Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

OAN ÁN NGUYỄN THANH CHẤN


               * VÕ VĂN TẠO 
Mặc dù theo kế hoạch, hôm nay (6-11-2013) TAND Tối cao mới đưa vụ án oan sai Nguyễn Thanh Chấn (án chung thân về tội “giết người”, ở tù đã hơn 10 năm) ra xem xét lại theo thủ tục tái thẩm và chưa có thông tin kết quả, qua báo chí đã đăng tải, mọi người đều tin chắc tòa sẽ tuyên vô tội.
Nhiều ngày nay, vụ ông Chấn – vết đen nhục nhã trong lịch sử tư pháp hình sự - làm dư luận bàng hoàng, xôn xao kỳ họp Quốc hội, báo chí và dư luận đặc biệt quan tâm. Qua báo chí, mọi người hiểu cội nguồn của vụ án oan sai thấu trời xanh này. Khởi đầu là cách thức điều tra chà đạp thô bạo pháp luật của Công an Bắc Giang. Bằng hăm dọa, khủng bố, bức cung, dựng hiện trường – tạo chứng cứ giả, để “đại bàng” trại giam đánh đập nghi can… họ có được lời thú tội cùng chứng cứ trái bản chất sự thật để “hoàn tất” hồ sơ.
Viện Kiểm sát họp báo
Nhưng nội chỉ riêng cơ quan điều tra của công an có thể tạo ra cái án oan? Chắc chắn là không! Luật pháp hiện hành khá chặt chẽ. Trong và sau điều tra của công an, còn có viện kiểm sát. Sau nữa, lại còn có tòa án cân nhắc, xét xử.
Thực tế không ít vụ án đã lọt 2 cửa đầu, lại không thể lọt cửa cuối cùng là tòa án. Trường hợp công an và kiểm sát thống nhất là có tội, nhưng luật quy định tòa án khi xét xử, nếu nhận thấy không đủ căn cứ pháp lý và luận tội không thuyết phục, vẫn phải tuyên vô tội.
Vậy mà oan sai trong vụ án này từ công an lại lọt qua cửa Viện Kiểm sát Bắc Giang. Thậm chí, tại các phiên tòa ở cả 2 cấp xét xử: sơ thẩm (3-2004) – Tòa Bắc Giang và phúc thẩm (7-2004) – Tòa Tối cao, ông Chấn đều nhất mực kêu oan, nhưng đều không được hội đồng xét xử mảy may xem xét! Tệ hơn, như báo Tiền Phong đã phản ánh năm 2006, tòa còn phán: “bị cáo không đưa ra được những chứng cứ để chứng minh cho hành vi không phạm tội của mình”(!?!). Thât hết biết! Kiến thức pháp luật như vậy mà ngồi ghế quan tòa xử trọng án thì không oan sai, không chết người ta mới là chuyện lạ! Thực tế, người chập chững kiến thức pháp lý cũng phải rành nguyên tắc cốt yếu trong tố tụng hình sự: bị cáo không có nghĩa vụ chứng minh mình vô tội. Chứng minh bị cáo có tội là việc của cơ quan công tố. Trước tòa, nếu công tố viên chứng minh thiếu căn cứ và không thuyết phục, theo nguyên tắc suy đoán có lợi cho bị cáo thì công tố viên phải rút lại lời buộc tội, hoặc hội đồng xét xử phải bác bỏ sự buộc tội thiếu căn cứ và không thuyết phục đó.
Ông Chấn trở về
Điều tệ hại hơn: ông Chẩn cùng vợ làm đơn kêu oan gửi VKSND Tối cao ngay sau khi bị bắt để điều tra (9-2003) và ngay sau phiên tòa sơ thẩm (3-2004); năm 2006 lại gửi nhiều cơ quan khác (theo VKSND Tối cao, việc gửi “sai địa chỉ” như thế làm vụ án chậm được giải quyết(?). Ô hay! Dân bị oan thì biết làm gì hơn việc chạy kêu khắp các cửa. Gửi VKS chậm quyết thì phải cầu cứu nơi khác, biết làm sao? Sao không nhân vụ này mà xem xét luôn cái nghĩa vụ tối thiểu là chuyển đơn đến “đúng địa chỉ” của các cơ quan nói trên?); tháng 7-2013 lại có đơn đến VKSND Tối cao, “mách” hung thủ vụ giết người này là Lý Nguyễn Chung. Chung ra đầu thú, vụ án mới sáng tỏ. Chắc chắn trong vụ án này, nếu không “mách” ra hung thủ, và nếu Chung không nhận tội, ông Chẩn vẫn ở tù. Vậy thì nghĩa vụ làm sáng tỏ vụ án, trừng phạt tội ác, bảo vệ công lý của cơ quan điều tra, VKS và tòa án để ở đâu?
*
Mười năm ở tù oan nghiệt. Làm sao tính hết nỗi đau gia đình tan nát, vợ con họ hàng nhục nhã ê chề vì chồng, cha, người thân mang án giết người? Là con liệt sĩ, ông Chấn cùng cả nhà lại càng đau.
Mười năm là quãng đời rất dài và quý giá của tuổi sung sức, ông Chấn bị tù oan ức. Dù nghiệt ngã và cay đắng, nỗi oan được giải muộn màng vẫn hơn không!
*
Có điều, tại cuộc họp báo ngày 5-11-2013, VKSND Tối cao cho biết, đã khởi tố Lý Nguyễn Chung về các tội “giết người” và “cướp tài sản”. Nhưng những kẻ đã đẩy ông Chấn vào tù một cách oan khiên nghiệt ngã – những điều tra viên ép cung, bức cung, dựng hiện trường giả, tạo chứng cứ giả - những kẻ chủ ý gây ra tội ác này (chứ không phải “khách quan như VKSND Tối cao nhận định hôm họp báo); những kiểm sát viên, thẩm phán quan liêu vô cảm và thiếu trách nhiệm - không thực hiện chức trách bảo vệ công lý thì vẫn chưa thấy pháp luật “sờ” tới.
Không lẽ, các điều luật “tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội” (đ 293); “tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội” (đ 294); “tội ra bản án trái pháp luật” (đ 295); “tội dùng nhục hình” (đ 298); “tội bức cung” (đ 299); “tội làm sai lệch hồ sơ vụ án” (đ 300)…  trong chương XXII – Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp của Bộ luật hình sự chỉ được biên soạn để “làm cảnh”?
V.V.T.
----------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét