cận Bình giới thiệu là người rất quan trọng với mình tại cuộc họp với một đoàn đại biểu Mỹ.
Lưu Hạc là học giả chủ trương đẩy mạnh cải cách nền kinh tế thị trường tại Trung Quốc. Theo NY Times, việc ông Lưu tham gia vào quá trình trù bị hội nghị lần này, đặc biệt là công tác chuẩn bị văn kiện, như một tín hiệu về một phương án tự do hóa thị trường mạnh bạo sắp được ra mắt.
Lãnh đạo Trung Quốc quyết tâm cải cách
Truyền thông Trung Quốc trong thời gian qua cũng có một loạt tin bài viết về quá trình công tác của ông Tập Cận Bình tại Hà Bắc, Phúc Kiến, Chiết Giang và Thượng Hải, đặc biệt nhấn mạnh đến tư duy và những biện pháp cải cách của ông.
Theo trang tin tức Xinlang, ông Tập từng có những sáng kiến mở cửa thị trường du lịch địa phương khi công tác tại huyện Chính Định thuộc tỉnh Hà Bắc. Ông cũng thể hiện tầm nhìn xa rộng và sức hấp dẫn lớn trong việc đẩy mạnh mở cửa nền kinh tế Chiết Giang khi đảm nhiệm chức vụ bí thư tỉnh ủy của tỉnh này.
"Con đường mà Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường lựa chọn có lẽ sẽ mở ra một đợt cải cách kinh tế có sức ảnh hưởng sâu rộng nhất, kể từ khi Đặng Tiểu Bình có bài phát biểu quan trọng về cải cách tại Thâm Quyến năm 1992", ông William Rhodes, giám đốc quỹ State Street Global Advisers, quỹ quản lý tài sản lớn thứ hai trên thế giới, cho biết. Ông Đặng là kiến trúc sư trưởng của đường lối cải cách mở cửa tại Trung Quốc.
Rhodes cũng nhận định, thời hoàng kim của nền kinh tế Trung Quốc với tăng trưởng GDP ở mức hai con số đã kết thúc. Hội nghị lần này sẽ thông qua kế hoạch cải cách nhằm đảm bảo mức độ tăng trưởng của nước này đạt mục tiêu 7-7,5% một năm trong thời gian dài.
Khu vực mậu dịch tự do Thượng Hải chính thức thành lập hôm 29/9, được cho là nơi Trung Quốc tiến hành thí điểm các biện pháp cải cách mới, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Cách đây hơn 30 năm, Đặng Tiểu Bình từng đưa ra khái niệm đặc khu kinh tế và tiếp theo đó là sự ra đời lần lượt của các đặc khu kinh tế Thâm Quyến, Chu Hải, Sán Đầu, Hạ Môn và Hải Nam. Những khu vực trên chính là "vườn thí nghiệm" cho các biện pháp cải cách.
Trong lịch sử đảng Cộng sản Trung Quốc, các Hội nghị Trung ương ba luôn được chú ý đặc biệt, bởi những quyết sách liên quan đến các vấn đề cải cách lớn thường được đưa ra vào kỳ họp này.
Tại Hội nghị Trung ương ba khóa 11 năm 1978, Đặng Tiểu Bình tuyên bố kết thúc nền kinh tế kế hoạch, bắt đầu công cuộc cải cách mở cửa, khiến Trung Quốc đạt được tốc độ phát triển nhanh chóng, để rồi trở thành nền kinh tế thứ hai trên thế giới chỉ sau 35 năm.
Tại Hội nghị Trung ương ba khóa 14 năm 1993, nguyên Chủ tịch kiêm Tổng bí thư Giang Trạch Dân kêu gọi Trung Quốc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cùng với những cải cách quan trọng về cơ chế vận hành doanh nghiệp nhà nước và chuyển đổi chức năng chính phủ.
Hội nghị Trung ương ba khóa 16 năm 2003, do nguyên Chủ tịch kiêm Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào chủ trì, đã thông qua một loạt các biện pháp hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Chính vì vậy, hội nghị sắp tới trở thành tâm điểm chú ý trong toàn xã hội Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo nước này nhiều lần khẳng định, sau 35 năm cải cách mở cửa, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Trung Quốc cũng đang gặp nhiều thách thức mà chỉ có tiếp tục đi sâu cải cách mới giải quyết được.
"Các chính sách mới trong quá trình thực hiện chắc chắn sẽ gặp phải nhiều thách thức và cũng có những lý do để hoài nghi. Nhưng tôi cho rằng đánh giá thấp sự nhiệt tình và năng lực của lớp lãnh đạo Trung Quốc mới trên lĩnh vực cải cách kinh tế và tiền tệ là một sai lầm lớn", ông William Rhodes kết luận.
**NNhững vấn đề sống còn
Ba vấn đề sống còn mà Trung Quốc đang phải đối mặt, gồm tốc độ phát triển, cơ cấu kinh tế và mâu thuẫn xã hội, sẽ được đưa ra bàn luận trong Hội nghị Trung ương ba, khóa 18 của đảng Cộng sản nước này ngày mai.
Kể từ sau năm 1978 khi Trung Quốc bắt đầu đường lối cải cách mở cửa, Hội nghị Trung ương ba trở thành danh từ riêng ám chỉ lộ trình phát triển trong từng giai đoạn mới của nước này.
Hội nghị Trung ương ba khóa 11, do ông Đặng Tiểu Bình chủ trì năm 1978, đã đặt nền tảng quan trọng cho quá trình phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc 35 năm sau đó. Tuy nhiên, đi cùng với tốc độ phát triển nhanh chóng mặt là hàng loạt hệ lụy như phân hóa giàu nghèo, ô nhiễm môi trường và tham nhũng.
Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2009 khiến mô hình kinh tế Trung Quốc lộ ra những điểm yếu cố hữu cần giải quyết. Nhân tố tác động bên ngoài khiến mô hình phát triển kinh tế dựa vào đầu tư nước ngoài và xuất khẩu khó lòng duy trì lâu. Phân phối thu nhập không bình đẳng khiến mâu thuẫn xã hội ngày càng gay gắt. Đồng nhân dân tệ tăng giá, giá trị tài sản và bất động sản bị thổi phồng khiến ngành công nghiệp chế tạo mất đi ưu thế cạnh tranh.
Không gian phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ngày càng bị thu hẹp. Các ngành sản xuất tiêu hao nhiều năng lượng như sắt thép, than, điện lực và hóa học phát triển mạnh, gây ra nguy cơ ô nhiễm môi trường cao.
"Không giải quyết được các nguy cơ trên, thành quả của công cuộc cải cách mở cửa ở Trung Quốc sẽ chịu ảnh hưởng, phát triển lâu dài sẽ không thể thành hiện thực. Chính vì vậy, khó khăn và thách thức mà Hội nghị Trung ương ba lần này đối diện thách thức không hề ít hơn 35 năm trước", Financial Times dẫn lời Giáo sư Đào Thụ Khiết, giám đốc học viện nghiên cứu Trung Quốc đương đại thuộc đại học Nottingham, Anh.
Cũng chung nhận định trên, ông William Rhodes, giám đốc quỹ quản lý tài sản lớn thứ hai thế giới State Street Global Advisers, cho biết, thời kỳ hoàng kim của nền kinh tế Trung Quốc với tăng trưởng GDP đạt mức hai con số đã qua đi. Kỳ hội nghị này sẽ phải tập trung tìm ra giải pháp duy trì tốc độ phát triển 7-7,5% một năm trong thời gian dài.
Ba bài toán cấp bách
Tại Trung Quốc, tốc độ phát triển quá nóng là vấn đề lớn, ảnh hưởng đến khả năng phát triển của nền kinh tế trong tương lai. Hạ tăng trưởng GDP ở mức hợp lý không đồng nghĩa với dừng phát triển, mà là vì một xu thế phát triển lâu dài hơn, hiệu quả hơn. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gần đây cũng đặc biệt nhấn mạnh không lấy phát triển GDP làm tiêu chí đánh giá duy nhất.
“Chủ nghĩa GDP không những không thể góp phần xây dựng giấc mơ Trung Quốc mà còn sẽ có tác động phá hoại. Chủ nghĩa GDP không những không giúp Trung Quốc phát huy tiềm năng phát triển, mà sẽ hút cạn những tiềm năng ấy trong thời gian ngắn”, tờ Zaobao của Singapore dẫn lời Giáo sư Trịnh Vĩnh Niên, giám đốc học viện nghiên cứu Đông Á thuộc đại học quốc gia Singapore (NUS).
Chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế là câu trả lời cho bài toán nâng cao chất lượng tăng trưởng GDP. Nội hàm quan trọng của quá trình này là thông qua việc hạn chế ở mức thấp nhất tác động tiêu cực đến môi trường, nâng cao tăng trưởng GDP.
"Sáng tạo khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu suất sử dụng của nguồn nhân lực và tài nguyên trong ngành công nghiệp chế tạo, từ đó chuyển dịch nhân công sang lĩnh vực dịch vụ, là những bước quan trọng nhằm nâng cao nội lực nền kinh tế Trung Quốc", ông Đào Thụ Khiết cho biết.
Năm 2012, chính phủ Trung Quốc lần đầu tiên sau 10 năm công bố chỉ số đánh giá phân hóa giàu nghèo (Gini) của nước này đạt 0,474, vượt ngưỡng an toàn 0,4. "Phân phối không công bằng là ngọn nguồn của mọi vấn đề xã hội tại Trung Quốc", chuyên gia kinh tế Mao Vu Thức cho biết. Ông Mao nổi tiếng tại Trung Quốc với quan điểm ủng hộ tự do hóa tối đa nền kinh tế.
Cùng quan điểm trên, Giáo sư Trịnh thuộc NUS cho rằng "một xã hội ổn định cần hai yếu tố, thứ nhất là nền tảng phát triển kinh tế, thứ hai là cơ chế phân phối công bằng".
Đặng Tiểu Bình đưa ra khẩu hiệu "để một bộ phận khu vực và người dân giàu trước", nhằm mục đích khơi dậy tính tích cực trong lao động sản xuất của người dân. Nhưng vế sau của câu nói này cũng rất quan trọng, "để giúp đỡ những khu vực và người dân khác, từ đó đạt mục tiêu cùng giàu".
Chính vì vậy, cải thiện cơ chế phân phối kinh tế là một trong những vấn đề được quan tâm nhất trong kỳ hội nghị lần này. Nâng cao tỷ lệ tiền lương trong giá thành sản xuất, phá vỡ thế độc quyền, tăng cơ hội việc làm và xây dựng môi trường cạnh tranh kinh doanh công bằng hơn, được cho là những giải pháp quan trọng nhằm hạn chế tình trạng phân phối bất công hiện nay.
Các nhà lãnh đạo nước này nhiều lần khẳng định, sau 35 năm cải cách mở cửa, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Trung Quốc cũng đang gặp nhiều thách thức mà chỉ có tiếp tục đi sâu cải cách mới giải quyết được. Ông Du Chính Thanh, ủy viên thường trực Bộ Chính trị, chủ tịch Ủy ban Chính hiệp, từng phát biểu thể hiện quyết tâm của ban lãnh đạo nước này: "Làm sâu sắc hơn cải cách là nhu cầu và hơn nữa là cơ hội phát triển. Phạm vi, mức độ của đợt cải cách lần này sẽ là chưa từng có".
(VnEx - Đức Dương (tổng hợp)
---------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét